Hai người rất ngạc nhiên, nhưng cũng nhanh chóng đồng ý rời đi.
Nửa canh giờ sau, trời mới tờ mờ sáng, ba người vén màn. Lúc này Từ Khánh đã đánh chiếc xe ngựa yên lặng dừng ở cửa sau nhà trọ. Ba người mang hành lý lên xe, lập tức lên xe, xe ngựa nhanh chóng rời đi, hướng ánh bình minh đang lên chạy tới. Không bao lâu sau liền biến mất trong sương mù.
Mãi cho đến giữa trưa, hai người giám thị Phạm Ninh liền phát hiện cửa sổ phòng Phạm Ninh có một sĩ tử khác lạ. Cảm thấy điều này có gì không thích hợp vội chạy đến khách sạn hỏi thăm tin tức. Sau đó biết ba người Phạm Ninh rời đi từ lúc sáng sớm, hình như rời khỏi kinh thành đi Trần Lưu huyện.
Tin tức này khiến hai người kinh ngạc, bất đắc dĩ bọn họ đành báo cáo tin tức ngoài ý muốn này cho ông chủ.
Cách quán trọ không xa, bên trong Xuân Minh phường có một tòa phủ ước chừng tám mươi mẫu đất. Trong phủ rường cột chạm trổ, một tiểu lâu xinh đẹp thấp thoáng giữa hồ nước.
Đây chính là nơi ở của một quan chức, phủ đệ quốc trượng Trương Nghiêu Tá. Con gái Trương Nghiêu Tá là Trương quý phi rất được Thiên tử sủng ái, mấy năm nay ông ta cũng được Thiên tử xem trọng. Đảm nhiệm chức vị Tam Ti Sứ quyền thế lớn nhất, quản lý kho triều đình, hai con trai cũng đều xuất thân là Tiến sĩ.
Xế chiều, Trương Nghiêu Tá mới vừa thức dậy, hai thị thiếp hầu hạ ông ta thức dậy, rửa mặt, lại mặc thiền y rộng thùng thình màu trắng.
Lúc này, hầu gái ở cửa bẩm báo:
- Lão gia, Lưu quản gia có việc gấp cần bẩm báo, đã đợi nửa canh giờ rồi.
- Để y đến gặp ta.
Trương Nghiêu Tá nhận chén trà, khoát tay, hai thị thiếp lui xuống.
Lát sau, một nam tử trung niên nhanh chóng đi vào, người này là Lưu Lăng, là Tam quản gia phủ đệ Trương Nghiêu Tá. Ông này phụ trách giao tiếp đối ngoại, vô cùng khôn khéo.
Ông ta đi vào trong phòng, quỳ xuống nói:
- Thuộc hạ vô năng, không làm tốt việc lão gia giao phó, đến thỉnh tội với lão gia.
- Việc gì không làm tốt?
Trương Nghiêu Tá uống một ngụm trà hỏi.
- Khởi bẩm lão gia, lão gia bảo thuộc hạ giám thị cháu trai Phạm Trọng Yêm, kết quả hắn mất tích rồi.
Mặt Trương Nghiêu Tá trầm xuống, bất mãn nói:
- Cái gì gọi là mất tích, nói rõ ràng.
- Khởi bẩm lão gia, thuộc hạ theo lời lão gia chỉ bảo, phủ đinh chúng ta không ra mặt, mà tìm hai tên lưu manh âm thầm theo dõi Phạm Ninh. Kết quả, trưa hôm nay bọn họ phát hiện có điều không ổn, Phạm Ninh sáng sớm trả tiền rời đi, không rõ tung tích.
- Khốn kiếp.
Trương Nghiêu Tá vỗ mạnh bàn một cái, nổi giận mắng:
- Chuyện đơn giản như vậy cũng không làm được, không cần phải nói gì, nhất định bị hắn phát hiện rồi. Ngươi tìm đúng mấy tên ngu xuẩn, ngay cả một thằng nhóc cũng không theo dõi được, nghiêm trị không tha cho ta.
- Tiểu nhân đã đánh bọn họ mỗi người năm mươi gậy, nhưng bây giờ nên làm gì? Lão gia xin ra chỉ thị ạ.
Trương Nghiêu Tá khoanh tay đứng trước cửa sổ, tâm phiền ý loạn nhìn ra ngoài. Một Phạm Ninh đương nhiên sẽ không làm ông ta tâm loạn như thế. Điều quan trọng là thái độ của thiên tử đối với Phạm Trọng Yêm đã bắt đầu thay đổi.
Phạm Trọng Yêm đại diện cho phái đổi mới, khiến phái bảo thủ đều lo lắng. Một khi Phạm Trọng Yêm hồi triều, những cải cách thi thố có phải một lần nữa lại khởi động hay không.
Ngăn cản Phạm Trọng Yêm hồi triều là nhận thức chung của phái bảo thủ. Trương Nghiêu Tá là đại diện của phái bảo thủ, đương nhiên không thể khoanh tay đứng nhìn, ông ta phải chịu trách nhiệm giám thị liên hệ của Phạm Trọng Yêm và đồng đảng. Là cháu của Phạm Trọng Yêm, tự nhiên Phạm Ninh cũng lọt vào trong mắt Trương Nghiêu Tá.
Có lẽ người khác không hiểu nhưng Trương Nghiêu Tá hiểu rất rõ Phạm Ninh trong lòng Phạm Trọng Yêm có phân lượng thế nào. Nỗi nhục ba năm trước lúc này vẫn còn khiến ông ta đau đớn.
Mặc dù hai năm qua Phạm Ninh và Phạm Trọng Yêm ít có liên hệ với nhau. Nhưng cũng không phải vì thế mà cho rằng Phạm Ninh không phải là người thừa kế của Phạm Trọng Yêm.
Trầm tư thật lâu, Trương Nghiêu Tá mới hỏi:
- Có hỏi chưởng quỹ nhà trọ hay không, hỏi Phạm Ninh đi nơi nào?
- Có hỏi rồi, chưởng quỹ nói bọn hắn nói ở kinh thành không an toàn, đi huyện Trần Lưu tốt hơn.
- Đi huyện Trần Lưu?
Trương Nghiêu Tá khẽ cau mày, huyện Trần Lưu thuộc huyện phủ Khai Phong, cách Đông Nam phủ Khai Phong bốn mươi dặm. Các huyện ở phủ Khai Phong nhân khẩu và quy mô đều giống Đông Kinh Biện Lương.
Ở Trần Lưu huyện tham gia khoa cử không tiện lắm, Trương Nghiêu Tá không tin đám người Phạm Ninh đến Trần Lưu huyện. Điều này cho thấy Phạm Ninh càng che càng lộ, hắn ta nhất định còn ở kinh thành.
Nghĩ vậy, Trương Nghiêu Tá lại quay đầu hỏi tiếp:
- Tiếp tục tìm kiếm tung tích của hắn ở kinh thành, nhớ kỹ, tìm thấy cũng không được kinh động đến. Hắn là cống cử sĩ của Bình Gianh phủ, không nên để người khác nắm lấy nhược điểm làm sự việc náo động lớn, hiểu chưa?
- Thuộc hạ hiểu rõ.
Lưu quản gia khom người thi lễ, xoay người nhanh chóng bước đi.
Trương Nghiêu Tá đi vài bước liền nói với hầu gái đứng ở cửa:
- Gọi Trường nha nội đến gặp ta.
Không lâu sau, một tên thiếu niên liền đến. Gã ta mặc bộ áo bào gấm, eo thắt đai ngọc, đầu đội kim quan, mặt dài, cằm nhọn, có phần giống Trương Nghiêu Tá. Bởi vì còn nhỏ tuổi nên thoạt nhìn dung mạo tương đối thanh tú.
Thiếu niên này chính là cháu đích tôn của Trương Nghiêu Tá tên Trương Xuân. Ba năm trước ở phủ Bàng thái sư có đấu qua với Phạm Ninh.
Năm nay Trương Xuân mười bốn tuổi, y được đặc biệt đề cử đến phủ Khai Phong, lấy thân phận cống cử sĩ phủ Khai Phong, chuẩn bị tháng một sang năm tham gia thi Tỉnh đồng tử.
Trương Xuân vào nhà quỳ khấu đầu:
- Cháu bái kiến ông nội.
- Con đứng lên đi.
Trương Xuân đứng lên, khoanh tay đứng bên cạnh ông nội, Trương Nghiêu Tá nhìn y hỏi:
- Con ôn tập thế nào rồi?
- Cháu hết sức ôn tập phụ lục.
Thái độ của cháu trai khiến Trương Nghiêu Tá rất hài lòng, nhưng chỉ có thái độ không thì không được, còn phải có thực lực.
Trương Nghiêu Tá chậm rãi nói:
- Ông nội gọi con đến muốn nói với con, tên Phạm Ninh ba năm trước con gặp ở phủ Thái sư cũng vào kinh tham gia khoa cử rồi. Hắn ta cũng giống con, cũng tham dự cuộc thi đồng tử. Đến lúc ấy, ta không hy vọng con lại bại dưới tay hắn.
Trương Xuân lập tức mở to hai mắt nhìn, tên Phạm Ninh kia cũng tham gia nữa sao?
Phạm Ninh thuê một tòa nhà cũ ở phố Cựu Tào, là một tiểu viện hết sức bình thường, điều kiện cũng không tệ lắm, trước sau có sáu phòng. Thuê mỗi tháng mười hai quan tiền, tính so với ở khách sạn tiết kiệm hơn nhiều.
Đương nhiên loại nhà thuê này không thuê vài ngày được, mà phải thuê lâu dài. Bọn người Phạm Ninh cũng khá may mắn, chủ căn nhà này chỉ chuyển đi nửa năm, cho nên chỉ thuê nửa năm.
Ngôi nhà này được Chu gia đảm bảo nên không thông qua người môi giới. Chủ cho thuê trực tiếp đưa chìa khóa cho Phạm Ninh, cũng không cần biết thân phận của Phạm Ninh. Cho nên bên quan phủ cũng không có lập hồ sơ gì, cũng không có sổ ghi chép đăng ký. Chính vì thế chẳng khác nào đám người Phạm Ninh biến mất trong biển người mênh mông.