Hầu Phu Nhân Và Đao Mổ Lợn

Chương 128

Kinh thành.
Sau khi tảo triều, đám đại thần văn võ lần lượt ra khỏi điện Kim Loan, đám quan viên đứng đầu là Ngụy Nghiêm và Lý thái phó vây quanh nhau đi sang các bên.
Khi Ngụy Nghiêm đang bước xuống những bậc thềm bằng đá cẩm thạch, liền chạm thẳng mặt với Lý thái phó, người đang đi xuống những bậc thềm điêu khắc hình rồng bằng đá cẩm thạch phía bên kia.
Cả hai đều là lão hồ ly chìm nổi nhiều năm trong quan trường, khi đối mặt nhau, một người mạnh mẽ uy nghiêm, còn một người lại hiền hòa thân thiết.
Sau khi đối mặt một hồi, Lý Thái phó dẫn đầu chắp tay hướng Ngụy Nghiêm nói: "Ngụy Thừa tướng."
Thân hình người này gầy nhom, râu tóc bạc phơ, nhìn lớn tuổi hơn rất nhiều so với Ngụy Nghiêm, chỉ là phần tính tình hiền hòa kia không thông thái như Đào Thái phó, vì thế cho dù khiến người ta cảm thấy dễ gần nhưng lại thật sự rất khó thân thiết.
Ngụy Nghiêm chỉ giơ tay trong hư không, đáp một câu: "Lý Thái phó."
Ông ta đã cầm lấy hoàng quyền đã hơn mười năm, uy nghiêm trên người không thua gì bậc đế vương.
Lý Thái phó cười nói: "Trong cuộc chiến tây bắc, phản tặc đã bị Vũ An hầu và Hạ tướng quân chia nhau kiềm chế, bây giờ đã mất đi sức lực chống cự lại, long nhan của bệ hạ cực kỳ vui mừng, chắc mấy ngày nữa tin chiến thắng sẽ đưa về kinh thành, Lý mỗ trước chúc mừng Thừa tướng."
Trên mặt của Ngụy Nghiêm không thể nhìn thấy được một chút cảm xúc thăng trầm nào, ông ta chỉ nói: "Đó là đại sự quốc gia, nên cùng vui mừng."
Trận giao phong nữa hai người này, đến đây liền tới hồi kết.
Bất kể thế cục trong triều đình bây giờ là như thế nào, trong thiên hạ có bao nhiêu người mắng mỏ Ngụy Nghiêm, nhưng ông ta đích thật nhân vật số một trong quan trường Đại Dận, ông ta trực tiếp vượt qua Lý Thái phó, mặc quan bào màu đỏ tươi, tay áo rộng gió, thong dong bước xuống đoạn tiếp theo của thềm đá cẩm thạch, cũng không ai dám nói một câu không phải.
Mãi cho đến khi Ngụy Nghiêm đã đi xa, quan viên phía sau Lý Thái phó mới dám giận dữ nói: "Ngụy Nghiêm kia cũng không khỏi quá kiêu ngạo! Hoàng thất Đại Dận này hiện tại vẫn còn là họ Tề!"
Lý Thái phó thờ ơ liếc nhìn người nói: "Thủ Nghĩa, chớ nói bậy!"
Âm thanh không lớn, thậm chí cũng không có tức giận, nhưng vị quan kia sợ tới mức vội vàng khom người, liên tục nói: "Là hạ quan lỡ lời..."
Lý Thái phó không nói gì nữa, cùng những quan viên khác bên cạnh đi xa, vị quan viên kia mới sợ hãi nhìn thoáng qua điện Kim Loan phía sau, giơ tay áo lên lau mồ hôi lạnh trên trán.
Ba đời Lý gia đều làm quan, ngoại trừ Lý Thái phó trụ cột vững vàng có địa vị ngang với Ngụy Nghiêm, Lý Hoài An đi tây bắc xa xôi, Lý Thái phó còn có mấy nhi tử cũng đang làm quan trong triều, nhưng người duy nhất vẫn còn ở kinh thành chỉ còn có đại nhi tử, cũng chính là phụ thân của Lý Hoài An.
Sau khi phụ tử hai người Lý thái phó lên xe ngựa trở về nhà, trưởng tử Lý Viễn Đình nhân tiện nói: "Phụ thân, Vũ An hầu không tấn công Sùng châu mà chuyển sang bao vây Khang thành, con nghĩ là nhìn ra được chúng ta muốn đoạt chiến công Sùng châu, cố tình đứng ngoài cuộc. Nhưng sáng hôm nay khi tảo triều, bệ hạ vẫn rất tán thưởng Vũ An hầu, trong lời nói là tựa như có ý gả trưởng công chúa cho. Ngụy Nghiêm vẫn chưa đổ, nhưng bệ hạ đã bắt đầu kiêng kỵ Lý gia chúng ta."
Lý Thái phó nhắm mắt lại hỏi: "Phía bên Hoàng hậu thế nào?"
Lý Viễn Đình có chút khó khăn nói: "Nương nương, nàng... Vẫn không thể nào có thai."
Lý Thái phó là lão sư của thiên tử, năm đó tiểu hoàng đế vì muốn nâng đỡ Lý gia đối kháng với Ngụy Nghiêm, tiểu hoàng đế đã lập một cô nương Lý gia còn chưa đến mười ba tuổi làm Hoàng hậu.
Nhưng sau nhiều năm trôi qua, Hoàng hậu vẫn chưa hề mang thai.
Lý Thái phó hỏi: "Thái y nói thế nào?"
Lý Viễn Đình nói: "Thái y nhìn không ra là bệnh gì."
Lý Thái phó mở hai mắt, có chút không rõ nói: "Bệ hạ quả nhiên đã trưởng thành."
Lý Viễn Đình nghi hoặc hỏi: "Phụ thân đây là có ý gì?"
Lý Thái phó nhìn trưởng tử hỏi: "Con có nhớ Ngụy Nghiêm năm đó, vì sao trong số tất cả các hoàng tử lại chọn bệ hạ không có sự bảo hộ của mẫu tộc để kế vị không?"
Suy nghĩ một chút, Lý Viễn Đình đột nhiên kinh ngạc: “Là bệ hạ cố ý không cho Hoàng hậu có thai?”
Năm đó Ngụy Nghiêm chọn đương kim hoàng đế kế vị vì không có ngoại thích, nếu tiểu hoàng đế muốn bảo toàn ngôi vị, việc gì cũng phải nghe theo Ngụy Nghiêm.
Bằng cách này, Ngụy Nghiêm nắm giữ hoàng quyền gần như là một điều hiển nhiên.
Để tìm kiếm sự bảo vệ, tiểu hoàng đế đã giả vờ ngoan ngoãn trước mặt Lý Thái phó hơn mười năm, bây giờ mới đang dần lộ ra nanh vuốt của mình.
Với sự nâng đỡ của hoàng đế trong nhiều năm, Lý gia trên triều đình như mặt trời ban trưa, tiểu hoàng đế cũng sợ rằng sau khi Ngụy đảng sụp đổ, Lý gia chính là Ngụy đảng kế tiếp, cho nên không dám để cho Hoàng hậu mang thai.
Dù sao hoàng đế còn chưa thu được đại quyền vào tay, một khi Lý hoàng hậu mang thai, chỉ cần sau này hoàng đế có ý diệt trừ Lý gia, không chừng Lý gia sẽ xuống tay trước, rồi học theo Ngụy Nghiêm ủng hộ tiểu hoàng tử thượng vị.
Lý Thái phó không trả lời, xem như là ngầm đồng ý với lời của trưởng tử.
Lý Viễn Đình lộ ra vẻ phẫn nộ: "Khó trách bệ hạ muốn gả trưởng công chúa cho Vũ An hầu, muốn lợi dụng Vũ An hầu để kiềm chế Lý gia chúng ta sau khi Ngụy Nghiêm rơi đài! Đều nói có mới nới cũ, Ngụy Nghiêm còn nắm giữ triều chính, bệ hạ đã đợi Lý gia đến tận đậy, đợi khi Ngụy Nghiêm bị diệt, Lý gia của chúng ta còn có chỗ yên ổn không?"
Nhưng Lý Thái phó nói: "Thôi, từ xưa đến nay lòng dạ của đế vương khó lường."
Lý Viễn Đình lo lắng nói: "Phụ thân, dù sao cũng phải nghĩ biện pháp, hôm nay bệ hạ đối đãi Ngụy Nghiêm như thế nào, ngày mai sợ là đến phiên Lý gia chúng ta."
Lý Thái phó nhàn nhạt mở miệng: "Dưới gầm trời này, người có tư cách kế thừa đại thống nhất, không phải còn có một người khác sao?"
Lý Viễn Đình toàn thân run lên: "Ý của ngài là... Hoàng trưởng tôn?"
Lý Thái phó không tiếp tục chủ đề này nữa, chỉ hỏi: "Hoài An đã tra được gì ở Tế châu?"
Lý Viễn Đình kịp phản ứng được cuộc nói chuyện với Lý thái phó vừa rồi là có ý gì, phía sau lưng không tự chủ được đổ đầy mồ hôi lạnh, trả lời: "Ngụy Nghiêm đã ngồi yên trên vị trí Thừa tướng nhiều năm như vậy, thật sự dưới tay ông ta có một vài người có thể dùng được, Hạ Kính Nguyên đã ở Tế châu hơn mười năm không có bất kỳ tham ô gì. Hoài An đã điều tra trong vài tháng, chỉ tra được năm trước Ngụy Nghiêm đã phái số lượng lớn tử sĩ để g.i.ế.c một nhà đồ tể, bản án này còn đang có nghi vấn."
Lý Thái phó di chuyển mí mắt, hỏi: "Những tử sĩ kia không phải đi g.i.ế.c Vũ An hầu sao?"
Lý Viễn Đình nói: “Hoài An tra được ghi chép xuất phủ Tế châu xuất binh, khi Ngụy Nghiêm phái tử sĩ đến, Hạ Kính Nguyên cũng điều binh đến đó tương trợ. Nhìn giống như một người muốn giết, một người muốn cứu. Nhưng Hạ Kính Nguyên làm việc là như thế, sau khi Ngụy Tuyên đi tây bắc chinh lương dẫn đến tai họa, Hạ Kính Nguyên vội vàng sai người khẩn cấp tám trăm dặm đưa đồ vật về cho Ngụy Nghiêm, Ngụy Nghiêm liền không có ý trách tội.”
Liếc nhìn thoáng qua vẻ mặt của phụ thân mình, tiếp tục nói: “Bên trong hồ sơ ghi chép là phu thê đồ tể kia c.h.ế.t dưới tay sơn phỉ, nhưng sau khi Hoài An thẩm vấn sơn phỉ bị bắt sống, đám sơn phỉ đều nhất trí nói bọn chúng không g.i.ế.c nhà đồ tể kia. Hoài An đã tra sâu vào vụ án của người đồ tể kia, phát hiện mười bảy năm trước người này mới trở về huyện Thanh Bình, còn mang theo một phụ nhân không rõ lai lịch. Người đồ tể này mười bảy năm trước đã mượn tên của một tiêu sư để kiếm kế sinh nhai." Lý thái phó nói: "Đưa mắt nhìn toàn bộ phủ Tế châu, chỉ có Hạ Kính Nguyên mới có thể giả tạo hộ tịch văn thư cùng với các văn thư lý lịch khác."
Ông ta nhìn trưởng tử: "Con nói xem, Hạ Kính Nguyên đang che giấu điều gì cho người đồ tể kia? Đồng thời còn vẫn luôn bảo vệ cho người đồ tể kia giấu giếm cái gì?"
Lý Viễn Đình gật đầu: "Đúng là như thế."
Lý Thái phó im lặng một lúc mà không đáp lời.
Mười bảy năm trước, cái số này quá nhạy cảm.
Mười bảy năm trước đã xảy ra bao nhiêu chuyện?
Lão tướng Mạnh Thúc Viễn dưới trướng Tạ Lâm Sơn đã phớt lờ quân lệnh, trên đường đưa lương thì đi giải cứu mười vạn bách tính bị nhốt ở biên trấn, làm chậm trễ chiến cơ, làm hại Thái tử Thừa Đức và Tạ Lâm Sơn c.h.ế.t ở Cẩm châu, đã tự vẫn tạ tội, nhưng trên lưng lại cõng theo tiếng xấu thiên cổ.
Cùng năm đó, Đông cung bốc cháy, thái tử phi và hoàng trưởng tôn đều bị thiêu chết.
Lý Thái phó chậm rãi nói: "Con nói thử, Hạ Kính Nguyên đã đưa gì cho Ngụy Nghiêm?"
Lý Viễn Đình giật mình, nói: "Đáng tiếc Hạ Kính Nguyên làm việc thận trọng, Hoài An không tìm được gì khác."
Lý Thái phó lại nói: "Chúng ta không tra được, cứ để người có thể tra đi tra là được."
Lý Viễn Đình do dự: "Ý của ngài là... bẩm báo cho hoàng thượng?"
Lý Thái phó trả lời: "Triệu đại nhân Ngự Sử đài có câu nói cũng đúng, thiên hạ Đại Dận này vẫn còn là họ Tề."
Triệu đại nhân Ngự Sử đài trong miệng ông ta, chính là vị quan đã tức giận mở miệng nói chuyện sau khi Ngụy Nghiêm rời đi.
Lý Viễn Đình biết mình đã đoán đúng ý của phụ thân.
Xe ngựa đã dừng lại, Lý Viễn Đình tự mình đỡ Lý Thái phó xuống xe, ngoài cửa có rất nhiều nha hoàn cùng thị vệ, hai người cũng không bàn quốc sự nữa, chờ khi tiến vào cửa phủ, Lý Viễn Đình mới nói: “Có thể mượn tay của bệ hạ trừ bỏ Hạ Kính Nguyên, chặt đứt một cánh tay của Ngụy Nghiêm. Nhưng phụ thân đã muốn ủng hộ vị ở Sùng châu kia, nếu để bệ hạ tứ hôn đại trưởng công chúa cho Vũ An Hầu, được sự trợ lực của Vũ An hầu, chỉ sợ thế cục sau này sẽ cực kỳ bất lợi cho chúng ta."
Lý Thái phó nhướng mi nói: “Nghe Hoài An nói bên cạnh Vũ An hầu có một nữ tử?”
Lý Viễn Đình vội vàng nói: "Chính là nữ đồ tể kia, Hoài An lần đầu tiên đến Tế Châu gặp phải sơn phỉ, chính là thân kỵ binh bên cạnh Vũ an hầu đã giả trang thành quân binh phủ Tế châu đến cứu nữ tử kia. Bây giờ nữ tử kia còn đang ở trong quân Tế châu, còn được Đào Thái phó thu nhận làm nghĩa nữ, rất được Vũ An hầu coi trọng Nàng."
Lý Thái phó hơi dừng một chút: "Lão đầu tử Đào Dịch kia?"
Mí mắt của ông ta hơi rũ xuống, đồng tử lộ ra vẻ nhợt nhạt do tuổi già, một lúc sau mới nói: “Nghĩ biện pháp đem tin tức này truyền đến bên tai trưởng công chúa đi.”
Lý Viễn Đình đáp ứng.
Trong lòng ông ta cũng hiểu rõ, trở thành nghĩa nữ của Đào Thái phó, thân phận của nữ tử kia được coi là không tầm thường, hiển nhiên Vũ An hầu cũng không có ý định chỉ lấy nữ tử kia làm thiếp.
Đại công chúa tâm cao khí ngạo, nhất định không dung thứ được.
Hoàng đế muốn mượn việc tứ hôn để lôi kéo Vũ An hầu, nhưng không rõ liệu điều này cuối cùng sẽ trở thành kết minh hay là kết thù.
-
Vài ngày sau, một tấu chương vạch tội Hạ Kính Nguyên làm giả tạo hồ sơ, che giấu tội phạm được đưa tới trước mặt hoàng đế.
Hạ Kính Nguyên là người của Ngụy Nghiêm, trước mắt lại đang lãnh binh diệt phản tặc Sùng châu, vào lúc này muốn trị tội ông ta, phía hoàng đế cũng sẽ khó xử lý, vì vậy dứt khoát đem phong tấu chương này giao cho bách quan trên triều đình thương nghị nên xử trí như thế nào.
Nhóm bách quan đang gặp khó khăn, vạch tội là người của Lý thái phó, bị luận tội là người của Ngụy Nghiêm, cho bọn họ một trăm lá gan, bọn họ cũng sẽ không dám nhúng tay vào cuộc đấu tranh nhau đến đòi mạng giữa hai đảng phái này.
Sáng hôm đó khi tảo triều, chỉ còn Ngụy đảng và Lý đảng đấu đá túi bụi.
Cuối cùng, hoàng đế tạm thời dập tắt việc này với lý do là đang có chiến sự.
Sau khi hạ triều, Ngụy Nghiêm và Lý Thái phó lại oan gia ngõ hẹp gặp nhau ở cuối những bậc thềm bằng đá cẩm thạch.
Lý Thái phó vẫn là vẻ mặt tươi cười, chắp tay nói: "Người đã già, nhóm môn sinh có chủ ý lớn không thể quản được, chuyện ở trên triều, Thừa tướng chớ để trong lòng."
Người vạch tội Hạ Kính Nguyên, chính là môn sinh của Lý Thái phó.
Ngụy Nghiêm lần này ngay cả lễ cũng không đáp, mắt ưng liếc qua, không giận tự uy: "Lý Thái phó đã già, nhưng có thể học hỏi Đào Thái phó. Năm đó Đào Thái phó đang trên đỉnh vinh quang cũng rút lui, bây giờ không chỉ có quan viên trong triều đình, thậm chí ngay cả bệ hạ cũng nhớ đến ông ấy, phải không?"
Ý cười trên mặt Lý Thái phó có hơi nhạt đi.
Ngụy Nghiêm lúc này mới giơ tay hư ý nói: "Ngụy mỗ đi trước một bước."
Sau khi Ngụy Nghiêm đi rồi, sắc mặt Lý Thái phó cũng tối sầm lại.
-
Khi Ngụy Nghiêm ngồi vào chiếc kiệu, ông ta nhắm hai mắt lại, khuôn mặt trở nên nghiêm túc.
Động thái của Lý thái phó là buộc hoàng đế phải thẩm vấn Hạ Kính Nguyên.
Bởi vì chiến sự ở Sùng châu, hoàng đế đã tạm thời đè xuống việc này, nhưng một khi trận chiến ở Sùng châu kết thúc, không cần Lý gia đề cập đến, hoàng đế cũng sẽ đưa vấn đề trở lại bàn nghị sự.
Mười bảy năm đã trôi qua, vị tiểu hoàng đế đã dần dần có cánh, muốn đoạt lại quyền lực từ trong tay ông ta.
Một khi chuyện Hạ Kính Nguyên giả mạo danh tính cho tên phản đồ kia bị phanh phui, thảm án Cẩm châu năm đó chắc chắn sẽ được nhắc đến, sau khi quan tài của Mạnh Thúc Viễn được đậy nắp mới bị luận định là tội thần, tâm phúc của ông ta lại bao che tội thần, còn muốn đè xuống vụ án Cẩm châu, chỉ sợ sẽ mở ra một trận phúc thẩm.
Thật lâu sau, ông ta mở đôi mắt ưng ra, chậm rãi nói: "Hạ Kính Nguyên, không cần giữ lại."
Bên ngoài có một bóng đen nhanh chóng bay đi.

Bình Luận (0)
Comment