Đại Đường Tích Châu Ký - Phạn Tạp

Chương 95

Bảo Châu ngủ qua đêm trên chiếc xe bò. Hôm sau, đoàn người lại tiếp tục lên đường, rồi cuối cùng cũng rõ nguyên do đường khan hiếm lương thực: hai trấn lớn Quan Đông là Tri Thanh và Hoài Tây vì tranh quyền đoạt đất mà đem binh tấn công thành, tụ binh hàng vạn, chặn đứng dòng vận chuyển lương thực Giang Hoài.

Lạc Dương vốn là điểm nút quan trọng chuyển gạo từ vùng Giang Hoài ra phương Bắc. Giờ đường thủy đứt đoạn, chẳng khác nào bị bóp nghẹt yết hầu. Kho thóc ở Lạc Dương tuy còn gạo dự trữ, nhưng phải ưu tiên tiếp tế cho Trường An – nơi thiên tử ngự trị. Gặp thêm hạn hán kéo dài, nạn đói như mây đen phủ kín khắp Kinh Kỳ. Thành Lạc Dương nay đã cấm người đói vào, phòng ngừa loạn dân nổi dậy.

Dọc đường, người mặt mày hốc hác, quần áo rách nát ngày một đông. Còn có từng nhóm trai tráng ánh mắt rực lên đói khát, lang thang khắp lề đường.

Vi Huấn thu lại nụ cười bông đùa, bắt đầu đi chậm lại, khi thì dẫn cả đoàn rẽ vào bụi cỏ dại, khi thì nấp trong những ngôi nhà hoang đổ nát. Sau lần thứ ba gặp lưu dân, hắn lôi từ tay nải ra chiếc áo vải xanh, đưa cho Bảo Châu:

“Nàng mặc áo lụa quá bắt mắt, tạm khoác cái này vào che bớt đi.”

Bảo Châu lúc ấy mặc áo gấm tơ lụa Bàng Lương Ký tặng, trong lòng lo sợ, thì thầm:

“Họ sẽ cướp sao?”

Vi Huấn nói nhỏ:

“Nếu chỉ cướp thì còn nhẹ. Khi con người đói đến cùng cực, chẳng khác gì sói. Lúc đó… họ có thể ăn cả người.”

Vì kinh sợ, giọng Bảo Châu bất giác cao hơn:

“Giữa ban ngày ban mặt, sao có thể thế được?”

Ngoảnh đầu nhìn lại, thấy Thập Tam Lang đang lục lọi bụi rậm, vớ lấy một khúc gậy, nhét vào thắt lưng. Dáng điệu như đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Vi Huấn nghiêm giọng:

“Nhìn qua là biết nàng ăn mặc no đủ, loại người như thế dễ bị dòm ngó nhất. Mặc thêm áo vào, đừng để ta phải ra tay giết người.”

Bảo Châu vốn còn chần chừ, nhưng nghe câu ấy, lại nhớ đến chuyện xưa ở Tuy Dương, cuối cùng cũng nhận lấy áo, khoác lên vai. Dương Hành Giản đang giả làm thương nhân áo trắng, cũng tháo khăn lụa khỏi đầu, thay bằng chiếc khăn vải thô.

Đoàn người đi tiếp, thì gặp mấy chục chiếc xe bò từ phía tây kéo tới là đoàn chuyển gạo từ Lạc Dương về Quan Trung. Mỗi năm Giang Hoài chuyển lên miền Bắc cả triệu tấn gạo, nên việc thấy các đoàn xe lương là chuyện thường. Nhưng hôm nay khác hẳn, mỗi xe đều được binh lính hộ tống nghiêm ngặt.

Cả nhóm dạt vào ven đường tránh, nhưng quanh đó dân đói đã tụ đầy, hai bên đường người đứng dày đặc, lặng lẽ nhìn đoàn xe chầm chậm lăn bánh.

Túi gạo chất đầy xe, nhưng được vũ khí và binh sĩ bảo vệ nghiêm ngặt, không ai bén mảng tới được một hạt. Dân đói đứng im lìm hai bên đường, mặt ai cũng chết lặng, ánh mắt trống rỗng. Sống và chết, chỉ cách nhau trong gang tấc.

Không khí ngột ngạt, áp lực vô hình phủ kín. Các quân sĩ mồ hôi ướt đẫm, khuôn mặt căng thẳng, bóng in lấp lánh trên đầu mũi thương, chẳng ai dám mở miệng nói cười.

Bất thình lình, một người gầy đét như que củi ngã vật xuống đất, không một tiếng động. Người nhà hắn chỉ cúi đầu liếc qua rồi lại ngước mắt nhìn đăm đăm vào xe gạo. Đói quá, không còn sức mà giận, mà khóc. Tất cả chỉ còn mỗi một niệm – lương thực.

‘Không sống nổi nữa rồi, đem lên chùa Thiềm Quang đổi gạo chăng?”

“Chùa Thiềm Quang có phát cháo sao?”

“Không, họ dùng một đấu gạo đổi một xác người.”

Hai người rì rầm, vài câu ngắn ngủi đã quyết định số phận kẻ mới ngã xuống.

Bảo Châu như lạc vào mộng mị, không biết nên phản ứng ra sao. Dương Hành Giản nghe vậy cũng ngơ ngác:

“Đàm Lâm đại sư là cao tăng nổi danh gần xa, sao lại thu mua xác chết?”

Vi Huấn đáp:

“Dù gì cũng phải tìm nơi nghỉ chân, chi bằng ngươi tự hỏi chính ông ấy.”

Con lừa tiếp tục bước đi. Bảo Châu nhìn bên đường, thấy một người đàn ông gánh cái gánh tre, trong đó đặt một đứa bé tr*n tr**ng, chắc chừng ba, bốn tuổi. Đứa bé gầy gò chỉ còn da bọc xương, bụng trương phình, mắt nhìn nàng không chớp.

Trong mắt nó, trắng đen rõ ràng, lại lạnh lẽo như đã vượt ra khỏi khổ đau. Nó không khóc, không cựa quậy, chỉ lặng lẽ nhìn.

Bảo Châu quay sang hỏi Thập Tam Lang:

“Trong túi còn ít đậu phộng phải không?”

Thập Tam Lang hoảng hốt, vội thì thầm:

“Suỵt! Chớ nói ra giữa đám đông!”

Vi Huấn điềm nhiên:

“— “Cúi đầu, đừng nhìn. Nàng không cứu được nó, cũng chẳng cứu nổi đám người này. Nếu để lộ lòng thương, họ sẽ bu lấy nàng mà xé xác. Thứ họ cần không phải là hy vọng, mà là một bữa ăn.”

Hắn ngoái đầu, xác nhận Bảo Châu đã trùm mũ và áo choàng kín. Trong mắt hắn, có thứ ánh nhìn lạnh lẽo y như ánh mắt đứa trẻ nọ.

“Những người này… sẽ ra sao… “— nàng hỏi khẽ, nhưng chẳng mong chờ câu trả lời. Dù giờ có chia gạo, cũng chỉ là đổi chỗ đói cho nơi khác. Quan Trung rồi sẽ chịu đói thay.

Vi Huấn đi tiếp, một lúc sau mới chậm rãi đáp:

“Người ai nấy mang mệnh. Sống chết ở trời.”

Từ nhỏ đến lớn luôn giữ dáng ngồi đoan chính, giờ Bảo Châu gục đầu xuống, vai run run.

Sau một hồi dò hỏi, trước khi trời tối, cả nhóm cũng tới được chùa Thiềm Quang. Từ xa, chùa hiện lên nguy nga đồ sộ, mái đỏ tường son, điện các nối tiếp chồng tầng. Đông Tây Nam Bắc, mỗi góc đều có một ngọn tháp năm tầng. Quy mô ấy còn vượt cả phủ đệ của nhiều thân vương.

Từ thời Bắc Ngụy dời đô về Lạc Dương, triều đình và dân gian đều sùng Phật. Vào thời Võ Chu cực thịnh, Tắc Thiên Hoàng đế từng ở Lạc Dương suốt năm mươi năm, sau lại dời đô về Trường An, nhưng vẫn lấy Lạc Dương làm trung tâm. Để củng cố quyền thế, bà tự xưng là Phật Di Lặc tái sinh, cho biên soạn Đại Vân Kinh ban phát khắp nơi. Nhờ đó, Lạc Dương dần biến thành “đô thành của Phật”.

Trải gần bốn trăm năm hưng thịnh, chùa Thiềm Quang sớm đã thành rừng chùa lớn nhất miền Trung Nguyên. Quy mô ấy quả khiến người phải trầm trồ.

Khác với các am nhỏ chỉ có ni cô, chùa lớn thường không cho nữ nhân lưu lại qua đêm. Để Bảo Châu được đãi ngộ đặc biệt, Dương Hành Giản đưa ra thẻ quan vào trước để chuẩn bị.

Trên đường đi, bao nhiêu chuyện tai nghe mắt thấy khiến tâm trí Bảo Châu nặng trĩu. Suốt đoạn đường, nàng ngồi cứng người trên lưng lừa đến khi chân tê rần không thể nhúc nhích. Tuy vốn quen cưỡi ngựa, ngồi xe, nay mỏi mệt rã rời nhưng vẫn không chịu thừa nhận, lặng lẽ chịu đựng.

Thập Tam Lang thấy nàng không chịu xuống lừa, lấy làm lạ hỏi:

“Tỷ lại định không ở trọ chùa này? Trời sắp tối rồi, tìm nơi khác e không kịp.”

Vi Huấn nhìn tư thế cứng ngắc của nàng liền hiểu ra, vươn tay:

“Xuống đi, hoạt động gân cốt chút.”

Biết mình không thể cố mãi, Bảo Châu đành cúi người, để hắn đỡ xuống. Vi Huấn nhẹ nhàng nắm lấy nách nàng, dìu xuống đất an toàn.

Chẳng ngờ vừa mới đứng vững, Vi Huấn liền buông tay, tránh hẳn ra sau, nhét Thập Tam Lang vào lòng nàng chống đỡ. Nếu nói về chiều cao thì Thập Tam Lang đúng là tiện tay hơn, nhưng cách làm này chẳng khác nào cố tình né tránh.

Bảo Châu vốn đã không vui, nay càng thêm bực. Nàng hờn dỗi, kéo áo khoác ném trả lại cho hắn, không ngoái đầu, tập tễnh bước vào trong.

Vi Huấn nhìn áo mình bị vứt, ngẫm lại động tác ban nãy, thở dài khẽ khàng, rồi xếp áo lại nhét vào tay nải.

Trước đình, bốn năm người ăn mày đang đứng chờ, đẩy xe cút kít chở hai xác người. Cả hai xác rõ ràng vừa chết, người khô quắt như củi, vàng như sáp, chẳng khác nào da người căng trên bộ xương.

Không ngờ vào cửa đã gặp cảnh ấy, Bảo Châu sững sờ, đứng lại nhìn. Một lúc sau, từ trong chùa bước ra hai nhà sư, một cao một thấp. Người cao trẻ chừng hai mươi sáu, hai mươi bảy, dung mạo tuấn tú mà thần sắc mỏi mệt, theo sau là một chú tiểu trạc tuổi Thập Tam Lang.

Nhà sư trẻ chắp tay, cúi mình thi lễ với đám dân đói:

“Người chết như đèn tắt. Xin chư vị hãy nén đau, chùa Thiềm Quang sẽ chăm sóc họ chu toàn.”

Người dân không buồn để tâm đến thi thể người thân, một người lên tiếng:

“Nghe nói có thể đổi gạo?”

Nhà sư trẻ gật đầu, giọng buồn buồn, quay sang dặn chú tiểu:

“Diệu Chứng, vào kho lấy hai đấu gạo đưa cho thí chủ.”

Một người khác vội vàng kêu lên:

“Đại sư, xin bố thí thêm chút nữa! Nhà tôi đông người mà xác chỉ có hai người.”

Chú tiểu lưỡng lự, quay sang hỏi:

“Quan Triều sư huynh?”

Nhà sư tên Quan Triều cụp mắt, khẽ lắc đầu:

“Sư phụ đã dặn, một đấu cũng không được thêm.”

Bảo Châu sững sờ nhìn cảnh đổi gạo lấy xác. Sau vài lời trao đổi, dân đói đặt xác vào sân chùa, vui mừng đẩy xe gạo đi. Một trong hai xác là cô gái trẻ, trạc tuổi nàng, nhưng thân hình nhỏ bé, lại bị l*t tr*n như khúc thịt khô phơi ngoài gió. Quan Triều liền cởi áo cà sa của mình, gói cô gái lại cẩn thận, trân trọng bế vào trong.

Khi đứng dậy, hắn bắt gặp ánh mắt kinh ngạc của Bảo Châu. Nhưng hắn chỉ lặng lẽ nhìn qua, như xuyên qua hư không, rồi cùng một nhà sư khác mang hai xác vào chùa.

Một lát sau, Dương Hành Giản bước ra cùng hai nhà sư trung niên, giới thiệu:

“Đây là giám viện của chùa Thiềm Quang – sư phụ Quan Sơn.”

Nhà sư râu tóc hoa râm, mặt mày điềm đạm, chắp tay thi lễ.

“Còn đây là người tiếp khách – sư phụ Quan Vân.”

Người này hơi thấp, thân hình mập mạp, cười niềm nở:

“Bần tăng kính chào quý khách.”

Giám viện và người tiếp khách là hai chức danh cao trong chùa. Giám viện quản hết mọi việc, còn tiếp khách lo tiếp đãi quý nhân. Khách hành hương thường không được gặp họ, chỉ quan lại, danh sĩ, phú hào mới được đón tiếp vậy.

Thập Tam Lang nghĩ bụng: mình đi chùa thường chỉ được gặp mấy sư gác cửa, thế mà đi theo Dương công, đâu đâu cũng thấy quan lớn được kính nể.

Sư Quan Sơn và Quan Vân trong lòng cũng thấy lạ. Mang thẻ quan tới, chùa tất nhiên phải trọng đãi, huống hồ còn là người từng làm việc dưới trướng phương trượng Đàm Lâm.

Nhưng vị Dương công này cứ khen con gái mãi, lễ nghi thì đảo lộn: lẽ thường phải giới thiệu người nhà sau cùng, nay lại đưa nữ nhi lên trước, như thể không phải con mà là mẫu thân hay cấp trên vậy.

Mà thiếu nữ ấy nét mặt kiêu sa, chỉ khẽ gật đầu chào hai sư, chẳng có chút lễ độ nào.

Sư Quan Vân vẫn cười tươi:

“Dương công hạ cố tới đây, chùa Thiềm Quang thật vinh hạnh. Sư Quan Sơn đã cho người báo tin với phương trượng. Trước tiên, xin mời hai vị tham quan cảnh chùa, rồi sẽ dẫn vào bái kiến.”

Nghe vậy, Bảo Châu chẳng hứng thú gì. Nàng thẳng thắn hỏi:

“Trong chùa dùng gạo đổi xác người, là có dụng ý gì?”

Bình Luận (0)
Comment