Đại Đường Tích Châu Ký - Phạn Tạp

Chương 100

“Nang nói rất đúng, dạo gần đây ta cũng cảm thấy khoẻ hơn nhiều.”

Nghe hắn đích thân thừa nhận, Bảo Châu bỗng nổi hứng đắc ý, cười rạng rỡ nói:

“Ta từ trước tới nay vẫn may mắn lạ thường, Hoắc Thất Lang cũng từng bảo rằng nét tướng của ta sinh ra là để hưởng phúc, phú quý cát tường. Chia cho ngươi vài phần vận may, e rằng cũng đủ cho ngươi tiêu cả đời.”

Nàng ngẫm nghĩ rồi lại nói:

“Trần Sư Cổ đã khuất núi, về sau ngươi có thể đổi sang một cái tên hay hơn, may mắn hơn. Ta sẽ giúp ngươi chọn một cái thật hay.”

Vi Huấn bật cười:

“Nàng đã đặt tên cho cả dao, nhưng ta không cần Dù sao cũng chỉ là một cách xưng hô, có người gọi, có người kêu, thế là đủ. Nàng rõ ràng có cái tên rất hay, vậy mà chẳng ai dám gọi, không phải cuối cùng chỉ còn lại khắc lên bia mộ hay sao?”

Bảo Châu khựng lại trong khoảnh khắc trầm mặc. Rồi nàng chậm rãi thốt lời, giọng lạnh:

“Tên ta là thiên cơ, sử quan chưa chắc đã biết. Sao ngươi dám cam đoan chắc chỉ có thể khắc vào bia mộ? Chẳng lẽ… ngươi từng đào trộm lăng mộ công chúa khác?”

Một luồng khí lạnh luồn dọc sống lưng Vi Huấn, hắn bất giác chìm dần xuống nước, lòng dâng cơn hoảng loạn. Đêm nay lơ là, tùy tiện trò chuyện, khiến hắn lỡ lời nói ra điều suốt bao năm vẫn cố tình tránh né.

Trần Sư Cổ trộm mộ không chừa ai, đặc biệt thích đào lăng tẩm đế vương quyền quý. Bao nhiêu kẻ khi sống quyền cao chức trọng, đến khi chết cũng chẳng thoát khỏi móng vuốt của ông ta. Trong số đó, chẳng ít là tổ tiên huyết thống của Bảo Châu. Dĩ nhiên, trò này đâu thể thiếu tay trợ thủ là hắn.

Bất kể trong cảnh huống nào, câu “ta từng đào mộ tổ tiên nàng” cũng chẳng bao giờ là câu nói dễ nghe.

Bảo Châu lúc ấy tuy chưa nghĩ sâu đến thế, nhưng cũng nổi trận lôi đình. Nàng giận dữ quát:

“Ta không phải công chúa duy nhất? Còn có công chúa khác nữa sao? Ngươi cũng từng… ôm họ từ trong quan tài ra?”

Vi Huấn hoảng đến chân tay luống cuống, vừa muốn trốn, lại biết chạy đi cũng không xong, đành nghĩ đến tuyệt chiêu xưa kia sư phụ từng dạy: mỗi người trong môn đều học qua một bài chụp nồi cho người khác.

Hắn lập tức vội vàng phân bua:

“Từ trước đến nay là Trần Sư Cổ chọn mộ, ta chỉ là người bị bắt đi theo phụ giúp. Mấy vị công chúa kia… đều là xương trắng mục nát, trong quan tài chẳng còn gì ngoài mấy chiếc răng vỡ, ai mà nhìn ra được nam hay nữ!”

Bảo Châu bán tín bán nghi:

“Thật vậy chăng?”

Vi Huấn gật đầu lia lịa:

“Thật! Mộ của nàng là ta lần đầu tiên chạm đến mộ công chúa, cũng là duy nhất! Rượu trong địa cung nàng, là rượu ngon nhất mà ta từng nếm.”

Nói dối hay thật cũng chẳng phân định nổi, Bảo Châu chỉ ngẫm thấy mình có chút vô lý. Giận dỗi vì hắn từng đào mộ công chúa khác, thật chẳng ra làm sao. Dù sao thân phận Vạn Thọ Công Chúa, theo lý mà nói, cũng đã chết. Tên gọi Bảo Châu cũng chỉ là ẩn danh, một khi đã khắc vào ngọc điệp và bia mộ, nào còn ai nhớ đến? Vạn sự đã xong, một đời cứ vậy kết thúc.

Nghĩ đến sau này ngoài a huynh, sẽ chẳng còn ai thân thiết gọi nàng là Bảo Châu, trong lòng không khỏi dâng nỗi cô đơn.

Tên họ chỉ là một tiếng gọi. Dù có mỹ miều thế nào, nếu không có ai xưng tụng, cũng chỉ là âm thanh rơi vào cõi lặng. Có lẽ, sự cố chấp với tên húy cũng chỉ là một niềm vương vấn không đáng giữ nữa.

Nàng im lặng hồi lâu, rồi hạ quyết tâm:

“Nếu chuyện do Trần Sư Cổ gây nên, ta sẽ không truy cứu nữa.”

Nói xong, nàng hơi ngập ngừng, nhưng cố giữ giọng dõng dạc:

“Ngươi… ngươi từ nay có thể gọi ta là Bảo Châu.”

Dưới bóng đêm, hơi nước mịt mờ lay động như cảnh trong mộng. Trúc tường lặng lẽ, một tiếng gọi vang lên từ phía bên kia:

“Bảo Châu.”

“Ừ…”

Tên thật ấy, nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng lại như một lưỡi dao mềm thấm sâu vào tim gan. Chẳng biết vì sao, hai người đang cùng ngâm mình trong ao nước, cách nhau một bức trúc tường, lại bỗng dưng đồng loạt đỏ mặt, co người giấu mình vào làn nước ấm.

Bảo Châu chỉ còn để lộ mắt và mũi trên mặt nước, da thịt ngâm đến đỏ bừng, mặt thì như muốn chảy máu. Nàng choáng váng, tựa hồ say rượu, lòng lo sợ nếu chẳng may ngất đi, chỉ còn kẻ kia bên cạnh biết mà vớt nàng lên chẳng phải là quá mất mặt hay sao?

Sau một hồi yên lặng, Vi Huấn bỗng cất tiếng:

“Thực ra… vẫn có một loại quỷ dễ dàng lẩn vào chùa chiền.”

Bảo Châu ngẩn người:

“Quỷ gì?”

“Loại gọi là quỷ sâu thắt cổ.”

Hai thứ nàng ghét nhất là quỷ và sâu, nghe đến đó, chân mày đã nhíu lại.

Vi Huấn ung dung kể, giọng trầm thấp như đang thuật chuyện ma:

“Loại sâu ấy sinh trên cây hòe, mùa thu hóa hình, nhả tơ treo mình xuống cành cây, trông hệt người treo cổ, nên dân gian gọi là quỷ sâu thắt cổ.”

Bảo Châu đang ngâm mình trong nước nóng bỗng rùng mình, chẳng hiểu sao đang nói chuyện êm đềm, hắn lại lôi ra chủ đề rùng rợn.

Còn chưa kịp ngăn lại, đã nghe hắn nói lời kết:

“Trên đầu nàng… chính là một cây hòe.”

Toàn thân Bảo Châu nổi da gà, nàng bất đắc dĩ ngẩng đầu nhìn quả nhiên thấy mấy con sâu tròn trịa treo lủng lẳng giữa không trung.

Bảo Châu lập tức kêu “Á!” một tiếng, nhảy vọt khỏi mặt nước:

“Tên khốn nịnh nọt chó cắn ngươi! Ngươi đợi đó cho ta!”

Rồi vội vã quấn áo, ba chân bốn cẳng chạy về phòng.

Hơn hai tháng nơi dân gian khác xa thuở mới tỉnh dậy ngập ngừng lắp bắp, nay mắng chửi người cũng đã có phong cách.

Dù vậy, giờ khắc này, Vi Huấn chỉ cảm thấy mình thật sự giống một con mèo xám gầy gò, vụng về và đáng xấu hổ. Tường rúc có thể ngăn tầm mắt, nhưng không thể ngăn hương thơm dìu dịu từ nàng lan qua từng đợt hơi nước, hương thơm ấy hoà với mùi thụy long não và hơi thở của nàng, khiến hắn không thể giữ nổi tĩnh tâm.

Lúc dòng nước bị nàng khuấy động tràn qua bên này, hắn chỉ thấy một luồng vô hình như lướt qua thân, khiến cả người run rẩy. Hắn đành dọa ma để ép nàng bỏ đi.

Không phải lần đầu. Gần đây, mỗi lần nàng đến gần, hắn đều thấy khí huyết rối loạn, hoặc cuồn cuộn trào dâng, hoặc đi xuống bụng dưới. Chỉ còn cách kéo giãn khoảng cách, âm thầm né tránh.

Năm xưa ở Tàn Dương Viện, khi học Nhật Mộ Yên Ba Chưởng, đồng môn thường bảo: “Đầu học được, thân lại không nghe lệnh.” Hắn từng cười chê là lười biếng kiếm cớ. Giờ mới hiểu họ không hề nói đùa.

Nửa đêm, những xao động khó gọi tên thường len lỏi khiến hắn trằn trọc không yên. Có lần Thập Tam Lang đi ngang, thấy hắn luyện công, hỏi:

“Huynh cả ngày lẫn đêm khổ luyện, muốn tranh ngôi đệ nhất thiên hạ sao?”

Vi Huấn không đáp được. Vì hắn chẳng muốn tranh đệ nhất gì cả chỉ là sợ bị người ta cười chê.

Hắn cuộn người lặn sâu xuống ao, để dòng nước phủ lấy thân thể, che đi mọi cảm giác, ngăn năm giác quan, chỉ mong lắng dịu tâm can.

Thế nhưng dù nàng đã rời khỏi, dù thanh âm, bóng dáng và hương thơm đều biến mất, trong tâm khảm hắn, vẫn vang lên một tiếng gọi, âm thầm mà mãnh liệt:

“Bảo Châu.”

“Bảo Châu.”

“Bảo Châu.”

Tên ấy, như dòng điện chấn động tận đáy tim.

Nàng đã đồng ý, cho phép hắn gọi tên thật.

Ngâm mình lâu trong nước nóng, huyết khí dồn ứ cũng dịu đi ít nhiều, làn da xanh tím cũng phai bớt. Vi Huấn chợt nhớ còn chưa vẽ xong tranh, bèn mặc lại y phục, vấn tóc gọn ghẽ, tìm dây thừng và hũ màu, vòng quanh khách đường một vòng rồi định đến Quy Vô Thường điện tiếp tục công việc.

Thế nhưng lòng vẫn lo lắng, hắn bèn nhón lên mái nhà, ngó qua xem nàng đã ngủ hay chưa.

Bảo Châu đang ngồi bên cửa sổ, tóc xõa tung, một tay vuốt tóc, một tay cầm bút chép kinh. Cung tên đặt sát bên.

Vi Huấn men theo mái hiên, nhẹ nhàng gõ lên khung cửa ba tiếng. Chưa kịp thò đầu vào, quả nhiên, đã có một mũi tên bay ra đáp lễ. Hắn vội vàng rụt lui.

Đợi một lát, lần này đưa vào một đóa hoa sen mới nở.

Sắc hoa tươi tắn giữa đêm mát lành như ý tứ làm lành. Bảo Châu thấy rõ, không giương cung nữa, nhưng cũng chẳng buồn để ý hắn, chỉ cúi đầu viết tiếp.

Vi Huấn buông mình lặng lẽ đáp xuống, đặt đóa sen lên bàn.

Bảo Châu cười lạnh:

“Ngươi mặc áo xanh, treo ngược như vậy, trông chẳng khác gì cái sâu cổ treo trên cây hòe.”

Vi Huấn chớp mắt:

“Vậy coi như ta thay mặt bọn sâu ấy đến xin lỗi nàng.”

Bảo Châu hừ một tiếng:

“Rồi một ngày nào đó, ta sẽ đốn sạch mọi cây hòe trong tầm mắt, không để lũ sâu ấy có chỗ sinh sôi nữa.”

Vi Huấn trầm ngâm một lúc, rồi nói:

“Cây hòe dù có sâu, nhưng mùa xuân nở hoa thơm, mùa ra hạt còn là cứu tinh cho những kẻ đói khát.”

Bảo Châu khựng bút. Một cảm giác áy náy mơ hồ lại dâng lên.

“Còn có cây nào ăn tạm được khi đói nữa?”

“Còn cây du. Trong thành Trường An, một nửa là cây hòe, một nửa là cây du. Ta thì thích quả du hơn, ăn chắc bụng hơn.”

Nàng nghe thế, mắt sáng rỡ. Nhưng hắn lại tiếp lời:

“Chỉ tiếc, khi đói kém, những thứ ấy cũng bị nhổ sạch cả rồi. Mà giờ cũng chẳng phải mùa.”

Nàng thoáng thất vọng, ánh mắt lại ảm đạm đi.

Người xưa nói: “Đào hoa nhan sắc hảo như mã, quả du tân khai xảo tựa tiền” — song kẻ đói thì đâu còn tâm trí ngắm hoa.

Cuối cùng, nàng nhặt hoa sen lên, nhẹ nhàng ngửi một cái, rồi thì thầm:

“Thôi… ta tha thứ cho cây hòe.”

Vi Huấn hiểu ý, lặng lẽ buông tay đáp đất. Hắn định chui vào phòng như mọi khi, nhưng vì chuyện xảy ra khi nãy, thấy nàng chỉ mặc trung y, liền ngừng lại, chỉ ghé cằm vào bậu cửa, lặng im ngắm nàng viết chữ.

Bình Luận (0)
Comment