Đại Đường Tích Châu Ký - Phạn Tạp

Chương 49

Như thường lệ, sáng sớm hôm ấy Dương Hành Giản lại đến vấn an công chúa. Vừa bước đến trước phòng Bảo Châu, ông đã thấy Vi Huấn đứng tựa tường, sắc mặt nhợt nhạt, hai quầng mắt xanh sẫm như mất ngủ nhiều đêm, chẳng còn chút vẻ ngông nghênh, kiêu bạc thường ngày. Chỉ còn lại một thân uể oải, mỏi mệt chẳng buồn che giấu.

Dương Hành Giản đưa mắt nhìn quanh, lòng hồ nghi dấy lên. Không thấy ai nằm gục gần đó, cũng chẳng có dấu vết gì khác lạ. Nhìn lại Vi Huấn, lòng ông càng nghi hoặc: người này vốn xưa nay chẳng mấy để tâm phép tắc lễ nghi, từng nhiều lần ngang nhiên ra vào khi công chúa còn đang sửa soạn, chẳng chút kiêng dè. Ấy thế mà hôm nay lại ngoan ngoãn đứng ngoài, không dám bước vào, chẳng lẽ là bị đuổi ra?

Không nén nổi thắc mắc, ông dè dặt hỏi: “Công chúa đâu rồi?”

Vi Huấn chẳng buồn ngẩng đầu, giọng hững hờ đáp: “Đang sửa soạn.”

Nữ nhân trang điểm là chuyện riêng tư, nam nhân nếu không phải thân cận cũng phải đứng ngoài tránh né. Nhưng người này nào phải kẻ hay giữ kẽ? Những lần trước, nàng chải đầu hắn cũng cứ thản nhiên bước vào, làm như không có gì. Hôm nay sao lại ngoan ngoãn chờ ngoài? Nhìn thần sắc bối rối ấy, e rằng không phải tự nguyện mà là bị nàng đuổi ra.

Tuy chẳng rõ đầu đuôi chuyện gì đã xảy ra, nhưng nhìn nét mặt nơm nớp ấy, Dương Hành Giản suýt bật cười. Chỉ đành nén lại, đến chòm râu cũng rung khẽ vì nhịn cười.

Hai người một đứng trái, một đứng phải, như hai pho tượng đá canh cửa, im phăng phắc.

Thực ra ông chỉ đoán đúng một nửa. Vi Huấn không phải bị nàng mắng đuổi ra, mà sáng sớm lại lén đến thử cửa sổ thêm một lần. Vẫn khoá. Bất đắc dĩ hắn mới dồn can đảm, gõ cửa chính. Nàng cũng chẳng nặng lời bảo hắn đi, chỉ lạnh nhạt đáp: “Đang trang điểm, chờ ngoài.”

Chỉ một câu đó, lại khiến hắn dấy lên hy vọng. Nàng không đuổi đi, nghĩa là chưa tuyệt tình. Thế nhưng chẳng được gặp mặt, cũng không biết nàng thật sự nghĩ gì. Hắn như ngồi trên đống than, vài lần muốn bỏ mặc tất cả, quay đầu đi cho rồi. Nhưng chân cứ đứng yên tại chỗ, không nhấc nổi lên.

Dương Hành Giản kiên nhẫn đợi, không thấy nàng ra ngay cũng chẳng lấy làm lạ. Ông đứng nhẩn nha vuốt râu, nghĩ qua nghĩ lại về quan hệ của hai người, dường như chợt hiểu ra điều gì, liền nở nụ cười độ lượng của kẻ từng trải.

Chợt nhớ đến người con gái đoản mệnh Phương Hiết nếu còn sống, giờ cũng đã bằng tuổi công chúa, biết đâu cũng đang có người khiến nàng giận dỗi, khiến một thiếu niên nào đó mặt đỏ tai hồng đứng chờ ngoài cửa như thế. Nghĩ tới đây, lòng ông không khỏi dậy sóng, bồi hồi xúc động.

Chờ mãi gần một canh giờ, cuối cùng bên trong mới có tiếng truyền gọi: “Vào đi.”

Hai người cùng bước vào phòng. Vi Huấn vừa đi vừa liếc trộm, chỉ thấy Bảo Châu ngồi nghiêm chỉnh trên giường, nét mặt thản nhiên, điềm đạm, chẳng còn vẻ gần gũi, thân thiết như mọi khi. Dáng ngồi đoan chính, khí chất lạnh lùng, thần thái ấy quả nhiên là bậc nữ nhi đài các, mang huyết thống đế vương. Cả Vi Huấn lẫn Dương Hành Giản đều không dám mở lời, chỉ đứng lặng như ve sầu mùa đông.

Vi Huấn kín đáo đưa mắt nhìn khuôn mặt nàng. Trang điểm suốt một canh giờ, vậy mà chẳng thấy khác biệt gì lớn, chỉ là đôi mày cong mềm thường ngày đã được thay bằng dáng mày phất vân, kéo ngang, đuôi nhướng lên, làm cả khí thế cũng thêm vài phần nghiêm nghị. Hắn thầm nghĩ, trách sao lâu, chắc nàng thử đi thử lại các dáng mày xem cái nào trông giận hơn.

Vì nàng lạnh lẽo như sương tuyết, lại có thêm Dương Hành Giản bên cạnh, lời xin lỗi Vi Huấn ấp ủ suốt đêm lại nghẹn trong cổ họng, chẳng biết mở lời từ đâu.

Không ngờ Bảo Châu chẳng nhắc nửa lời đến chuyện hôm qua. Chỉ rút từ tay áo ra tờ giấy “Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết” rồi lạnh nhạt bảo: “Đêm qua ta nghĩ kỹ rồi. Trong cung dùng giấy cống từ xưởng hoàng trang chỉ định, mỗi lô đều đồng nhất về chất lượng, nếu không thợ làm sẽ bị xử phạt. Nhưng loại giấy dân gian như tờ này, tuy vật liệu tương tự, song không phải cùng một xưởng làm ra. Giấy màu sắc mỗi nơi một khác, bình thường khó phát hiện, chỉ khi đặt cạnh nhau mới phân rõ được. Ngươi thử dò xem trong thành có ai dùng loại giấy cùng lô này.”

Nàng ngừng một chút rồi nói tiếp: “Lý lẽ ấy dễ hiểu, chẳng rõ sao Bảo Lãng lại không nghĩ ra. Có lẽ bởi nội dung trên tờ giấy quá nhạy cảm, hắn không muốn nhóm làm giấy biết được. Nếu người trong xưởng đọc được, chẳng khác nào toàn thành đều hay.”

Dương Hành Giản thật lòng khen ngợi: “Công chúa quả là sáng trí, chẳng thua gì Thiều Vương.”

Vi Huấn đưa tay nhận lấy tờ giấy, cố tình muốn nhìn tay nàng. Nhưng nàng vẫn dùng tay áo che kín, ngay cả đầu ngón tay cũng không lộ ra, chẳng biết thương tích thế nào.

Ngay khoảnh khắc hắn vừa định chạm vào, nàng đã buông tay. Tờ giấy nhẹ nhàng rơi xuống, không để hắn có cơ hội chạm vào. Vì hắn năm lần bảy lượt né tránh, khiến nàng tổn thương lòng tự trọng, nên lần này, đến cả cái chạm gián tiếp nàng cũng không cho. Cử chỉ và lời nói đều dửng dưng, xa cách. Cũng chính bằng cách hắn từng dùng để đẩy nàng ra, nàng nay trả lại y nguyên, không thêm không bớt.

Tờ giấy rơi chầm chậm xuống đất. Vi Huấn chẳng nói lời nào, chỉ lặng lẽ cúi xuống nhặt lên, xếp lại, cất vào ngực áo.

Thấy hắn vẫn không động đậy, Bảo Châu lạnh giọng giục: “Còn không đi à?”

Vi Huấn cúi đầu, xoay người bước ra.

Dõi theo bóng hắn khuất ngoài cửa, Dương Hành Giản thầm thở ra nhẹ nhõm. Bất kể hai người cãi vã vì chuyện gì, nhưng nhìn cục diện này, trong phòng này vẫn là công chúa nắm quyền. Cái kẻ kiêu ngạo ấy, rốt cuộc cũng chẳng phải đối thủ của nàng.

Vi Huấn thất thần bước đi giữa phố, hồn vía như lạc đâu mất, trong đầu chỉ quanh quẩn hình ảnh tờ giấy mỏng rơi chậm xuống đất tựa chiếc lá cuối thu. Hắn không rõ nên mừng hay lo: Bảo Châu tuy không đuổi hắn đi, lại còn giao thêm nhiệm vụ mới, nhưng giọng điệu và ánh mắt đã chẳng còn như xưa. Hết thảy đều lạnh lùng, rành rọt, xử sự như quan tòa phân xử, không hề để lộ chút tình riêng. So với việc mắng chửi một trận cho hả giận, cách ấy khiến lòng hắn càng thêm nặng nề. Trong bầu không khí ấy, dù hắn có nói gì, cũng thấy vướng víu, thừa thãi.

Vừa bước vừa nghĩ ngợi rối bời, chợt sau lưng có tiếng quen thuộc vang lên: “Đại sư huynh làm sao thế kia? Trông chẳng khác gì chó nhà có tang.”

Hắn làm bộ không nghe thấy, cứ lặng lẽ sải bước đi tiếp.

Hoắc Thất Lang ba chân bốn cẳng đuổi kịp, đi cạnh bên trêu chọc: “Chẳng lẽ sắp chết thật rồi? Nếu có di vật gì quý giá, nhớ để lại cho sư đệ nhé.”

Vi Huấn liếc nàng một cái, giọng lạnh tanh: “Có một thanh dao găm, chuôi khảm vàng, lưỡi rèn thép đen, chém sắt như chém bùn. Có muốn không? Ta sẽ đâm đúng chỗ ngứa.”

Hoắc Thất Lang hoảng hồn xua tay lia lịa: “Không dám đâu! Đệ chỉ giỡn chơi thôi mà.”
Rồi nàng cẩn thận quan sát sắc mặt Vi Huấn, nói tiếp: “Thật ra khí sắc huynh không tệ lắm đâu. Trông như đang thời vận lên, cớ gì lại ủ rũ thế kia?”

Vi Huấn bụng đầy tâm sự, chẳng có tâm tình đùa cợt, bực bội quát: “Cút!”

Hoắc Thất Lang thấy có chuyện hay liền càng không chịu buông tha, vẫn lải nhải không ngớt: “Giữa thành Trường An người ta đồn ầm lên, nói huynh nhặt được cô nương nhà giàu, đổi vận phát tài. Mấy hôm trước đệ tới hiệu của Tôn gia dò hỏi, thì nghe nói huynh không có ở đó. Nhưng đệ có thấy Kỵ Lư Nương Tử một lần quả thật tướng mạo đoan trang phú quý! Đệ từng học xem tướng vài hôm với sư phụ, vừa nhìn đôi tai nàng đã biết: đúng là tướng thiên kim tiểu thư nhà họ Đậu!”

Họ Đậu là đại phú thương dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, nổi danh khắp Trường An, giao hảo với quyền quý, trong ngoài triều đình đều có nhà cửa đất đai. Kẻ sĩ đương thời hay ví phú quý tám đời cũng chưa chắc bằng tài lực họ Đậu. Hoắc Thất nghĩ Bảo Châu là con nhà cự phú, không khỏi hai mắt sáng rực, đầy vẻ ngưỡng mộ.

Nàng biết Vi Huấn sinh ra đã học võ từ nhỏ, được danh sư chỉ điểm, là nhân tài hiếm có. Thế nhưng lại mắc chứng hàn bẩm sinh, cả sư môn đều biết bệnh này vô phương cứu trị, khó sống quá hai mươi. Người như vậy, dù tài hoa cái thế, cũng e mệnh yểu, đoản thọ. Ông trời thật quá bất công.

Thế nhưng hôm nay nhìn kỹ lại, thấy hắn tuy sầu tư đầy mặt, nhưng sắc mặt hồng nhuận, ấn đường sáng sủa, mày mắt lộ vẻ như có hồng loan nhập mệnh. Hoắc Thất Lang lòng sinh nghi hoặc: nếu hắn sống chẳng quá hai mươi, cớ gì vận đào hoa lại đến? Chẳng lẽ… đã đổi mệnh?

Nghĩ vậy, nàng thăm dò: “Đại sư huynh thật sự đã tìm được… phượng hoàng thai rồi sao?”

Vừa dứt lời, Vi Huấn đã biến mất tại chỗ. Chỉ trong một chớp mắt, hắn đã áp sát trước mặt nàng, ngón tay điểm mạnh một cái ngay huyệt vân môn dưới xương quai xanh. Hoắc Thất Lang lập tức tê dại nửa bên cánh tay, chẳng thể nhúc nhích.

Vi Huấn cúi đầu nói sát tai nàng, giọng như rắn bò trong gió lạnh: “Ngươi muốn ta chết sớm đến thế à? Vậy để ta giúp ngươi toại nguyện trước.”

Hoắc Thất Lang biết mình đùa quá đà, vội vàng giơ tay đầu hàng: “Sư huynh tha mạng! Là đệ lỡ lời. Đệ thua bạc, bị chủ nợ rượt đuổi, Trường An không dung thân nữa, đành phải lang bạt ra ngoài tìm đường kiếm sống. Nghe nói huynh phát tài, nên mới tới đây tìm cửa nương nhờ. Cầu xin huynh cho theo hầu!”

Hoắc Thất Lang năm nay đã hai mươi tư tuổi, dung mạo tuấn tú, tính tình ưa náo nhiệt, xưa nay thích lui tới nơi hoa tửu đàn ca, giang hồ gọi là “Khỉ La Lang Quân”. Nàng ham mê cờ bạc, hoang dâm vô độ, nam nữ đều chẳng phân biệt. Cái vết sẹo dài bên mặt nàng là do dính chuyện phong lưu mà ra từng trêu chọc một tiểu quan dưới trướng “Động Chân Tử” Hứa Bão Chân, khiến gã kia đ*ng t*nh đòi hoàn tục, làm Hứa đạo nhân tức đến nổ mắt, đập quạt cầm kiếm, rạch một đường dạy dỗ.

Vi Huấn xưa nay chẳng quan tâm đến mấy trò phong lưu rối ren của nàng, thấy nàng hôm nay biết điều nhận sai, lại mở miệng cầu xin, cũng không làm khó nữa. Hắn hừ một tiếng, rẽ sang đường khác, tránh sang bên.

Hoắc Thất Lang vội vàng bám theo, không dám nhiều lời thêm về chuyện Kỵ Lư Nương Tử. Trong bụng càng lúc càng lấy làm lạ: Vi đại sư huynh ngày trước có tiếng hài hước, tính tình phóng khoáng, nay sao lại trở nên kiệm lời khó gần thế kia?

Nàng vốn tính l* m*ng, tâm không tĩnh, võ công dẫu không bằng ba vị sư huynh, sư tỷ đi trước, nhưng lại ham học tạp môn, từng theo Trần Sư Cổ học đủ trò. Nếu không vì thói ph*ng đ*ng, đã có thể tự lập môn hộ từ lâu. Nay lâm vào bước đường cùng, đành hy vọng đi theo Vi Huấn kiếm chút bạc mà sống qua ngày. Thấy hắn tâm tình u uất, nàng cũng không dám hỏi thẳng về chuyện trộm châu bảo.

Được Bảo Châu giao nhiệm vụ, Vi Huấn bắt đầu âm thầm điều tra nguồn gốc tờ giấy nọ. Thị trường Trường An đủ loại giấy: giấy thô, giấy nhuyễn, giấy bản, giấy làm từ tre nứa, thậm chí có cả giấy vá từ quần áo rách, chăn cũ… Người dân thường cứ rẻ đâu dùng nấy, chẳng ai để tâm xuất xứ. Còn loại giấy hoa mỹ kia, in hình in hoa, chất giấy tinh tế, chỉ người làm sách, viết kinh, hay người buôn bán giấy mới nhận ra sự khác biệt.

Hoắc Thất Lang chẳng biết hắn đang dò xét điều gì, nhưng giỏi nhìn sắc mặt người, lại quen chạy vặt, nên rất khéo hỗ trợ. Lúc cần mua giấy, nàng đi trước mặc cả. Lúc cần hỏi manh mối, nàng cười nói ngọt ngào, moi tin chẳng khác gì mèo vờn chuột. Vi Huấn không nói lời nào, chỉ lẳng lặng dõi theo, nét mặt càng lúc càng trầm ngâm như nước đá dưới lòng sông mùa đông.

Bình Luận (0)
Comment