Thấy Trịnh Hạo tự tin đến vậy, đám phụ tá thích nịnh hót đương nhiên cũng nhắm mắt khen bừa, bọn họ cũng có lòng tin không biết chui từ đâu ra như Trịnh Hạo.
Hoặc cũng có thể nói, bọn họ chưa từng biết đến tổ hợp Kỳ Quan Nhượng và Tôn Văn, cũng không biết cụ thể hai người đó đáng sợ đến mức nào.
Những phụ tá có lý trí và không thích nịnh bợ đương nhiên không xem trọng cách nghĩ của Trịnh Hạo.
Trước khi Trịnh Hạo bảo hổ lột da, hắn ta không tìm hiểu chiến tích của đối thủ trước à?
Tạm chưa nói đến Kỳ Quan Nhượng, sự tồn tại của người này không quá nổi bật, nhưng nếu kể hết những chuyện mà anh ta từng làm ra sẽ khiến người nghe thấy đáng sợ.
Tôn Văn thì sao?
Tiếng tăm của Tôn Văn nổi hơn Kỳ Quan Nhượng rất nhiều, không nói đến những gã xui xẻo ở Bắc Cương, chỉ kể đến những chuyện diễn ra gần đây trước đã... Khương Bồng Cơ đánh bại Nhiếp Lương, trong đó có không ít sức lực là do Tôn Văn bỏ ra. Một người ung dung thản nhiên tính kế kẻ địch, đẩy người ta vào chỗ chết như vậy, có kẻ ngốc nào lại coi Tôn Văn là một ông lão bình thường chứ? Hai người kia cộng vào với nhau, sức chiến đấu không đơn giản là phép tính một cộng một.
Có điều, chẳng có một ai đang đánh bạc mà lại muốn nghe mấy lời bất lợi cho mình cả.
Trịnh Hạo là người đang đánh bạc, hắn ta tự tin rằng mình có thể cắn được một miếng thịt lớn từ trong tay nhà cái.
Người thông minh chỉ cần nhìn thôi đã biết con dê béo như Trịnh Hạo sẽ bị nhà cái làm thịt, nhưng con bạc lại không nghĩ như vậy.
Bất cứ ai ngăn cản bọn họ đánh bạc thì cũng bị coi là kẻ địch ngăn cản bọn họ làm giàu trong một đêm!
Bởi vậy nên số ít những phụ tá có lý trí đưa ra kiến nghị nhưng đều bị Trịnh Hạo quẳng ra sau đầu.
Đa số đánh bại thiểu số, kiến nghị của những phụ tá đó cũng chẳng thay đổi được gì.
Sau khi Trịnh Hạo nếm được vị ngọt trong ván bạc này rồi, hắn ta càng không thèm để ý đến “lời thật mất lòng” của các phụ tá kia.
“Ha ha... Khó có dịp tên nhóc miệng còn hôi sữa Nhiếp Thanh này lại nói được mấy lời dễ nghe nhỉ...”
Trịnh Hạo úp bức thư mà Nhiếp Thanh gửi tới xuống mặt bàn, vuốt vuốt chòm râu, nở nụ cười đắc ý và sung sướng.
Lúc cha của Nhiếp Thanh là Nhiếp Lương còn sống, Trịnh Hạo lúc nào cũng sợ hãi bị Nhiếp Lương tính sổ, hắn ta đã phải nơm nớp lo sợ nhiều năm như vậy, sống mà phải kẹp chặt đuôi lại để lấy lòng Nhiếp Lương, hắn ta còn phải thực hiện chính sách ngoại giao vòng vèo, nịnh bợ gia đình của Nhiếp Lương, ví dụ như tên nhóc con Nhiếp Thanh này.
Tính tuổi thì hắn ta còn lớn hơn Nhiếp Lương cả chục tuổi.
Xét bối phận, bối phận của hắn ta còn cao hơn Nhiếp Lương một tầng, cùng thế hệ với cha của Nhiếp Lương, là đời ông nội của Nhiếp Thanh.
Vài năm trước, Nhiếp Thanh kết hôn, hắn ta thành tâm gửi tặng Nhiếp Thanh một phần quà mừng rất lớn, kết quả chỉ nhận lại hai bức thư.
Một bức là thư trả lời cảm ơn bình thường, cách viết vô cùng cứng nhắc, đọc qua là biết do người khác viết hộ rất nhiều bức giống nhau, không có một tí thành ý nào.
Bức còn lại là thư hồi âm do chính tay Nhiếp Thanh viết, nhưng nội dung lại khiến Trịnh Hạo đọc xong mà tức giận xanh cả mặt.
Trong thư, Nhiếp Thanh uyển chuyển nói rằng Trịnh Hạo thân là một huyện lệnh của một địa phương nhỏ, hẳn nên suy nghĩ cho nhân dân, đặt trọng tâm công việc là tạo phúc cho dân chúng, không thể cướp đoạt tiền của mà nhân dân tự bỏ mồ hôi công sức của mình ra kiếm, sau đó còn sung toàn bộ quà mừng hậu hĩnh mà Trịnh Hạo gửi tặng Nhiếp Thanh vào công quỹ.
Lúc Trịnh Hạo biết được toàn bộ những việc Nhiếp Thanh làm thì lập tức bùng lửa giận, âm thầm mắng mỏ Nhiếp Thanh là một tên ngụy quân tử làm màu.
Vì sao hắn ta lại mắng như vậy?
Vì cha của Nhiếp Thanh là Nhiếp Lương còn hung ác đến mức giết cả người thân của mình, âm thầm phát triển thế lực để tranh đoạt quyền hành của Nhiếp thị, tay của Nhiếp Lương cũng chẳng sạch sẽ gì, việc mà hắn đã làm có thể nói còn đen tối tàn nhẫn hơn Trịnh Hạo nhiều. Nhiếp Lương là cha của Nhiếp Thanh, nếu cậu là một chính nhân quân tử, chính trực như gió, thì chẳng phải là nên quân pháp bất vị thân, xử lý người cha của mình trước à? Kết quả lại là Trịnh Hạo bị châm chọc trước.
Trịnh Hạo so sánh Nhiếp Lương với bản thân mình, rồi lại nhìn hành động “giả dối” của Nhiếp Thanh, hắn ta không khỏi ghi hận cậu.
Hắn ta có lòng gửi quà cưới siêu to, thế mà lại bị chú rể mắng là quà mừng có lai lịch bất chính, má nó mà!
Bây giờ thế cục thay đổi rồi, bây giờ đến lượt Trịnh Hạo có lợi thế.
Sau khi Trịnh Hạo châm chọc đủ rồi, hắn ta lại cầm bức thư bị úp xuống lên, đọc kĩ lại từng câu từng chữ một, giống như đang nếm lại mùi vị tuyệt vời này.
“Tướng quân, chắc bên phía Nhiếp Thanh sẽ không nhận ra chứ?”
Trịnh Hạo hỏi lại một câu: “Nhận ra cái gì? Bọn chúng có nhận ra thì cũng có làm được gì nào? Không có Nhiếp Lương che chở bọn chúng, không có mưu kế của Vệ Ưng, Nhiếp Thanh chỉ là một thằng nhóc con chưa dứt sữa thôi. Nó điên cuồng sủa loạn cũng có làm được gì đâu, dù hung dữ hơn nữa thì có thể cắn chết ta chắc?”
Ý của hắn ta rất rõ ràng, Trịnh Hạo không thèm để mắt đến Nhiếp Thanh.
Vũ trang Nhiếp Lương để lại cho Nhiếp Thanh trước khi chết đều bị Khương Bồng Cơ diệt sạch rồi, con cún con chưa dứt sữa như cậu có thể gây ra chuyện gì đáng sợ chứ?
Phụ tá lo lắng hỏi: “Nhiếp Thanh thì không có gì đáng sợ, nhưng nếu cậu ta vạch trần chuyện tướng quân âm thầm liên hợp với Liễu Hi thì...”
Trong sĩ tộc cũng có một vòng xem thường nhau.
Bởi vì Trung Chiếu từng là quốc gia mạnh nhất trong năm nước, vô hình trung, sĩ tộc cũng sẽ có cảm giác ưu việt hơn người khác.
Đông Khánh nằm ở phần dưới của vòng xem thường, thái độ của bọn họ với Khương Bồng Cơ là trung lập, có hơi hướng bài xích, hơn nữa Khương Bồng Cơ giết nhiều quân tinh nhuệ và tướng lĩnh của Nhiếp Lương như vậy, phần lớn những tướng lĩnh đó có quan hệ mật thiết với sĩ tộc Trung Chiếu. Thù mới cộng hận cũ, đương nhiên bọn họ sẽ càng ghét Khương Bồng Cơ hơn.
Nói nhẹ thì hành động của Trịnh Hạo là đứng về phía người ngoài.
Nói khó nghe hơn thì Trịnh Hạo là tên phản đồ theo địch phản quốc, chắc chắn sẽ bị tập thể sĩ tộc Trung Chiếu chĩa mũi nhọn vào.
Không phải Trịnh Hạo chưa từng lo lắng chuyện này, nhưng lợi ích bày ra trước mắt thì nguy hiểm có là gì đâu?
Hơn nữa...
“Hừ, yên tâm đi, tên nhóc Nhiếp Thanh sẽ không nói ra đâu, bởi vì nó không có chứng cứ.” Trịnh Hạo chắc chắn nói: “Thằng nhóc con do Nhiếp Lương sinh ra này không cùng loại người với hắn. Nhiếp Thanh làm việc, nói năng rất có nề nếp, cực kỳ cứng nhắc, trước khi có được bằng chứng chính xác, nó sẽ không nói xấu người khác bừa bãi đâu. Chuyện hợp tác giữa ta và đám Đông Khánh kia rất cẩn thận, không để lại dấu vết gì, dù Nhiếp Thanh muốn tìm chứng cứ cũng không được đâu...”
Phụ ta nói: “Tính tình của Nhiếp Thanh đúng là như vậy...”
Không phải Nhiếp Thanh ngu ngốc, chỉ là tư tưởng của cậu khác hẳn các chư hầu thời loạn này, cậu “chính nhân quân tử” hơn nhiều.
Nếu Nhiếp Thanh ở thời hưng thịnh, người có tiếng “trong sạch cương trực” như cậu sớm hay muộn cũng sẽ trở thành danh sĩ nổi tiếng thiên hạ.
Chỉ có thể nói, Nhiếp Thanh sinh không đúng thời, cậu không nên sinh ra trong thời đại loạn lạc như vậy.
Phụ tá kiến nghị Nhiếp Thanh tiên hạ thủ vi cường, đi trước một bước, đẩy tên bất kính Trịnh Hạo vào tội loạn thần tặc tử.
Dùng phương pháp mượn sức đánh sức, dựng Trịnh Hạo lên làm bia đỡ, để người khác công kích hắn ta, nhờ đó mà ngăn tiến độ phát triển của Trịnh Hạo. Bạn đang đọc truyện tại Vietwriter.vn
Cho dù Trịnh Hạo phản quốc thật hay phản quốc giả thì cũng nên dạy cho hắn ta một bài học, để hắn ta biết đường mà khiêm tốn lại, nhưng lúc này Nhiếp Thanh lại hơi do dự.
Cậu cũng có suy nghĩ của bản thân mình.
“Nếu Trịnh Hạo không bị oan thì tốt, nhưng nếu vu oan cho hắn ta thì khó tránh khỏi ảnh hưởng đến lòng tin trong liên minh.” Nhiếp Thanh thở dài: “Sau chiến tranh ở cửa ải Trạm Giang, mọi người chỉ cần nghe thấy tên Liễu Hi thôi đã bắt đầu biến sắc, mất lòng tin có thể chống lại được. Khó khăn lắm mới lấy lại một ít lòng quân, nếu bây giờ vu oan người cùng liên minh thông đồng với kẻ địch, không biết những người khác sẽ nghĩ thế nào... Khó tránh khỏi khiến mọi người hoang mang, lòng tin vừa lấy lại được sẽ bị chia năm xẻ bảy.”
Suy nghĩ của phụ tá nghiêng về phía tấn công, trọng tâm của lối suy nghĩ này là làm thế nào để chèn ép, ngăn chặn khí thế hừng hực và dáng vẻ kiêu căng ngạo mạn của Trịnh Hạo, chứ không lo lắng nhiều về kế sách vu tội này. Nhưng trọng tâm suy nghĩ của Nhiếp Thanh lại là “Không cẩn thận vu oan cho Trịnh Hạo sẽ có kết quả không thể cứu vãn”.
Suy nghĩ của cả hai người đều không sai, nhưng ai cũng có thể nhìn ra được, Nhiếp Thanh vẫn rất “chính trực”.