Hoa Uyên mà Nguyên Tín gặp có hình dáng tướng mạo phóng khoáng, toàn thân đầy mùi rượu, buộc tóc còn chẳng có khăn mà cột, phải dùng dây thừng buộc lại, trang phục vừa bẩn vừa thối, lại còn không vừa người, vạt áo lỏng lẻo làm hở cả lồng ngực, làm người ta không thể không nghi ngờ liệu có phải gã vừa lột ra được từ thi thể của người dân lưu lạc nào đó không.
Nếu Hoa Uyên mà Nguyên Tín nhìn chỉ thấy là một kẻ lang thang nghèo túng, thì Hoa Uyên mà Vệ Từ nhìn thấy lại là một quý tử thế gia phải phép.
Theo lý, hẳn đây là nhân cách chủ của Hoa Uyên.
Theo như Vệ Từ biết thì nhân cách của Hoa Uyên có hơi phức tạp. Một người có thể biểu diễn các vai của cả một gia đình.
Bản thân Hoa Uyên, huynh trưởng của Hoa Uyên (là người đã lừa Nguyên Tín), người vợ đã qua đời của Hoa Uyên, tình nhân của người vợ đã qua đời, cha, mẹ…
Ngoài các nhân cách lung tung rối loạn này, trong thân thể gã còn có một nhân cách nữa, cực kỳ ít xuất hiện, tính uy hiếp không thua gì nhân cách thứ hai.
Chính là người trước mắt này!
Nhân cách chủ của Hoa Uyên là một quý tử thế gia tương đối ưu nhã, dù tính tình có yếu đuối vô dụng, nhưng bề ngoài rất dễ lừa gạt người khác.
Người trước mắt đây lại khác, đáy mắt gã có vẻ hung ác, khiến người ta cảm thấy áp bách khó tả.
Vệ Từ nhận ra được ngay, thực sự vì kiếp trước, gã đã để lại cho anh ấn tượng quá sâu sắc.
Người này cũng là một thành phần trung kiên ủng hộ An Thôi đồ sát sáu trăm ba mươi nghìn dân chúng của bốn bộ Nam Man.
Vệ Từ đương nhiên thuộc phe đối lập, để thuyết phục An Thôi, anh thậm chí còn từng đối chọi gay gắt với Hoa Uyên.
Luận về tài ăn nói, đương nhiên là Vệ Từ thắng, nhưng anh đã đánh giá quá thấp độ nguy hiểm của nhân cách này của Hoa Uyên.
Người trước mắt cực kỳ ít xuất hiện, tự xưng là “con trai của Hổ Bí* tướng quân Cát Xuân”, tên này xuất hiện không có một dấu hiệu nào báo trước.
* Võ sĩ tinh nhuệ.
Lần đó, Vệ Từ và Hoa Uyên tan rã trong không vui, anh đang muốn tới sảnh chính thì đột nhiên bị ai đó bịt miệng bịt mũi, cưỡng ép lôi vào sảnh bên.
Đó là lần đầu tiên Vệ Từ gặp nhân cách này của Hoa Uyên. Đối phương cực kỳ khoẻ mạnh, mặc cho anh giãy giụa thế nào cũng không thoát được. Cổ anh bị đối phương siết rất mạnh. Vệ Từ còn tưởng rằng mình sẽ chết ở đây rồi, may sao có một tùy tùng đi qua, anh liều mạng tạo ra tiếng động.
“Ai ở đó thế?”
Tùy tùng quét nhà kinh ngạc hỏi, định đi vào xem xét.
“Hoa Uyên” buông lỏng cổ tay đang bóp cổ Vệ Từ ra, trước khi đi còn để lại cho anh một ánh mắt khiến người ta không rét mà run.
“Xem như ngươi may mắn. Bất kỳ kẻ nào dám ngăn cản ta báo thù bọn Nam Man đều đáng chết. Nếu ngươi muốn sống thì đừng cản đường!”
Lần ấy, Vệ Từ bị bóp mất nửa cái mạng, thiếu không khí nghiêm trọng, hai con ngươi lồi ra như muốn lọt ra khỏi tròng mắt, cực kỳ đáng sợ.
“Ngươi là ai?”
Vệ Từ dám cam đoan mình chưa bao giờ thấy Hoa Uyên thế này.
“Cát Lâm!”
Cát Lâm là ai?
Vệ Từ bỏ không ít thời gian đi thăm dò tin tức về người nọ. Cho tới một ngày, nghe được Bách Ninh nhắc đến ân sư thụ nghiệp Cát Xuân.
Vào những năm cuối Nam Thịnh, Hổ Bí tướng quân Cát Xuân chinh phạt bốn bộ Nam Man, nhiều lần lập chiến công, gần như được tôn sùng là quân thần Nam Thịnh.
Mặc dù công lao vượt chủ, nhưng Cát Xuân hoàn toàn trung thành với hoàng đế, diệt trừ không ít kẻ địch ngáng đường cho hoàng đế, nên đã đắc tội với rất nhiều huân quý và thế gia. Có kẻ còn cố ý xúi giục chia rẽ quan hệ của hoàng đế và Cát Xuân. Buồn thay, hoàng đế lại chẳng phải một vị minh quân có thể phân biệt được kẻ trung kẻ gian, nên cũng có lòng nghi ngờ ít nhiều. Kẻ thù chính trị liền hãm hại Cát Xuân, mượn cớ kéo dài, chậm trễ viện quân và đồ quân nhu, khiến Cát Xuân đang dẫn binh bị bốn bộ Nam Man phục kích.
Qua Bách Ninh, Vệ Từ biết được Cát Xuân chưa chết, may mắn còn sống, trở thành một tên ăn mày.
Cát Xuân trở về từ cõi chết, nhưng gia quyến lớn bé già trẻ nhà ông ấy lại không được may mắn như vậy, đều bị định tội “có lẽ có”.
Trên đường đi đày, gia quyến Cát Xuân bị bốn bộ Nam Man đánh lén, chết rất thê thảm.
Nghe được tin này, Cát Xuân tâm tàn ý lạnh, lưu lạc thành một tên ăn mày, cuối cùng gặp Bách Ninh khi ấy vẫn còn nhỏ, được Bách Ninh giúp đỡ.
Bách Ninh học được bản lĩnh của Cát Xuân, coi ông ấy như cha. Sau khi Cát Xuân qua đời, ông còn phát tang, lo ma chay cho ông ấy.
Cát Lâm là con trai trưởng của Cát Xuân.
Vào năm xảy ra chuyện, Cát Lâm mới thành hôn được hai năm, vợ anh ta mới sinh cho anh ta một đứa con trai mập mạp.
Cát Lâm còn chưa kịp trải qua cuộc sống gia đình hạnh phúc thì cả nhà đã chết thảm trong tay Nam Man.
Hoa Uyên tự xưng là “Cát Lâm”, vậy cũng có thể hiểu được hận ý của anh ta với Nam Man.
Kiếp trước, Vệ Từ mới gặp “Cát Lâm” hai lần. Một lần, gã suýt nữa bóp chết anh. Một lần khác là khi An Thôi đồ sát sáu trăm ba mươi tám nghìn người Nam Man, “Cát Lâm” cho người bế những đứa bé Nam Man khoảng chừng một tuổi lên, tự tay ném từng đứa từng đứa xuống đất cho chết.
Vietwriter.vn
Vệ Từ nhìn thảm trạng ấy, bị chọc giận đến mức muốn phát điên.
Đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ rõ cảnh tượng “Cát Lâm” vừa ném trẻ con vừa cười ha hả thế nào. Nếu đứa trẻ không chết, gã còn giẫm thêm một cái.
Không lâu sau khi bốn bộ Nam Man bị diệt, thế lực An Thôi suy giảm nhiều, phòng tuyến trống rỗng, bệ hạ chỉ huy quân đội xuống phía Nam nhặt được món hời.
An Thôi tự sát. Hoa Uyên thì không biết tung tích.
Vệ Từ âm thầm đi tìm, sau đó phát hiện gã ở Ninh Châu của Nam Thịnh. Lúc ấy, Hoa Uyên đã biến thành một kẻ điên, trẻ con thôn xóm xung quanh đều trêu chọc, bắt nạt gã, nhưng gã vẫn không hề nhận ra. Người dân ở thôn xung quanh thấy gã đáng thương, thi thoảng bố thí cho một chút, nhưng đám trẻ kia thì rất quá đáng, không chỉ ném trứng thối, chuột chết, con gián con rệp vào người gã mà còn lấy phân lợn giả vờ như đồ ăn cho gã nữa.
Hoa Uyên ngu dại, chẳng biết gì, còn tưởng là thức ăn nên ăn sạch.
Đám trẻ con kia thấy gã ăn liền bật cười ha hả, còn dùng đá ném gã nữa.
Vệ Từ không đành lòng, định chăm sóc Hoa Uyên. Ai ngờ hôm sau, có người phát hiện ra thi thể của Hoa Uyên trước mộ cha mẹ đã mất.
Đương nhiên, đó đều là kiếp trước của Hoa Uyên. Kiếp này, Hoa Uyên là kẻ địch, “Cát Lâm” trước mắt cũng là kẻ địch!
Vệ Từ thản nhiên tiếp đãi Hoa Uyên, kín đáo thăm dò.
Nếu là Hoa Uyên thì còn có thể nói lời khách sáo, nhưng nhân cách đang xuất hiện trước mắt đây lại là “Cát Lâm”, cực kỳ ít nói, có vẻ rất trầm mặc.
Đồng bạn hộ tống “Cát Lâm” tới cũng phát hiện có gì đó là lạ, ai nấy đều như ngồi bàn chông vậy.
Bọn họ e ngại Hoa Uyên, vì Hoa Uyên là một yêu nghiệt, thi thoảng lại thay đổi nhân cách, ở trong mắt người bình thường thì gã như bị ma quỷ nhập vào vậy.
Nhưng An Thôi lại trọng dụng Hoa Uyên, bọn họ không phản kháng nổi.
Bề ngoài, Vệ Từ vẫn tỏ ra bình thản, trong bụng lại rất kinh ngạc, không hiểu lý do tại sao “Cát Lâm” xuất hiện.
Lần đầu tiên “Cát Lâm” xuất hiện là vì anh ngăn cản An Thôi đồ sát bốn bộ Nam Man, lần thứ hai là để ném trẻ con, báo thù cho hả giận.
Vậy lần này thì sao?
Lần này thì là vì cái gì?
Anh không biết nhân cách “Cát Lâm” là con trai hổ tướng, quen thuộc quân doanh nhất.
Tinh thần của người bị tâm thần phân liệt cực kỳ sinh động lại không ổn định, vì vậy, cảm giác của họ với bên ngoài cũng mạnh hơn.
Quân doanh là địa bàn của Khương Bồng cơ, hơi thở tinh thần của cô còn lưu lại đã kích thích tinh thần Hoa Uyên.
Xuất phát từ tự vệ, “Cát Lâm” liền xuất hiện.
Nhân cách phân liệt của Hoa Uyên không như người khác. Nhân cách chủ không biết các nhân cách khác, nhưng những nhân cách khác lại biết nhân cách chủ.
“Cát Lâm” biết Hoa Uyên lấy thân phận sứ giả đi sứ, nhưng gã không giỏi ăn nói, không thể thay thế Hoa Uyên hoàn thành nhiệm vụ.
Gã muốn quay về, nhưng các nhân cách khác trong cơ thể lại không chịu, “Cát Lâm” rất bất đắc dĩ.