Tâm trí rối bời, Vi Huấn lặng lẽ kẹp tờ kinh Phật để lại đúng chỗ cũ trong quán dịch, rồi tìm đến một góc mái vắng vẻ, nơi chẳng ai canh gác, mà giấu đi.
Hắn lặng lẽ nhìn đôi tay mình, ánh mắt mơ hồ như mất hồn, không hiểu vì sao lại tránh né nàng, càng chẳng rõ nỗi sợ mơ hồ ấy từ đâu mà sinh ra.
Thuở ấy, vừa mới đưa nàng ra khỏi lăng mộ, giữa cảnh tượng âm u quái lạ, trên mặt nàng đeo thứ trang sức kỳ lạ, chỉ e khắp thân còn dán đầy bùa chú, châm sắt, những vật trấn áp. Hắn đã từng đích thân sờ từng đốt xương tấc thịt của nàng, từng ly từng tí đều cẩn trọng dò xét, ấy thế mà khi đó không hề thấy ngượng ngùng hay xấu hổ.
Giờ đây lại không hiểu làm sao, chỉ một cái chạm cũng chẳng dám chạm.
Trời chập choạng, bóng tối buông dần mà vẫn chưa biết đi đâu, hắn chợt nhớ tới sư đệ nơi chùa Liên Hoa chưa chắc có bữa cơm no, bèn mua một ổ bánh hồ ở đầu phố, mang tới.
Thập Tam Lang trông thấy dáng vẻ hắn thần hồn rối loạn, nét mặt như người vừa chán chường vừa thất vọng, lấy làm lạ lắm.
“Sư huynh làm sao thế?”
Vi Huấn uể oải đáp: “Không biết nữa… huynh chỉ thấy trong lòng có chút sợ hãi.”
Nghe lời ấy, Thập Tam Lang như bị sét đánh giữa trời quang, trợn mắt kinh ngạc. Vi Huấn tuổi tuy còn trẻ, nhưng tư chất hơn người, ngộ tính cao ngất. Khi còn thiếu niên đã là tay kiếm nổi danh bậc nhất thiên hạ, trong lòng vị chú tiểu này, hắn là người huynh trưởng trước nay vô ưu, vô úy, chưa từng biết sợ là gì. Dù biết số kiếp chẳng còn bao lâu, vẫn luôn sống ung dung tự tại. Khi đối diện hiểm nguy hay địch thủ hùng mạnh, lại càng hăng hái, càng chiến càng hăng. Chưa từng thấy hắn vì điều gì mà run sợ.
“Chẳng lẽ trên đời còn có địch nhân khiến đại sư huynh không đối phó nổi? Hay là… gặp phải cao thủ dùng dao?”
Vi Huấn khẽ lắc đầu, buông tiếng thở dài: “Không phải kẻ thù. Là huynh chọc nàng giận… Nàng bảo huynh cút, lời nói rõ ràng dứt khoát như chém sắt bổ đá.”
Thập Tam Lang lại một lần nữa như bị trời giáng, há hốc mồm không thể tưởng tượng nổi: “Thế thì mau đi xin lỗi chứ! Có gì đáng sợ đâu?”
Vi Huấn nhìn chú tiểu, gương mặt u sầu, lặng im hồi lâu rồi khẽ nói: “Ta cũng không biết nên nói gì cho phải…”
Thập Tam Lang tay cầm ổ bánh hồ, trong bụng nghĩ thầm: năm nay mình mới mười hai tuổi, còn là chú tiểu chưa hoàn tục, đại sư huynh thật đúng là chọn nhầm người để tâm sự chuyện này.
Hai huynh đệ xưa nay chưa từng gặp tình cảnh khó xử đến vậy, chỉ đành nhìn nhau, tìm lên mái nhà vắng vẻ mà ngồi ăn bánh, bàn bạc.
Thập Tam Lang vốn cho rằng Vi Huấn vẫn như mọi khi, trêu người quá trớn mà thành họa, nên hơi oán trách: “Sư huynh không nên chọc giận Cửu Nương. Tỷ ấy đối với chúng ta đều tốt, mấy hôm trước huynh lánh mặt, tỷ ấy vẫn cố tìm đến xem. Nhìn thấy huynh ốm nặng, tỷ ấy còn rơi nước mắt.”
Lời ấy khiến lòng Vi Huấn chợt xao động, nhưng hắn không dám tin, nên mạnh miệng cãi lại: “Nàng vốn hay khóc. Thấy cảnh thương tâm thì khóc, ăn táo gặp sâu cũng khóc.”
Thập Tam Lang chau mày, do dự một chút rồi nói: “Không giống vậy… Lần này không giống mấy lần trước. Phải rồi, chuyện huynh bóp tay tỷ ấy, đã xin lỗi chưa? Đệ nghĩ hay là giải quyết từng việc một.”
Vi Huấn nghe vậy liền trợn mắt, ngạc nhiên hỏi: “Bịa đặt! Khi nào huynh từng làm nàng bị thương?!”
Thập Tam Lang cũng sửng sốt: “Chẳng lẽ huynh không nhìn thấy vết bầm tím?”
Vi Huấn nhíu mày: “Huynh chẳng thấy gì cả.”
“Lúc ấy huynh đang sốt cao mê man, tỷ ấy chỉ chạm vào trán huynh xem thử, thì huynh bất chợt phát bệnh, bóp chặt cổ tay nàng. May mà đệ kịp thời gỡ ra, nếu không chẳng biết hậu quả đến đâu. Chính huynh rõ sức tay mình thế nào, để lại dấu móng bầm tím rành rành, may mà chưa rút dao thọc cho tỷ ấy một nhát, bằng không ‘sống dai’ thành ‘chết dai’ rồi còn gì.”
Sao có thể? Sao có thể? Vi Huấn lập tức sững người, lòng dậy sóng. Ban đầu hắn còn nghĩ thằng bé này bịa chuyện, muốn đá nó một cước cho rơi khỏi mái nhà. Nhưng rồi trong đầu hiện lên hình ảnh nàng vẫn luôn dùng tay áo che giấu, từ viết chữ đến giương cung đều không lộ tay. Chớp mắt hắn đã hiểu cả, máu nóng trào lên, hối hận dâng đầy, tâm trí rối như tơ vò.
Thập Tam Lang thấy hắn sững sờ, vẻ mặt kinh hãi rối loạn, biết ngay là thật sự không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Hắn hiểu Vi Huấn rất ghét người khác chạm vào, nếu còn tỉnh táo thì còn giữ được kiềm chế, nhưng một khi thất thần, ắt sẽ gây họa. Phải chăng vì chuyện ấy khiến lòng dạ đảo điên?
Chú tiểu khe khẽ nói: “Vẫn nên tìm cách xin lỗi thì hơn. Dù tỷ ấy có nói huynh cút, chứ huynh thực sự định buông tay mà bỏ mặc tỷ ấy sao?”
Giữa đống suy nghĩ rối bời, Vi Huấn cũng thầm tự hỏi, hắn dám không?
Lúc Dương Hành Giản tìm đến, cũng là lúc nàng cùng người nhà một lần nữa nối lại dây thân tình, lẽ ra hắn nên lặng lẽ rút lui. Nhưng cái kẻ yếu đuối kia chẳng có chút bản lĩnh nào để bảo vệ nàng. Trong cảnh loạn lạc này, nàng lại là người xuất chúng, đi đến đâu cũng sẽ khiến lắm kẻ nhòm ngó, chỉ e còn hơn cả viên minh châu trên tháp báu.
Dù hắn có trừ bỏ Bảo Lãng lúc này, sau này vẫn sẽ có kẻ khác nhảy vào. Giết một người không thể giết hết cả thế gian. Hắn là kẻ đích thân cứu nàng từ quan tài bước ra, hao tổn bao tâm huyết lẫn khí lực giữ nàng sống lại, chẳng lẽ giờ ném nàng vào miệng hổ, trong lòng thật sự yên ổn?
Một tiếng thở dài buông ra, Vi Huấn buồn bã nói: “Nàng đã nói rõ ràng rành mạch, lẽ ra huynh không nên vương vấn thêm.”
Thập Tam Lang chợt nhớ đến chuyện Trần sư tổ từng dặn, từ đầu chuyến đi tới nay, hễ nhắc đến chuyện này là Vi Huấn hoặc là quay người bỏ chạy, hoặc là làm ngơ như chẳng nghe thấy. Nhưng đến nước này rồi… có lẽ cũng đến lúc phải nói cho rõ ràng.
Thập Tam Lang trịnh trọng nói như kể một chuyện lạ: “Sư phụ khi còn tại thế từng bảo, có một loại đan dược có thể cứu mạng huynh, gọi là phượng hoàng thai, có tên là ngọc sống. Cửu Nương là dòng dõi hoàng tộc, thân mang huyết mạch thiên tử, còn quý phi ngày trước đúng là phượng hoàng thai; mà tên tỷ ấy lại là Bảo Châu. Huynh từ ngôi mộ kia đào lên tỷ ấy, chẳng phải là đúng với cái tên ‘ngọc sống’ đó sao?
Sư huynh bệnh tật, mạng sống e là cũng gắn liền với Cửu Nương. Đây chính là chuyện nhân duyên quả báo, lẽ định từ trước trong lời nhà Phật. Nếu huynh bỏ đi, thế thì căn bệnh biết tính sao cho phải?”
Những điều ấy, Vi Huấn nào chẳng từng nghĩ đến, chỉ là dọc đường không muốn đối diện mà thôi. Nay bị Thập Tam Lang thẳng thừng nói ra, lòng càng thêm rối loạn, không thể bình tâm. Căn bệnh bẩm sinh khiến hắn cả đời đau đớn, mỗi lần phát bệnh như lưỡi dao cắt vào tủy, bao năm tìm thuốc phương đan, khắp chốn cổ mộ không nơi nào chưa từng đến, thế mà chưa từng thấy bóng dáng thần phương trong truyền thuyết. Đến bước đường cùng, hắn mới bỏ ý niệm, định bụng chậu vàng rửa tay, buông kiếm đợi chết. Ai ngờ lần cuối cùng ấy… lại đào trúng nàng.
Thuốc tiên Bồng Lai chỉ như làn khói mịt mờ, không rõ thực hay hư; còn người con gái này thì sống sờ sờ đứng trước mặt, biết cười, biết khóc, có hỉ nộ buồn vui như bao người trần thế.
Dù có nói nàng là cứu mạng chi châu, là linh dược chữa bệnh, thì hắn… làm sao có thể dùng nàng như một viên thuốc? Chẳng lẽ lại đem thả vào lò luyện, nấu lấy linh đơn?
Hai huynh đệ đối diện dưới ánh trăng, chẳng ai nói câu nào. Nhớ lại bao chuyện chìm nổi những năm qua, trong lòng mỗi người đều là trăm mối tơ vương, chẳng biết gỡ từ đâu.
Một lúc lâu sau, Vi Huấn khẽ dặn: “Đệ về chùa đi.”
Dứt lời, nhún mình nhảy khỏi mái hiên. Thập Tam Lang dõi theo bóng lưng hắn rũ xuống, từng bước nặng nề, mỗi bước sâu cạn không đều, nhưng phương hướng vẫn là huyện nha.
Mãi đến khi bóng dáng kia khuất hẳn trong đêm, tiểu sa di mới cúi đầu lẩm nhẩm:
Kinh Phật có nói: ‘Không vướng không lo, thì chẳng sợ hãi’ — chẳng lẽ, vì trong lòng có lo nghĩ, nên mới biết thế nào là nỗi sợ?
Bên trong nội viện huyện nha đã chìm trong một màu đen đặc. Ngoài người gác cổng trực đêm ngồi lơ mơ bên chiếc đèn bão heo hút, không còn ai thức giấc.
Vi Huấn giơ tay, khẽ đẩy thử cánh cửa sổ phòng Bảo Châu, đã bị then từ bên trong. Hắn không cam tâm, vòng qua mấy lượt, thử từng khung cửa một, nào ngờ cửa nào cũng đóng chặt như nhau.
Tất nhiên hắn có trăm cách để vào, thậm chí chỉ cần trèo lên mái, dỡ một miếng ngói cũng lọt. Nhưng những cách đó… không thể dùng.
Nàng đã khóa kín cửa sổ, nghĩa là không cho hắn bước vào. Gian phòng này, dù chẳng có lính canh, cũng là nơi trấn giữ nghiêm ngặt nhất trần gian, ngay cả hắn cũng đành bó tay.
Giờ đã sang cuối thu, đêm khuya gió đã se lạnh.
Không có tiếng người, không còn ồn ào náo động, chỉ có làn gió đêm đưa vẳng tiếng chuông đồng nơi chùa Liên Hoa xa xa, ngân nga như khói như mây, tựa điệu nhạc tiên mơ hồ trầm bổng.
Tiến không được, lui chẳng xong, Vi Huấn đành ôm gối ngồi trên nóc nhà, gió lạnh lùa qua thân, chỉ biết xa xa dõi nhìn ô cửa kia đã đóng kín với hắn.
Trên trời, một vầng trăng tròn tỏa sáng. Ánh trăng như nước, trải khắp nhân gian không sót một nơi.
Xưa nay văn nhân thi sĩ hay ví trăng tròn như đĩa ngọc, như ngọc bích, như viên ngọc trai trên tay trời. Nhưng trong mắt hắn lúc này, ánh trăng sáng ấy lại chẳng khác gì một hạt châu sống động, khiến lòng người bỗng trở nên hoảng hốt, nghĩ mãi không thôi.
Đúng lúc ấy, một con mèo tam thể mình thon nhảy vọt lên mái, đi tập tễnh đến rồi ngồi xuống không xa. Không rõ có phải do đánh nhau với đồng loại hay không, bộ lông rối bời, chân trước bên trái bị thương, buông lơ trong gió. Ngẫu nhiên lại giống hệt tay trái đang quấn vải của hắn.
Nhìn nó gầy gò chật vật chẳng kém gì mình, Vi Huấn khẽ cười, giọng chua chát:
“Mèo ơi mèo, ngươi cũng chẳng có ai thương xót sao?”
Con mèo chỉ lạnh lùng liếc hắn một cái, chẳng buồn đáp lại.
Một con mèo gầy, cùng một người gầy gò, ngồi hai đầu mái ngói, cách nhau một khoảng, lặng lẽ ngẩng đầu nhìn về phía ánh trăng tròn vành vạnh.
Trăng sáng mênh mang, người và vật đều im lặng không lời.