Đại Đường Tích Châu Ký - Phạn Tạp

Chương 111

Bên trong Phật điện, khói nhang quẩn quanh, mờ mịt như sương khói giấc mơ. Trên bức tường lớn vẽ hình mỹ nhân phản chiếu ánh sáng lên đống xương khô, phía trước đó, một lão tăng gầy guộc ngồi ngay ngắn trên tòa sen, chậm rãi trầm giọng kể chuyện… Cả gian điện như ngưng đọng, lặng lẽ mà rùng mình.

Giọng già nua của Đàm Lâm, khô khốc như nước giếng cạn, vang vọng khắp gian điện, dẫn người trở về đoạn ký ức bốn mươi năm về trước.

“Trần Sư Cổ không giết ta, trái lại bắt nhốt vào một ngôi miếu hoang, đặt một cỗ quan tài mới toanh trước tượng Phật. Ta đoán, đó là quan tài hắn chuẩn bị để mang di cốt Nguyên Húc trở về Lạc Dương.

Mục đích của hắn là ép ta tính toán độ dày bùn đất sau trận lụt, xác định hướng chảy của dòng sông, mong lần theo số liệu mà tìm ra nơi mộ bạn mình bị vùi lấp. Chỉ cần ta lưỡng lự hay phản bác, hắn liền lóc từng thớ thịt cánh tay ta để tra khảo. Ta sợ hãi đến hồn vía lên mây, chỉ biết cúi đầu làm theo.

Hắn đeo một thanh đoản kiếm, thoạt nhìn chỉ là khúc sắt rỉ. Nhưng sau khi đã chém không biết bao nhiêu người, lớp rỉ sét từng mảng tróc ra, để lộ hàng chữ vàng nhạt như ruột cá ta chợt hiểu đó là một thanh cổ kiếm danh tiếng từng thuộc các vương hầu ngày xưa. Hóa ra, đám cổ vật hắn từng đem bán khắp kinh thành, chính là lấy từ các lăng mộ trong lòng Bắc Mang Sơn nơi hắn quen Nguyên Húc lúc đầu.

Một tháng trời bị giam, ta vừa tính toán vừa tìm mọi cách nịnh bợ cầu sống. Dốc hết từ ngữ tán tụng kiếm pháp hắn: nào là ‘Mười bước một mạng, ngàn dặm không lưu bóng’, ‘Trăng rọi vỏ kiếm, sao lạc lưỡi gươm’, ‘Gươm lặng như nước, đỏ au máu đọng’… Hắn nghe xong chỉ ngơ ngác nói:

“Kiếm là vũ khí khó dùng nhất. Nhập môn đã khó, luyện thành càng khó, lại dễ mẻ gãy, lắm khi chỉ để trang trí. Ta đeo kiếm, chỉ vì Yến Chi thích loại hiệp khách trong thơ ấy. Kiếm thật hay giả, cũng chỉ là cái vỏ.”

Vi Huấn thầm nghĩ: thì ra suốt đời Trần Sư Cổ chỉ dùng loại vũ khí tệ nhất mà vẫn tung hoành thiên hạ, là vì chấp mê vào mộng tưởng trong thi văn.

“Bị nhốt càng lâu, ta càng nhận ra hắn không giống những kẻ loạn trí lang thang ngoài phố. Hắn giết người không ghê tay, nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo lạ kỳ. Mỗi lần ta đưa ra phép tính, hắn đều đích thân kiểm tra lại, sợ ta dối trá. Một kẻ chưa từng học số học, lại nhanh chóng hiểu được nghề ta khổ luyện mấy mươi năm, khiến ta lạnh sống lưng vì biết đâu mai này hắn không cần ta nữa.

Nghĩ vậy, ta bèn tranh thủ những lúc nghỉ ngơi tụng kinh cầu siêu cho Nguyên Húc. Nguyên Húc sinh thời sùng Phật, Trần Sư Cổ từng thấy hắn tụng kinh, nên từ đó hắn thôi không hành hạ ta nữa.

Nhưng đêm xuống, ngoài miếu thường vang vọng những tiếng hú gào chẳng ra người chẳng ra thú, rợn ngợp giữa khúc sông Linh Thủy. Nghe như tiếng oán hồn, thê lương não nề, chứa chan hối hận. Có lẽ hắn oán chính mình, hối tiếc vì không luôn ở bên bạn thân, để rồi Nguyên Húc chết tha hương, thân xác chẳng thể về cố hương.

Sau bao lần tính toán, giấy bút chất cao thành núi, cuối cùng ta đi đến kết luận linh cữu Nguyên Húc không bị chôn vùi, mà bị lũ cuốn trôi xuống sông, hòa vào dòng bùn, dạt ra biển rộng. Mỗi bước tính, hắn đều theo dõi kỹ càng nên kết quả ấy không sai.

Ta biết mình khó sống sót, liền quỳ xuống tụng kinh, chờ cái chết. Nhưng hắn không ra tay, chỉ nhìn về phía biển xa, lẩm bẩm:

“Ngươi xem, ta nói rồi, thứ trong sách độc hơn cả rắn rết trong thơ.”

Rồi hắn bỏ đi, mang theo cỗ quan tài ấy, không còn bóng dáng.

Ta quỳ đó một ngày, trong lòng nảy ra một ý nghĩ. Nếu năm ấy không có lũ lụt, hắn có lẽ đã tìm được xác bạn, đem về chôn cất, dần dần nguôi ngoai mà trở lại làm người. Nhưng vì chẳng thể đối diện, hắn bị chấp niệm gặm nhấm, hoá điên.

Lễ tang của một người từ gọi hồn, tắm rửa, cơm hàm, cáo phó, phát tang, khâm liệm… không dành cho người chết, mà để người sống dần học cách chấp nhận.

Về sau, khi về hưu, ta mở Cửu Tương Quán, giúp người rơi vào u mê tìm lại chính mình.

Nhưng chuyện ấy chưa kết thúc.

Ta lê lết nghìn dặm trở về Trường An, thân thể tiều tụy như ăn mày, cứ tưởng mọi sự sẽ lắng xuống. Nhưng ta nhầm. Đại Lý Tự lập tức bắt giam ta vì tội tắc trách. Nguyên Ấp cùng vợ chàng Lý Nhàn cũng bị bắt.

Tội của Nguyên Ấp là tiến cử một kẻ lai lịch mờ ám dự thi tức Trần Sư Cổ. Qua điều tra, phát hiện gia phả, quê quán, tổ tiên của hắn đều bịa đặt. Do loạn lạc thời Thiên Bảo, sổ hộ tịch thất lạc, Lễ Bộ không kiểm tra được, nên hắn mới qua mặt quan trường.

Khi dò theo địa chỉ hắn từng khai, người ta chỉ tìm được một lăng mộ cổ đời Hán trên núi Bắc Mang. Mộ chủ cũng họ Trần.

Thì ra, hắn không mang họ Trần. Tên ‘Sư Cổ’ chỉ là ám chỉ ‘thi cốt’. Hắn là một bóng ma không tên, bị ánh sáng từ Nguyên Húc dẫn dắt, từ địa ngục Tu La len vào trần thế, rồi lại rơi về chốn tối tăm.

Các quan Đại Lý Tự thương xót chúng ta là người bị lừa, không tra tấn, chỉ bắt chép lại từng chi tiết về Trần Sư Cổ, hết lần này đến lần khác. Nhờ thế, bốn mươi năm rồi, ta vẫn nhớ rành rọt.

“Đến lúc ấy rồi, triều đình còn mơ bắt người ấy về quy án. Nhưng chỉ một tháng sau, ảo vọng ấy tan biến.”

Trong buổi thiết triều ở điện Hàm Nguyên, khi hoàng đế vừa ngự giá, giữa điện bỗng hiện một cái đầu đẫm máu. Thủ vệ rối loạn. Có kẻ lấy máu từ đầu ấy, viết lên tường một bài thơ tang tóc:

“Chiều rơi khói phủ bến sông
Trăng treo lạnh ngắt, tháp lồng bóng nghiêng.…”

đó chính là thơ tuyệt mệnh của Nguyên Húc.

Lúc này ai cũng hiểu, Trần Sư Cổ có thể dễ dàng lấy đầu tiết độ sứ, thì việc vào Hàm Nguyên Điện lấy đầu vua chẳng khó. Hắn chưa ra tay, chỉ vì Nguyên Húc còn thân nhân sống. Khi họ chết đi, phong ấn cuối cùng này cũng mất đi.

Ba ngày sau, chúng ta được thả, trả về chức cũ. Để trấn an, triều đình còn phong Lý Nhàn làm huyện quân.

Vụ án chấn động này được lặng lẽ khép lại. Hàm Nguyên Điện được sơn lại, hồ sơ bị thiêu hủy, mọi lời nhắc đều bị cấm. Tựa như hai con người ấy chưa từng tồn tại.

Đó là lần cuối ta nghe về Trần Sư Cổ. Về sau, nhiều năm ta luôn sống trong sợ hãi, e một ngày hắn sẽ trở lại báo thù. Nhưng lạ thay, vợ chồng Nguyên Ấp lại thọ lâu, qua ba đời vua vẫn sống an lành.

Năm năm trước, khi còn đi lại được, ta đến thăm họ. Cảm giác ấy… như một ngọn đèn sắp tắt.

Hôm qua gặp ngươi, ta không nhịn được hỏi han tung tích Trần Sư Cổ. Nếu hắn lại xuất hiện, Đại Đường ắt rơi vào tai hoạ.”

Vi Huấn nhớ lại năm năm trước, khi mình vừa mạnh mẽ xuất sư. Trần Sư Cổ đã bệnh nặng, không còn đủ sức theo kịp đồ đệ, càng chẳng thể trèo lên tường Hàm Nguyên Điện để viết thơ bằng máu.

Suốt đời hắn bị giam trong một câu thơ và một cỗ quan tài, chẳng thể trả thù, chỉ biết moi xác đám quan lại từ dưới mồ lên mà nghiền xương trả hận. Trong số những người còn sống, chỉ còn lão tăng trước mặt.

“Yên tâm. Hắn chết rồi. Ta tận mắt chứng kiến.”

Nhớ đến Bảo Châu, Vi Huấn không muốn nghe thêm. Lau tay, hắn đứng dậy.

Đàm Lâm vội nói:

“Ngươi đã nhiễm tình độc, tâm ma sắp phát. Sao không buông bỏ mà quy y, học phép độ người, độ mình như Quan Xuyên?”

Ông chỉ vào thi thể một thiếu nữ vừa mới mất:

:Phàm có hình tướng, đều là hư ảo. Bao người vì chấp niệm mà thành ma. Trần Sư Cổ cũng thế. Ngươi là truyền nhân hắn, nhưng nếu một lòng hộ pháp, thì dù thân từ quỷ vực, cũng có thể thành thần hộ pháp. Đừng giẫm lên vết xe đổ!:

Vi Huấn dứt khoát đáp:

“Không được. Ta còn sứ mệnh. Dù có xuất gia, thì ta cũng chỉ vì nàng mà làm hộ pháp, không phải vì ông.:

Một tiếng thở dài buông ra. Đàm Lâm thất vọng nhắm mắt lại, lát sau mới nói:

“Xem ra, ngươi vẫn chấp mê, rồi sẽ lại rơi vào tuyệt lộ. Nếu chẳng còn manh mối nào, hãy xem tác phẩm cuối cùng của hắn – “Cửu Tương Đồ”. Có lẽ sẽ thấy được tâm ma trong đó.

Bình Luận (0)
Comment