Phụ tá biết rõ điều này, chỉ có thể dựa vào việc Nhiếp Lương và Vệ Ưng đã qua đời để bức Nhiếp Thanh thôi.
“Đương nhiên, chuyện này có lợi ắt có hại. Nhưng cho dù Trịnh Hạo có trong sạch thật hay không, để hắn ta vùng dậy đối với chúng ta vẫn hại nhiều hơn lợi, xin chủ công suy nghĩ kĩ.”
Nhiếp Thanh âm thầm thở dài.
Cậu rất không muốn tiêu hao sức lực để nội chiến, như vậy càng có lợi cho Kỳ Quan Nhượng lúc nào cũng như hổ rình mồi, vì thế nên cậu lại phải nhẫn nhịn đám chư hầu lúc nào cũng chèn ép mình.
Cậu không biết rằng, việc cậu nhẫn nhịn vì đại cục trong mắt những người có dã tâm bừng bừng lại là minh chứng thể hiện cậu vô dụng yếu đuối.
“Chuyện này hãy để ta nghĩ thêm một đêm, ngày mai ta sẽ trả lời ngươi.”
Nhiếp Thanh ngồi trước bài vị của cha mình cả một đêm, ngày hôm sau mới trả lời thần tử.
“Gì cơ?”
Trịnh Hạo ngay lập tức nhận được tin tức, hắn ta sợ ngây người, đồng thời cảm thấy mặt mình đau rát.
Hơn nửa tháng trước, hắn ta còn nói chắc như đinh đóng cột là Nhiếp Thanh vô dụng, không có chứng cứ sẽ không làm khó hắn ta, không ngờ rằng nửa tháng sau, hắn ta đã tự vả mặt rồi.
Nhiếp Thanh không chỉ muốn ra tay, mà còn có ý định tìm một người chết không thể đối chứng.
Nói trắng ra là cậu định giết kẻ gần đây có vẻ kiêu ngạo vượt quá giới hạn như Trịnh Hạo để tế thiên... Giết gà dọa khỉ, làm uy trước mọi người.
Nếu không phải Trịnh Hạo có sắp xếp tai mắt vào Nhiếp thị, sợ là hắn ta không thể nhận được tin tức chỉ sau hai ngày thế này.
“Đúng là ta đã xem thường tên súc sinh này rồi, răng chẳng có mấy cái mà còn dám cắn ngược lại ông đây à!”
Trịnh Hạo thầm chửi mắng cậu.
Hắn ta chắc chắn Nhiếp Thanh không có chứng cứ để ra tay với hắn ta, nhưng không ngờ rằng Nhiếp Thanh lại đổi tính, ra tay lúc không có chứng cứ thì không nói làm gì, bây giờ cậu còn thâm độc đến mức dự định đánh lén hắn ta. Cho dù Trịnh Hạo có trong sạch, nhưng chỉ cần lấy được đầu của hắn ta, định bừa một tội danh là có thể giết gà dọa khỉ.
Một phụ tá tuổi còn khá trẻ đứng ngồi không yên, nói: “Tướng quân, kế sách lúc này chỉ có thể là tạm thời tránh nơi đầu sóng ngọn gió...”
Trịnh Hạo tức giận mắng: “Đầu óc ngươi có vấn đề gì không đấy? Đầu óc như vậy mà ngươi còn có mặt mũi bày mưu tính kế cho ta à? Tránh nơi đầu sóng ngọn gió? Tên súc sinh Nhiếp Thanh này đâu định tha mạng cho ta, tránh đi một thời gian thì có ích gì. Chúng ta càng né tránh, càng chứng tỏ rằng trong lòng chúng ta đang chột dạ, ngược lại sẽ có ích cho Nhiếp Thanh. Nhiếp Thanh bất nhân thì đừng trách ông đây bất nghĩa, đương nhiên phải ăn miếng trả miếng!”
Kỳ Quan Nhượng bảo Tôn Văn chọn Trịnh Hạo, bản thân anh ta cũng chắc chắn tính tình người này khá cứng.
Lúc vai vế thấp hơn người khác, Trịnh Hạo biết cụp đuôi mà làm người.
Một khi có quyền thế ngang ngược, đuôi của Trịnh Hạo lập tức bung ra, không chỉ có lúc đối mặt với người khác mới cứng, mà đầu óc của hắn ta cũng rất cứng!
Ban đầu, Kỳ Quan Nhượng muốn để hai người đó khơi dậy nội chiến ở Trung Chiếu, giúp bên mình có thể ngồi vững câu cá.
Mâu thuẫn giữa Trịnh Hạo và Nhiếp Thanh chính là mồi lửa để khơi mào nội chiến, giờ mồi lửa được đốt rồi, nhưng ngọn lửa nội chiến này có cháy lớn hay không, có thể thiêu hủy cơ nghiệp của Trung Chiếu hay không, thì còn phải xem tiếp theo Kỳ Quan Nhượng đổ thêm dầu vào lửa giữa hai người kia như thế này, phải kéo thêm nhiều người khác vào!
Cửa ải Trạm Giang.
Kỳ Quan Nhượng nhận được tin tức Trịnh Hạo ra tay trước để chiếm được lợi thế, khóe môi không khỏi hơi nhếch lên.
“Tái Đạo, ván này, ta lại thắng rồi.”
Kỳ Quan Nhượng nói vậy có hai cách hiểu, vừa nói cục diện lúc này như một ván cờ, lại nói đến suy đoán của hai người về vận mệnh của Trịnh Hạo và Nhiếp Thanh, suy đoán của Kỳ Quan Nhượng sẽ gần với sự thật hơn. Dù thế lực Trịnh Hạo hung mãnh, nhưng không thể cứng đối cứng với Nhiếp Thanh được, chỉ có thể lựa chọn tiên hạ thủ vi cường. Thừa dịp Nhiếp Thanh chưa truyền tin tức rõ ràng, anh ta đã dẫn binh lừa gạt thành trì của Nhiếp Thanh là thành Cao Phụng, lừa thủ thành mở cửa ra.
Cửa thành vừa mở, tướng thủ thành bị giết chết dưới tình huống không hề đề phòng, chưa đến nửa ngày, thành Cao Phụng đã đổi chủ.
Đợi đến lúc Nhiếp Thanh nhận được tin tức, Trịnh Hạo đã đoạt được hai thành liên tiếp, mọi người đều ngạc nhiên.
Mọi chuyện xảy ra không khác suy đoán của Kỳ Quan Nhượng là bao, ngược lại Tôn Văn đoán hơi sai một tí, ông đã đánh giá thấp dã tâm và tham vọng của Trịnh Hạo.
“Già rồi, già thật rồi, đầu óc già cỗi của ta càng lúc càng trì độn, không thể so cao thấp với người trẻ tuổi được.”
Ngoài miệng ông nói mấy lời khiêm tốn, nhưng trên mặt lại không có vẻ gì không vui, lấy mấy thỏi vàng ra đưa cho Kỳ Quan Nhượng.
Ừm...
Lần này hai người chơi cờ không phải chỉ để phân cao thấp, mà còn có cả tiền cược nữa.
Cược nhỏ thì vui, cược lớn thì buồn. Vietwriter.vn
Đánh cược vào ván cờ này, vô duyên vô cớ biến một hành động cao nhã trở nên “rác rưởi”.
Rác rưởi chỗ nào?
Coi tiền tài như rác ấy.
Kỳ Quan Nhượng cười nói: “Tái Đạo càng già càng dẻo dai, giờ ông nói lời này vẫn hơi sớm.”
Tôn Văn mỉm cười, từ chối nói thêm.
Kết thúc một ván, hai người thu dọn bàn cờ, định đến gần lò sưởi chơi ván khác, bên ngoài tuyết rơi nhiều, trong phòng lại ấm áp.
“Trịnh Hạo là một quân cờ đạt tiêu chuẩn, nhưng một quân cờ không thể quyết định cục diện cả ván được. Tương tự như vậy, nếu muốn Trung Chiếu loạn hết lên, nội chiến tự tiêu tốn quân mình thì một mình Trịnh Hạo là không đủ.” Kỳ Quan Nhượng cầm cốc thủy tinh pha trà Cẩu Kỷ, cuối cùng còn lo vị nhạt nên bỏ thêm một thìa mật ong đậm vị vào, đồng thời anh ta vừa cảm khái cuộc sống sa đọa của người có tiền, vừa hưởng thụ trà: “Tính cách của Nhiếp Thanh không giống với phụ thân của cậu ta, nhưng con người không phải không bao giờ thay đổi, lần này không phải cậu ta khiến mọi người phải ngạc nhiên à? Trịnh Hạo trước mắt cậu ta chỉ là một tảng đá mài đao mà thôi.”
Không phải sao?
Nhiếp Lương xử lý mọi người, lại để lọt đám người Trịnh Hạo, không phải là để dùng đám Trịnh Hạo tôi luyện Nhiếp Thanh sao?
Bởi vậy có thể thấy, trong kế hoạch của Nhiếp Lương, Trịnh Hạo không phải đối thủ để đối đầu với Nhiếp Thanh.
Hai lão cáo già ngồi lại với nhau đánh cờ nói chuyện phiếm, nói dăm ba câu đã định đoạt hướng đi tương lai của cả Trung Chiếu.
Làm cách nào để khiến nội chiến ở Trung Chiếu càng ngày càng ác liệt.
Không chỉ phải kéo thêm nhiều người vào cuộc, đồng thời còn phải đảm bảo ải Trạm Giang không gây thêm áp lực bị xâm lược cho bọn họ nữa.
Không có ngoại xâm, nội chiến lại lục tục trồi lên, còn có thêm một cơn gió nhẹ thổi qua trợ giúp cho ngọn lửa lớn hơn, không phải hai người đã xếp xong ván cờ này rồi à?
Tôn Văn nhân cơ hội ném một miếng mồi ngon ra, dụ người vốn đứng ngoài cuộc vào trận đấu này.
Miếng mồi ngon này có liên quan đến các thế lực có lập trường trung lập ở Trung Chiếu.
Những thế lực này trước kia dựa vào Nhiếp thị, sau khi Nhiếp Lương chết, bọn họ thừa dịp Nhiếp Thanh không quản lý được thế lực mà tách ra độc lập.
Miếng mồi ngon mà Tôn Văn thả xuống biến thành mồi dẫn lửa cho các thế lực trung lập âm thầm đối phó Nhiếp thị.
Nội dung của miếng mồi này là “chuyện tốt” mà một đứa con vợ cả nào đấy của Nhiếp thị đã từng làm vào lúc Nhiếp thị cường thịnh.
“Làm sao mà ngươi biết được?”
Kỳ Quan Nhượng rất tò mò, rốt cuộc trong tay Tôn Văn đang nắm bao nhiêu tin đồn như vậy chứ...
Không, con át chủ bài, mỗi lần cứ đến lúc quan trọng là có thể đánh con bài đấy ra, sẽ đạt được hiệu quả ngoài mong muốn của mọi người.
Tôn Văn lạnh lùng nói: “Hung thủ giết con mình làm những gì, người làm cha như Văn đương nhiên sẽ chú ý nhiều hơn.”
Con cháu Nhiếp thị đã hại chết đứa con trai duy nhất của Tôn Văn từng qua lại với không ít phụ nữ sĩ tộc.
Có vài người là tự nguyên, cũng có vài người không tự nguyện.
Con trai duy nhất của Tôn Văn là Tôn Liệt dành được hạng nhất ở nhã tập, tuy rằng bị đám con cháu Nhiếp thị ghi thù, nhưng không đến mức bị đối phương thẹn quá hóa giận đánh gãy hai chân, vu oan một tội danh có lẽ có cho Tôn Liệt để cậu bị sung quân ra biên cảnh. Bởi vì lúc ở nhã tập, Tôn Liệt có viết một bài văn, nội dung của bài văn chọc đúng chỗ đau của đối phương.
“Bài văn?” Kỳ Quan Nhượng luôn có thái độ tôn trọng người khác nên chưa từng hỏi nguyên do cái chết của con trai Tôn Văn, bởi vậy anh ta cũng không rõ cụ thể lúc ấy đã xảy ra chuyện gì. Thấy Tôn Văn chủ động nhắc tới, anh ta mới hỏi thêm vài câu: “Bài văn làm sao?”
Tôn Văn nhếch môi: “Một bài văn mượn cảnh vật để trào phúng người khác, công kích sinh hoạt hỗn loạn của sĩ tộc, hy vọng những tên quần áo lụa là làm bại hoại gia phong tỉnh táo lại, có lòng tự trọng, đừng làm nhục gia môn, khiến tổ tiên phải hổ thẹn... Có điều, những người khác nhau đọc xong sẽ có các cách hiểu khác nhau. Tác giả viết bừa, người đọc lại nghĩ nhiều. Con cháu Nhiếp thị kia hiểu lầm Liệt Nhi nhìn thấy cảnh hắn lén lút thông dâm với người khác, mượn bài văn để uy hiếp hắn... Nên hắn mới muốn giết Liệt Nhi.”
Ở thời điểm đó, cách viết văn mượn cảnh vật trào phúng người khá hiếm thấy, góc nhìn trong bài văn của Tôn Liệt khá độc đáo, bởi vậy mới giành được hạng nhất.