Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 16

"Tôi có thư cho cô," tôi nói.

"Cho tôi ư?" cô ta nói.

Đường dây trục trặc, vì thế chúng tôi gần như phải hét lên, một việc không có ích lắm cho việc truyền tải những cung bậc tình cảm tinh tế. Giống như nói chuyện trên một quả đồi lộng gió qua cổ áo bẻ dựng lên.

"Thật ra thì thư đề tên tôi, nhưng dường như nó được dành cho cô thì đúng hơn."

"Dành cho tôi sao?"

"Vâng, đúng thế," tôi nói. Ngay sau khi nói câu đó, tôi biết cả cuộc trao đổi ngốc nghếch này sẽ không nhanh chóng đi đến đâu cả.

Cô ta không nói gì một lát. Trong khi đó đường dây rõ dần lên.

"Tôi không biết chuyện gì đã diễn ra giữa cô và Chuột. Nhưng cậu ấy có nhờ tôi đến gặp cô, cho nên tôi mới gọi cô. Ngoài ra, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cô đọc thư cậu ấy."

"Và đó là lý do tại sao anh lặn lội từ Tokyo đến đây?"

"Đúng vậy."

Cô ta húng hắng ho, xin lỗi rồi nói, "Vì anh ấy là bạn anh?"

"Tôi nghĩ vậy."

"Anh có biết tại sao anh ấy không viết trực tiếp cho tôi không?"

Cô ta nói có lý.

"Tôi không biết," tôi nói một cách thành thực.

"Tôi cũng không biết. Ý tôi là, tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc. Có đúng vậy không?"

Tôi không biết và tôi nói với cô ta thế. Tôi nằm trên giường khách sạn, ống nghe trên tay, mắt nhìn lên trần nhà. Tôi có thể đang nằm dưới đáy đại dương đếm cá, tôi nghĩ. Liệu tôi phải đếm bao nhiêu con thì mới có thể nói là đã xong?

"Anh ấy biến mất năm năm trước. Tôi lúc đó hai mươi bảy tuổi," cô ta nói, giọng xa xăm nghe như tiếng vọng từ đáy giếng. "Nhiều thứ có thể thay đổi trong năm năm."

"Đúng thế," tôi đáp.

"Và thật sự là, ngay cả khi không có điều gì thay đổi, tôi cũng không nhìn sự việc theo cách ấy. Tôi không muốn chấp nhận điều đó. Nếu vậy tôi sẽ không thể vác mặt đi đâu hết. Vậy là với riêng tôi, mọi thứ hoàn toàn thay đổi."

"Tôi nghĩ là tôi hiểu," tôi nói.

Một khoảng im lặng ngắn ngủi bao trùm lên chúng tôi.

Chính cô ta là người phá vỡ sự yên lặng. "Lần cuối anh gặp anh ấy là lúc nào?" cô hỏi.

"Mùa xuân, năm năm trước, ngay trước khi cậu ấy bỏ đi."

"Và anh ấy có nói gì với anh không? Ý tôi là tại sao anh ấy lại rời thị trấn...?"

"Không."

"Vậy là anh ấy đi mà cũng không báo trước cho anh?"

"Đúng thế."

"Và anh nghĩ sao? Ý tôi là, ngay lúc đó."

"Về việc cậu ấy bỏ đi như thế ư?"

"Vâng."

Tôi ngồi thẳng dậy rồi tựa lưng vào tường. "À, tôi cứ nghĩ chắc chắn là cậu ấy sẽ từ bỏ và quay trở lại sau sáu tháng. Tôi chưa bao giờ nghĩ cậu ấy thuộc loại người theo đuổi lâu dài cùng một thứ."

"Nhưng anh ấy không trở lại."

"Đúng, cậu ấy không trở lại."

Có một chút ngập ngừng ở đầu dây bên kia.

"Giờ anh đang nghỉ ở đâu?" cô ta hỏi.

Tôi nói cho cô ta tên khách sạn.

"Tôi sẽ gặp anh ngày mai lúc năm giờ. Quán cà phê trên tầng tám được chứ?"

"Được thôi," tôi nói. "Tôi sẽ mặc áo thể thao trắng và quần cotton xanh lá cây. Tôi tóc ngắn và..."

"Tôi hình dung ra rồi," cô ta nói, vui vẻ ngắt lời tôi. Rồi cô ta cúp máy.

Tôi đặt ống nghe xuống. Cô ta muốn nói gì, cô ta hình dung ra được tôi ư? Tôi thì không hình dung ra được, nhưng mà nghĩ lại, có nhiều thứ tôi không biết tí gì. Năm tháng đương nhiên đã chẳng khiến tôi khôn ngoan hơn. Tính cách có thể thay đổi, nhưng sự tầm thường thì không, như một nhà văn Nga đã nói. Người Nga biết cách dùng cách ngôn. Có lẽ họ đã dành cả mùa đông mới nghĩ ra được chúng.

Tôi đi tắm vòi hoa sen, gội mái tóc đẫm nước mưa, thế rồi, khăn tắm quấn quanh eo, tôi xem một bộ phim Mỹ cũ trên ti vi nói về tàu ngầm. Cốt truyện có nhiều lỗ hổng, tay thuyền trưởng và thuyền phó liên tục đấu đá nhau. Cái tàu ngầm là một vật cổ lỗ, và có một thằng cha mắc chứng sợ không gian đóng kín. Nhưng tất cả đều không ngăn cản được việc cuối cùng mọi thứ đều kết thúc tốt đẹp. Bộ phim thuộc loại mọi-thứ-đều-kết-thúc-tốt-đẹp-vì-thế-có-lẽ-rốt-cuộc-thì-chiến-tranh-không-đến-nỗi-quá-tệ. Một ngày nào đó họ sẽ làm một bộ phim mà cả nhân loại bị hủy diệt trong cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng cuối cùng mọi thứ đều kết thúc tốt đẹp.

Tôi tắt ti vi, trèo vào giường và ngủ thiếp đi sau mười giây.

Năm giờ chiều hôm sau, cơn mưa phùn vẫn chưa dứt. Trước cơn mưa là cả bốn năm ngày bầu trời đầu hè trong lành mát mẻ, khiến mọi người cứ tưởng mùa mưa đã kết thúc. Từ cửa sổ tầng tám, mặt đất trông tối tăm và ẩm ướt đến từng centimet vuông, dòng xe cộ bị nghẽn kéo dài mấy cây số trên làn phía Đông của con đường cao tốc trên cao.

Trong lúc tôi không ngừng nhìn trân trân, mọi thứ bắt đầu tan trong mưa. Trên thực tế, mọi thứ trong thị trấn đang tan ra. Đê chắn sóng, cần trục, các dãy nhà, những thân hình dưới những chiếc ô đen, mọi thứ. Ngay cả cây cỏ cũng đang chảy từ trên đồi xuống. Nhưng khi tôi nhắm mắt trong vài giây rồi mở mắt ra, cả thị trấn lại quay trở về trạng thái ban đầu. Sáu chiếc cần trục sừng sững trong khói bụi mù mịt, tàu hướng về phía Đông như thể động cơ vừa mới khởi động lại, từng đám ô len lỏi đi tới đi lui qua các dãy phố đầy cửa hiệu, những ngọn đồi xanh thấm đầy mưa tháng Sáu.

Ở khu trũng giữa quán cà phê, một phụ nữ mặc váy hồng tươi bên chiếc đại dương cầm màu xanh nước biển đang chơi các bản nhạc trong-quán-cà-phê-khách-sạn tinh tế đầy những hợp âm rải và nhấn lệch. Thật ra thì không tồi, dù không một tiếng vọng nào còn lưu lại trong không gian ngoài nốt cuối cùng của mỗi bản nhạc.

Đã quá năm giờ chiều mà cô ta vẫn chưa tới. Vì không có gì khá hơn để làm, tôi uống một tách cà phê nữa và ngắm người chơi đàn. Cô trạc hai mươi tuổi, mái tóc ngang vai tạo dáng không chê vào đâu được như lớp kem trên mặt bánh. Mái tóc được tạo dáng ấy lắc lư đầy hứng khởi, qua trái rồi qua phải, theo điệu nhạc, rồi vụt trở về vị trí trung tâm khi bản nhạc kết thúc. Rồi bản nhạc tiếp theo bắt đầu.

Cô gái khiến tôi liên tưởng đến một cô bé tôi từng biết hồi học lớp ba, khi tôi đang theo học đàn dương cầm. Cùng tuổi, cùng lớp. Chúng tôi thỉnh thoảng phải chơi đôi với nhau. Nhưng tên và khuôn mặt cô bé, tôi hoàn toàn quên mất. Tất cả những gì tôi nhớ về cô bé là đôi tay xanh xao nhỏ tí xíu, mái tóc đẹp và chiếc váy đầm bồng bềnh.

Thật đáng ngại khi nhận ra điều này. Tôi đã tước lột của cô đôi bàn tay, mái tóc và chiếc váy đầm ư? Phần còn lại của cô vẫn còn sống không bị trói buộc ở đâu đó chứ? Tất nhiên, điều này là không thể. Không có tôi thì thế giới vẫn tiếp diễn. Mọi người sang đường mà không hề có sự can thiệp của tôi, gọt bút chì, di chuyển bốn lăm mét một phút từ Tây sang Đông, lấp đầy quán cà phê bằng thứ âm nhạc đã được tinh lọc thành hư không.

"Thế giới" – cái từ luôn khiến tôi liên tưởng đến một con rùa và những con voi đang đỡ một cái đĩa khổng lồ mà không hề biết mệt. Những con voi không hề biết đến vai trò của con rùa, và con rùa không thể trông thấy những con voi đang làm gì. Và cả voi lẫn rùa đều không hề nhận thức được cái thế giới trên lưng chúng.

"Xin lỗi đã để anh phải đợi," một giọng phụ nữ vang lên từ phía sau tôi. "Công việc muộn, tôi không thể dứt ra được."

"Không vấn đề gì. Dù sao thì hôm nay tôi cũng có gì để làm đâu."

Cô ta đặt chìa khóa lên mặt bàn và gọi một ly nước cam mà không thèm nhìn đến thực đơn. Tuổi cô ta không dễ đoán. Nếu cô ta không nói trước với tôi qua điện thoại, có lẽ tôi sẽ không biết được. Nếu cô ta nói cô ta ba mươi ba tuổi, cô ta hẳn sẽ trông như người ba mươi ba tuổi đối với tôi. Nếu cô ta nói cô ta hai mươi bảy tuổi, cô ta hẳn sẽ trông như người hai mươi bảy tuổi đối với tôi. Nhìn qua thì thế.

Gu ăn mặc của cô ta đơn giản một cách tinh tế. Quần cotton trắng rộng, áo ca rô màu cam và vàng, tay áo xắn đến khuỷu tay, và một chiếc túi khoác vai bằng da. Không có gì mới, nhưng ít nhất là đều được giữ gìn cẩn thận. Cô ta không đeo nhẫn hay dây chuyền hay vòng tay hay khuyên tai. Tóc mái cô ta ngắn và được hất nhẹ sang bên.

Những nếp nhăn nhỏ xíu nơi đuôi mắt cô ta có thể đã nằm sẵn đó từ thuở lọt lòng hơn là dần có cùng với thời gian. Chỉ có cần cổ trắng trẻo, mảnh mai lộ ra từ cổ áo mở khuy và mu bàn tay cho thấy tuổi cô ta. Mọi người bắt đầu già đi từ sớm, rất sớm. Dần dần nó sẽ làm ra toàn thân như một vết ố không thể tẩy được.

"Loại công việc gì vậy?" tôi đánh bạo hỏi.

"Vẽ phác thảo tại một văn phòng kiến trúc sư. Tôi làm ở đó đã lâu rồi."

Câu chuyện bị bỏ dở nửa chừng. Tôi chậm rãi lấy ra một điếu thuốc rồi châm hút. Người chơi đàn đã ngừng chơi, đậy nắp đàn đi nghỉ giải lao đâu đó. Tôi ghen tị với cô.

"Anh chơi với anh ấy được bao lâu rồi?" cô ta hỏi.

"Mười một năm, chắc vậy. Còn cô?"

"Hai tháng, mười ngày," cô trả lời ngay. "Từ khi tôi lần đầu gặp anh ấy cho đến lúc anh ấy biến mất. Hai tháng và mười ngày. Tôi nhớ vì tôi ghi nhật ký."

Nước cam đến và tách cà phê trống trơn của tôi nhanh chóng được dọn đi.

"Tôi đợi ba tháng sau khi anh ấy biến mất. Tháng Mười hai, tháng Một, tháng Hai. Lúc lạnh nhất trong năm. Có lẽ năm đó là năm có mùa đông lạnh?"

"Tôi không nhớ," tôi nói, dù cái lạnh của mùa đông năm năm về trước dường như mới hôm qua.

"Anh đã bao giờ đợi một người đàn bà như thế chưa?"

"Chưa," tôi nói.

"Người ta chăm chăm đợi một ai đó và sau một khoảng thời gian thì chuyện gì diễn ra cũng hầu như không quan trọng nữa. Có thể là năm năm hay mười năm hay một tháng. Cũng giống nhau cả thôi."

Tôi gật đầu.

Cô ta uống nửa ly nước cam.

"Sự việc diễn ra theo cách đó khi tôi mới lấy chồng," cô ta nói. "Tôi luôn là người phải đợi, cho đến khi tôi mệt mỏi vì chờ đợi, và cuối cùng tôi không còn quan tâm nữa. Lấy chồng lúc hai mươi mốt tuổi, ly dị lúc hai mươi hai. Sau đó tôi đến đây."

"Giống như vợ tôi."

"Giống cái gì kia?"

"Lấy chồng lúc hai mươi mốt tuổi, ly dị lúc hai mươi hai."

Cô ta săm soi khuôn mặt tôi một lúc. Rồi khuấy nước cam bằng que khuấy. Có vẻ như tôi đã nói ra một cách không cần thiết.

"Khi người ta trẻ, thật khó khi lấy chồng rồi ly dị ngay sau đó," cô ta nói. "Thực tế là người ta tìm kiếm một điều gì đó hai-chiều và không có thật. Cái đó không bao giờ kéo dài được lâu. Nhưng người ta cũng không thể trông mong một điều không thật lại kéo dài được, đúng không?"

"Chắc vậy."

Trong vòng năm năm từ lúc tôi ly dị đến khi gặp anh ấy, tôi một thân một mình ở cái thị trấn này. Sống một cuộc sống, xem nào, khá là không thật. Tôi hầu như không biết một ai, hầu như không ra ngoài, không một mối tình vắt vai. Sáng ra tôi thức dậy, đến văn phòng, vẽ các đồ án, ghé qua siêu thị mua sắm trên đường về nhà, rồi ăn tối một mình ở nhà. Tôi nghe đài FM, đọc, viết nhật ký, giặt tất trong buồng tắm. Căn hộ của tôi gần biển, vì thế luôn có tiếng sóng. Nó lạnh lẽo và cô đơn."

Cô ta uống nốt ly nước cam.

"Có vẻ như tôi đang làm anh chán ngấy."

Tôi lắc đầu.

Quá sáu giờ. Đèn trong văn mờ bởi lúc này là giờ cocktail. Đèn trong thị trấn bắt đầu nhấp nháy. Đèn đỏ bật sáng trên cần trục. Có thể nhìn rõ những hạt mưa bụi bay bay qua bóng tối đang thẫm dần.

"Cô muốn uống chút rượu không?" tôi hỏi.

"Người ta gọi vodka với nước bưởi là gì ấy nhỉ?"

"Là salty dog."

Tôi vẫy người hầu bàn, gọi một ly salty dog và một ly Cutty Sark pha đá.

"Chúng ta nói chuyện đến đâu rồi?"

"Cuộc đời lạnh lẽo và cô đơn của cô."

"Xem nào, nếu anh thật sự muốn biết, không phải lúc nào nó cũng lạnh lẽo và cô đơn," cô ta nói. "Chỉ là tiếng sóng thôi. Chỉ riêng cái đó là đủ khiến mọi thứ trở nên hơi u buồn. Khi tôi dọn đến, người quản lý nói tôi sẽ quen với nó nhanh thôi, nhưng tôi vẫn chưa quen được."

"Biển không còn đó nữa."

Cô ta khẽ mỉm cười. Một chút chuyển động ở những nếp nhăn nơi đuôi mắt cô. "Đúng vậy. Như anh nói, biển không còn đó nữa. Nhưng dù vậy, tôi thề là thỉnh thoảng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng sóng. Nó có lẽ đã hằn sâu trong tai tôi qua từng ấy năm."

"Rồi Chuột xuất hiện."

"Vâng. Mặc dù tôi chưa bao giờ gọi anh ấy bằng cái tên đó."

"Vậy cô gọi cậu ấy là gì?"

"Bằng tên anh ấy. Như mọi người khác."

Họ mang đồ uống ra. Cô ta nhấp một ngụm salty dog rồi lấy khăn ăn lau muối trên môi. Chiếc khăn ăn có chút dấu vết son môi. Rồi cô gấp chiếc khăn có vết son lại một cách khéo léo và đặt xuống.

"Anh ấy, tôi biết nói thế nào nhỉ... còn hơn là phi thực. Anh hiểu tôi muốn nói điều gì chứ?"

"Chắc là hiểu."

"Tôi đoán phải có một ai phi thực như anh ấy để làm tan vỡ cái sự phi thực nơi tôi. Tôi nhận ra điều đó ngay lần đầu tôi gặp anh ấy. Đó là lý do tại sao tôi thích anh ấy. Hoặc có thể tôi chỉ nghĩ vậy sau khi tôi đã thích anh ấy. Nhưng cách nào thì cũng giống nhau cả thôi."

Người chơi đàn quay trở lại sau khi nghỉ giải lao và bắt đầu chơi những bản nhạc phim cũ. Hoàn hảo: nhạc nền sai bét ột cảnh sai bét.

"Thỉnh thoảng tôi nghĩ, có lẽ rốt cuộc thì tôi chỉ lợi dụng anh ấy. Và có lẽ anh ấy cảm nhận được điều đó suốt cả thời gian ấy. Anh nghĩ sao?"

"Tôi không biết được," tôi nói. "Việc đó là giữa cô và cậu ấy."

Cô ta không nói gì.

Sau hai mươi giây im lặng, tôi nhận ra cô đã hết chuyện để nói. Tôi uống cạn chỗ whisky và lấy trong túi ra mấy bức thư của Chuột, đặt giữa bàn. Chúng nằm ở đó một lúc lâu.

"Tôi có phải đọc thư ở đây không?"

"Xin hãy mang về nhà mà đọc. Nếu cô không muốn đọc, thì muốn làm gì với chúng cũng được."

Cô ta gật đầu. Cô ấy bức thư vào túi, cài móc lại đánh tách một cái. Tôi châm điếu thuốc thứ hai và gọi một ly whisky nữa. Ly whisky thứ hai luôn là thứ tôi thích nhất. Từ ly thứ ba trở đi, nó không còn vị gì nữa. Nó chỉ là một thứ gì đó để đổ vào dạ dày mà thôi.

"Anh lặn lội từ Tokyo đến đây chỉ vì việc này thôi sao?" cô ta hỏi.

"Gần như vậy."

"Anh thật tốt quá."

"Tôi không bao giờ nghĩ về chuyện này theo cách đó. Chỉ là thói quen thôi. Ở hoàn cảnh ngược lại, tôi chắc chắn cậu ấy sẽ làm điều tương tự cho tôi."

"Anh đã bao giờ nhờ anh ấy trong việc tương tự thế này chưa?"

Tôi lắc đầu. "Chưa, nhưng chúng tôi quen nhau đã khá lâu rồi và cứ áp đặt lên nhau những thứ không có thực. Còn chúng tôi có gắng giải quyết vấn đề một cách thực tế được hay không lại là chuyện khác."

"Có lẽ không ai có thể."

"Có lẽ không."

Cô mỉm cười đứng dậy, lấy nhanh tấm hóa đơn. "Chuyện này hãy để tôi. Dù sao thì tôi cũng muộn bốn mươi phút."

"Nếu cô muốn thì được thôi," tôi nói. "Nhưng còn một điều, không biết tôi có thể hỏi cô một câu không."

"Tất nhiên rồi."

"Trên điện thoại cô nói cô có thể hình dung ra tôi trông như thế nào."

"Ý tôi là tôi có thể cảm nhận được điều gì đó ở anh."

"Và thế là đủ để cô nhận ngay ra tôi?"

"Tôi có thể biết được ngay lập tức."

Mưa vẫn tiếp tục rắc nhè nhẹ. Từ cửa sổ khách sạn, qua bảng hiệu neon của tòa nhà kế bên, hàng trăm ngàn hạt mưa rơi xuống đất qua một màn ánh sáng xanh. Nếu tôi nhìn xuống, mưa dường như rơi thẳng vào một điểm cố định trên mặt đất.

Tôi ngồi phịch xuống giường và hút vài điếu thuốc nữa, rồi gọi lễ tân để đặt vé tàu sáng hôm sau. Tôi không còn gì để làm ở thị trấn này nữa.

Mưa tiếp tục rơi cho đến tận nửa đêm.
Bình Luận (0)
Comment