Bảo Châu vừa dứt lời, bốn phía im phăng phắc, ai nấy ngẩn ngơ. Bàng Lương Ký lập tức đứng bật dậy, cúi mình thi lễ, sai người dẹp sạch rượu thịt cũ trên bàn, gọi gia nhân bày lại một mâm tiệc mới tươm tất, tha thiết mời nàng ngồi vào, nhờ nàng chỉ giáo.
Nàng cũng không khách sáo, vào chỗ ngồi, đón lấy tập giấy từ tay Bàng Lương Ký, lần lượt xem qua từng tờ. Mười sáu bài thơ dùng trong lễ cưới, vậy mà có đến bốn bài sai sót rõ rệt. Bảo Châu nhíu mày, không khỏi nghi ngờ người viết thuê này có oán thù gì với nhà họ Bàng.
Tập thơ “Cùng xuân thâm” hai mươi bài vốn không phải loại dâm thi tục khúc, mà là đại tác của Hương Sơn cư sĩ Bạch Cư Dị, trong ấy có nhiều câu thanh nhã, đề vịnh đủ loại hôn lễ: từ quan viên cho đến học sĩ, từ thư sinh cho đến bá tánh. Thế nhưng, người viết này lại nhất định chọn cho được đoạn viết về kỹ nữ để sao chép dùng trong hôn lễ, thật là cay độc.
Thậm chí có đoạn: “Thuấn cày dư cỏ cây, Vũ tạc cũ sơn xuyên” thoáng nghe tưởng ca ngợi nhà gái có tổ tông cao quý, liên hệ với hai vị thánh quân thời thượng cổ. Nhưng sâu xa lại là ám chỉ tân nương tái giá, không giữ trinh tiết, không hợp đạo lý nhà Nho. Bài này vốn do hàn lâm học sĩ Trương Trọng Tố từng viết để mỉa mai một hôn lễ tương tự, nay bị mang ra sao chép lại, quả thực là nhục mạ trắng trợn.
Bảo Châu nói rõ ràng từng chỗ sai, khiến Bàng Lương Ký tức giận đến tay run lên bần bật, lập tức muốn kéo tên viết thuê kia ra đánh một trận nhừ tử. Hắn nghiến răng chửi:
“Chúng ta thô phác quê mùa, không nghe ra ý tứ ngầm, nhưng nhạc phụ ta xuất thân danh môn, lỡ đâu nghe một câu, há chẳng phải rước họa vào thân!”
Vi Huấn lạnh lùng nói thêm:
“Lão Lục à, hôn sự của ngươi còn chưa thành, mà kẻ muốn phá đám đã ra tay trước rồi. Mấy câu chữ này chẳng khác gì ám khí trên giấy, ai cũng khó phòng.”
Hoắc Thất Lang xen vào:
“Ngươi đang gấp, hay là nhờ Cửu Nương viết giúp mấy bài mới?”
Bảo Châu thản nhiên nói:
“Ta không biết làm thơ. Nhà ta xưa nay cũng đều thuê người làm.”
Lời này nàng nói ra hoàn toàn thật lòng. Ở Đại Đường, con cháu hoàng thất và nhà quyền quý đều sính thơ phú, thơ có mặt khắp nơi, từ lễ nghi hôn tang đến tiệc tùng yến hội. Thế nhưng rất ít ai thật lòng học thơ, phần nhiều chỉ chuộng cái phong nhã bề ngoài, thích ra đề rồi ngồi chờ xem thi sĩ vắt óc xoay sở.
Mọi dịp cần thơ, dĩ nhiên có thi nhân cung đình chuyên trách lo liệu. Nhưng bất kể là kẻ làm thơ trong triều hay ngoài phường, không ai dám dùng lời mỉa mai thô tụ.c để xúc phạm đến người hoàng thất.
Bảo Châu nói:
“Đã vậy, ngươi cứ chọn thơ văn của danh gia, vừa đẹp vừa chuẩn, lại không sợ kẻ xấu thừa cơ giở trò.”
Bàng Lương Ký nóng nảy như lửa đốt, vội vã hỏi:
“Nhưng ta không biết thơ nào là danh tác để dùng! Cửu Nương, phiền nàng chỉ cho rõ!”
Đoạn quay người giục quản gia:
“Bàng thúc! Mau chuẩn bị bút mực giấy nghiên!”
“Tật Phong Thái Bảo” dù chân đã què, tính tình vẫn nóng nảy như xưa. Ông lập tức sai người bày một chiếc bàn vuông, trải giấy Trừng Tâm đường của Trì Châu, mài mực Dễ Châu Tùng Yên, chuẩn bị nghiên tím Đoan Châu, lấy bút Gia Cát Tuyên Châu dính đầy mực, cung kính đưa đến trước mặt Bảo Châu.
Nàng nghĩ bụng, mình và nhà họ Bàng chẳng chút dây dưa, không muốn vì chuyện không đâu mà hao tâm tổn trí, nên nhẹ giọng nói:
“Ta chỉ đọc cho nghe, ngươi tự tay chép lấy.”
Bàng Lương Ký sảng khoái đáp lời:
“Vậy ta chép, ngươi đọc chậm thôi, ta còn phải nghĩ cách nhớ lại nữa.”
Bảo Châu liền đọc liền mạch mười bài thơ danh gia, mỗi bài đều chuẩn chỉnh tinh tế. Bàng Lương Ký chuyên tâm chép theo, nét bút loằng ngoằng vụng về. Bảo Châu liếc qua, nhăn mặt chê:
“Chữ ngươi viết xấu thật, phí cả bút tốt giấy quý.”
Bàng Lương Ký không lấy làm giận, trái lại còn đắc ý:
“Đây đã là tiêu chuẩn cao nhất trong giang hồ rồi. Hồi trước còn có người gọi ta là Thám Hoa lang đấy.”
Hoắc Thất Lang chen vào, tỏ vẻ ngưỡng mộ:
“Nhà hắn có tiền, từ nhỏ đã được thuê người dạy riêng.”
Nghe vậy, Bảo Châu giật mình, nhớ ra lời Vi Huấn từng nói: người trong giang hồ phần lớn không biết chữ, ngay cả hắn cũng chỉ đọc được mà viết không thông. So ra, tên công tử nhìn qua có vẻ ngốc nghếch này lại nổi bật không ngờ.
Trái ngược lại, bậc tài tử đệ nhất của Đại Đường thì ai nấy đều khao khát làm hiệp khách, chuộng nếp sống giang hồ phóng khoáng. Như Lý Thái Bạch, ngày ngày đeo kiếm dạo phố, tự xưng là nhân sĩ hành hiệp. Một bên là văn nhân vọng tưởng thành hiệp khách, một bên là hiệp khách khát khao học vấn, hai tầng lớp chẳng liên quan, nhưng lại cùng hướng về nhau, nghĩ mà buồn cười.
Bàng Lương Ký vẫn ngỡ Bảo Châu là người trong giang hồ, giờ gặp nguy mà nàng ra tay giúp đỡ, trong lòng càng thêm cảm phục. Hắn nói:
“Nhà ta có mấy khu mỏ, ở Ngọc Thành cũng xem là giàu có. Nàng tài trí như vậy, đến cả chữ nghĩa trong giấy cũng nhìn thấu, chắc chắn là con nhà đại phú!”
Vừa nói xong, Bảo Châu liền bật cười “ha ha” hai tiếng. Quay đầu nhìn, thấy Vi Huấn đang ghé đầu xuống bàn, vùi mặt trong tay, cười đến run cả vai mà không dám bật tiếng.
Chép xong hết các bài, Bàng Lương Ký mới phát hiện một vấn đề nan giải khác, bèn kêu trời một tiếng:
“Chỉ còn ba ngày! Ta làm sao học thuộc hết chỗ này cho kịp!”
Thế là mọi ánh mắt lại đổ dồn về phía Bảo Châu, như thể nàng là thần tiên có phép, có thể giúp Bàng công tử mở được hai mạch Nhâm Đốc, học xong thơ phú chỉ trong một đêm.
Ngay cả lão tổng quản cũng chắp tay khẩn khoản, giọng đầy van nài:
“Tiểu lang nhà ta trước kia mất hơn một tháng mới học thuộc vài bài, giờ phải học lại từ đầu, không biết xoay xở thế nào! Xin cô nương thương tình giúp cho trót, đã tiễn Phật thì xin đưa Phật tới Tây!”
Bảo Châu ngoảnh đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy mưa phùn giăng mắc mịt mù, lòng nghĩ phen này chắc chắn chẳng thể rời đi, bèn dứt khoát ngồi xuống, gọi một ấm quế hoa ngọt, vừa uống rượu, vừa chỉ điểm từng việc.
Nàng hỏi:
“Ngươi từng nghe triều đình từng ban phép cho dân gian cử hành hôn lễ ‘nhiếp thịnh’ chưa?”
Bàng Lương Ký nghe mấy tiếng lạ lẫm thì mặt mày ngơ ngác, chỉ biết lắc đầu.
Bảo Châu mỉm cười giải thích:
“Là triều đình cho phép dân thường khi thành thân được dùng ngựa xe, lễ phục lộng lẫy như quan viên bậc cao. Dù không có chức tước gì, đến ngày cưới vẫn có thể khoác áo lễ màu đỏ cấp ngũ phẩm, mà không bị xem là quá giới hạn.”
Bàng Lương Ký đập tay một cái, reo lên:
“Thì ra là vậy! Khó trách tân lang thường mặc áo đỏ, ta còn tưởng đấy là chuyện đương nhiên, ai ngờ còn phải được triều đình cho phép.”
Bảo Châu không buồn đáp, chỉ thong thả nói tiếp:
“Đã theo nhiếp thịnh, thì không những được mặc hồng y, mà còn có thể mang hốt.”
Bàng Lương Ký phấn khích nói:
“Cái đó ta chuẩn bị rồi! Còn đặc biệt đặt làm bằng ngà voi thứ tốt!”
Cuối cùng cũng nhắc tới điều cần nói, Bảo Châu nửa cười nửa nghiêm:
“Ngươi hãy khắc mấy câu thơ cần đọc lên mặt trong của hốt, dùng chữ nhỏ nhất có thể. Đến lúc làm lễ, cứ lén nhìn vào đó mà đọc.”
Lời vừa dứt, mọi người đều sửng sốt. Bàng Lương Ký tròn mắt, thốt lên:
“Vậy mà cũng tính là… gian lận sao?”
Bảo Châu điềm nhiên:
“Dùng hốt vốn là để ghi nhớ chuyện quan trọng. Vào triều, quan lại viết lời vua, hoặc đọc công văn rắc rối, tính toán sổ sách rườm rà… mấy ông lão trí nhớ chẳng còn được bao, thường phải khắc sẵn mặt sau hốt để nhắc mình. Không thì một câu nói sai, cũng đủ chịu tội. Ngươi tưởng ai cũng mang theo một miếng gỗ to như vậy chỉ để khoe sao?”
Bàng Lương Ký vẫn chưa hoàn hồn, líu ríu nói:
“Ta thật chưa từng nghĩ tới chuyện ấy. Nghe nói các đại thần vào cung không được mang vũ khí, hay là bọn họ không phục, lấy hốt ra đánh nhau chăng? Dù gì cũng không chết người.”
Lời vừa ra khỏi miệng, Bảo Châu lập tức bật cười, suýt nữa phun cả rượu hoa quế qua lỗ mũi. Nàng hình dung ra cảnh tượng rối rắm kia, vừa ho khan vừa ôm bụng cười nghiêng ngả.
Hoắc Thất Lang theo bản năng định tiến lại đỡ lấy nàng, nhưng vừa nhích đến đã bị Vi Huấn trừng mắt cản lại. Hắn cũng muốn giúp, song thấy áo nàng mỏng nhẹ, tay vươn ra lại không biết nên đặt vào đâu cho phải, lúng túng một hồi, rốt cuộc chỉ dám lấy một chiếc khăn sạch đưa nàng lau mặt.
Hoắc Thất trông thấy cảnh ấy, nén cười đến nỗi bụng đau, mà không dám phát ra tiếng.
Chẳng trách người kia nội công chí nhu chí thuận, chỉ một luồng hơi cũng đủ chấn vỡ ngũ tạng kẻ địch, chưởng pháp cứng rắn chẳng thua Quỷ Thủ Kim Cương Khâu Nhậm danh tiếng lừng lẫy, thế nhưng khi đụng cảnh cần nhẹ nhàng săn sóc như thế này thì lại chẳng biết tay để vào đâu.
Hoắc Thất Lang nhìn mà buồn cười, cố tình không nói, chỉ chờ xem tiểu quỷ tự cao kia sẽ xử trí thế nào, phen này quả thực xem không phí công.
Ngay lập tức, Bàng Lương Ký sai người làm thêm mấy chiếc hốt mới, mặt trong khắc toàn bộ các bài thơ. Quản gia Bàng gia cười tươi như nở hoa:
“Tiểu lang nhà ta tuy không dự khoa cử, nhưng nhìn xem, cũng sắp thành Quách Phần Dương đầy giường toàn hốt rồi!”
Đoạn quay sang Bảo Châu, cung kính khom mình chắp tay:
“Tiểu nương tử ra tay giúp đỡ chủ nhân nhà ta, ân nghĩa này, họ Bàng chúng tôi ghi khắc mãi trong lòng. Cô nương biết rõ chuyện cung đình, không hay là người Trường An võ lâm? Cho hỏi quý phủ làm nghề gì?”
Bảo Châu khẽ sững người, lập tức hối hận vì nãy giờ cao hứng mà nói hơi nhiều. Nghĩ một chặp, nàng chọn câu trả lời lưng chừng:
“Nhà ta làm chút sinh ý liên quan trong cung.”
Bàng tổng quản càng thêm cung kính:
“Thì ra là hoàng thương, bảo sao hiểu rộng biết nhiều. Sau này cô nương ghé qua Ngọc Thành, cứ xem Bàng gia là nhà mình, có điều gì chỉ dạy, xin cứ mở lời.”
Ông ta ngẫm nghĩ trong bụng: Nếu tiểu tổ tông nhà ta mà vừa mắt cô nương này thì tốt biết mấy! Người đâu mà vừa lanh lợi, vừa có khí độ sang quý, nào phải loại nữ nhi nhà nho nghèo hủ lậu kia có thể sánh bằng!
Nghĩ đến người kia, tuy tổ tiên từng làm quan, nhưng nay cả nhà trắng tay, nghèo đến bữa không đủ no, vẫn còn sĩ diện. Lễ hỏi đòi cho nhiều thì Bàng gia không tiếc, nhưng nhận rồi mà vẫn khinh thường, chê bai đủ điều, thật là tức chết người.
Còn Bàng Lương Ký thì chẳng biết gì, chỉ thấy tâm sự đè nặng mấy tháng trời bỗng nhẹ tênh, vui sướng muốn phát điên, trong lòng sục sôi, chẳng biết lấy gì cảm tạ cho xứng đáng. Nghĩ đi nghĩ lại, hắn định cúi đầu vái lạy, kết nghĩa huynh muội cùng Bảo Châu tại chỗ.
Vi Huấn nãy giờ vẫn dựa đầu vào bàn, cười đến run cả vai, còn Bảo Châu chỉ lắc đầu không nói nên lời. Nàng thầm nghĩ: mình giúp một tay là do trượng nghĩa, thế mà tên ăn chơi này lại muốn nhân cơ hội mà vơ lấy cái danh huynh đệ. Trên đời sao có chuyện dễ dãi đến thế? Nghĩ đoạn, nàng không khách khí nữa, thẳng thừng từ chối.