Thái Khang năm thứ 6.
Tiết trời vào xuân se se lạnh, sắc xuân bắt đầu tràn vào miền Nam Vĩnh Quốc, nhưng biên giới phía Bắc vẫn còn tuyết rơi, lớp tuyết đọng lại không dày quá cổ chân.
Nhiếp Dương nghĩ rằng con người sau khi chết, hồn sẽ đi xuống suối vàng, lên cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà, quên hết mọi chuyện trước kia, đầu thai kiếp khác.
Kết quả...
Đúng là cậu ta còn quá trẻ người non dạ rồi.
Nhiếp Dương là con trai trưởng của chi thứ ba thuộc sĩ tộc Nhiếp thị, cho dù cậu ta không được bề trên coi trọng, nhưng quần áo, đồ dùng hàng ngày toàn là đồ tốt, chưa từng chịu khổ bao giờ.
Cậu ta bị Nhiếp Thanh đưa đến trước mặt Khương Bồng Cơ chịu chết, chỉ kịp vội vàng để lại lời trăng trối rồi lập tức bị người kia chém đầu, cổ cảm thấy lạnh trong tích tắc rồi mất cảm giác.
Không biết qua bao lâu, cậu ta lại thấy có tri giác lại lần nữa, không chỉ có cổ cảm thấy lạnh, tay chân còn cảm thấy lạnh hơn, giống như mình đang nằm trong hầm băng vậy.
Cậu ta cố gắng mở mắt, vừa mở ra thì nhìn thấy mái nhà bằng gói vỡ lung tung, chuyển tầm mắt qua lại, cậu ta chỉ thấy bóng tối đen như mực bao trùm căn phòng. Nhiếp Dương vô cùng hoảng sợ, không ngờ địa phủ lại là như thế này, cậu ta vất vả nâng tay chống lên giường để ngồi dậy, sau đó lập tức thấy kinh ngạc.
Dưới thân cậu ta là một chiếc “giường” được lót bằng rơm rạ cỏ khô, trên người đắp một thứ gì đó đen sì, hôi hám không chịu nổi, hai tay lộ ra khỏi tay áo đầy vết da nứt nẻ. Không chỉ vậy mà cậu ta còn phát hiện chân của mình lộ ra ngoài, cổ chân và bàn chân đều bị đông lạnh xanh tím lại.
“Có khi nào Lan Đình Công giết người đốt xác, keo kiệt đến mức không để lại cho mình miếng quần áo nào không?”
Nhiếp Dương thì thào lẩm bẩm, lời vừa mới ra khỏi miệng, cậu ta lập tức bị giọng nói của mình dọa sợ.
Giọng nói của Nhiếp Dương ở kiếp trước không được nho nhã lịch sư như Nhiếp Thanh, nhưng cũng tràn đầy cảm giác phấn chấn của thiếu niên, bây giờ, giọng nói ấy đi đâu mất rồi?
Nghe giống như giọng nói của một đứa trẻ con sáu, bảy tuổi vậy, cho dù giọng bây giờ hơi khàn, nhưng vẫn không giấu được nét trẻ con.
Lúc này, Nhiếp Dương mới giật mình nhận ra tay chân của mình đều bị rút ngắn lại.
Nhiếp Dương gắng sức đứng dậy, liếc mắt thoáng nhìn cảnh tượng bao phủ tuyết trắng bên ngoài cửa sổ, còn thấp thoáng hình ảnh người dân mặc đồ kín đáo đi qua đi lại.
Nhiếp Dương mờ mịt, hoang mang phát hiện tình huống hiện tại khác xa so với tưởng tượng của cậu ta.
“Chẳng lẽ... đây không phải là địa ngục sao?”
Lúc Nhiếp Dương định đi ra ngoài, đầu cậu ta bỗng nhiên vô cùng đau đớn, dòng ký ức lạ lùng và ngắn gọn mơ hồ tràn ngập trong đầu cậu ta.
“Quả nhiên đây không phải địa ngục.”
Sau một lúc, Nhiếp Dương lộ vẻ vô cùng ngạc nhiên và sợ hãi, trông như cậu ta đang khóc mà không phải khóc, trong lòng cực kỳ mờ mịt.
Nhiếp Dương chết trong tay Khương Bồng Cơ, sau khi chết, hồn không quay về địa ngục, trái lại còn được sống lại ở một triều đại hoàn toàn xa lạ.
Thân thể này là của một kẻ ăn mày, cha mẹ đều chết vào nạn đói, cậu ta dựa vào việc trộm cướp và một vài người tốt giúp đỡ mới sống được đến ngày hôm nay.
Cuộc sống vất vả như vậy, cậu ăn mày này vẫn cố gắng sống sót, nhưng cuối cùng vẫn bị chết cóng vì trận tuyết rơi đột ngột vào đêm qua.
Sau khi tỉnh lại, hồn biến thành hồn của Nhiếp Dương.
Đương nhiên có thể sống lại là chuyện vui vẻ, nhưng nhìn tình hình bây giờ, có khi chết còn thoải mái hơn.
Nhiếp Dương bật ra lời châm chọc: “Kiếp trước làm bao nhiều điều ác còn có cơ hội sống lại thêm một kiếp... Ông trời đúng thật là...”
Không hiểu nổi rốt cuộc ông trời đang đối xử tốt với cậu ta hay là đang giày vò cậu ta nữa, thân thể này không có cha cũng chẳng có mẹ, một cô nhi không họ không tên, trong người không có tiền cũng không có gia đình, cuối cùng còn chết cóng trong cái miếu đổ nát này. Người dân xung quanh gọi cậu ta là “Cẩu Tử”, những đứa trẻ khác gọi là “Tên ngốc”.
Thân thế đen đủi như vậy, nếu không có cơ hội đặc biệt thì e là cả đời cậu ta cũng chẳng đổi đời được.
Suy cho cùng thì Nhiếp Dương vẫn là người cổ đại, tư duy của cậu ta vẫn thiên về khả năng tên ăn mày này là cậu ta sau khi đầu thai chuyển kiếp. Nhưng không biết vì lý do gì, canh Mạnh Bà mất tác dụng, mới để cậu ta nhớ được kiếp trước. Dựa theo cách nghĩ này, cậu ta có thể giải thích toàn bộ hoàn cảnh xuất thân của thân thể này.
Do kiếp trước cậu ta làm nhiều việc ác, cho nên kiếp sau không được sống trong vinh hoa phú quý, chỉ có thể chịu cảnh nghèo hèn cả đời.
Nhiếp Dương nhếch miệng cười lạnh một cách đầy mỉa mai. Kiếp trước tốt xấu gì thì cậu ta vẫn có xuất thân sĩ tộc, là con trai của một nhà danh giá, bây giờ lại là một kẻ ăn mày, cho dù cậu ta có phấn đấu thế nào, cùng lắm cũng chỉ có thể xếp vào hàng nhà nghèo mà thôi, sẽ bị người khác khinh bỉ, xem thường. Nhiếp Dương nghĩ như vậy, không khỏi cảm thấy không cam lòng.
Có điều bây giờ cậu ta nghĩ chuyện này vẫn hơi sớm, trước mắt cậu ta phải giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc đã.
Nhiếp Dương nghĩ tới nghĩ lui, dựa vào trí nhớ của mình để đi đến trường tư thục duy nhất ở gần thôn.
Chế độ thi cử ở thế giới này không giống với chế độ kiểm tra đánh giá mà cậu ta biết, mà là khoa cử lấy học vị.
Chế độ khoa cử này lại hơi giống với chế độ thăng chức mà Lan Đình Công đang tiến hành ở Hoàn Châu.
Có điều, may mà ở đây quyết định học vị bằng khoa cử chứ không phải kiểm tra đánh giá, nếu không, khả năng cả đời này Nhiếp Dương cũng không khá lên được.
Kiểm tra đánh giá coi trọng xuất thân gia thế nhất, vẻ ngoài, tài năng mới là thứ yếu.
Thân phận kiếp này của Nhiếp Dương là một kẻ ăn mày, còn không tính là hàn môn nữa, chỉ dựa vào xuất thân như vậy, có lẽ cả đời cậu ta cũng không được tiến vào quan trường.
Nếu là khoa cử thì cậu ta vẫn còn một chút cơ hội.
Nhiếp Dương chịu lạnh chịu đói, lén lút đứng ngoài trường tư thục mà nhìn lén vào trong, nhìn qua nội dung mà phu tử đang dạy, rồi âm thầm cảm thấy hài lòng.
Cho dù lịch sử của triều đại này khác xa một trời một vực với những gì cậu ta biết, nhưng chữ viết ở hai nơi giống nhau, Nhiếp Dương lại không phải một tên mù chữ.
Phu tử trường tư thục cũng để ý đến tên ăn mày đang đứng ngoài cửa sổ, nhưng không quan tâm lắm.
Tên ăn mày này thường xuyên đến đây, lần nào cũng đến để nhặt đồ ăn thừa của các đệ tử, trông thật đáng thương, thỉnh thoảng ông cũng hay mềm lòng, bố thí cho cậu ta.
Phu tử thử kiểm tra bài ngày hôm qua dạy cho các học trò, học trò đứa nào đứa nấy lắp ba lắp bắp, khiến ông cực kỳ thất vọng.
Lúc này, ông nghe thấy tiếng lẩm bẩm đọc thuộc lòng bên ngoài cửa sổ, nếu nghe kĩ thì cậu ta đọc không sai một chữ nào, lúc nhìn lại, không ngờ lại là cậu ăn mày ấy.
“Ngươi thuộc à?” Phu tử hỏi.
Trong lòng Nhiếp Dương vui vẻ, nhưng ngoài miệng lại nói: “Ta nhớ những thứ vừa thấy.”
Phu tử nghe vậy không khỏi thấy ngạc nhiên, ông hứng thú hỏi: “Vậy ngươi còn thuộc những gì nữa?”
Nhiếp Dương mở miệng đọc, nội dung là mấy câu luận ngữ mà hôm nay phu tử vừa mới dạy xong.
Nói ra cũng rất kỳ lạ, rõ ràng đây là một triều đại xa lạ, nhưng vẫn có Khổng Mạnh, hai người này mạnh mẽ thật.
Phu tử lẩm bẩm nói: “Quả nhiên rất thông minh, đáng tiếc...”
Nếu có tiền thì cậu ta có thể đến trường học, tiếp nhận giáo dục, nói không chừng, đứa trẻ này còn có thể thi đỗ tú tài, đáng tiếc cậu ta chỉ là một cậu ăn mày ăn bữa hôm nay lo bữa ngày mai, có thiên phú cũng chỉ để lãng phí mà thôi. Đúng lúc này, Nhiếp Dương tỏ vẻ khó hiểu, hỏi một điểm mà cậu ta vẫn chưa hiểu lắm trong luận ngữ.
Phu tử thản nhiên cười nói: “Ngươi có điều gì còn nghi hoặc nữa không?”
Cậu ta có năng lực đọc thuộc lòng không sai một chữ nào như thế, vậy mà còn có cả cách nhìn của riêng mình nữa sao?
Nếu là cậu ăn mày lúc trước chắc sẽ không thể đâu, nhưng Nhiếp Dương thì khác.
So tài học, mười vị phu tử cộng lại cũng chưa chắc là đối thủ của Nhiếp Dương đâu.
Vì sao?
Kiếp trước Nhiếp Dương xuất thân từ nhà sĩ tộc cao quý, những tư liệu học tập mà Nhiếp Dương sử dụng kiếp trước là những gì tốt nhất ở thời đại đó rồi. Cậu ta được tiếp thu nền giáo dục rất tốt, không hề thiếu giấy bút, phu tử của cậu ta toàn là các nhà nho có tiếng, cậu ta được đọc rất nhiều sách vở mà con em hàn môn rất ít khi được nhìn thấy.
Tạm chưa nói đến thiên phú cực kỳ tốt của Nhiếp Dương, cho dù cậu ta ngu dốt đến mức nào, sau khi được nhồi nhiều sách vở tài liệu như vậy thì vẫn sẽ giỏi hơn con em hàn môn nhiều. Vị phu tử trước mắt cậu ta vất vả học tập hơn mười năm trời, thi hương mấy lần liền vẫn chưa đỗ cử nhân, nản lòng thoái chí mới quay về dạy học.
Không thể nghi ngờ kỹ năng diễn siêu tốt của Nhiếp Dương, cho dù cậu ta đang ở hoàn cảnh tệ đến mức nào cũng có thể tự tạo cho mình cơ hội thích hợp.
Phu tử nghe vậy thì không khỏi hoảng hốt.
Nhiếp Dương lại nói: “Tiểu tử có thể làm tất cả mọi chuyện dù bẩn thỉu, vất vả cỡ nào, xin phu tử thương xót, cho tiểu tử một miếng cơm.”
Phu tử nhíu mày nói: “Đây không phải nơi phân phát từ thiện.”
Tuy rằng phu tử không khinh thường Nhiếp Dương, nhưng lời của ông chứa đầy vẻ trào phúng, ai không bị điếc tai đều có thể nghe ra điều này.
Từ kiếp trước đến kiếp này, Nhiếp Dương vẫn là một kẻ khẩu phật tâm xà, mọi cảm xúc đều bị cậu ta giấu vào sâu trong lòng, người ngoài không thể nhìn ra điều gì.
Cậu ta có thể phân biệt được chuyện gì nặng, chuyện gì nhẹ, bây giờ mạng sống là quan trọng nhất, cậu ta vẫn có thể chịu được chút khó khăn vất vả này.
“Tuy tiểu tử không có tài hoa gì, nhưng vãn hiểu được hai chữ ‘hổ thẹn’.” Nhiếp Dương hạ thấp người xuống, nói rõ từng chữ: “Tiên sinh, nếu chỗ ngài có vài việc lặt vặt như chép sách, khắc dấu gì đó, tiểu tử đều có thể làm được. Bây giờ đang lúc trời giá rét, nếu không làm như vậy, e là không sống được đến đầu xuân năm nay.”
Khả năng nhìn người của Nhiếp Dương rất tốt, thanh danh của vị phu tử trước mắt này nổi tiếng là tốt ở vùng này, cậu ta đánh vào tình cảm của ông chắc vẫn được.
Quả nhiên, phu tử nghe Nhiếp Dương nói như vậy thì lập tức hỏi lại cậu ta: “Ngươi biết chép sách, khắc dấu à?”
Nhiếp Dương gật đầu, đồng thời giơ hai tay toàn vết nứt da ra, khó chịu nói: “Viết thì biết viết, trước kia ta từng lén nhìn phu tử dạy học, sau đó âm thầm luyện viết bằng cành cây. Nhưng mà bây giờ tay ta cóng lại hơi cứng, nếu cầm bút viết thì không thể đẹp được.”
Phu tử cúi đầu nhìn hai tay của Nhiếp Dương, cánh tay bị cóng gần như xanh tím hết cả lại, da nứt nẻ khiến người nhìn mà đau lòng.
Sau khi nhìn cậu ta như vậy, ông lại cảm thấy hơi thương hại.
Nếu đứa trẻ này có thể chép sách đẹp đẽ tử tế thì cho cậu ta ít cơm cũng được.
Chỉ nói miệng thì không có giá trị, cho dù phu tử là người có lòng tốt, ông cũng sẽ không dễ dàng tin tưởng lời nói của Nhiếp Dương, ông vẫn phải kiểm tra chữ viết của cậu ta.
Phu tử không cảm thấy một đứa trẻ không được học tập một cách hệ thống, chỉ đi học lỏm lại có thể viết chữ đẹp được.
Nhiếp Dương thấy thái độ của phu tử thả lỏng hơn thì thầm thở phào.
Đầu tiên, cậu ta chịu đau đớn, dùng băng tuyết để rửa sạch mấy vết xanh đen trên hai cánh tay của mình đi, sau đó vén tay áo lên, cầm bút viết chữ, để tránh làm bẩn bàn và giấy bút. Thái độ của Nhiếp Dương rất thành kính và lương thiện, khiến phu tử có thiện cảm với cậu ta. Đương nhiên là chữ của Nhiếp Dương không hề tệ, dù sao cậu ta cũng là học trò do nhà thư pháp có tiếng dạy dỗ, chỉ là thay bằng thân thể của người khác thôi, xúc cảm không quen, không đủ cơ bắp, không thể bộc lộ hết khí phách của kiếp trước.
Dù là như vậy nhưng phu tử vẫn cảm thấy rất kinh ngạc.
Nhiếp Dương xuất thân sĩ tộc, sở trường của cậu ta là viết hai kiểu chữ, một là chữ Uyển thịnh hành thời Trung Chiếu, còn lại là chữ Mặc.
Hai cách viết này đều do nhà thư pháp Trung Chiếu cận đại sáng tạo ra.
Người sáng tạo ra chữ Uyển là một cô gái xuất thân sĩ tộc, lúc đó vẫn chưa có “Nữ tứ thư”, địa vị của con gái sĩ tộc khá cao, bảng chữ mẫu mà vị phu nhân này viết ra vừa phong nhã lả lướt, vừa uyển chuyển động lòng người, không ít quý nữ học theo cô ấy. Rất nhiều thiếu niên nhà sĩ tộc chạy theo xu hướng đều thích học viết kiểu này, Nhiếp Dương cũng là một người trong số đó, cậu ta viết chữ Uyển còn đẹp hơn phần lớn các cô gái khác.
Nhà thư pháp sáng tạo ra kiểu chữ Mặc là thầy của Nhiếp Dương, chữ Mặc đồng thời cũng là cách viết mà Nhiếp Dương hay sử dụng nhất.
Kiểu viết chữ này vừa dày vừa thẳng, nổi tiếng là gọn gàng, Nhiếp Dương vất vả học viết chữ Mặc là để che giấu tính tình thật sự của mình.
Nói cho cùng, người ngoài hay nói rằng “nét chữ nết người”, có thể thông qua chữ viết để đoán được tâm trạng của người viết.
Sự thật chứng minh mấy lời này chỉ là vớ vẩn mà thôi.
Chữ Mặc của Nhiếp Dương có được bảy mươi phần trăm tinh hoa của thầy dạy, người ngoài đều nghĩ cậu ta là quân tử, ai ngờ cậu ta lại là kẻ tiểu nhân thích tính toán.
Lúc này, cậu ta đương nhiên sẽ viết chữ kiểu Mặc mà mình am hiểu nhất.
“Ngươi thật sự... tự mình âm thầm luyện chữ sao?”
Ánh mắt phu tử nhìn Nhiếp Dương rất phức tạp, ông không ngờ rằng cậu ăn mày này lại có thiên phú đến như vậy, suýt nữa thì bỏ phí một tài năng.
Nhiếp Dương gật đầu, đáng thương vuốt vuốt ngón tay, mong chờ nói: “Tiểu tử cầu xin phu tử thương xót, cho tiểu tử một ít cơm.”
Phu tử thở dài: “Được rồi, việc chép sách, khắc dấu này giao cho ngươi. Một ngày hai bữa, được không?”
Nhiếp Dương cười nói: “Đa tạ phu tử, nếu sau này tiểu tử gặp được lúc trời quang, tuyệt đối sẽ không quên ân đức của phu tử.”
“Gặp lúc trời quang?” Phu tử cười xua tay, nói: “Không đơn giản như vậy đâu, ngươi chăm sóc bản thân thật tốt rồi tính sau.”
Vì sao Nhiếp Dương đặt trường tư thục làm mục tiêu?
Bởi vì cậu ta cần tìm đường sống, không cam lòng làm một người bình thường, nếu không cố gắng tìm đường sống, chẳng lẽ lại phải chết đói chết rét ở trong miếu nữa sao?
Trường tư thục có nhiều sách, Nhiếp Dương làm việc ở đây, không chỉ có thể đọc sách để hiểu rõ hơn về tình hình ở thời đại này mà còn có thể giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc.
Cậu ta nhìn sang tập giấy Tuyên trên bàn, không khỏi thở dài.
Tuy kiếp trước có giấy, nhưng giấy viết cực kỳ đắt đỏ, số lượng sản xuất cũng ít, phần lớn các sĩ tộc nhỏ chỉ có thể dùng thẻ tre nặng nề, sau đó khắc chữ bằng bút dao.
Mà bây giờ chỉ là một trường tư thục dạy học cho con nhà nghèo thôi mà còn được dùng giấy viết nhẵn nhụi đều nhau như vậy.
Vietwriter.vn để tham gia các event hấp dẫn.
Bởi vậy có thể thấy được mức sống trung bình ở thời đại này tốt hơn kiếp trước của cậu ta nhiều.
Tay chân nứt da vừa ngứa vừa đau, nhưng Nhiếp Dương vẫn tỏ ra không cảm thấy gì, vẫn điềm nhiên mà bắt đầu chép sách.
Ban đầu cậu ta còn thấy không quen tay, sau khi chép một buổi trưa, tốc độ viết nhanh hơn nhiều.
Không lâu sau, phu tử đến đưa cho cậu ta một bộ quần áo được giặt trắng tinh, bên trên bộ quần áo có đặt hai chiếc hộp gỗ.
“Ngươi mặc bộ quần áo này vào đi, sau đó dùng thuốc cao bôi lên vết nứt da.” Phu tử hỏi cậu ta: “Ngươi có chỗ nghỉ ngơi chưa?”
“Hiện giờ tiểu tử đang ở trong một ngôi miếu đổ nát cách đây ba dặm.”
“Ngôi miếu đổ nát kia gió thổi bốn phía, ngươi ở đó có khác gì ở ngoài trời đâu?” Phu tử nghe vậy thì nhíu mày lại, ngôi miếu đổ nát vừa không thể che mưa cũng chẳng thể chắn gió, sống ở đó có khác nào tìm đường chết chứ: “Nếu ngươi không chê thì có thể ở lại phòng chứa củi, chờ thời tiết ấm lên thì tính tiếp.”
Đôi mắt Nhiếp Dương bày tỏ vẻ cảm kích, cậu ta thành khẩn nói: “Đa tạ phu tử.”
Từ sau ngày hôm đó, Nhiếp Dương yên tâm sống ở phòng củi trong trường tư thục.
Ban ngày, cậu ta cần cù chăm chỉ chép những bộ sách mà phu tử mượn từ khắp nơi về, đồng thời âm thầm ghi nhớ nội dung của quyển sách.
Mỗi ngày phu tử cho cậu ta ăn hai bữa cơm, nhưng lượng cơm mỗi bữa đều rất đầy đủ. Bất tri bất giác đã đến tháng ba, phu tử dạy xong tiết học ngày hôm đó liền lên trấn làm việc, Nhiếp Dương rảnh rỗi, lén làm biếng, nằm ở ngoài hành lang. Đến lúc cậu ta mở mắt ra thì trời đã bắt đầu chuyển đỏ rồi.
Phu tử ngồi bên cạnh hỏi cậu ta: “Ngươi tới đây hơn một tháng rồi, tới giờ mà ta vẫn chưa biết tên của ngươi.”
Nhiếp Dương nói: “Tiểu tử họ Nhiếp, tên chỉ có một chữ Dương.”
Kiếp này, cha mẹ của cậu ta qua đời từ lúc cậu ta còn nhỏ, bọn họ còn chưa kịp đặt tên cho cậu ta, Nhiếp Dương cũng chẳng biết mình họ gì, nên dứt khoát dùng tiếp tên từ kiếp trước.
“Nhiếp Dương? Tên Dương cũng nhiều. Nước sông dào dạt, chảy về phía Bắc.” Phu tử cười nói: “Đúng là một cảnh tượng tươi đẹp.”
Phu tử dừng một lát rồi lại hỏi: “Ngươi còn người nhà nào khác không?”
Nhiếp Dương khựng lại một lát, rồi lắc đầu nói: “Không có...”
Cậu ta đã là một người không nhà không cửa rồi, mọi người xa lánh, lấy đâu ra người nhà.
“Ta vừa nghe thấy ngươi ngủ mớ gọi tên ‘Nhiếp Thanh’, ta còn tưởng đó là người thân của ngươi đấy.” Phu tử thương tiếc nói: “Thiên phú của ngươi rất tốt, nếu người nhà chịu cho ngươi đi học, sau này còn có thể có tiền đồ làm quan nữa. Dù không làm rạng rỡ tổ tông được, nhưng ít nhất cũng không cần phải lo chuyên cơm ăn áo mặc.”
Lúc phu tử nói đến hai chữ “Nhiếp Thanh”, sắc mặt của Nhiếp Dương bỗng trắng bệch cả ra, giống như không hề có chút máu nào vậy.
Từ sau khi tỉnh lại, cậu ta luôn vất vả để lo cuộc sống, lúc đêm xuống vắng lặng cũng là lúc cậu ta không kiềm chế được mà nghĩ lại chuyện kiếp trước.
Không ngờ... cậu ta lại nói mớ trong khi ngủ?
“Sao vậy? Ngươi cảm thấy chỗ nào không khỏe à?”
“Đa tạ phu tử đã quan tâm, tiểu tử vẫn ổn, có điều bỗng nhớ tới đường huynh, nên trong lòng mới thấy buồn bã.”
Không biết phu tử nghe vậy đã tưởng tượng ra chuyện gì mà ánh mắt ông nhìn Nhiếp Dương còn thương hại hơn trước.