Lý bà tử hoàn toàn bị sốc.
Nửa đời sau, bà ta phải nhờ vào Tam nhi tử, nhưng bây giờ thì sao? Người đã không còn nữa! Vậy mà không còn nữa!
Bà ta phải làm sao đây?!
Đám tang còn chưa làm đã chạy tới nhà Đại nhi tử, luôn miệng bắt Lý Đại phải phụng dưỡng bà ta. Tuy rằng trưởng bối của tộc Lý thị đã thay mặt Lý lão gia tử đuổi lão bà tử này ra khỏi gia tộc nhưng dù sao thì bà ta vẫn là nương ruột của Lý Đại, cũng không thể để bà ta chết trước cửa nhà mình được.
Hai nhi tử đã bàn bạc nhau sẽ giúp đỡ cày số ruộng còn lại của Tam phòng, bọn họ không lấy gạo thóc, để lại toàn bộ cho Lý bà tử dưỡng lão, nhưng Lý bà tử vẫn ở tại nhà cũ.
Còn những chuyện khác, Lý bà tử đừng hòng nghĩ đến.
Muốn tôn tử hiếu thảo, tức phụ nhi hầu hạ, phụng dưỡng dưới gối ư?
Đời này không có chuyện đấy đâu.
Cuối thu, sau khi Lý Tiến Bảo bị xử tội, Lưu thị đã hoàn toàn điên loạn, nương gia của bà ta cũng không dám đón bà ta về, chỉ có thể thỉnh thoảng tiếp tế một chút đồ ăn thức uống, không để bà ta chết ở đầu đường xó chợ...
Đương nhiên, đây đều là những chuyện sau này.
Hiện giờ không nói đến Lý gia, toàn bộ các hộ trong thôn đều tích cực hướng về phía trước.
Nhất là sau khi Hoắc Lâm trở về, Tống Đạt và Tống Võ đều cực kỳ quý trọng ngoại sanh bị lạc mất mà tìm lại được này, đối xử vô cùng tốt với nó, hơn nữa, ba đứa nhỏ cũng có rất nhiều bằng hữu.
Trường tư thục trong thôn đột nhiên nhận thêm mấy chục đứa trẻ.
Tiên sinh ở trường tư thục vừa vui mừng vừa khó xử.
Trước đây ít trẻ con, chỉ có mười mấy đứa, ông còn có thể dạy được.
Hiện giờ nhiều thế này, thật sự không dạy nổi.
Tống lý chính cảm thấy rất kiêu ngạo.
Bọn nhỏ được đi học là chuyện rất tốt! Đi học sẽ hiểu lý lẽ, còn về Lý Tiến Bảo cũng từng đi học... Đó chẳng qua chỉ là trường hợp cá biệt mà thôi!
Có kiêu ngạo đương nhiên cũng có lo lắng, dù sao thì chi phí cho bọn nhỏ đi học cũng rất tốn kém. Tiên sinh ở trường tư thục không yêu cầu quà nhập học quá nhiều, nhưng... cũng không thể để tiên sinh tự bỏ tiền túi ra mua giấy, bút và mực đúng không?
Hiện giờ nhiều nhà cho con đi học như vậy đồng nghĩa với việc những gia đình này phải sống thắt lưng buộc bụng.
"Ý của lý chính là, Nhị Nha ngươi hiểu sâu biết rộng nên muốn hỏi thử xem ngươi có cách gì giúp người trong thôn kiếm thêm tiền hay không. Đương nhiên, ngươi không cần suy nghĩ nhiều, không phải lý chính muốn dầu gội Thanh Ti của ngươi đâu. Do ông ấy thấy trong thôn chúng ta chỉ có mình ngươi từng đi xa nhà, đã thấy việc đời..." Lão gia tử không ngừng giải thích.
Sợ Tống Anh là người đa tâm.
Tống Anh cau mày.
Cách kiếm tiền...
Dầu gội Thanh Ti chắc chắn không được rồi, cho dù nàng sẵn sàng chia bạc cho người khác tiêu nhưng mọi người phải tự kiếm được tiền mới tốt.
Nếu ai cũng biết cách làm thì còn ai mua thứ này nữa? Chưa kể, dầu gội Thanh Ti không dễ vận chuyển, chỉ có thể đưa đến thành Dung bán, làm ra quá nhiều cũng không bán hết được.
Tống Anh cân nhắc một chút: "A gia yên tâm, ta biết lý chính gia gia là người thế nào."
"Lý chính cũng không còn cách nào, mấy nhà trong thôn cho con đi học đều không có cuộc sống tốt, hơn nữa, ông ấy cảm thấy lỡ như sau này bọn trẻ có thể học được, càng về sau càng cần chi tiêu nhiều hơn, không có tiền thì phải làm sao đây? Cũng không thể bán đất được đúng không? Đó chính là mạng sống của cả gia đình đấy." Tống Lão Căn thở dài.
Có hơi hối hận, lúc trước hẳn là nên cho tất cả bọn nhỏ trong nhà đi học.
Đương nhiên, sau khi ngẫm lại, nếu thật sự làm như vậy thì người già phải lột da, cơm cũng không có mà ăn.
Cứ nhìn Nhị phòng đi, Tống Tuân bây giờ lên huyện nha học, tuy ở nhờ nhà của nha đầu Tống Anh này nhưng chẳng phải hai phu thê kia đều đang phải tằn tiện chắt chiu từng cắc sao?
Đương nhiên, nếu Nhị Nha không hỗ trợ thì cũng không có vấn đề gì. Tống gia bọn họ không thể hút máu nha đầu đã xuất giá để bồi bổ cho nhi tử được.
"Có thì có, nhưng mà... chưa chắc có thể kiếm được nhiều tiền." Tống Anh suy nghĩ một lát rồi lên tiếng.
"Có thể tăng chút nguồn thu đã là tốt lắm rồi, chẳng lẽ còn mong ngươi giúp mọi người đều trở thành địa chủ sao? Vậy thì chắc chắn không thể nào. Tán tài đồng nữ* cũng không mạnh tay như vậy đâu." Tống Lão Căn vội vàng đáp lời.
* Tán tài đồng nữ: có nghĩa là "Đứa trẻ rải tiền", một trong số các đệ tử của Văn Thù Bồ Tát, là biểu tượng của sự hào phóng và chia sẻ.