Sau khi Bảo Châu trở về phòng nghỉ ngơi, Vi Huấn cầm theo dây thừng tìm được trong chỗ ở cũ của Ngô Đạo Tử, lặng lẽ bước vào gian phòng phía sau điện Quy Vô Thường. Trong phòng hương khói u tịch cuộn tròn như mây, quyện lẫn mùi xác thối và đàn hương, tạo thành một thứ có mùi kỳ lạ, đặc quánh trong từng ngóc ngách.
Vi Huấn thấm ướt dây thừng, đối chiếu với cỏ tranh tìm được trên thi thể Ngô Quan Trừng, nhận ra là cùng một loại. Rõ ràng hắn đã từng tới nơi đây, thậm chí từ chỗ họa thánh ở phát hiện ra được thứ thuốc màu thần bí nào đó, khiến kỹ pháp vẽ mắt của hắn đạt tới cảnh giới chân thực đến lạnh người.
Từ bên xác chết đứng dậy, Vi Huấn bỗng thấy toàn thân nặng trĩu, mỏi mệt như có làn sương mờ vây phủ.
Giờ Tý vừa mới điểm, ánh nến trên tường hắt lên vách đá hình ảnh chập chờn. Hắn vén tay áo ngó vào bắp tay, không có nước nóng tắm rửa như mọi khi, sắc tím đậm của kinh mạch càng lộ rõ. Gương an hồn phản chiếu gương mặt hắn trắng bệch như xác không hồn. Ý niệm thoáng lướt, Vi Huấn chợt nghĩ đến một mai mình cũng sẽ như Trần Sư Cổ, rơi khỏi đài danh vọng, không theo kịp bước chân đồ đệ.
Do từng chạm phải thi thể, hắn lo trên mình còn mùi tử khí, lát nữa lại còn muốn nắm tay Bảo Châu, bèn tìm chút đồ để rửa sạch. Qua điện Quy Vô Thường, thấy Đàm Lâm đang đốt lò hương, ngồi bên ao vôi, liền chẳng khách khí mà vào lấy bạc hà, vỏ quất, muối… tự pha một bát nước súc tay.
Đàm Lâm ngồi đối diện tro trắng, ánh mắt mê mẩn, thong thả nói:
“Hai thầy trò các ngươi thực giống nhau. Sinh nơi u tối, rất dễ bị ánh sáng dịu dàng của người lương thiện hấp dẫn.”
Vi Huấn ngồi xếp bằng lau tay, đáp:
“Phải, hạng như ta sống nơi tối tăm, thì đương nhiên mê thích những gì trong trẻo. Bằng không sao? Ai ưa mấy lão đầu âm u như ngươi?”
Đàm Lâm tiếp lời:
“Nhân sinh như kẻ đi qua rừng gai, tâm không động thì thân yên, không động thì không đau. Nhưng khi tâm dao động, thì thân sẽ bị thương. Vì thế mới biết thế gian lắm khổ. Ngươi nếu chẳng thuộc về chốn hồng trần này, cớ gì phải tham luyến chút ấm áp giả tạm để chuốc lấy khổ đau?”
Vi Huấn gọn lỏn đáp:
“Ta tự tìm lấy.”
Đàm Lâm chăm chú nhìn hắn:
“Chẳng lẽ ngươi không muốn biết chuyện cũ của Trần Sư Cổ?”
Vi Huấn dứt khoát lắc đầu:
“Không, ta không tò mò gì hết.”
“Kẻ khôn nên lấy gương người trước. Khi đã rơi vào tay tâm ma, ai cũng khó lòng tự cứu. Lúc đó có hối hận cũng muộn. Ngươi chẳng lo cho cô nương kia sao? Một khi ngươi điên loạn, cô nương ấy làm sao chịu nổi một đòn của ngươi?”
Động tác lau tay của Vi Huấn chậm lại.
Đàm Lâm thấy hắn không phản bác, tiếp lời:
“Năm xưa người quen Trần Sư Cổ, giờ sống sót chỉ còn ta. Một mai ta cũng đi, chẳng ai biết đoạn quá khứ kia nữa. Nhưng hắn để lại không ít tai họa cần có người phòng bị. Ngươi cứ xem như nghe chuyện phiếm, sau đó phản ứng thế nào là việc của ngươi.”
“Ta gặp Trần Sư Cổ lần đầu là mùa xuân năm ấy, trong bữa tiệc Khúc Giang. Đó là buổi yến hội lớn mừng tân tiến sĩ, tổ chức trên ngự thuyền giữa dòng Khúc Giang, long trọng vô cùng.”
“Khi chưa kịp lên thuyền, ta thấy một người trẻ tuổi bị Kim Ngô Vệ ngăn lại. Da ngăm đen, dáng cao gầy rắn rỏi, bên hông treo đoản kiếm, mặc áo đơn giản nhưng thần thái hiên ngang y hệt người luyện võ. Rõ ràng không giống văn sĩ.”
‘Vệ binh không cho hắn lên thuyền. Ban đầu hắn định bỏ đi, sau bạn hắn khuyên giữ lại, hắn mới đưa thiệp vàng chứng minh thân phận tân tiến sĩ, rút kiếm ra kiểm tra, chỉ là thanh sắt gỉ.”
“Người đó chính là Trần Sư Cổ. Khi ấy ta chưa biết hắn, nhưng bạn hắn Nguyên Húc thì rất thân với ta.
“Nguyên Húc là người Lạc Dương, tổ tiên là quý tộc Bắc Ngụy, tuy đã sa sút nhưng vẫn là nhà nho. Mồ côi từ nhỏ, được anh trai Nguyên Ấp và chị dâu Lý Nhàn nuôi lớn. Từ thuở bé đã được mệnh danh thần đồng, mười bốn tuổi đậu châu học, có tư cách dự thí, là ứng viên trẻ tuổi nhất trong khoa bàng năm ấy.”
Vi Huấn ngắt lời:
Liên quan gì tới ta? Ta không hứng thú.”
Đàm Lâm không giận, chỉ thở dài:
“Nếu bỏ qua Nguyên Húc, thì chẳng thể hiểu vì sao Trần Sư Cổ nhập ma. Nguyên Húc từng từ chối đề cử của thầy mình, lý do là đợi bạn mới học chữ đuổi kịp để cùng đi Trường An thi.”
“Nguyên Ấp nổi giận, nhưng Húc rất kiên quyết. Bạn hắn là Trần Sư Cổ một thiếu niên nghèo, áo rách, nhỏ người vì đói . Hắn tự xưng là con nhà nghèo vùng Bắc Mang, mồ côi cha mẹ, sống nhờ ông nội. Nhưng Nguyên gia quen biết hắn hơn chục năm chưa từng gặp thân thích nào của hắn.”
“Nguyên Húc thương xót, dạy hắn học chữ, khen hắn thông minh hơn mình. Nguyên Ấp thì phản đối, cho là thằng nhỏ nghèo cản đường tương lai dẹ ẹ. Nhưng rồi loạn Thiên Bảo nổ ra, binh An Sử tràn vào Trung Nguyên, dân tình khốn khổ.”
“Trong cảnh loạn, chính Trần Sư Cổ cứu Nguyên gia, dẫn họ trốn lên núi, vượt lửa băng sông. Nguyên Ấp mới biết hắn không phải kẻ tầm thường, mà có thể là hiệp khách giang hồ.”
“Từ đó hai người kết nghĩa. Mấy năm sau, triều đình mở lại khoa cử. Nguyên Húc và Trần Sư Cổ cùng tới Trường An. Húc đổi tự là Yến, văn chương ôn hòa, lại có huynh trưởng nâng đỡ, đậu tiến sĩ là chuyện sớm muộn.”
‘Còn Trần Sư Cổ thân phận thấp, không quen biết ai trong triều. Thi hành quyển, người ta chẳng muốn nhìn mặt. Nếu không nhờ tài viết truyền kỳ quái văn, chỉ gửi nửa cuốn, khiến người ta tò mò gọi đến hỏi nốt phần sau, thì có lẽ đã bị loại từ đầu.”
“Hắn nổi danh vì tài văn, thứ hai là vì dáng dấp oai vệ nhưng tính cách kiêu ngọ, có danh xưng “Trần không quỳ”. Sau đó được Trung Võ tướng quân phá lệ đề cử.”
Vi Huấn đưa tay xoa đầu gối, không lên tiếng.
“Thi đậu rồi, đến tiệc Khúc Giang. Trên thuyền chật, phải ba lần quỳ lễ. Ai nấy đều chuẩn bị thi phú, riêng Trần Sư Cổ mặt mày ủ dột, ngồi nửa canh giờ mồ hôi đầm đìa, sau được Nguyên Húc xin phép thánh nhân cho lui vì bệnh. Thánh nhân đan vui, liền cho.”
“Lúc đó ta cười thầm, tưởng hắn hèn kém không biết nắm cơ hội. Mãi sau ta mới nhớ: thuyền trôi giữa dòng, xa bờ mấy chục trượng, hắn rời đi bằng cách nào? Nhưng rồi cũng quên đi trong men rượu.”
“Không ngờ, chính chuyện ấy lại là mở đầu cho một huyết án chấn động Lĩnh Nam…”