Chương 547: Tân quan thượng nhậm.
Chương 547: Tân quan thượng nhậm.Chương 547: Tân quan thượng nhậm.
Mùa xuân năm Tuyên Hòa thứ ba đến sớm. Khắp nơi ngập tràn sức sống mới. Thỉnh thoảng những núi mây trắng xốp trôi ngang qua bầu trời, che khuất vầng thái dương. Đôi bờ, nông dân bận bịu bón phân nhổ cỏ giữa những thửa ruộng lúa mạch. Xa xa là những mảnh rừng xanh màu lục đậm. Từng bầy sơn ca kinh ngạc tung cánh lượn nhào từ rừng sang hướng bờ sông.
Đây là Trường Giang đoạn chảy qua Ngạc Châu. Trên mặt sông thủng thẳng trôi tới hai chiếc thuyền lớn nghìn thạch. Buồm trắng giương cao, no căng những ngọn gió Đông. Lý Diên Khánh đứng ở đầu thuyền, để mặc gió sông đùa nghịch tay áo mình. Hắn đang thưởng thức phong cảnh rực rỡ tươi đẹp ở ngạn Nam sông Trường Giang. Đưa mắt nhìn ra xa là dãy núi thấp bị bao phủ trong màn mưa bụi mông lung. Hình ảnh chú bé mục đồng ngồi vắt ngang lưng trâu thổi sáo như tô điểm thêm cho bức thủy mặc, phảng phất như tạo thành một bức tranh điền viên cực đẹp.
Lý Diên Khánh xuất phát từ Kinh Thành vào bảy ngày trước. Hắn cùng với thê tử Tào Uẩn, ái thiếp Quách Tư Tư và tiểu muội Hỗ Thanh Nhi ba người đi một chiếc thuyền lớn; Mạc Tuấn, Lưu Phương cùng những tùy tùng khác cùng đi trên chiếc thuyền lớn còn lại. Họ từ Thái Hà xuôi nam qua sông Hoài, lại qua Dương Châu tiến vào Trường Giang rồi lại ngược dòng tây tiến, ròng rã bảy ngày, hôm nay đã đến địa phận huyền Gia Ngư, Ngạc Châu.
Chợt Lý Diên Khánh cảm giác có ai đó khoác thêm cho mình chiếc áo khoác, bèn quay đầu lại nhìn xem là ai thì thấy thê tử mới cưới Tào Uẩn đang đứng sau lưng. Tào Uẩn vừa trở thành vợ người, thân mật cá nước đêm tân hôn tưới nhuần khiến nàng trở nên càng thêm tươi đẹp diễm lệ. Lý Diên Khánh cười cười, vỗ nhẹ bàn tay nhỏ xinh non mịn bóng loáng của nàng. Tào Uẩn hé miệng cười duyên:
- Đầu thuyền gió lớn, phu quân vẫn nên vào khoang thì hơn.
- Ta rất thích phong cảnh nơi đây, có vẻ có sức sống hơn ở phương Bắc.
- Thiếp cũng thích. Nhất là cảnh kia, đẹp hệt như tranh thủy mặc. Mây mù lượn lờ tựa như chốn thần tiên cư ngụ, nếu có thời gian thiếp rất muốn vẽ lại một bức. – Tào Uẩn trỏ hướng núi Ngư Nhạc xa xa, nói.
- Nàng nhất định sẽ có cơ hội, đến đây đã là huyện Gia Ngư rồi.
- Ah! Đến rồi sao?
Lý Diên Khánh chỉ tay về phía trước, cười nói:
- Đi về trước thêm hai mươi dặm là đến cổng thành huyện Gia Ngư đó.
- Có vẻ không đông đúc lắm, dọc đường thiếp chỉ thấy mấy thôn nhỏ.
- Nơi này hoang vắng. Huyện Gia Ngư lớn gấp ba lần huyện Thang Âm mà nhân khẩu chỉ được tám thành của huyện Thang Âm, cộng thêm giao thông không thuận, phương tiện di chuyển chính là các loại thuyền bè.
- Phu quân ơi, hình như Hoàng Châu ở gần đây.
- Hôm qua thuyền chúng ta đã đi qua Hoàng Châu, có điều đúng là không xa, cách đây chưa tới một ngày đường, ấy là nếu nương tử muốn đi Xích Bích.
Lý Diên Khánh nhìn thê tử cười hì hì.
Tào Uẩn níu tay trượng phu, mắt toát ra niềm vui sướng:
- Từ sau khi đọc bài phú Xích Bích của Đông Pha cư sĩ, thiếp vẫn luôn mong được ghé thăm.
- Được thôi! Đợi ta ổn định xong, chúng ta cùng đi.
Lại một đợt gió sông thổi tới. Tào Uẩn rùng mình. Thấy thế, Lý Diên Khánh nói:
- Ngoài này gió lớn, chúng ta vào khoang thuyền nào.
Khoang thuyền rất lớn, chia thành hai tầng trên dưới. Tầng trên là khoang ngủ, tầng dưới là nơi nghỉ ngơi và nơi sinh hoạt thường ngày. Trong khoang thuyền, Tư Tư đang chỉ Hỗ Thanh Nhi thêu. Lúc ở trấn Xích Thương, chẳng biết cớ sao Hỗ Thanh Nhi bỗng dưng thích thêu thùa, hễ tập ném đá xong là lại tập trung tinh thần học thêu ngay.
Tư Tư thấy Lý Diên Khánh đến gần liền đứng dậy chào đón với nụ cười thật tươi:
- Phu lang, sắp đến rồi à!
Lý Diên Khánh gật đầu, đáp:
- Nhiều nhất là nửa canh giờ, có thể thu dọn rồi.
- Uẩn nương, chúng ta lên lầu thu dọn mấy món vật phẩm tùy thân đi!
Tư Tư và Tào Uẩn lên lầu. Hỗ Thanh Nhi gấp gáp hô lên:
- Các tỷ đợi muội với!
Nàng cuống cuồng thu dọn khung thêu rồi đỏ mặt chạy ra ngoài. Suốt chặng đường, Lý Diên Khánh phát hiện Hỗ Thanh Nhi trở nên lặng lẽ, ít khi trò chuyện với mình, không biết thiếu nữ đang có tâm sự gì đây. Hắn tự nhủ có cơ hội phải hỏi Tư Tư xem sao.
Chợt, chủ thuyền đứng ngoài cửa, nói vọng vào:
- Khởi bẩm quan nhân, còn khoảng mười dặm nữa là đến huyện Gia Ngư, xin quan nhân chuẩn bị trước.
- Đa tạ!
Lý Diên Khánh bước ra khỏi khoang thuyền. Cuối cùng hắn cũng nhìn thấy thành huyện ở đằng xa, được xây cặp theo bờ sông. Lý Diên Khánh thở ra một hơi dài, cuối cùng cũng tới rồi.
Huyện Gia Ngư là một huyện lớn, từ thành trì tính ra chu vi hơn hai mươi dặm, toàn huyện ước tính có năm nghìn hộ, hơn ba mươi lăm nghìn người. Phần lớn dân cư tập trung trong khuôn viên hai mươi dặm trong huyện thành. Bên cạnh đó, nhân khẩu lưu động của huyện rất đông, phần lớn là người từ các châu huyện xa xôi đến mưu sinh. Nơi đây thủy vận thuận lợi, thương nghiệp khá phát triển, điều kiện tốt hơn những vùng sâu vùng xa nhiều.
Tri Huyện tiền nhiệm đã bị điều đi từ tháng trước, hiện tại vị trí ấy để trống, Huyện thừa, Huyện úy và Chủ bộ chia ra quản lý chính vụ trong huyện thành. Bởi Huyện thừa triều Tống không có thực quyền, thậm chí chức vụ này còn từng bị hủy bỏ một lần, nên Huyện thừa và Chủ bộ là cùng một người.
Tin tức Thị Ngự Sử Lý Diên Khánh bị biếm truất xuống nhậm chức Tri huyện Gia Ngư đã sớm truyền đến huyện thành, thư bổ nhiệm đã được đưa đến trước.
Lúc Lý Diên Khánh ngồi thuyền đến bến tàu bên bờ sông, hai quan huyện nghe tin đã ra khỏi thành tiếp đón từ sớm. Cùng đến đây nghênh đón Tri huyện mới còn có các Huyện lại, Bộ khoái, Nha dịch và mười mấy hương thân. Lúc thuyền cập bến, Huyện thừa kiêm Chủ bộ Dương Cúc ra hiệu một tiếng, trên bờ lập tức vang lên tiếng chiêng trống rộn ràng náo nhiệt, thu hút đông đảo dân chúng đến xem chuyện vui.
Boong thuyền cập bờ. Lý Diên Khánh bước nhanh xuống. Huyện thừa Dương Cúc vội tiến tới đón:
- Hạ quan Huyện thừa Dương Cúc tham kiến huyện quân!
Lý Diên Khánh nhìn kỹ vị Huyện thừa: tuổi chưa tới ba mươi, dáng người trung trung, da ngăm đen, nhìn vô cùng khôn khéo tài giỏi. Ngoài ra, Lý Diên Khánh còn có cảm giác là đã từng gặp người này.
- Dương Huyện thừa, hình như chúng ta đã từng gặp mặt?
Dương Cúc nở nụ cười:
- Hạ quan cũng trúng tuyển cùng khoa với Lý Ngự sử, tên hạ quan đứng thứ một trăm hai mươi hai thi Đình.
Lý Diên Khánh mừng rỡ:
- Thì ra là tiến sĩ cùng khoa, thật trùng hợp. Chẳng hay Dương Huyện thừa là người nơi nào?
- Hạ quan người huyện Giang Hạ, được thánh ân chiếu cố, cho hạ quan được về quê nhà nhậm chức.
- Thì ra là người quê mình. Về sau xin Huyện thừa chiếu cố nhiều hơn nhé!
- Nhất định, nhất định!
Dương Huyện thừa lại giới thiệu Huyện úy với Lý Diên Khánh. Huyện úy vốn là Huyện lại chuyển chính thức, tên Chu Bình, tuổi ngoài năm mươi, có cái mũi to như hũ rượu, trông có vẻ bình thường, khúm núm.
- Bản huyện không có Chủ bạc, chính là hạ quan kiêm nhiệm.
Dương Huyện thừa cười, giải thích với Lý Diên Khánh.
Lý Diên Khánh nhẹ gật đầu. Bấy giờ, mười mấy hương thân cùng nhau tiến lên, nhao nhao bước tới làm lễ ra mắt Lý Diên Khánh.
Lý Diên Khánh khoát khoát tay, cười nói với họ:
- Có câu “Tại nhiệm một phương, tạo phúc cả vùng”. Ta dù đến từ Kinh Thành, nhưng kể từ hôm nay ta chính là quan phụ mẫu của huyện Gia Ngư. Ngay đây, đầu tiên ta lập ra một ước pháp tam chương trước mặt mọi người: không tham, không hôn, không tha, hi vọng có thể mang đến không khí trong sạch cho huyện Gia Ngư.
Mọi người đồng loạt vỗ tay vang dội. Một hương thân nói:
- Hôm nay chúng tôi bày tiệc đón gió tẩy trần cho Huyện quân tại Vọng Giang lâu!
- Tấm lòng của mọi người ta xin nhận. Ta cũng một đường mỏi mệt rồi, cần sắp xếp lại trước đã, chuyện đón tiếp nói sau đi nhé!
Dương Cúc cũng nói với mọi người:
- Mọi người để Huyện quân nghỉ ngơi trước nhé! Giờ mọi người về đi, sau này sẽ có cơ hội tụ hội mà.
Các hương thân thấy Lý Diên Khánh không chịu dự tiệc đành ai về nhà nấy, bất quá không ai cảm thấy thất vọng cả. Mọi một hương thân đều mong có được một tri huyện thanh liêm, thế thì cuộc sống của họ cũng tốt hơn. Nếu người đến là một tham quan, họ đứng mũi chịu sào, phải chịu bị lột da vắt mỡ.
Bấy giờ Tào Uẩn, Quách Tư Tư và Hỗ Thanh Nhi cũng bước xuống thuyền, phía sau là nha hoàn của riêng từng nàng. Cả ba nàng đều đội mũ mạn, che khuất dung nhan. Dương Cúc vội bảo xe bò tới, để gia quyến của tri huyện lên xe trước.
Lý Diên Khánh đợi chiếc thuyền còn lại cập bờ, xếp Mạc Tuấn và Lưu Phương lên cùng một chiếc xe bò khác, hắn thì xoay người lên ngựa, đi trước xe bò, xuất phát về hướng huyện thành.
Mặc dù huyện Gia Ngư còn lâu lắm mới sánh được với Kinh Thành, nhưng trong huyện nhộn nhịp chẳng thua gì huyện Thang Âm. Vào thành là thấy ngay những cửa hàng con con san sát như rừng, lối kiến trúc cũng khác biệt. Huyện Thang Âm chủ yếu lấy lối kiến trúc mái bằng làm chủ đạo, mà phòng ốc nơi này đều xây chóp mái nhọn và nghiêng, lợp lớp ngói đen dày, thêm vào Ngạc Châu thừa vôi, cho nên nhà nào cũng tô tường màu trắng. Tường trắng ngói đen, trông rất có phong cách phương Nam.
Ngoài ra, cây cối ở đây cũng xum xuê hơn ở đất Thang Âm. Trong thành, đi đến đâu cũng có thể trông thấy rừng cây. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của khí hậu ấm áp, nước mưa dồi dào sung túc.
Trục đại lộ chủ chốt giữa lòng huyện Gia Ngư tên là Sa Dương Đại đạo, lấy theo tên cũ của huyện Gia Ngư. Đại lộ khá rộng, có thể để năm chiếc xe bò đi song song, lát đá phiến, trông khá là sạch sẽ, hai bên trồng đại thụ.
Huyện thừa Dương Cúc cũng cưỡi một thớt ngựa, dọc đường đi giới thiệu tình huống huyện thành với Lý Diên Khánh.
- Con phố lớn nam bắc này ngoại trừ gần cửa bắc có một số cửa hàng ra, các khu vực khác đều không có cửa hàng, cũng không cho phép bầy quầy bán hàng, hai bên cơ bản đều là quan trạch và nhà đại hộ, thương nghiệp ở trên tuyến đường đông tây, bên kia mới náo nhiệt.
- Nơi đó là…?
Lý Diên Khánh vừa trông thấy một khu kiến trúc hùng vĩ trông khá là giống một ngôi chùa.
- Đó là Văn miếu, đồng thời cũng là Huyện học (nơi dạy học của huyện).
Lý Diên Khánh gật gù cái đầu, chợt nhớ tới một chuyện, hắn hỏi:
- Năm nay có thi phát giải nhỉ?
Dương Cúc nhẹ nhàng gật đầu, cười đáp:
- Tháng sáu thi huyện, người thi đậu đi qua huyện Giang Hạ Châu Trị tham gia thi phát giải, ngày thi phát giải cụ thể vẫn chưa chọn, áng chừng sẽ rơi vào tháng mười, thi phát giải xong, sang năm sẽ có rất nhiều sĩ tử vào Kinh ứng thí.
- Trình độ của huyện Gia Ngư thế nào?
- Cũng không tệ lắm. Mỗi kỳ có hơn ba mươi người vượt qua kỳ thi phát giải, chiếm ba thành của Ngạc Châu. Kỳ rồi Ngạc Châu có sáu tiến sĩ, thì huyện Gia Ngư đã chiếm ba chỗ rồi. Nơi này việc học rất thịnh, dựa theo lệ cũ, mỗi tháng Huyện quân phải dành một ngày đến Huyện học giảng bài.
- Quả thực không tệ!
Lý Diên Khánh thấy người đi đường dừng bước hai bên đường cúi người thi lễ với mình, không khỏi thầm gật đầu – đây là một tòa huyện thành hiểu lễ.