9.
Tôi để lại chút không gian riêng cho bọn họ trò chuyện, rồi ra ngoài mua ít đồ.
Lúc trở về, Giang Yến Chu đang ôm đứa nhỏ, trông có vẻ rất lóng ngóng.
Là con của bạn thân, dĩ nhiên trước đây anh cũng từng bế qua. Hồi bé xíu, mềm oặt như cục bông, anh bế cứ như đang ôm một quả bom nhỏ.
Bây giờ có lẽ nhờ “trí nhớ cơ thể” nên bế vững hơn đôi chút.
Anh nhìn chăm chú vào sinh vật bé bỏng đang nằm trong tay mình một lúc, rồi lại ngẩng lên nhìn hai người bạn thân trước mặt.
“Đứa bé dễ thương thế này mà lại là do hai người sinh ra?” Giang Yến Chu mất trí đang chìm trong dòng suy nghĩ nghi hoặc.
“…”
Tạ Tri Mộ ghé sát vào vợ lầm bầm: “Cậu ta dù mất trí, miệng vẫn chẳng bớt độc miếng nào.”
Tôi không rõ hai người kia có nghiêm túc kể lại hết những chuyện trong suốt bảy năm qua cho Giang Yến Chu nghe không, nhưng lúc tôi về, ánh mắt anh nhìn tôi có phần kỳ lạ.
Còn có chút… né tránh.
Tôi giữ Chu Cẩn Âm và Tạ Tri Mộ ở lại ăn tối.
Lúc ăn cơm, con gái họ nằm ngủ trong xe nôi bên cạnh, trên má vẫn còn vương giọt nước mắt vì vừa khóc. Khuôn mặt nhỏ xíu khiến ai nhìn cũng thấy xót xa, thương mến.
Giang Yến Chu mới bị chấn thương não chưa lâu, mấy ngày nay vẫn còn chút di chứng.
Ví dụ như khi nhìn thấy tôi, anh cần vài giây để phản ứng ra tôi là ai.
Trí nhớ cũng hơi kém, không nhớ nổi mình vừa đặt đồ ở đâu.
Dù vậy, đây đều không phải vấn đề nghiêm trọng.
Anh đang dần hồi phục, cũng đã sớm quen với sự hiện diện của tôi. Chỉ đáng tiếc là, anh vẫn không thể nhớ ra chuyện trong quá khứ.
Từ ngày Giang Yến Chu xuất viện đến nay, đã nửa tháng trôi qua, chúng tôi vẫn ngủ riêng phòng.
Việc mất đi bảy năm ký ức khiến anh phải xây dựng lại mối liên hệ với xã hội.
Từ 18 đến 25 tuổi, anh đã trải qua cả học hành, sự nghiệp lẫn các mối quan hệ xã hội – tất cả đều thay đổi, mà những chuyện ấy tôi biết quá ít.
Chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết mới có thể từ từ giúp anh gợi nhớ lại.
Thời gian này, nhà tôi liên tục có khách đến thăm – toàn là những người thân quen của Giang Yến Chu, nhiều người trong số đó anh không còn nhớ nổi.
Tôi nhìn anh – người chẳng thể nhớ ra điều gì – cảm giác trong lòng có chút phức tạp khó diễn tả.
Với hơn hai năm quen biết, có lẽ thật sự chưa đủ để hình thành một tình cảm khắc cốt ghi tâm.
Nhưng nghĩ đến vẫn thấy chua xót.
Một tháng trôi qua.
Ký ức của Giang Yến Chu vẫn chưa quay về, nhưng vết thương trên trán đã lành khá nhiều.
Băng gạc đã được tháo, không cần quấn nữa.
Chỉ là vết thương ở vị trí khá nổi bật, tôi không biết sau này có để lại sẹo không.
Tối hôm đó, Giang Yến Chu do dự mấy lần, cuối cùng cầm điện thoại đến chỗ tôi trước lúc tôi đi ngủ.
“Trong máy anh có một album ảnh riêng, phải nhập mật khẩu mới mở được. Em biết mật khẩu không?”
Anh hỏi mà gương mặt đầy ngượng ngùng.
Dạo gần đây anh dùng nhận diện khuôn mặt cũng khá quen, tôi cũng từng nói cho anh biết mật khẩu màn hình và mã thanh toán.
Xem ra, những mật khẩu đó không dùng được cho album này.
Tôi nhìn trang giao diện anh đưa ra, có chút bất ngờ.
Trước giờ tôi không hề biết trong điện thoại của Giang Yến Chu còn có một mục ảnh riêng như vậy.
Tôi không biết mật khẩu.
“Anh chắc là muốn để em thử không?” Tôi đã cầm điện thoại trong tay, nhưng vẫn quay đầu hỏi anh để xác nhận lại.
Dù là vợ chồng nằm chung giường, cũng không có gì đảm bảo hai người hoàn toàn minh bạch với nhau.
Tôi chưa từng lén xem điện thoại của Giang Yến Chu, cũng không dám chắc mình sẽ phát hiện điều gì trong đó.
Nghe tôi hỏi vậy, Giang Yến Chu thoáng khựng lại, nhưng rồi vẫn nhẹ nhàng “Ừ” một tiếng:
“Em chẳng phải… là vợ anh sao?”
Hai chữ “vợ anh” được anh nói nhỏ đến mức gần như chỉ có anh nghe thấy.
Khóe môi tôi khẽ cong lên, nhưng không để lộ rõ ràng.