Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 72

Mùa hạ, tháng sáu, trời nóng bức, bầu trời xanh thẳm như được gột rửa, làn gió nhẹ thổi qua người, mang theo chút hơi nóng.

Thi Yến Vi đứng dưới gốc cây quế bên ngoài đạo quán tránh nắng. Đám thị vệ thì giữ khoảng cách xa gần, đứng chờ dưới bóng cây.

Cánh cửa gỗ “két” một tiếng mở ra, Thi Yến Vi nghe thấy liền bung chiếc ô giấy dầu, đứng chờ ngoài cửa.

Lý Lệnh Nghi bước ra, đập vào mắt là hình ảnh một nữ lang đang che ô hoa.

Trên chiếc ô vẽ vài nhành sen lá thanh tao, nét vẽ trong trẻo mà trang nhã.

Nữ lang dưới ô có gương mặt hồng hào, đôi môi đỏ thắm, dung nhan tú lệ, tựa như tiên nữ lạc trần, khiến người nhìn chẳng thể rời mắt.

Lúc này, nàng cũng đang tĩnh lặng quan sát Lý Lệnh Nghi.

Lý Lệnh Nghi đã ngoài ba mươi, song nhờ tâm tư tĩnh tại, ăn uống điều độ, sinh hoạt nề nếp, bảo dưỡng kỹ lưỡng nên thoạt nhìn chỉ như nữ tử đôi mươi. Gương mặt nàng tựa hoa hải đường chớm nở, đôi mày thanh thoát như ngọn núi xa, khí chất ôn hòa như lan, tao nhã như trúc, mang theo vẻ xuất trần thoát tục.

Ánh mắt hai người chạm nhau, Lý Lệnh Nghi mỉm cười dịu dàng, cất giọng ôn hòa:

“Nếu đã là cháu gái của Thẩm lang quân, cứ gọi ta là Lệnh Nghi.”

Nói xong, nàng mời Thi Yến Vi vào trong đạo quan.

Thi Yến Vi thoáng căng thẳng, nghe nàng nói, vội đáp một tiếng “được,” rồi quên cả việc hành lễ, lặng lẽ theo sau nàng tiến vào trong.

“Công… Lệnh Nghi, ta có chuyện muốn nói riêng với cô.” Thi Yến Vi liếc nhìn thị nữ Vọng Tình đứng bên cạnh nàng, rồi ra hiệu cho Úc Kim phía sau mình ngồi lại dưới giàn nho hóng mát.

Lý Lệnh Nghi sống ở đây nhiều năm, từng gặp không ít người. Nhưng dáng vẻ vừa hồi hộp vừa mong chờ như của Thi Yến Vi lại rất hiếm gặp, nụ cười trên môi càng thêm dịu dàng: “Được.”

Nói xong, nàng bảo Vọng Tình lui xuống rồi dẫn Thi Yến Vi vào phòng.

Sau khi khép cửa, Thi Yến Vi nghe rõ từng nhịp tim mình vang dội trong lồng ngực.

Nàng vừa xúc động vừa bối rối, ngồi xuống bên cạnh Lý Lệnh Nghi, khó nhọc thốt ra một câu: “Lệnh Nghi có biết câu “kỳ biến ngẫu bất biến” không?” [1]

[1]

[1] Phần này hình như là câu thường dùng để ghi nhớ công thức lượng giác. Đầy đủ là: “Kỳ biến ngẫu bất biến, dấu cách tử giai hoán”. 

Lời vừa dứt, nụ cười trên mặt Lý Lệnh Nghi thoáng ngưng đọng, vẻ mặt trở nên nghiêm túc. Sau một lúc im lặng, nàng hỏi lại:

“Là một công thức lượng giác?”

Thi Yến Vi nghe thế, gần như chắc chắn rằng nàng cũng giống như mình, đều từ hiện đại xuyên không đến.

Cảm giác vui mừng khôn xiết khiến mắt nàng cay cay. Thi Yến Vi kìm nén cảm xúc, ánh mắt ngấn lệ: “Dù không nhớ rõ cách dùng, nhưng nhớ mang máng đó là công thức bổ trợ trong lượng giác.”

Lý Lệnh Nghi cũng chìm trong niềm vui bất ngờ, dù vậy nàng vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, nhẹ giọng hỏi: “Mình vẫn chưa biết tên của bạn.”

Cách nàng hỏi không giống với người cổ đại, thay vì hỏi “Không biết nữ lang đây họ gì tên gì?”, nàng lại dùng cách hỏi của người hiện đại.

Thi Yến Vi cũng không dùng lối nói của người xưa nữa, sau một hồi chậm rãi đáp: “Trước kia là Thi Yến Vi, giờ gọi là Dương Sở Âm. Trước khi đến đây, Lệnh Nghi chắc cũng có tên khác nhỉ?”

Đã bao lâu rồi nàng chưa xưng tên ở thời hiện đại trước mặt người khác. Giật mình nhận ra, điều đó đã xảy ra từ rất lâu trước đây, lâu đến mức nàng gần như không còn nhớ nổi nữa.

Sau một thoáng ngẩn ngơ, Lý Lệnh Nghi gật đầu, chậm rãi đáp: “Trước đây, mình là Lương Thiển, giờ là Lý Lệnh Nghi.”

Lương Thiển. Một cái tên vừa đơn giản lại vừa dễ nghe.

Khi mới đến thế giới này, hẳn nàng ấy cũng giống như mình, mang trong lòng những cảm xúc cô độc, hoang mang và lạc lõng. Nghĩ đến đây, lòng Thi Yến Vi dấy lên cảm giác đồng điệu sâu sắc.

Dù quê quán, tỉnh thành có khác nhau, nhưng mối quan hệ giữa họ lúc này đã vượt qua cái gọi là đồng hương.

Trong xã hội phong kiến “ăn thịt người không nhả xương” này, việc gặp được một người giống mình, từng được giáo dục hiện đại, hơn nữa lại cùng giới tính, quả là niềm vui khó diễn tả bằng lời.

“Lương Thiển, sau này mình có thể gọi bạn là Thiển Thiển được không?”

Không hiểu sao, Thi Yến Vi không muốn gọi nàng là Lệnh Nghi. Nàng mơ hồ cảm thấy, nếu Lý Lệnh Nghi thực sự yêu thích thân phận công chúa, thì đã chẳng tu đạo lánh đời.

Đã nhiều năm Lý Lệnh Nghi không nghe ai gọi mình như thế, bất giác nhớ đến những người bạn thời hiện đại, từ bạn thân đến bạn cùng phòng đều thích gọi nàng bằng cái tên ấy. Vì thế, nàng không chút do dự mà đồng ý, giọng nói mang theo ý cười: 

“Nếu bạn gọi mình như vậy, mình cũng sẽ gọi bạn là Vi Vi.”

Cảm giác chua xót vì những ký ức cũ theo cuộc trò chuyện nhẹ nhàng dần phai đi, Thi Yến Vi cũng bật cười: “Cũng được, nếu có ai hỏi thì cứ bảo là tên thân mật chúng mình đặt cho nhau.”

Đang nói chuyện, nàng bỗng nhớ đến những chuyện đã trải qua trước khi xuyên không, liền hỏi Lý Lệnh Nghi làm sao lại đến được nơi này.

Lý Lệnh Nghi đáp: “Mình mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, năm hai mươi lăm tuổi đã không qua nổi lần phẫu thuật thứ hai. Sau khi đến đây, mình từng gặp một đạo trưởng bị què chân. Ông ấy nói với mình rằng mạng này là nhờ cha mẹ mình thành tâm hành thiện suốt hơn hai mươi năm mà có được. Thân phận công chúa trong mắt người nơi đây có lẽ là mệnh phú quý trời sinh, nhưng với người đến từ thời đại kinh tế tri thức như mình, thực ra mình chẳng ưa gì những lễ nghi ràng buộc, nam tôn nữ ti, tam cương ngũ thường… Dẫu có là công chúa cao quý, cũng chỉ là con chim bị nhốt trong lồng son dưới chế độ phụ quyền và phu quyền mà thôi.”

Câu chuyện dần trở nên nặng nề, Thi Yến Vi không ngờ nàng lại thổ lộ nhiều như thế. Ngực nàng thoáng nghẹn lại, không biết phải an ủi thế nào.

Thi Yến Vi còn đang lưỡng lự, lại nghe Lý Lệnh Nghi khẽ nói: “Mình đã đấu tranh với chính mình đủ lâu rồi. Mình thà sống thật với bản thân.”

“Câu nói này là điều mà mình đã nhận ra trước khi quyết định tu đạo, chọn lánh đời. Khi đó, mình từng nghĩ, có lẽ mình nên thuận theo số mệnh, gả cho người mà hoàng đế chỉ định, từ đó sống những ngày tháng phú quý, an nhàn nhưng vô nghĩa, để rồi kết thúc cuộc đời như vậy cũng được.”

“Dù cuộc sống hiện tại dù có phần thanh đạm, vẫn có thể xem là tự tại. Mình mệt thì có thể ngủ, đói thì ăn, buồn chán thì xuống núi dạo chợ, không còn như ngày xưa trong cung bị người ta kè kè suốt ngày, kiềm chế cả tính tình lẫn cử chỉ. Thỉnh thoảng nhớ đến người và chuyện ở hiện đại, không cần gò ép bản thân nữa, cứ thoải mái mà khóc một trận cho thỏa.”

Lý Lệnh Nghi nói xong, Thi Yến Vi dường như vẫn chìm đắm trong những lời ấy, chưa thể bừng tỉnh. Lý Lệnh Nghi nhẹ nhàng vỗ mu bàn tay nàng, hỏi nàng làm sao lại đến nơi này.

Thi Yến Vi kể lại rằng sau khi gặp tai nạn giao thông, vừa mở mắt đã thấy mình nằm trong một căn nhà gỗ cổ xưa, thanh tịnh. Sau đó, nàng gặp Tống Hành, bị hắn ép buộc làm ngoại thất của hắn. Trong thời gian đó, nàng đã hai lần tìm cách bỏ trốn nhưng đều bị hắn bắt về. Mãi cho đến khi a cữu của nguyên thân là Thẩm Kính An đến Triệu quốc, nàng mới có cơ hội thoát khỏi lòng bàn tay hắn.

Trong thời đại này, chỉ có nhan sắc mà không có gia thế, há chẳng phải là một loại khổ nạn sao?

Lý Lệnh Nghi nghe xong, khẽ thở dài một tiếng, trở lại phong thái cổ nhân, an ủi nàng: “May mà tất cả đã qua rồi. Vô cớ phải chịu kiếp nạn này, về sau ắt sẽ khổ tận cam lai, bình an hỉ nhạc.”

Thi Yến Vi đã lâu không dùng cách nói chuyện của người hiện đại, trong phút chốc khó mà chuyển đổi kịp, huống chi sau này còn phải dùng ngôn từ cổ nhiều, sợ rằng sẽ lộ sơ hở trước người khác. Nàng bèn thuận theo, nói theo kiểu cách cổ nhân: “Ta còn nhiều chuyện muốn nói với cô, e rằng phải ở lại đây một thời gian. Nếu cô không chê, cho ta một gian phòng ở lại nhé? Lễ nghĩa qua lại, đợi ít hôm nữa, cô cũng theo ta đến Biện Châu vài ngày được không? Chúng ta ở cùng nhau trò chuyện, nói nói cười cười, ngày tháng trôi qua cũng đỡ buồn chán hơn.”

Lý Lệnh Nghi không bài xích gì với Biện Châu, cũng không có ác cảm với Thẩm Kính An. Lần trước khi đến Biện Châu, Thẩm Kính An sắp xếp chu toàn, để tránh dị nghị, đã đặc biệt bố trí nàng ở biệt phủ ngoài thành. Lần này có Thi Yến Vi đi cùng, nàng có thể ở cùng nàng ấy trong Thẩm phủ, không lo lời ra tiếng vào.

“Được, đợi khi nào cô chán ở đây rồi, ta sẽ cùng cô về Biện Châu một thời gian.”

Đêm đó, hai người dùng xong bữa tối, ngồi dưới giàn nho uống trà, ngắm trăng sao.

Úc Kim sai những thị vệ khỏe mạnh mang đầy nước vào, rồi Vọng Tình dẫn họ tới phòng phía bên để nghỉ ngơi.

Đạo quán này do Ai Đế sai người trùng tu sửa chữa, tuy không quá lớn nhưng cũng không nhỏ, có đủ vài gian phòng, cả phòng thay đồ cũng có hai ba gian, vì vậy nghỉ lại đây cũng khá thuận tiện.

Thi Yến Vi tự mình rửa mặt chải đầu xong, Úc Kim khăng khăng muốn ngủ cùng phòng với nàng. Ban đầu, nàng định ra ngoài nằm trên chiếc sạp thấp để trực đêm, nhưng thấy Úc Kim ngủ như vậy e không thoải mái, Thi Yến Vi đành gọi nàng lên giường ngủ cùng.

Úc Kim nghĩ nàng lần đầu ngủ ở đạo quán trên núi nên có chút không quen, cần có người bên cạnh, liền vui vẻ đồng ý ngay.

Có người để trút bầu tâm sự, tâm trạng Thi Yến Vi trở nên nhẹ nhõm. Nàng không còn nghĩ về những đêm bị Tống Hành áp bức, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Không ngờ rằng, đêm đó nàng lại mơ thấy ba mẹ và Trần Nhượng. Họ cứu trợ động vật hoang dã, triệt sản và xây tổ cho chúng; đến tận vùng núi hẻo lánh giúp đỡ những cô bé không có điều kiện học hành; nhiều lần thành tâm quỳ trước tượng thần, cầu nguyện cho nàng có cơ hội sống lại.

Giấc mơ hiện lên như một cuốn phim quay nhanh, thời gian trôi vùn vụt, chỉ trong chốc lát, tóc ba mẹ đã hoa râm, còn Trần Nhượng cũng bước vào tuổi trung niên.

Dường như anh vẫn chưa kết hôn, vẫn sống một mình. Trong phòng đặt một khung ảnh chụp chung của nàng và Trần Nhượng khi đi biển. Trần Nhượng bước vào phòng, cầm lấy khung ảnh, thì thầm gì đó với người trong ảnh. Thi Yến Vi muốn tiến lại gần để nghe rõ nhưng bất luận cố gắng thế nào, nàng vẫn không thể di chuyển. Nàng như một làn khí vô hình, không hề có thực thể.

Thi Yến Vi nằm trên giường, khóe mắt ướt đẫm, đôi mày nhíu chặt, nắm chặt chăn.

Bỗng nhiên, khung cảnh trong mơ tối sầm lại.

Khi ánh sáng trở lại, căn phòng trước mắt đã biến thành nội điện Triều Nguyên.

Trong khoảnh khắc, Thi Yến Vi kinh hãi đến mất hồn, vội bật dậy khỏi giường, không kịp xỏ giày, gần như dốc hết sức chạy về phía cửa.

Nhưng chưa kịp tới cửa, nàng đã nghe tiếng cánh cửa bị đẩy mở ra.

Tống Hành bước vào, bóng dáng hắn bị ánh sáng phía sau kéo dài, đổ tràn khắp nền.

Tim Thi Yến Vi đập thình thịch, hai chân run rẩy, mềm nhũn, bị hắn từng bước ép về phía giường La Hán sau lưng.

“Âm Nương, nàng định đi đâu?” Giọng nói trầm thấp của hắn vang lên khiến nàng sợ hãi tới nỗi nghẹt thở, da đầu tê dại.

“Đừng lại đây, đừng lại đây!” Thi Yến Vi tuyệt vọng gào lên, vớ lấy chén trà trên bàn nhỏ ném về phía hắn.

Hắn không tránh, mặc chén trà đập vào người, nước trà lạnh thấm ướt y phục nhưng vẫn thản nhiên như không.

“Hôm nay sao Âm Nương lại giận dữ như vậy? Trẫm đến giúp nàng hạ hỏa, được chứ?” Tống Hành vừa nói, vừa cởi đai lưng, dễ dàng trói chặt cổ tay nàng.

Sau đó, hắn thản nhiên cởi bỏ áo bào đen tuyền ngay trước mặt nàng.

Thi Yến Vi hoảng sợ tột độ, nhưng không còn đường lui, chỉ biết nhắm chặt mắt, không dám mở ra nhìn thân hình cao lớn, rắn rỏi như thành đồng vách sắt của hắn.

Tống Hành cúi xuống, bàn tay to lớn kéo váy nàng.

Trên thảm bên cửa sổ, giữa giường, hắn giam cầm nàng, khống chế nàng như muốn đóng đinh nàng xuống đất.

Kiệt sức, nàng không thể kháng cự, chỉ một tay hắn cũng đủ khiến nàng bất lực.

Sợ hãi theo bản năng, nàng lắc đầu liên tục, từ chối chén canh sâm.

“Không, ta không uống…” Thi Yến Vi bật thành tiếng, bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng.

Mồ hôi ướt đẫm áo ngủ, khóe mắt nàng còn đọng lại những giọt nước mắt từ giấc mộng.

Bên cạnh, Úc Kim bị tiếng động đánh thức, lập tức tỉnh táo. Thấy nương tử nhà mình ngồi dậy, tay đặt lên ngực, thở hổn hển, nàng vội vàng xoa lưng trấn an: “Tiểu nương tử gặp ác mộng sao?”

Thi Yến Vi khẽ gật đầu, nhìn ra cửa sổ. Trời vẫn chưa sáng hẳn, nhưng ánh sáng mờ nhạt đã le lói, chắc cũng sắp bình minh.

Úc Kim xuống giường, rót một ly nước lạnh mang tới. Thi Yến Vi đón lấy, cảm ơn rồi nhấp từng ngụm nhỏ. Nàng không còn sợ hãi như lúc nãy nhưng cũng chẳng còn buồn ngủ nữa.

Suốt cả ngày hôm đó, giấc mơ ấy cứ bám lấy nàng, khiến nàng lo lắng Tống Hành sẽ đổi ý, phái người tới bắt nàng về cung.

Dù muốn nói chuyện cùng Lý Lệnh Nghi, nàng lại chẳng thể tập trung, chỉ ngồi im lặng, ánh mắt thẫn thờ.

Thấy bộ dáng thất thần của Thi Yến Vi, Lý Lệnh Nghi không khỏi lên tiếng dò hỏi.

Thi Yến Vi chỉ đáp rằng đêm qua gặp ác mộng, ngoài ra không có gì đáng ngại.

Lý Lệnh Nghi trầm ngâm giây lát, thầm nghĩ có thể khiến nàng bồn chồn lo lắng đến vậy, trên đời này e rằng chỉ có tên quân vương cầm thú kia thôi.

“Người ta thường nói, ngày nghĩ nhiều, đêm mộng mị. Có lẽ Vi Vi vẫn còn mắc kẹt trong những chuyện xưa, tâm không thể yên ổn. Ở đây ta có sẵn giấy bút, nếu không có việc gì, chi bằng chép vài lần kinh tĩnh tâm để lòng tĩnh lặng hơn.”

Không tìm được cách nào khác để khiến lòng mình dịu lại, Thi Yến Vi nghe vậy không dám trái lời. Nàng liền lấy bút mực, thêm nước vào nghiên, rồi cầm bút bắt đầu chép kinh.

Lý Lệnh Nghi đứng bên cạnh nhìn một lát, thấy nàng dần dần bình tâm lại, tập trung vào từng nét chữ, lúc này mới yên lòng rời đi làm việc khác.

Thành Tử Vi, điện Triều Nguyên.

Tống Hành đã phê sổ con suốt cả buổi trưa, đôi mắt không khỏi nhức mỏi, không khỏi cảm thấy nhức mắt, tê tay, bèn đặt bút, bước đến bên cửa sổ.

Đưa tay chạm vào gỗ nơi bệ cửa, hơi nóng truyền đến lòng bàn tay, hẳn là bị ánh nắng gay gắt cả chiều nay nung nóng.

Không biết vì sao, hắn chợt nhớ đến điều gì đó, hình ảnh ngón tay thanh mảnh, búi tóc buông lơi, khuyên tai khẽ lay động, tấm lưng trắng ngần tựa tuyết, tất cả đều tương phản rõ rệt với làn da rám nắng thô ráp của hắn.

Hắn nhớ lại đêm hôm đó, trong chính gian điện này, hắn và nàng thân mật gắn bó, từ trên bàn, giường La Hán cho đến cả tấm thảm. Khắp nơi dường như vẫn còn vương lại hơi thở của nàng.

Nàng mềm mại, thơm hương, hoàn toàn khác biệt với hắn, một kẻ vai u thịt bắp, nhất là khi ở bên cạnh nàng, sự vạm vỡ của hắn càng trở nên dữ tợn đến đáng sợ. Khó trách nàng chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào thân hình hắn.

Hắn tự nhủ, lẽ ra không nên tiếp tục nghĩ về nàng. Dù dục vọng có sâu đến mấy, cũng chỉ cần nhẫn nhịn thêm ít lâu. Chờ a bà tìm cho hắn một nữ nhi thế gia tài sắc song toàn, tự nhiên sẽ có người hợp ý hắn hơn nàng, có gì đâu mà hắn phải bận lòng như thế nữa.

Nghĩ đến đây, Tống Hành rút tay khỏi bệ cửa, ngồi xuống giường La Hán. Trên bàn nhỏ bên cạnh có đặt một khay đá băng, tỏa ra từng làn khí mát lạnh, đáng lý ra có thể xua đi sự bức bối trong lòng, nhưng không ngờ, ký ức về nàng lại một lần nữa xâm chiếm tâm trí hắn.

Hắn ngồi không yên, do dự hồi lâu, cuối cùng cất giọng ra lệnh cho Trương nội thị chuẩn bị nước lạnh.

Từ khi Dương thượng nghi rời đi đến nay đã hơn một tháng, không biết bao nhiêu lần như thế rồi. Thánh thượng cấm bất kỳ ai nhắc đến chữ “Dương,” còn cố ý tránh mọi thứ liên quan đến cục Thượng Nghi. Bề ngoài tỏ vẻ không bận tâm, nhưng thực chất lại chỉ là tự dối lòng.

Thánh thượng đã bước vào tuổi tam thập nhi lập, Trương nội thị thực lòng mong người sớm thoát khỏi quá khứ, cưới hoàng hậu, nạp phi tần, để con cháu đầy đàn, củng cố quốc bản.

Khi nước đã chuẩn bị xong, Tống Hành không cho ai hầu hạ, tự mình cởi bỏ long bào vàng rực. Y phục hôm nay không phải bộ y phục đêm đó, nhưng khi thoáng nhìn qua, hình ảnh cũ lại hiện rõ mồn một, thôi thúc hắn quỳ xuống đất.

Hắn hồi tưởng tấm lưng trần trắng muốt như nam châu, thở trở nên gấp gáp, không sao dập tắt nổi ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng. Cuối cùng vì không thể đè nén, hắn sa vào những ảo tưởng trụy lạc, khép dần ngón tay.

Tuy nhiên, bàn tay ấy vẫn không thể nào ngừng lại.

Cũng khó trách, lúc ở Thái Nguyên, nàng luôn chỉ biết khóc.

Hắn thật đáng chết, chưa từng một lần nghĩ tới nàng, lúc đó, nàng hẳn là rất sợ hắn, phải không?

Tống Hành khẽ nhắm mắt, lẩm bẩm với không trung: “Trước đây là trẫm không tốt, Âm Nương đánh trẫm chút để xả giận, được không?”

Qua một lúc lâu, Tống Hành mới cắn răng, phát ra một tiếng gầm thấp.

Hoàng bào vàng thắm, đã dính đầy sương trắng.

Sau cơn cuồng vọng, Tống Hành lại tự giận bản thân vì đã không kiểm soát được mình.

Một nữ gian dối trá như nàng, đâu đáng để hắn day dứt như vậy?

Nàng coi thường hắn, nhưng bên ngoài có vô số nữ nhân nguyện làm phi tần của hắn, sinh con nối dõi cho hắn.

Hắn nghĩ đến nước Ngụy lẫn nước Sở phía nam, quốc chủ đều đã quá tuổi ngũ tuần, làm sao có thể so với hắn, một vị hoàng đế đang tuổi tráng niên?

Nàng rời bỏ hắn, tuyệt đối không thể tìm được nam lang nào tốt hơn hắn.

Ngoài hắn ra, cũng chẳng ai có thể mang đến cho nàng quyền thế tối thượng.

Hắn sẽ khiến nàng hiểu rõ quyết định rời bỏ hắn ngày ấy ngu xuẩn đến nhường nào.

Hắn nhất định sẽ quên nàng triệt để, dù cho nàng có khóc lóc, quỳ gối cầu xin trước mặt hắn, hắn cũng sẽ không mảy may dao động.

Nghĩ vậy, Tống Hành bước vào bồn tắm, dòng nước mát lạnh ngập đến eo, cơn bực bội dần tan biến.

Trương nội thị rất tinh ý, đã chuẩn bị sẵn bộ áo lót do chính tay Thi Yến Vi khâu.

Dù bề ngoài Thánh thượng tỏ ra chê bai, nhưng lần nào tắm xong cũng chỉ mặc chúng mới có thể bình tâm lại. Nếu không, ban đêm người khó lòng yên giấc.

Y phục Dương thượng nghi để lại, Thánh thượng không cho cung nhân đụng vào, đích thân thu dọn mang về điện Triều Nguyên, giờ đang nằm im lìm trong tủ áo.

Trương nội thị chờ bên ngoài phòng tắm, đợi Tống Hành ra, hỏi hắn muốn về tiền điện hay nội điện.

Tống Hành vẫn còn công vụ chưa xử lý xong nên đi về phía tiền điện.

Đến gần canh ba, (~23h) Tống Hành mới quay lại nội điện nghỉ ngơi.

Bảo Sênh đã quan sát mấy ngày nay, thấy cảm xúc của Thánh thượng ổn định, hàng ngày hoặc gặp đại thần, hoặc phê duyệt tấu chương, nghĩ rằng hẳn đã quên Dương nương tử, liền đi đường tắt đến cung Thái hoàng thái hậu.

Thái hoàng thái hậu nghe xong, tâm trạng thoải mái hơn, liền chỉnh lý danh sách đã chọn, để Tống Vi Lan xem qua một lượt. Trước bữa tối, bà sai Sơ Vũ tới điện Triều Nguyên, mời Thánh thượng tới dùng bữa.

Tống Hành đã hai, ba ngày không đến vấn an Thái hoàng thái hậu, nên khi Sơ Vũ đến mời, hắn không từ chối, xử lý xong tấu chương liền lên kiệu đến điện Huy Du.

Nghe nội thị truyền báo, Thái hoàng thái hậu vẫn ngồi yên, Tống Vi Lan đứng dậy.

Tống Hành trước tiên vấn an Thái hoàng thái hậu, rồi gọi Tống Vi Lan một tiếng “hoàng cô”, bảo nàng không cần đa lễ.

Sau bữa tối, ba người súc miệng rửa tay, Thái hoàng thái hậu bảo Sơ Vũ lấy bức họa ra, lần lượt giới thiệu những người bà đã chọn kỹ càng.

So với lần đầu tiên giới thiệu, số lượng lần này giảm hơn một nửa, đều là con gái nhà thế gia vọng tộc, tài sắc, phẩm hạnh không thiếu thứ gì.

Tống Hành xem qua, chỉ thấy họ như cùng một khuôn mặt, liền tùy ý chỉ năm, sáu người, rồi viện cớ còn việc triều chính còn tồn đọng, để rời điện Huy Du.

Mấy ngày nay, Thi Yến Vi chép kinh tĩnh tâm, quả nhiên lòng dạ thư thái hơn, không còn gặp những cơn ác mộng kinh hoàng nữa. Mỗi ngày nàng trò chuyện, uống trà với Lý Lệnh Nghi, cùng nàng xuống núi dạo chợ, thưởng thức các món ăn và đặc sản ở Tuyên Châu.

Chiều hôm ấy, Thi Yến Vi đội mũ sa xuống núi, thấy dưới lều mát có người bán nước ngọt ướp lạnh và dưa ướp đá, nhìn rất hấp dẫn. Sau khi hỏi giá, nàng nhoẻn miệng cười, bảo Úc Kim cùng vài thị vệ tìm chỗ ngồi, mọi người cùng nếm thử.

Úc Kim vốn là người cẩn thận, thấy Thi Yến Vi từ ngày vào phủ đến nay không hề thấy nguyệt tín ghé qua, nghi ngờ cơ thể nàng không tốt, liền khuyên nên bớt ăn đồ lạnh. Đợi về Biện Châu, nhất định phải mời một y công giỏi về phụ khoa đến khám.

Thi Yến Vi do uống nhiều thuốc, thêm vào hàn khí nhập thể, vì lo ngại mang thai nên không dám uống thuốc điều hòa, kỳ kinh nguyệt rối loạn cũng đã lâu, chưa khi nào đến đúng ngày cả. Sau đó nàng vào cung nước Triệu làm Thượng nghi, tần suất hành phòng cũng không nhiều như trước, chưa kể Tống Hành chưa khi nào dám để lọt vào trong, nên cũng không lo chuyện có thai.

Tuy nhiên, hiện tại nàng đã có a cữu che chở, lại đang ở trong địa phận nước Ngụy, cũng có thể xem xét việc điều dưỡng cơ thể. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt không chỉ đau bụng khó chịu mà e rằng còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thi Yến Vi đã có chủ ý, không dám tham ăn, chỉ nhấp nhẹ nửa bát rồi dừng lại, sau đó mua một miếng dưa ướp đá nhỏ. Nàng cảm thấy loại quả này tuy không đỏ mọng như thời hiện đại, vị cũng chẳng ngọt ngon bằng, nhưng ở thời đại này có thể thưởng thức được như thế đã là hiếm có. Trả tiền xong, nàng không đi đâu thêm, chỉ ghé qua chợ mua cả một quả lớn, mang về cho Lý Lệnh Nghi và Vọng Tình cùng thưởng thức.

Mùa hạ nóng nực, Thái hoàng thái hậu cho gọi Lưu thượng cung, dặn bà nghĩ ra một cái cớ để mời các quý nữ vào hưu mộc giữa tháng này đến cung dự yến.

Lưu Thượng cung đề xuất rằng tháng sáu là mùa thưởng sen, không cần dùng món chính mà thay bằng chè đậu xanh, núi hạt dẻ, dưa lạnh và nước mơ chua.

Thái hoàng thái hậu nghe xong rất hài lòng, liền giao cho Lưu Thượng cung sắp xếp người lo liệu.

Sau khi Thi Yến Vi rời đi, vị trí Thượng nghi cũng để trống, Lưu thượng cung có ý nâng đỡ Dao Tư tán, liền giao việc này cho nàng cùng với Vương Thượng nghi phụ trách.

Ngày hai mươi tháng sau, hưu mộc.

Từ sáng sớm, Tống Hành đã nhận được lời mời của Thái hoàng thái hậu, dặn hắn trưa nay đến hồ Cửu Châu ngắm sen.

Hắn vì nhiều năm hành quân đánh trận bên ngoài nên không sợ nóng, nhưng nghĩ tới việc gặp nhiều nữ lang cùng một lúc lại cảm thấy lười nhác, nấn ná cạnh thùng băng mãi đến gần giờ mới ngồi lên bộ liễn, hướng về hồ Cửu Châu.

Khi Tống Hành tới nơi, các quý nữ đã chờ trong thủy tạ từ lâu. Thấy hắn xuống kiệu, họ đồng loạt đứng dậy, tiến tới bậc thềm hành lễ.

Một cơn gió thoảng qua, mang theo hương sen nhè nhẹ, hòa lẫn với mùi hương phấn thoảng trên người các quý nữ. Tống Hành vốn không thích mùi hương nồng, khẽ nhíu mày khó nhận ra, ánh mắt lướt nhanh qua mà không dừng lại ở ai. Hắn thản nhiên nói:

“Đã là Thái hoàng thái hậu cho gọi các ngươi đến đây, không cần quá câu nệ phép tắc.”

Dứt lời, hắn bước chân dài, đi thẳng vào thủy tạ, thong thả ngồi xuống ghế cao chính giữa.

Thái hoàng thái hậu thấy hắn chỉ chăm chú uống trà, chẳng buồn trò chuyện, sắc mặt thoáng trầm, liền sai người mang bánh tô sơn lên. [2]

[2][2] tô sơn: là loại kem của thời nhà Đường.

Cung nhân trước tiên dâng bánh cho Tống Hành và Thái hoàng thái hậu. Nhìn lướt qua các nữ nhân bên dưới, bà mỉm cười nói với hắn: “Bánh tô sơn này làm từ sữa tươi và quả tươi rưới lên đá bào, ngọt mát thanh tao, rất hợp giải nhiệt. Thánh thượng dùng thử một chút xem sao.”

Tống Hành vốn không thích đồ ngọt, nhưng cũng chẳng tiện làm mất lòng Thái hoàng thái hậu, chỉ nhẹ nhàng “ừ” một tiếng, cầm thìa nếm qua.

Lần gần đây nhất hắn ăn đồ ngọt, là tết Thượng Nguyên, cùng nữ gian kia ăn đường viên.

Lời nàng khi ấy vẫn còn văng vẳng bên tai: Phải cho thêm chút rượu nếp, ăn mới không ngấy. 

Nghĩ đến đây, động tác cầm thìa của hắn khẽ khựng lại. Ngước mắt lên nhìn các quý nữ, thấy họ dù ăn uống đoan trang, nhưng dáng vẻ lại có phần thích thú. Hắn bất giác tự hỏi: Nàng liệu có thích bánh tô sơn? Ba năm qua, mỗi dịp hè nàng không ở bên hắn, liệu nàng có tự mình đi mua tô sơn không?

Ánh mắt hắn dừng lại ở bát bánh trước mặt một quý nữ, nhưng không phải nhìn nàng mà là nhìn chằm chằm vào món bánh.

Sữa tươi rưới trên đá bào sao sánh được làn da trắng như tuyết của nàng? Nghĩ đến dáng vẻ nàng ăn bánh, hẳn là đôi môi hồng khẽ mở, từng miếng nhỏ nhắn chậm rãi đưa vào miệng. Đôi môi ấy mềm mại, nhỏ xinh, ăn nhiều chắc chẳng nổi, nhưng những món ăn nhẹ như thế lại rất hợp với nàng.

Thái hoàng thái hậu nhận thấy ánh mắt Tống Hành đang dừng ở đâu đó, liền nhìn theo. Bà trông thấy một gương mặt quả hạnh bầu bĩnh, tuy không mạo mỹ thoát tục như nữ tử họ Dương kia nhưng vẫn là một nữ lang thanh tú động lòng người. Nhìn nàng có vẻ nhỏ tuổi hơn, lớn lên ắt sẽ càng thêm phần xinh đẹp.

Nàng là nữ lang nhà ai? Thái hoàng thái hậu đã có tuổi, trí nhớ không còn được như trước, bà thoáng nghĩ, rồi nghiêng đầu hỏi nhỏ Tống Vi Lan bên cạnh.

Tống Vi Lan mỉm cười, đáp khẽ: “A nương, đó là tiểu nữ nhi của Hiển Quốc công, ở nhà xếp hàng thứ tư.”

Thái hoàng thái hậu gật gù: “Ồ,” một tiếng, lại dùng ánh mắt lại dò xét dáng vóc nàng, cảm thấy nàng khỏe mạnh hơn hẳn so với Dương thị, sắc mặt hồng hào, vóc dáng đầy đặn.

Trần Thư Ngưng cảm giác có người đang nhìn mình, liền ngẩng đầu lên. Nàng phát hiện đó là Thái hoàng thái hậu, còn Thánh thượng dường như cũng nhìn về phía nàng, nhưng ánh mắt lại như đang chăm chú nhìn vào bát tô sơn ở trên bàn chứ không phải nhìn nàng.

Chẳng phải Thánh thượng cũng có một bát đó sao, sao lại nhìn bát của nàng? Hay là người thấy bát của nàng có vẻ ngon hơn?

Thái hoàng thái hậu thấy mình bị bắt gặp, bèn thản nhiên quay đi, ánh mắt dừng ở đóa mẫu đơn tịnh đế thêu trên bức bình phong gần đó.

Trương nội thị lặng lẽ đứng sau lưng Tống Hành, ánh mắt thoáng lo lắng khi thấy bát bánh sơn trên bàn chỉ mới động một chút, còn người thì lại đăm chiêu, nhìn về xa xăm. Hắn liền khẽ ho một tiếng, che miệng nhắc nhở:

“Thánh thượng, bánh của người sắp tan rồi.”

Tống Hành giật mình bừng tỉnh, nhớ ra hôm nay là dịp chọn phi tần, nhưng lòng lại tràn ngập hình bóng nàng. Chẳng lẽ nàng là nữ tử Miêu Cương, trước đây đã hạ cổ độc lên người hắn?

Nghĩ lại thấy buồn cười, nếu nàng thật sự hạ cổ, chắc hẳn cũng phải là loại cổ chí mạng, có thể lấy mạng hắn chứ không thể nào lại hạ cổ tình.

Tống Hành khẽ cười tự giễu, không chạm thêm vào bát bánh, rót cho mình chén trà nhạt, chậm rãi thưởng thức.

Thái hoàng thái hậu, sau khi quan sát kỹ Trần Thư Ngưng, lại chuyển mắt nhìn Tống Hành. Thấy hắn từ đầu đến cuối chẳng buồn liếc qua bất kỳ nữ lang nào khác, bà ngầm hiểu rằng tâm tư hắn đã đặt vào tiểu nữ nhi của Hiển Quốc công.

Tiệc tàn, Thái hoàng thái hậu giữ Tống Hành lại nói chuyện.

“Có phải đã Thánh thượng để mắt đến Trần Tứ nương của phủ Hiển Quốc công rồi không?” Vừa hỏi, ánh mắt bà vừa hướng về chỗ Trần Thư Ngưng từng ngồi.

Tống Hành không nhớ rõ diện mạo nàng, thậm chí cũng chẳng để tâm. Nhưng bốn chữ “Hiển Quốc công phủ” lại để lại ấn tượng khá tốt.

Hiển Quốc công Trần Khiên, từng giữ chức tể tướng triều trước, nổi danh cương trực, không kết bè kéo cánh, là bậc thanh lưu trong triều. Chính các mưu thần dưới trướng hắn phải tốn không ít công sức mới thuyết phục được Trần Khiên quy thuận Triệu quốc.

Một người như Trần Khiên, chính trực liêm khiết, hẳn không thể dạy ra một nữ nhi kiêu căng, ngạo mạn, tâm địa bất chính.

Hậu cung, chỉ cần một nữ nhân hiền lương, đủ khả năng quản lý chu toàn, giúp hắn bớt đi lo nghĩ, là ai cũng không khác biệt.

Nếu a bà đã hỏi vậy tức cũng cảm thấy nàng là người thích hợp.

Tống Hành nghĩ như thế, nhưng vẫn không thể thuận miệng nói rằng mình có cảm tình với nàng. Hắn cân nhắc một hồi, cuối cùng hời hợt đáp: “Nếu a bà cảm thấy nàng phù hợp, hưu mộc lần tới, cứ mời nàng đến điện Huy Du uống trà là được.”

Thái độ tuy có chút lãnh đạm, nhưng cũng không đến mức dửng dưng như trước. Thái hoàng thái hậu nghe xong, lòng tràn đầy hy vọng, vội vàng gật đầu đồng ý. Sau khi Tống Hành rời đi, bà liền sai người điều tra cặn kẽ tính tình của Trần Tứ nương.

Từ khi Thi Yến Vi rời khỏi Triệu quốc, Tống Hành hiếm khi bước chân ra khỏi điện Triều Nguyên, ngoài việc đi tuần tra quân doanh và đích thân huấn luyện binh sĩ, hắn đều vùi mình trong công vụ.

Như hôm nay, tuy mười ngày mới đến một ngày hưu mộc, hắn cũng chỉ sáng sớm luyện kiếm, dùng qua bữa rồi lại quay về nội điện phê duyệt tấu chương.

Kể từ lúc trở về từ hồ Cửu Châu Trì, sắc mặt người vẫn chẳng chút vui vẻ, tựa hồ từ ngày Dương Thượng Nghi theo Vũ An Hầu rời đi, chưa khi nào Thánh thượng nở nụ cười lần nữa. 

Trương nội thị nhìn thấy cảnh ấy mà lo lắng không yên, trong lòng thầm nghĩ nếu cứ kéo dài như vậy, e rằng Thánh thượng sẽ sinh bệnh mất thôi. Vốn hy vọng hôm nay gặp vài tiểu thư xinh đẹp sẽ giúp người khuây khỏa, nào ngờ về rồi tâm trạng lại càng ủ dột hơn.

Thấm thoắt đã mười ngày trôi qua.

Ngày mùng một tháng bảy.

Thái hoàng thái hậu đặc biệt triệu Trần Tứ nương đến điện Huy Du uống trà.

Trước đó, lời đồn về việc Thánh thượng chọn phi đã lan truyền khắp nơi. Nay Thái hoàng thái hậu lại đích thân triệu kiến một mình nàng, cho dù là kẻ ngốc cũng có thể hiểu rõ hàm ý trong chuyện này.

Hiển Quốc công gia, Trần Khiên, vốn nghe danh Tống Hành không gần nữ sắc, tâm tư khó lường, không hề có ý định kết thân với hoàng thất. Nay hay tin tiểu nữ được triệu vào cung, ông chẳng xem đó là điều đáng mừng, trái lại càng thêm lo lắng. Khi Trần Thư Ngưng sửa soạn lên đường, ông đã dặn dò không dưới ba lần, rằng nàng phải ăn nói cẩn trọng, tuyệt đối không được đắc tội với những bậc quý nhân trong cung.

Trần Thư Ngưng vốn là người lanh lợi tùy hứng, không mấy ưa thích những quy củ ràng buộc trong cung. Nhớ lại lần trước dự yến, nàng chẳng buồn hé lời với bất kỳ ai quen biết ngồi cạnh, bởi thế càng thêm chán ngán nơi này. 

Nàng vốn nghĩ bản thân không phải người nổi bật nhất trong số các quý nữ kia, Thái hoàng thái hậu và Thánh thượng hẳn sẽ không để ý đến mình. Nào ngờ, lần này Thái hoàng thái hậu lại chỉ đích danh nàng, mời một mình nàng đến uống trà.

Không có ai quen biết, chỉ nghĩ đến điều này thôi nàng đã cảm thấy bất an, không biết phải làm thế nào cho phải.

Khi vào cung, cung nhân tại điện Huy Du mở cửa mời nàng vào. Trần Thư Ngưng bước đến, chắp tay trước ngực quỳ gối, cung kính hành lễ.

Thái hoàng thái hậu vẫn giữ vẻ hòa nhã, còn vị Thánh thượng bên cạnh bà, sắc mặt tựa băng tuyết, lạnh lẽo đủ khiến người ta đông cứng.

Lần đầu đối diện áp lực lớn như vậy, Trần Thư Ngưng từ một người có tính cách hoạt bát bỗng trở nên rụt rè, thận trọng, không dám nhiều lời. 

Mãi cho đến khi Thái hoàng thái hậu khẽ mỉm cười, hỏi nàng có biết pha trà hay không, nàng mới hoàn hồn, cung kính trả lời.

Thái hoàng thái hậu bèn sai người mang đủ bộ dụng cụ pha trà đến, bảo nàng pha một ấm trà để mọi người cùng thưởng thức.

Trần Thư Ngưng lập tức làm theo, cẩn thận pha trà rồi rót vào ba chén. Nàng dâng chén đầu tiên cho Thái hoàng thái hậu, kế đến là Thánh thượng và Tống Vi Lan.

Thái hoàng thái hậu liền hỏi sao không dâng Thánh thượng trước. Trần Thư Ngưng liền đáp các triều đại Trung Nguyên lấy xưa nay đều dùng hiếu đạo trị quốc. Thánh thượng kính trọng Thái hoàng thái hậu, triều thần đều đa tỏ tường. Hơn nữa, Thánh thượng vừa dùng trà lạnh, hẳn cũng không vội dùng trà nóng ngay.

“Thật là đứa trẻ tinh tế.” Thái hoàng thái hậu khen ngợi, rồi quay nhìn Tống Hành và Tống Vi Lan, thì thấy sắc mặt Tống Hành vẫn bình thản, trong khi Tống Vi Lan khẽ gật đầu tán thưởng, rõ ràng cũng cảm thấy nàng không tệ.

Thái hoàng thái hậu rất hài lòng, bèn giữ nàng lại dùng bữa tối trong cung, rồi bảo Tống Hành đưa nàng đi dạo, ngắm hoa tử vi đang nở rộ trong ngự hoa viên.

Tống Hành chẳng hề có ấn tượng đặc biệt nào với nàng, hắn chỉ làm theo ý Thái hoàng thái hậu, không chút để tâm.

Về phía Trần Thư Ngưng, phải ở cùng hắn khiến nàng cảm thấy vô cùng gò bó. Sau khi dạo một vòng quanh hoa viên, hai người trở lại điện Huy Du, trước khi trời tối, Thái hoàng thái hậu sai người tiễn nàng xuất cung.

Khi ấy, Tống Vi Lan vẫn ngồi trong điện, Thái hoàng thái hậu không kiêng dè gì, trực tiếp hỏi Tống Hành thấy vị Trần tứ nương này thế nào.

Tống Hành trầm tư hồi lâu, không thể đưa ra quyết định.

Thái hoàng thái hậu có chút mất kiên nhẫn, khẽ nhíu đôi mày bạc: “Nhị lang, chẳng lẽ cháu vẫn còn nhớ đến nữ tử họ Dương kia?”

Nữ tử họ Dương mà a nương vừa nhắc đến chính là cháu hái kẻ đã hại chết Đại lang.

Tống Vi Lan nhớ đến trưởng tử chết dưới đao Thẩm Kính An khi còn chưa tròn hai mươi lăm tuổi, không khỏi nghiến răng căm phẫn. Ngón tay nàng siết chặt lấy chén trà trong tay, hơi thở gấp gáp, lời nói bật ra khỏi miệng mà không kịp giữ ý, thậm chí quên cả quy củ, gọi thẳng Tống Hành là “Nhị lang”.

“Nhị lang vẫn còn nhớ đến cháu gái của tướng quân nước Ngụy sao?! Khi xưa, Thừa Sách từng cùng Nhị lang đọc sách, luyện võ. Nó luôn kính trọng biểu huynh của mình nhất…”

Lời chưa dứt, ánh mắt nghiêm nghị của Thái hoàng thái hậu đã lạnh lùng liếc qua, ra hiệu cho nàng im lặng, chớ buông lời hồ đồ thêm nữa.

Sắc mặt Tống Hành càng thêm âm trầm. Sau một hồi tĩnh lặng kéo dài, giọng nói trầm thấp của nam lang chợt vang lên: “Trẫm sẽ lập nàng làm hoàng hậu. Đồng thời, xin nhờ a bà chọn thêm bốn nữ lang để lấp đầy vị trí tứ phi.”

Đêm ấy, Tống Hành thức đến khuya để tự tay viết thánh chỉ, nhưng khi đến bước đóng ngọc tỷ, hắn lại chần chừ mãi, không hạ tay.

Bất giác, trong tâm trí hắn hiện lên hình ảnh nữ lang từng cầm ngọc tỷ với đôi tay thon dài, trắng ngần. Nàng ngồi trong lòng hắn, ánh mắt tập trung như đang nghĩ ngợi điều gì đó.

Hắn từng nói sẽ tặng nàng ngọc tỷ truyền quốc để nàng tùy ý chơi đùa. Nàng khi ấy đã quay đầu nhìn hắn, ánh mắt như sao trời rực sáng, soi thẳng tận đáy lòng hắn.

Cơn đau âm ỉ nơi thái dương khiến Tống Hành khẽ cau mày. Hắn đóng nắp hộp cất ngọc tỷ lại, đặt thánh chỉ sang một bên chờ mực khô.

Đêm đó, hắn tiếp tục phê duyệt tấu chương đến tận canh ba mới đi nghỉ.

Sáng hôm sau, Tống Hành sai Khâm Thiên Giám tính toán ngày lành để lập hậu.

Ba ngày sau, Khâm Thiên Giám đưa ra dự báo. Tin này cũng lập tức truyền đến tai Thái hoàng thái hậu.

Tống Vi Lan nói: “Lần này Nhị lang chắc chắn sẽ đưa ra quyết định. Sáng mai thánh chỉ nhất định sẽ được ban xuống.”

Thái hoàng thái hậu dù vẻ ngoài điềm tĩnh, nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên, chỉ khẽ đáp: “Hy vọng là vậy.”

Tại điện Triều Nguyên.

Tống Hành đã điền ngày tháng vào thánh chỉ, nhưng lại chưa đóng ngọc tỷ.

Hắn nghĩ: “Đợi đến sáng mai rồi đóng cũng chưa muộn.”

Nghĩ xong, hắn đắt thánh chỉ sang một bên, hoàn tất công việc còn lại rồi lên giường đi ngủ.

Những ngày gần đây, hắn ép bản thân không được nghĩ đến nữ gian chuyên lừa gạt kia, bận rộn với quốc sự, chẳng để tâm đến bất kỳ chuyện nào khác.

Trong giấc mơ, điện Triều Nguyên hiện lên tràn ngập đèn hoa, không khí rộn ràng náo nhiệt.

Tống Hành đẩy cửa bước vào, cảnh tượng trước mắt khiến hắn lặng người.

Trên chiếc giường lớn, một nữ lang vận hôn phục màu xanh lục đang an tĩnh ngồi đó.

Tim hắn bỗng đập mạnh, lòng bàn tay rịn mồ hôi.

Nữ lang ngồi trên giường dường như cảm nhận được có người đang tới gần, khẽ nghiêng mình, nhẹ nhàng gạt chiếc quạt che mặt ra, nở nụ cười nhàn nhạt.

Khuôn mặt xa lạ của nàng hiện lên khiến Tống Hành kinh hãi, cả người như rơi vào hố băng.

Nàng là ai?

Hắn cố gắng nhớ lại. Đúng rồi, nàng là con gái của Trần Khiên, nhưng hắn không tài nào nhớ được dung mạo hay tên tuổi của nàng.

Thực sự phải cưới nàng sao? Hắn tự hỏi đi hỏi lại trong lòng.

Chỉ sau một thoáng, hắn đã tìm ra câu trả lời.

Không phải nàng. Người hắn muốn cưới không phải là nàng, người hắn muốn gặp cũng không phải là nàng.

Bất chợt, mộng cảnh chuyển về biệt viện trước khi hắn đăng cơ.

“Quỳ Ngưu Nô.”

Thanh âm trong trẻo của một nữ lang vang lên bên tai, khiến đôi mắt Tống Hành sáng rõ. Hắn quay đầu tìm kiếm nơi phát ra giọng nói.

Dưới ánh nến lung linh, người con gái mà hắn ngày đêm mong nhớ đang ngồi trên ghế nguyệt nha. Nàng vận váy lụa quế hoa, đôi mắt hoa đào long lanh nhìn hắn, ánh lên tình ý dạt dào.
Bình Luận (0)
Comment