Sau khi đỗ tiến sĩ, vẫn chỉ là kẻ tay trắng, cần phải vượt qua kỳ thẩm định của Lại Bộ thì mới có thể được bổ nhiệm chức quan. Nguyên Húc tài năng nổi bật, diện mạo khôi ngô, là người xuất sắc nhất trong số các tân khoa, nên lập tức được bổ làm Giáo thư lang của Thư tỉnh. Chức quan này tuy cấp bậc thấp, nhưng dễ thăng tiến, là nơi xuất phát của biết bao danh thần lương tướng. Còn ta kém xa, chỉ được đưa vào nhàn chức ở Công Bộ.
Còn Trần Sư Cổ, nhiều lần thẩm định đều bị đánh trượt. Suy cho cùng, hắn vốn không thuộc về vòng tròn ấy. Tính tình lại cứng cỏi, dù có giao thiệp với người quyền quý cũng chẳng hề nịnh bợ. Triều đình dĩ nhiên không muốn dùng một kẻ ngạo mạn, khác người như hắn, thể nào cũng phải để hắn mòn mỏi vài năm, cho mài mòn đi cốt khí, rồi mới tính đến chuyện dùng.
Nhưng Trần Sư Cổ vốn không màng chuyện làm quan. Sau khi Nguyên Húc thi xong, hắn xem như đã trọn nghĩa, liền mặc kệ quan trường, suốt ngày rong chơi nơi thành Trường An, tự xưng là “Thư đồng của Yến chi”, lấy thân phận bạn thân mà sống ung dung, không thiết tha với bổng lộc hay quyền thế.
Hắn nhìn có vẻ nghèo, thường áo vải mũ rơm, túng thiếu đến mức nợ cả tiền rượu, vậy mà trong tay lại có những món đồ cổ quý hiếm từ thời trước. Trong giới sưu tầm kim văn cổ vật, tên hắn khá có tiếng. Hỏi đồ ấy từ đâu mà có, chỉ đáp gọn lỏn: “Mua ở chợ đen Trường An.”
Thời gian trôi qua ba bốn năm, Nguyên Húc đã được thăng lên chức Ngự sử trong điện, tiền đồ rộng mở. Còn Trần Sư Cổ vẫn mặc áo vải đi dạo đầu đường cuối chợ. Từ thuở nghèo khổ lớn lên cùng nhau, nay thân phận đôi bên đã cách biệt như mây với đất. Ấy vậy mà tình bạn giữa họ chưa từng phai nhạt. Điều này khiến những người quen biết đều thấy lạ lùng. Hai người vốn khác nhau từ gốc rễ:
Nguyên Húc xem việc cứu đời giúp dân là chí hướng, trong lòng có Phật, tâm địa từ bi. Trần Sư Cổ lại hoàn toàn chẳng tin vào quỷ thần, chẳng kiêng nể gì, cho rằng dân đen vốn chỉ nhờ trời mà sống, bất kể vua sáng hay tối, quan hiền hay gian, thay ai cũng vậy. Có lẽ điều khiến hắn gắn bó với Nguyên Húc, chính là cái chí “biết là vô vọng mà vẫn làm”.
Nhưng con đường làm quan của Nguyên Húc chẳng mấy chốc bị dập tắt. Khi ấy, Tể tướng Nguyên Tai chuyên quyền lộng hành, khiến hoàng đế sinh lòng ghét bỏ, bị kết tội và ban chết, cả nhà bị xử theo. Dù Nguyên Tai và Nguyên Húc chẳng hề thân cận, chỉ là cùng họ, nhưng vì Nguyên Tai từng quý mến tài năng của Nguyên Húc, lại từng có ý nhận làm nghĩa tử (dù bị Nguyên Húc từ chối), nên triều đình vẫn nhìn hắn bằng ánh mắt nghi ngờ. Cuối cùng, Nguyên Húc bị biếm ra Lĩnh Nam, làm huyện thừa huyện Linh Thủy, Khâm Châu.
Đến đây, Đàm Lâm thở dài:
“Bị đày đi như thế chẳng có gì lạ. Ta cũng từng bị đày đến Kiềm Trung. Chốn quan trường lúc chìm lúc nổi, Diêu Sùng, Trương Thuyết, Trương Tích, mấy vị Tể tướng đời nay cũng từng bị đày đi nơi hoang vu xa xôi, huống gì những quan nhỏ. Học văn võ là để dâng thân cho đế vương, kẻ có tài cách mấy, trong mắt bậc đế vương cũng chỉ là món hàng muốn dùng thì dùng, muốn bỏ thì bỏ.”
“Nhưng chỉ cần giấu tài, đợi gió đổi chiều, rồi sẽ có ngày được trở về Trường An. Vị hoàng đế này không được thì chờ vị tiếp theo.”
Trần Sư Cổ nghĩ như vậy. Sau khi tiễn Nguyên Húc lên đường, hắn đột nhiên biệt tích vài tháng. Đến khi trở lại Trường An, trong tay mang theo nào là kính chiếu cốt, Thanh Long câu, đỉnh rồng cuộn… toàn những báu vật hiếm thấy. Lúc ấy, đứng đầu đám hoạn quan trong triều lại được hoàng thượng sủng ái, vốn say mê đồ cổ, nhìn thấy liền mê mẩn. Trần Sư Cổ không tiếc gì, dâng hết lên chỉ với một mong cầu đẩy nhanh chiếu thư phục chức cho Nguyên Húc.
May thay, hoàng đế cũng nguôi giận, điều tra rõ Nguyên Húc và Nguyên Tai chẳng liên quan, lại nghe thêm lời tốt từ vài người trong triều, liền ban chiếu khôi phục chức cũ, từ Trường An gửi đến Khâm Châu. Đường sá muôn trùng, dù đi nhanh bằng lối quan đạo cũng mất tới hai tháng.
Nhưng khi chiếu thư đến nơi, người nhận đã không còn. Nguyên Húc vốn thân thể yếu đuối, bị đày đến nơi nóng ẩm độc hại, lại chẳng buông lơi việc công, ngày đêm tận tụy, đến nỗi thành bệnh. Nơi ấy lại đầy chướng khí, không có thuốc thang cứu chữa. Chỉ trong chưa đầy một năm, chàng đã mất.
Vi Huấn chen lời:
“Chỉ vì bạn thân chết bệnh, lão Trần liền nổi điên sao?”
Đàm Lâm lắc đầu:
“Vẫn chưa đâu. Tin dữ từ Linh Thủy được một viên quan trạm mang về Trường An, kèm theo cả bức thư tuyệt mệnh. Trần Sư Cổ đau đớn tận lòng, nhưng vẫn gắng chấp nhận sự thật, còn viết thư an ủi huynh của Nguyên Húc, đính kèm bài thơ tuyệt mệnh ấy:”
“Nhật mộ yên ba giang chử ám,
Thận lâu treo ngược ánh nguyệt hàn;
Tàn đèn đem diệt quân âm yểu,
Cô ảnh hiu quạnh trục thệ xuyên.”
(Chiều rơi khói phủ bến sông,
Trăng treo lạnh ngắt, tháp lồng bóng nghiêng.
Đèn tàn lụi ánh chập chờn,
Một thân lặng lẽ theo nguồn nước trôi…)
“Bài thơ đó là của Nguyên Húc viết ư?” — Vi Huấn hỏi.
“Đúng. Trong thời gian bị đày, hai người từng gửi nhiều thư qua lại, nhưng không hiểu sao chẳng ai nhận được thư của người kia. Khi sắp qua đời, Nguyên Húc vẫn ngày đêm ngóng tin của bạn, nhưng đèn tàn thì tắt, chờ mãi chẳng thấy ai. Điều chàng lo lắng nhất khi lâm chung, lại không phải chính mình, mà là bạn thân sau khi mất đi chàng, sẽ cô độc thế nào. Con người ấy xưa nay vẫn vậy, luôn đặt người khác trước mình.
Trần Sư Cổ trong thư hứa với Nguyên Ấp và Lý Nhàn, rằng chính tay sẽ đến Linh Thủy, đưa linh cữu bạn về quê nhà, an táng trên núi Bắc Mang, nơi tổ tiên Nguyên thị an nghỉ.
Cái chết của Nguyên Húc khiến nhiều người xúc động. Chàng chính là hiện thân của bậc chính nhân quân tử: trẻ tuổi, tài cao, khí tiết vẹn toàn, dù rơi vào nghịch cảnh cũng không đổi chí khí.
Như trong Kinh Pháp Hoa có nói: thế gian này giống như một căn nhà cháy rực, người ở trong đó có kẻ gào khóc chạy trốn, có người thờ ơ, có người lợi dụng cháy nhà mà vơ vét. Nhưng cũng có vài người, rất ít, biết rõ nguy hiểm vẫn dấn thân cứu người trong lửa đỏ. Nguyên Húc chính là một người như thế.
Còn Trần Sư Cổ, sau khi trả xong nợ nần, mua một con ngựa, lên đường từ Trường An đi Lĩnh Nam, muốn đón bạn về.
Sau này, từ kết quả điều tra của Hình Bộ và Đại Lý Tự, người ta mới biết, Nguyên Húc mãi không nhận được tin của Trần Sư Cổ là vì bị huyện lệnh Linh Thủy, Hi Kiến Chương, cố ý ngăn trở. Hắn tham ô, bóc lột dân lành, Nguyên Húc thẳng thắn không chịu hùa theo, nên hắn sợ Nguyên Húc sẽ tố giác. Hắn không chỉ cắt đứt thư tín, còn cản trở việc chữa bệnh, khiến Nguyên Húc lâm bệnh mà chết.
Dĩ nhiên, đến khi bị Trần Sư Cổ gi.ết ch.ết cả nhà, chắc hẳn Hi Kiến Chương đã vô cùng hối hận.
“Vậy là, khi biết bạn bị hại, lão Trần mới nổi điên?” — Vi Huấn hỏi.
“Cũng chưa. Theo ta, khoảnh khắc khiến hắn thực sự rơi vào ma chướng, là lúc đến Linh Thủy, chuẩn bị đưa linh cữu bạn về.”
Lúc ấy đang giữa hè, mưa lũ tràn về, nước sông Linh Thủy dâng cao, cuốn trôi tất cả. Mấy trăm dặm hai bờ chìm trong bùn lầy. Nhà cửa, bia mộ đều tan biến, ngay cả hình dạng đất đai cũng thay đổi, không cách nào tìm được mộ bạn.
Vài tháng sau, có tin từ Khâm Châu gửi về Trường An: Trần Sư Cổ ở Linh Thủy huyện công khai đào mộ khắp nơi, ai cản đều bị giết, chỉ trong mấy ngày giết hơn ba trăm người. Hắn như có yêu thuật, chạm tay là đầu người rơi, chẳng ai cản nổi.
Tiết độ sứ Lưu Ẩn Quang điều động một nghìn lính giáp đi dẹp, bị hắn giết thêm mấy chục rồi trốn mất. Hai ngày sau, trong phủ tiết độ sứ, người ta thấy đầu Lưu Ẩn Quang nằm trên giường, bên cạnh thị thiếp của ông ta còn đang ngủ, hoàn toàn không hay biết.
Trần Sư Cổ như kẻ hóa điên, ngày đêm đào bới bên sông, tìm kiếm thi hài bạn trong vô vọng. Mưa lũ là thiên tai, sức người sao chống nổi?
Đến đây, Vi Huấn nhíu mày:
“Lĩnh Nam cách Trường An mấy nghìn dặm, mà ngươi lại rành rẽ từng việc như vậy, chẳng phải lạ lắm sao?”
Đàm Lâm điềm nhiên vén tay áo, để lộ cánh tay gầy trơ xương, đầy sẹo sâu đến tận xương:
“Ta vốn cũng không muốn biết rõ như thế. Nhưng chẳng thể làm khác. Khi tin dữ từ Lĩnh Nam truyền về, cả triều hoảng hốt. Dù là nơi xa xôi, thì Trần Sư Cổ cũng từng là tiến sĩ Trường An, không thể bỏ mặc. Triều đình muốn cử người đến trấn an hoặc trấn áp. Kẻ xui xẻo ấy, chính là ta.”
Ta là đồng hương với Nguyên Húc, lại là bạn đồng khoa với cả hai người. Triều đình biết quốc khố cạn kiệt, không đủ tiền điều quân, nên sai ta một mình đi khuyên giải. Nếu được thì tốt, không được cũng chỉ mất một viên quan hạng chót.
Tuy trong lòng không cam, nhưng thánh chỉ khó trái. Ta mang theo hai mươi lính cấm vệ cùng vài người hầu, vượt đường dài tới Khâm Châu. Dọc đường vất vả không kể xiết, Linh Thủy huyện khi ấy tiêu điều, dân bỏ xứ mà đi, phần vì nạn đói sau lũ, phần vì sợ bị người đó gi.ết c.hết.
Tốn không ít tiền để dò hỏi, cuối cùng được người bản địa dẫn tới bờ Linh Thủy. Gặp lại hắn, ta suýt không nhận ra. Trần Sư Cổ khi ấy mặt mày tiều tụy, áo quần rách nát, đầy bùn và máu, ánh mắt cháy rực như lửa quỷ.
Ta quên cả hai bên nói gì, chỉ nhớ đầu người rơi lả tả, máu đổ như thác. Ta trốn sau lưng đám lính, run rẩy niệm kinh, tưởng đâu sắp mất mạng, thì nghe hắn gọi:
“Vương Tuy?”
Dù đã phát điên, thần trí hắn vẫn chưa hoàn toàn mờ mịt. Nhận ra ta từng làm ở Công Bộ, lo việc thủy lợi, đắp đê, xây cầu… hắn buông tha ta, nhưng bắt ta về nhốt trong một ngôi miếu hoang…