Đêm Trăng Năm Thứ Ba Mươi - Vân Hương Thanh Nịnh

Chương 171

*Ngoại truyện 171-172 về Thiên Uy quân được viết dưới góc nhìn của Thịnh A Man, phần dẫn truyện mình sẽ gọi Thôi Tuần là “y”.

Trên chiếc xe lừa, A Man ôm chặt bọc hành lý, ngồi cùng vài vị nương tử trẻ tuổi. Các nàng đều đi thăm trượng phu, còn nàng thì đến thăm a huynh.

Từ sau khi Thịnh Vân Đình nhập ngũ, hắn hiếm khi trở về Trường An. Nàng ngày đêm mong nhớ, lần này liền cùng vài người đồng hương vượt ngàn dặm đường xa đến Thanh Châu.

Trong xe lừa, các nương tử ríu rít trò chuyện, ai nấy đều háo hức vì sắp gặp lại trượng phu. Giữa lúc cười nói rôm rả, nương tử nhà họ Trương bất chợt quay sang hỏi: “A Man, muội vẫn chưa đính thân đúng không?”

“Dạ, vẫn chưa.”

“Thiên Uy quân thiếu gì chứ không thiếu đàn ông. Lần này muội đến thăm a huynh, nhân tiện bảo huynh ấy chọn cho muội một người tốt trong quân rồi đính thân luôn đi.”

A Man lập tức đỏ bừng mặt: “Muội chỉ đến thăm a huynh, chuyện khác, muội không nghĩ tới.”

“Ôi chao, muội đã mười bốn rồi, cũng đến tuổi định thân rồi đấy. Nếu không nhờ a huynh lo liệu, chẳng lẽ muội định để đám thúc bá nhà họ Thịnh sắp đặt cho sao?” Nương tử nhà họ Trương bĩu môi: “Toàn lũ trọng giàu khinh nghèo.”

A Man mím môi, khẽ nói: “Mấy năm qua, nếu không nhờ các tẩu tẩu giúp đỡ, có lẽ muội đã bị bọn họ bán đi rồi.”

“Đừng nói vậy. A huynh muội là huynh đệ đồng sinh cộng tử với trượng phu bọn ta, muội chính là muội muội của chúng ta, tất nhiên bọn ta phải giúp đỡ rồi.”

A Man nở nụ cười, gật nhẹ đầu: “Vâng!”

Sau gần hai tháng rong ruổi đường dài, cả nhóm người cuối cùng cũng đặt chân đến Thanh Châu. Thịnh Vân Đình, huynh trưởng của A Man, đích thân dẫn người ra nghênh đón. A Man nắm lấy cánh tay huynh trưởng, từ trên xe lừa nhảy xuống, phủi nhẹ bụi bám trên y phục rồi than thở: “Cuối cùng cũng đến nơi.”

Thanh Châu quả thực xa xôi quá.

Thịnh Vân Đình nắm lấy vai nàng, từ trên xuống dưới quan sát hồi lâu, vành mắt đỏ hoe: “A Man lớn rồi, càng lớn càng giống a nương, xinh đẹp y hệt.”

A Man thẹn ngùng cúi đầu. Lúc này, nương tử nhà họ Trương vừa đoàn tụ với hôn phu, quay sang nhanh nhảu nói: “Vân Đình a huynh này, trên đường đến đây, bọn ta đã bàn bạc với A Man, bảo huynh tìm giúp muội ấy một chàng trai tuấn tú trong quân doanh, định sẵn hôn sự. Muội ấy còn ngượng ngùng đấy, chuyện này huynh phải lưu tâm đấy nhé!”

A Man đỏ bừng cả mặt, vội vàng ngắt lời nương tử nhà họ Trương: “Trương gia tẩu tẩu, đừng nói nữa…”

Nhưng Thịnh Vân Đình lại cười sảng khoái: “Tìm một chàng trai trong quân sao? Chuyện này thì có gì là khó? Cứ giao cho ta!”

A Man ôm mặt: “A huynh, nếu huynh còn nói nữa, muội sẽ quay về Trường An đấy!”

Thịnh Vân Đình cười phá lên: “Được rồi, được rồi! A Man ngại rồi, không nhắc nữa, không nhắc nữa.”

Mọi người đang vui vẻ cười đùa thì chợt nghe tiếng vó ngựa vang lên. A Man cùng mấy vị nương tử vô thức ngoảnh lại, chỉ thấy không xa có một thiếu niên khoác giáp Minh Quang màu vàng, cưỡi trên lưng tuấn mã màu trắng, đang phi thẳng về phía quân doanh.

Nàng nên dùng từ gì để hình dung thiếu niên đó đây? A Man vốn không đọc nhiều sách, cố gắng suy nghĩ cũng chẳng tìm ra từ nào thích hợp. Nàng chỉ cảm thấy so với bất cứ lang quân nào nàng từng gặp, người kia đều xuất sắc hơn hẳn. Đặc biệt là thần thái kiêu ngạo của y, cứ như thân phận còn tôn quý hơn cả quận vương trong hoàng thất.

Nàng nghe thấy Tạ gia tẩu tẩu khẽ thốt lên: “Trời ơi, sao trên đời lại có một tiểu lang quân tuấn mỹ thế này, trông chẳng khác nào thần tiên giáng thế.”

Đúng vậy, phải dùng chữ “tuấn mỹ” để hình dung. Không giống như phần lớn các binh sĩ của Thiên Uy quân, da dẻ rám nắng, thân hình cường tráng, bàn tay thô ráp, y lại sở hữu vóc người cao gầy, nước da trắng như ngọc lạnh. Tư thế cưỡi ngựa của y cũng vô cùng tao nhã, bàn tay nắm chặt dây cương thon dài tinh tế, ngón tay còn đẹp hơn tay nữ nhi. Chỉ nhìn thoáng qua cũng biết đây là đôi tay chưa từng lao động nặng nhọc, móng tay được cắt tỉa sạch sẽ gọn gàng. Nhìn thế nào cũng không giống một binh sĩ xuất thân bần hàn trong Thiên Uy quân, mà trông chẳng khác nào một công tử thế gia cao ngạo tôn quý.

Thiếu niên khẽ liếc về phía các nàng, A Man chỉ cảm thấy đây là đôi mắt đẹp nhất mà nàng từng thấy trong đời. Đuôi mắt của y hơi nhếch lên, con ngươi óng ánh như sóng nước, hình dáng chẳng khác nào cánh hoa đào bung nở giữa ngày xuân. Không biết có phải do vừa rong ruổi trên lưng ngựa hay không, mà nơi khóe mắt y vương một tầng ửng đỏ nhàn nhạt. Cái nhìn ấy khiến đôi mắt y càng thêm phần giống với cánh hoa đào. 

A Man cứ thế ngẩn người, thất thần nhìn vào đôi mắt ấy, đến mức ngay cả khi Thịnh Vân Đình lên tiếng, nàng cũng chẳng nghe lọt một chữ.

Thiếu niên gật khẽ đầu với Thịnh Vân Đình cùng nhóm người bên cạnh, sau đó kẹp chân vào bụng ngựa, hướng thẳng vào trong quân doanh. Đợi y đi xa, mấy nương tử mới kịp hoàn hồn. Nương tử nhà họ Triệu ngơ ngẩn hỏi phu quân mình: “Người vừa rồi là ai thế?”

“Đó là Thôi Tuần, tự Vọng Thư, năm nay mới mười lăm tuổi.”

“Trong Thiên Uy quân của chàng cũng có nhân vật tôn quý bậc này sao?” Nương tử nhà họ Triệu cảm thán, “Nhìn cứ như công tử thế gia vậy.”

Huynh trưởng nhà họ Triệu bật cười: “Thì người ta vốn dĩ đã là công tử thế gia, đích tử của danh môn Thôi thị đất Bác Lăng.”

Bác Lăng Thôi thị?

Nhóm nương tửu hít vào một hơi, chẳng phải đó chính là danh môn đệ nhất thiên hạ, đứng đầu sĩ tộc hay sao? Công tử Thôi thị, sao lại xuất hiện trong Thiên Uy quân thế này?

A Man dựng thẳng tai lắng nghe, chỉ nghe huynh trưởng nhà họ Triệu nói về chuyện của Thôi Tuần. Hóa ra y được vị bá phụ nổi danh là “Bạch y Khanh tướng” Thôi tướng công tiến cử vào Thiên Uy quân. Y là người lãnh đạm, khi mới vào quân cũng không thích nói chuyện, sau đó, nhờ Quách soái sắp xếp để y và Thịnh Vân Đình, Tào Ngũ cùng ăn cùng ngủ, cùng sinh hoạt mỗi ngày, dần dà mới khiến y cởi mở hơn. 

Nương tử nhà họ Triệu nghe vậy, liền nhìn Thịnh Vân Đình với vẻ thương cảm: “Một công tử tôn quý, tính tình lại lạnh nhạt, hẳn là rất khó chung đụng nhỉ?”

Thịnh Vân Đình cũng cảm thấy buồn cười: “Cũng không hẳn. Thập thất lang ấy à, nhìn thì lạnh lùng thế thôi, thực ra không khó ở chung đâu. Chẳng qua là cậu ấy không dễ dàng mở lòng với ai, nhưng một khi đã thân thiết rồi, cậu ấy sẵn sàng bỏ mạng vì các huynh đệ. Các muội cứ quen cậu ấy rồi sẽ biết, đôi khi, cậu ấy cũng rất đáng yêu.”

Chỉ là, những ngày sau đó ở quân doanh, A Man hoàn toàn không cảm nhận được nét đáng yêu mà a huynh nàng từng nói, bởi lẽ từ đầu đến cuối, Thôi Tuần đều giữ thái độ lạnh nhạt đến mức chưa từng nói với nàng một câu nào.

Không chỉ với nàng, mà với tất cả các nữ tử khác cũng vậy. Dường như y luôn giữ sự cảnh giác cao độ với những người lạ, chưa bao giờ chủ động bắt chuyện với ai. Dường như y cũng rất khó để đặt lòng tin vào bất kỳ ai. A Man thật không tưởng tượng nổi a huynh nàng và những người khác đã làm cách nào để khiến y mở lòng, bởi nhìn từ góc độ đi nữa, đó cũng là một nhiệm vụ bất khả thi.

Chỉ là, dù nàng có hiếu kỳ đến đâu, thì lần này đến đây, mục đích chính vẫn là thăm a huynh, chứ không phải để tìm hiểu về Thôi Tuần. Vì vậy, nàng ép bản thân phải kìm nén sự tò mò, dồn hết tâm tư vào a huynh, trân trọng quãng thời gian ngắn ngủi được ở bên huynh ấy.

Những ngày trong quân doanh vô cùng tẻ nhạt. Vừa canh năm, trời còn tờ mờ sáng, tất cả đã phải điểm danh, sau đó luyện tập suốt cả ngày, mãi đến giờ Dậu mới kết thúc, cứ bảy ngày mới được nghỉ một lần. A Man để ý vị tiểu công tử họ Thôi kia chưa từng vắng mặt điểm danh, lúc luyện tập cũng hết sức nghiêm túc. Dường như y rất giỏi bắn cung, mỗi lần so tài cùng a huynh, mũi tên nào cũng trúng ngay hồng tâm, ngay cả a huynh cũng không thể bì được với y.

A Man thầm nghĩ, nếu cứ tiếp tục như vậy, với gia thế và tài năng của y, sau này nhất định sẽ trở thành một vị tướng còn lợi hại hơn cả Quách soái.

Trong khi nàng bận để tâm đến Thôi Tuần thì Thịnh Vân Đình lại bận rộn tìm cho nàng một mối duyên trong quân doanh. Theo lời a huynh nàng, binh sĩ trong Thiên Uy quân đều là những hảo hán đáng tin cậy, nàng chọn ai cũng được. Vì thế, huynh ấy dẫn theo mấy người đến ra mắt nàng, nhưng nàng chỉ ậm ừ cho qua. Rất nhanh, ngày nàng phải trở về cũng sắp đến, thế mà vẫn chưa chọn được ai. Dù có chút tiếc nuối, nhưng Thịnh Vân Đình vẫn tôn trọng quyết định của nàng.

Hôm trước ngày về, đúng dịp quân doanh được nghỉ ngơi, Tào Ngũ lang rủ nàng đi dạo chợ phường. Tào Ngũ lang lớn hơn nàng một tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh, tính cách hào sảng, lại cùng là người Trường An. Thịnh Vân Đình vốn định tác hợp cho hai người, nhưng tiếc rằng đầu óc Tào Ngũ lang lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đao thương cung kiếm, hoàn toàn không vướng bận chuyện tình cảm, ngốc nghếch như khúc gỗ. Thịnh Vân Đình đành bó tay, quay sang tìm người khác cho nàng.

Chợ phường náo nhiệt, hàng quán san sát, có tiệm buôn ngựa lạc đà, cửa hàng hương liệu, sạp bán vải vóc… A Man cũng muốn xem thử chợ ở Thanh Châu có gì khác so với chợ Đông Tây ở Trường An hay không, thế nên lập tức đồng ý.

Lúc cả nhóm đang chuẩn bị xuất phát, vì Tào Ngũ lang thân thiết với Thôi Tuần nên chuyện gì cũng không quên kéo y theo. Vì vậy, cậu cũng lớn tiếng gọi Thôi Tuần cùng đi. Thôi Tuần vốn không có hứng thú với chợ phường, nên đã thẳng thừng từ chối. Tào Ngũ lang bị từ chối nhưng vẫn hào hứng, cười hì hì nói: “Thập Thất lang, đi cùng đi! Biết đâu lại tìm được loại sáp bôi dây cung thật tốt cho cây cung sắt của huynh đấy.”

Dây cung của cây cung sắt đã hơi sờn, đúng là cần phải dùng sáp để bảo dưỡng. Nghe vậy, Thôi Tuần thoáng trầm ngâm, rồi khẽ gật đầu.

Nhìn cảnh ấy, A Man cuối cùng cũng hiểu vì sao Thôi Tuần lại chịu mở lòng với Tào Ngũ lang và những người khác. Gặp cảnh bị từ chối hết lần này đến lần khác mà vẫn giữ nguyên sự nhiệt tình như chưa có gì xảy ra, e rằng trên đời này chỉ có mỗi mình Tào Ngũ lang làm được.

Thấy Thôi Tuần đồng ý, Tào Ngũ lang hết sức vui mừng, liền kéo y đi, cả nhóm cùng nhau đến chợ phường trong thành Thanh Châu.

Chợ phường náo nhiệt vô cùng, trừ lụa là và vàng sắt không được bày bán, còn lại thứ gì cũng có. Song, khác với chợ Đông và chợ Tây của Trường An, chợ phường ở Thanh Châu có nhiều người Hồ hơn hẳn. Ngoài Hồ thương, còn có người dân từ các bộ lạc biên cương dắt ngựa, lùa dê đến trao đổi hàng hóa. Bốn phía ngập tràn những loại ngôn ngữ khác nhau, A Man hứng thú nhìn đông ngó tây, trong khi Thôi Tuần chỉ một lòng đi tìm loại sáp bôi dây cung, Tào Ngũ cũng chạy theo giúp y.

Cả hai còn chưa tìm ra sáp bôi thì A Man chợt trông thấy một cây trâm gỗ. Cây trâm được chạm khắc hình đóa sen, từng cánh hoa, nhụy hoa đều tinh xảo sống động y như thật. Nàng len lén liếc sang Thôi Tuần đang mải mê tìm sáp, nhớ tới lời huynh trưởng từng nói, y có một biệt danh khác là “Liên Hoa Lang”, nhưng dường như không mấy thích cái tên này.

Dù sao đi nữa, y cũng là đàn ông, có ai lại muốn mang tên của một đóa sen kia chứ.

Có lẽ với y, đó là sỉ nhục.

Nhưng A Man lại cảm thấy, lấy hoa sen làm tên, kỳ thực cũng hợp với y lắm. Một là, dung mạo y còn đẹp hơn cả hoa sen. Hai là, hoa sen mọc lên từ bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, thanh khiết không gì sánh bằng. Dù y có dáng vẻ tuyệt mỹ biết bao, thì cũng chưa từng dựa vào vẻ bề ngoài để làm chuyện phóng túng, đối với các tiểu nương tử cũng chẳng hề khoe mẽ, giữ mình trong sạch, chẳng phải rất giống với hoa sen sao?

Chỉ là, những điều này, nàng cũng chỉ dám nghĩ thầm trong lòng, chứ không dám thốt ra trước mặt y.

Nàng đứng yên trước quầy hàng bày trâm sen, chần chừ không nỡ bước đi. Tào Ngũ thấy thế liền ghé mắt nhìn: “Ồ, trâm gỗ này đẹp đấy, chạm hình gì thế? Hoa đào à?”

A Man nắm chặt thân cây trâm trong tay: “…Ừm, là hoa đào.”

Tào Ngũ thấy nàng mãi chưa mua, tưởng nàng tiếc tiền, bèn hào phóng rút tiền ra định mua giúp. A Man vội vã từ chối, tuy không dư dả là bao, nhưng bổng lộc của Thịnh Vân Đình đều gửi cả cho nàng, trâm sen này, nàng vẫn tự mua được.

Nàng trộm nhìn về phía Thôi Tuần. Y vẫn đang tập trung xem sáp cung ở sạp hàng đối diện, không hề hay biết chuyện bên này. A Man bèn hỏi giá, nhanh chóng chốt mua cây trâm, rồi ung dung giấu kỹ vào ống tay áo.

Khi đoàn người chuẩn bị hồi doanh, bỗng nghe thấy một trận huyên náo. Tào Ngũ vốn thích những nơi đông người tụ tập, bèn kéo Thôi Tuần đi tìm xem có chuyện gì. Đi đến nơi thì thấy một nhóm thương nhân Thổ Phồn [1] bày bố lôi đài, mời người Đại Chu bước lên tỷ thí.

[1] Thổ Phồn (chữ Hán: 吐蕃, bính âm: Tǔbō, tiếng Tạng: བོད་ཆེན་པོ།, THL: Bö chen po), hoặc Đại Phồn quốc (chữ Hán: 大蕃国, bính âm: Dàbō guó), là một đế quốc của người Tạng tồn tại từ thế kỷ thứ 7 tới thế kỷ thứ 9, sau khi thống nhất các quốc gia cổ đại tại cao nguyên Thanh Tạng, lãnh thổ thời cực thịnh trải dài tại Đông Á, Trung Á và Nam Á ngày nay. Nguồn chú thích Wikipedia.

Thổ Phồn và Đột Quyết khác nhau nhé mọi người. 

Gã thương nhân Thổ Phồn cầm đầu cao giọng nói rằng, nghe đồn ở Đại Chu, văn có đấu văn, võ có võ đấu, gã ta văn võ song toàn, nên ai thắng được gã cả võ lẫn văn thì năm trăm lượng hoàng kim này, gã xin dâng tặng.

Năm trăm lượng hoàng kim, quả là một con số trên trời. Dưới đài, một hán tử có dáng vẻ du hiệp nghe xong thì lòng ngứa ngáy, liền nhảy lên đài, muốn cùng thương nhân Thổ Phồn kia so tài một phen.

Tào Ngũ xem mà thích chí vô cùng, còn Thôi Tuần lại chẳng mấy hứng thú, chỉ dửng dưng nói với cậu: “Trời sắp tối rồi, đi mau kẻo lỡ điểm danh sáng mai.”

 “Chờ đã, xem thêm chút nữa đi.”

Tào Ngũ không buồn nhúc nhích, Thôi Tuần đành bất lực: “Huynh không đi thì ta đi trước.”

Tào Ngũ đang căng cổ nhìn lên đài xem người ta đấu văn thế nào, nào có chịu đi: “Vậy huynh cứ đi đi. Đám người Hồ này kiêu căng ngạo mạn, ta phải tận mắt nhìn cảnh bọn chúng phải ói ra năm trăm lượng vàng mới được!”

Trong lúc hai người họ nói chuyện, A Man vẫn lặng lẽ dỏng tai nghe ngóng. Nàng thầm nghĩ, với tính cách thờ ơ của Thôi Tuần, nhất định y sẽ mặc kệ bỏ đi, nhưng mấy binh sĩ Thiên Uy quân bên cạnh nàng lại có vẻ như đã quá quen, chẳng ai tỏ ra sốt ruột cả.

A Man bèn ghé tai, hỏi nhỏ một binh sĩ Thiên Uy quân đứng gần: “Huynh không khuyên hai người họ sao?”

Người kia liếc về phía Tào Ngũ và Thôi Tuần: “Không việc gì phải khuyên cả, Thập Thất lang sẽ không đi trước đâu.”

“Tại sao?”

“Tào Ngũ quá bốc đồng, không đời nào y để cậu ấy lại một mình, nên sẽ không đi.”

Không yên tâm về Tào Ngũ? A Man thoáng kinh ngạc. Nhìn kiểu gì, Thôi Tuần cũng chẳng giống người cẩn thận chu đáo, càng không phải người biết nghĩ cho ai. Hơn nữa, từ khi nàng gặp họ đến nay, chỉ thấy Tào Ngũ một mực quấn quýt hồ hởi với Thôi Tuần, chứ chưa thấy Thôi Tuần đối xử ngang bằng với Tào Ngũ. Y sẽ không đi thật sao?

Nhưng quả nhiên, Thiên Uy quân kia đã nói đúng. Thôi Tuần không bỏ đi, mà chỉ thở dài một hơi, sau đó, như thể cam chịu số phận, đứng lại bên cạnh Tào Ngũ đang kích động dõi theo trận tỷ thí, thậm chí chẳng buồn bước lấy một bước.

Vậy thì… có lẽ y cũng không hẳn là người quá lạnh lùng?

Trên lôi đài, du hiệp Đại Chu nhảy lên trước tiên, cất tiếng hỏi: “Đấu văn thế nào? Đấu võ ra sao?”

“Đấu văn ấy à, đương nhiên là so tài bút mực.” Thương nhân Thổ Phồn chỉ về tấm bảng gỗ dựng sẵn phía trước, nói bằng tiếng Hán không mấy thuần thục: “Dùng kiếm thay bút, ai viết xong một chữ trước thì người đó thắng.”

Du hiệp nghe xong, thầm nghĩ trò này quá đỗi đơn giản, liền đáp: “Được! Năm trăm lượng hoàng kim, không được nuốt lời!”

Thương nhân Thổ Phồn nhoẻn cười tự tin, ném cho hắn một thanh kiếm. Du hiệp bắt lấy, định tiến đến trước bảng gỗ, nhưng vừa nhấc chân đã bị đối phương vung kiếm chặn lại. Hắn trợn mắt: “Ngươi có ý gì?”

“Chỉ viết chữ thôi thì còn gì thú vị nữa.” Thương nhân Thổ Phồn vung kiếm, thế kiếm ào ạt như mãnh hổ giương vuốt: “Phải viết được chữ dưới lưỡi kiếm của đối thủ, thế mới gọi là bản lĩnh!”

Du hiệp bừng bừng lửa giận. Hắn vốn tinh thông vài đường kiếm pháp, nào có sợ gì một thương nhân Thổ Phồn? Thế là cả hai lao vào giao đấu, từng đường kiếm đan xen, vừa đấu vừa ép sát đến gần tấm bảng gỗ. Kiếm pháp của du hiệp thì uyển chuyển, trong khi kiếm pháp của thương nhân Thổ Phồn lại mạnh mẽ. Nhưng chỉ sau vài chiêu, du hiệp đã dần rơi xuống thế hạ phong.

Dưới đài, Thôi Tuần thoáng nhíu mày, thân thủ thế này, lẽ nào chỉ là nhà buôn đơn thuần thôi sao?

Ngay trong khoảnh khắc y đang trầm tư, du hiệp bị đánh bại. Hắn bị đối phương đá thẳng vào ngực, lảo đảo ngã khỏi lôi đài. Cùng lúc đó, thương nhân Thổ Phồn vung kiếm, khắc từng nét lên mộc bài ba chữ to rõ: “Hai chân dê.”

Dưới đài lập tức xôn xao. “Hai chân dê“ là từ mà người Hồ từng dùng để sỉ nhục người Hán vào thời Ngũ Hồ loạn Hoa, ám chỉ cảnh bao nhiêu người Hán đã bị biến thành món ăn trên bàn tiệc của chúng. Hành động này của thương nhân Thổ Phồn rõ ràng là đang khiêu khích Đại Chu!

Tào Ngũ giận đến dựng tóc gáy, chẳng nghĩ ngợi gì đã định nhảy lên lôi đài. Nhưng vừa cử động, đã bị Thôi Tuần kéo lại. Cậu tức tối quát: “Đừng cản ta!”

Thôi Tuần quát lại: “Huynh biết viết chữ không?”

Tào Ngũ sững người. Cậu vốn mù chữ, sau khi vào Thiên Uy quân, nhờ Quách Cần Uy nhấn mạnh rằng quân sĩ Thiên Uy quân không thể không biết chữ, cậu mới bắt đầu học. Nhưng đến tận bây giờ, cùng lắm chỉ biết nhận mặt chữ, chứ chưa thể viết được trọn vẹn.

Cậu cắn răng: “Lẽ nào cứ để mặc hắn ta ngang ngược như vậy sao?”

Thôi Tuần trầm giọng: “Ta lên!”

Y nhặt thanh trường kiếm rơi dưới đất của du hiệp kia, tung người nhảy lên lôi đài. Hồ thương Thổ Phồn vừa thấy đó là một thiếu niên trắng trẻo tuấn tú, lập tức sinh lòng khinh thị, cất giọng chế giễu: “Đại Chu không còn ai nữa sao? Lại để một thiếu niên chưa đến tuổi cập quan lên đây đối địch?”

Thôi Tuần cười nhạt: “Hừ! Đại Chu anh kiệt tầng tầng lớp lớp, dù chỉ là một thiếu niên chưa đến tuổi cập quan cũng dư sức hạ gục ngươi.”

Hồ thương hừ một tiếng: “Đừng có khoác lác, đừng để đến lúc thua rồi lại khóc lóc chạy về tìm a nương ngươi.”

Thôi Tuần thoáng biến sắc, lời của gã chạm đến nỗi đau thầm kín trong lòng y, ánh mắt liền lạnh đi mấy phần: “Lắm lời, có dám đấu không?”

“Đấu!” Hồ thương đảo mắt nhìn y một lượt từ trên xuống dưới: “Thua rồi thì tính sao đây?”

Nghe vậy, Thôi Tuần cười vang, như thể vừa nghe được một chuyện nực cười nhất trên đời: “Thua? Dựa vào ngươi mà cũng đòi thắng nổi ta sao?”

Giọng cười mang theo vẻ khinh bỉ không chút che giấu, khiến gã thương nhân người Hồ giận sôi gan, quyết tâm phải dạy dỗ cho tên nhãi này một trận ra trò. Gã vung kiếm, đường kiếm hung hãn lao về phía Thôi Tuần.

Thôi Tuần hơi nghiêng người, dễ dàng né khỏi nhát kiếm kia, đoạn siết chặt chuôi kiếm, vung lên bổ thẳng vào mặt gã Hồ thương. Gã lập tức giơ kiếm chống đỡ, nhưng lực đạo của đối phương quá lớn, khiến cả cánh tay cũng tê rần, phải loạng choạng lùi lại hai bước. Hồ thương kinh hãi, không ngờ thiếu niên này lại có sức mạnh đáng gờm đến vậy! Gã không dám khinh suất nữa, lập tức dồn toàn lực giao đấu với Thôi Tuần.

Trên lôi đài, thiếu niên vung kiếm như du long, chiêu nào chiêu nấy sắc bén, ép Hồ thương không ngừng thoái lui. Gã vất vả chống đỡ, song kiếm pháp của Thôi Tuần nhanh như cuồng phong bạo vũ, khiến gã không kịp xoay sở. Lưỡi kiếm lóe sáng, liên tục để lại những vết thương trên người Hồ thương. Gã siết chặt chuôi kiếm, trong lòng đã hoảng loạn, đòn thế cũng trở nên rối loạn.

Thôi Tuần nhìn ra sơ hở, mũi kiếm chạm đất, mượn lực bật lên, lưỡi kiếm sáng như tia chớp bổ xuống cổ tay gã. Hồ thương đau nhói, lập tức buông rơi trường kiếm trong tay.

Kiếm vừa rơi xuống đất, không còn gì ngăn cản, Thôi Tuần lập tức bổ kiếm xuống đầu gã. Hồ thương trợn trừng mắt, hai gối mềm nhũn, sợ hãi đến mức suýt quỳ xuống cầu xin tha mạng. Ngay lúc đó, một tùy tùng cất tiếng hô lớn bằng tiếng Thổ Phồn, rồi ném một thanh đại đao tới. Hồ thương vội chụp lấy, giơ đao đỡ đòn. Nhưng Thôi Tuần đã dồn toàn lực vào nhát kiếm này, lưỡi kiếm bổ trúng chính giữa đại đao, vậy mà lại chém đôi binh khí của gã thành hai mảnh.

Hồ thương lảo đảo mấy bước, ngã sõng soài xuống đất, vô cùng chật vật.

Dưới đài, đám người Hán hô hào vang dội, ai nấy đều lấy làm hả dạ. Có người còn chỉ vào tấm gỗ lớn, bật cười nhạo báng. Hồ thương nhìn theo, chỉ thấy trên tấm gỗ đã được khắc hai nét chữ đầy phóng khoáng: “Hồ cẩu!”

Chữ viết đẹp đẽ hơn gã, kiếm pháp cũng mạnh hơn gã.

Hồ thương giận đến mức thổ huyết, nghiến răng bò dậy, trừng trừng nhìn Thôi Tuần. Trên lôi đài, thiếu niên mười lăm tuổi vẫn mỉm cười, thần sắc ấy vừa ngạo nghễ vừa khinh miệt, hệt như đang nhìn một con sâu cái kiến không chịu nổi một đòn.

Hồ thương hung hăng lau vết máu trên khóe miệng: “Được! Đấu văn ngươi thắng! Nhưng vẫn còn đấu võ!”

Bình Luận (0)
Comment