Ngoại trừ An Thôi, không ai biết được giữa hắn và Lữ Trưng đã xảy ra chuyện gì.
Mọi người chỉ biết rằng từ sau ngày hôm đó, Lữ Trưng bị bệnh không ra ngoài, chuyện bưng trà rót nước đều do Khang Hâm Đồng phụ trách.
Người ngoài nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ thôi, An Thôi cũng cho rằng Lữ Trưng đang giả bệnh, không ngờ Lữ Trưng bị bệnh thật... Không những thế còn bị bệnh rất nặng.
Khang Hâm Đồng thấy Lữ Trưng càng ngày càng gầy đi với tốc độ đáng sợ, cô bé nóng ruột đến mức khóc lóc nhưng lại chẳng biết làm cách nào.
“Nghĩa phụ, y sư nói ngài mắc tâm bệnh... Thuốc thang bình thường khó có thể chữa khỏi được...”
Muộn phiền tích tụ trong lòng, khó có thể giải được.
Nói trắng ra, Lữ Trưng vì quá buồn phiền cho nên mới tự đổ bệnh.
Lữ Trưng nằm trên giường, không hề nhúc nhích, không phải anh ta không muốn cử động, mà là cơ thể quá yếu đuối, đầu óc cũng rất lộn xộn, sau khi bệnh tình trở nên nặng nề hơn, anh ta thường xuyên không thể nhớ được chuyện gì, thậm chí có những lúc còn không có ấn tượng giây trước đó anh ta vừa nói gì. Trong mắt người ngoài, căn bệnh của anh ta càng lúc càng nặng nề. Hốc mắt hõm sâu, môi khô nứt, đôi mắt sáng sủa giờ như mắt cá chết, không thấy được chút phong thái ngày trước đâu cả...
An Thôi đến thăm anh ta hai lần, mỗi lần đều chỉ ngồi lại nhìn một lát, sau đó thở dài đi về.
Mấy ngày trước, hắn còn hỏi thăm bệnh tình của Lữ Trưng, nghe thầy thuốc nói anh ta bị bệnh là do tâm bệnh mà ra, An Thôi tự hiểu rõ, sau đó không hỏi thăm gì nữa.
Hỏi cái gì được nữa?
Tính tình An Thôi kiêu ngạo, hắn biết rõ Lữ Trưng đổ bệnh là vì anh ta có nhiều bất mãn với mình, sao hắn lại có thể tự gây khó dễ cho mình chứ?
Lữ Trưng uống thuốc nhiều ngày liền, khống chế được bệnh tình phần nào rồi, thời gian anh ta tỉnh táo càng lúc càng dài, nhưng tinh thần vẫn ủ rũ.
Khang Hâm Đồng chăm sóc anh ta rất tử tế, không để người khác làm bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ gì, thật sự khó kiếm được một đứa con hiếu thảo như vậy.
Lữ Trưng nói: “Chỉ là nhất thời tức giận, không nghĩ thông thôi mà. Đợi đến lúc đầu óc thoải mái hơn, bệnh tình tự khắc sẽ tốt lên thôi.”
Khang Hâm Đồng hỏi: “Người ngoài luôn nói nghĩa phụ túc trí đa mưu, trên đời này còn có chuyện gì có thể khiến cho ngài có khúc mắc sao?”
Lữ Trưng nói: “Lời nịnh nọt của người ngoài sao có thể cho là thật được. Có rất nhiều chuyện có thể khiến ta nghĩ không thông.”
“Ví dụ như?”
Lữ Trưng giơ tay đẩy băng đô trên trán lên phía trên, thở dài nói: “Ví dụ như, con hao tốn một số tiền lớn để mua một tảng đá thô, đối xử với nó như châu như báu, hận không thể mang nó theo từng ngày từng giờ, sau đó lại phí mất mấy năm công sức, cẩn thận tạo hình, mài giũa cho nó... Đến ngày con mài giũa thành công, con cho rằng nó sẽ là viên đá quý rực rỡ nhất trên đời, kết quả người khác lại nói với con, cái loại đá này ở ngoài gầm cầu, muốn nhặt bao nhiêu cũng có...”
Khang Hâm Đồng rét run: “...”
Cô bé cảm thấy cha nuôi của mình nói mấy lời này như thể đang chửi người khác vậy.
Lữ Trưng yếu ớt nói: “Cho dù là ai đi nữa, khi gặp phải chuyện này, phần lớn đều sẽ không nghĩ thông được thôi.”
Khang Hâm Đồng muốn nói lại thôi, cứ phân vân mãi giữa việc khuyên bảo với không khuyên bảo.
“Con gái nghĩ rằng... Nếu như nó đã là viên đá dưới gầm cầu, bẩn thỉu thấp kém thì vì sao nghĩa phụ không bỏ nó sớm, đỡ phải để nó khiến nghĩa phụ chướng tai gai mắt.”
Lữ Trưng nói: “Mất mặt.”
Khang Hâm Đồng: “...”
Hóa ra cha nuôi coi trọng sĩ diện đến mức tự rước khổ à?
Lữ Trưng nói: “Liễu Hi có Tử Hiếu, Hoàng Tung có Hữu Mặc, Hứa Bùi có Văn Bân, An Thôi có vi phụ...”
Khang Hâm Đồng hỏi một câu không đúng lúc lắm.
“Con gái biết Liễu Hi, Hoàng Tung, Hứa Bùi là ai, nhưng Tử Hiếu, Hữu Mặc, Văn Bân là...”
Giống như quan hệ giữa An Thôi và nghĩa phụ, chẳng lẽ bọn họ đều có quan hệ quân thần?
Lữ Trưng nói: “Là sư huynh, sư đệ của vi phụ, bốn người bọn ta đều là đệ tử của Uyên Kính tiên sinh. Ơn tri ngộ, dạy dỗ của tiên sinh, suốt đời bọn ta không quên. Chỉ là một vị danh sư sáng suốt tài giỏi như tiên sinh, cuối cùng lại dạy ra ba người đệ tử mắt sáng nhưng thiếu tỉnh táo, thẹn với tiên sinh.”
Bốn người đồ đệ đã “hy sinh” mất ba, đây là vết nhơ lớn nhất trong cuộc đời dạy học của Uyên Kinh tiên sinh.
Khang Hâm Đồng xòe ngón tay ra tính thử, số không đúng lắm.
“Sao lại là ba ạ?”
Lữ Trưng suýt nữa mắc nghẹn.
Đây là trọng điểm à?
Anh ta chịu đựng nội thương, nói: “Không tính Vệ Tử Hiếu.”
Người ta kế thừa ưu điểm sáng suốt thông minh của Uyên Kính tiên sinh một cách hoàn hảo, mắt nhìn rất tốt.
Nếu không thì sao mọi người lại nói Vệ Từ láu cá?
Lữ Trưng có nghĩ thế nào cũng không hiểu được vì sao Vệ Từ lại chọn Khương Bồng Cơ, rõ ràng lúc ở thư viện, quan hệ giữa hai người bọn họ rất lạnh nhạt.
Theo như lời Phương Trực nói lần trước, Khương Bồng Cơ thuận lợi chiếm được Vệ Từ, đạp hỏng bông hoa đẹp nhất ở thư viện Lang Gia.
Cầm thú!
“À.”
Khang Hâm Đồng ngoan ngoãn đáp lại, khóe môi không nhịn được lộ ra nụ cười.
Lữ Trưng thấy vậy thì bực đến mức suýt bị nội thương.
Anh ta quên mất con bé con trước mắt này là fan cứng của Khương Bồng Cơ.
Bên ngoài thì tỏ vẻ ngoan ngoãn, ai mà biết được có phải trong nội tâm của cô bé đang điên vì thần tượng, cuồng vì thần tượng, múa trống khua chiêng vì thần tượng không.
“Mất mặt trước những người khác thì không nói đến, nhưng hết lần này đến lần khác lại là tên láu cá Liễu Hi kia.” Lữ Trưng cực kỳ buồn bực nói: “Con nhìn xem cô ấy đã làm những gì? Làm chủ công đúng là rảnh rỗi thật đấy, cả ngày chẳng có việc gì làm, cứ ngồi viết thư châm ngòi ly gián. An Thôi là người như thế nào, chẳng lẽ trong lòng cô ấy không biết chắc? Bức thư nào cũng chọc đúng chỗ ngứa, nói thì nói là viết cho vi phụ, nhưng thật ra là viết cho An Thôi đọc...”
Nếu không phải Lữ Trưng thông minh, biết lấy lui làm tiến, nói không chừng anh ta đã bị An Thôi ngấm ngầm giày vò đến chết rồi.
Khương Bồng Cơ hận nhất là người phản bội, chẳng lẽ An Thôi lại rộng lượng với người phản bội chắc?
Khang Hâm Đồng nói: “Vậy... bây giờ phải làm gì?”
Lữ Trưng nói: “Đi bước nào hay bước ấy thôi, sắp tới, hậu phương của An Thôi sẽ gặp đại họa, sợ là sẽ sụp đổ...”
Khang Hâm Đồng sợ hãi nói: “Con gái ngốc nghếch, không biết đại họa từ đâu ra...”
Lữ Trưng nhắc cô bé từ khóa.
“Lương thảo.”
“Lương thảo?”
Khang Hâm Đồng lẩm bẩm lặp lại.
“Võ tướng lúc trước bị An Thôi tức giận chém chết vô tội, lương thảo có vấn đề từ trước khi bị cướp rồi. Người phụ trách công việc lương thảo là Hoa Uyên, nhìn tổng quát thì chỉ có mỗi mình gã mới có động cơ và năng lực để nhúng tay vào chuyện lương thảo. Nhưng đến thời khắc quan trọng thì đứa con duy nhất An Thôi nhận nuôi lại chết bất đắc kỳ tử, khó để người ta không nghĩ rằng có âm mưu gì trong đó... An Thôi không chịu nghe lời khuyên của mọi người, chắc chắn sẽ chết không được toàn thây!”
Chuyện tới nước này, Lữ Trưng cũng không kính trọng gọi An Thôi là chủ công trước mặt con gái nữa, mà gọi thẳng tên của hắn ra.
Khang Hâm Đồng nói: “Hoa Uyên? Gã làm như vậy thì có lợi ích gì?”
Lữ Trưng nói: “Sao vi phụ biết được suy nghĩ của một tên điên chứ.”
“Vậy chẳng phải… chúng ta đang gặp nguy hiểm à?”
Khang Hâm Đồng không thích An Thôi, nhưng nếu An Thôi thất bại thì hai cha con bọn họ đều rơi vào tình cảnh khó khăn.
Lữ Trưng hừ một tiếng rồi nói: “Liễu Hi còn nợ ta một khoản đây này, cô ta có giỏi thì qua cầu rút ván thử xem.”
“Nợ nần?”
Lữ Trưng nói: “Đến lúc đó thì con sẽ biết.”
Khang Hâm Đồng nghe anh ta nói như vậy thì không hỏi thêm nữa.
Nguồn gốc bệnh của Lữ Trưng là trong lòng, nếu bản thân anh ta không thể nghĩ thoáng được thì thuốc thang bình thường khó mà chữa khỏi.
Bởi vì An Thôi thích tìm đường chết, nên đã thành công khiến Lữ Trưng hết hy vọng.
Sau đó một người thì dưỡng bệnh, một người không quan tâm. Sau khi trận chiến diễn ra thêm một thời gian, An Thôi liên tiếp thất bại, khó khăn về lương thảo càng lúc càng gay gắt, Hoa Uyên ở hậu phương cố tình chậm trễ, hơn nữa Khương Bồng Cơ còn phái người đi phá hoại đường vận chuyển lương thực, An Thôi gặp khó khăn ở cả hai mặt...
“Sao bên ngoài lại ồn như thế?”
Lữ Trưng gấp cuốn thẻ tre lại, ngẩng đầu hỏi.
Khang Hâm Đồng nói: “Lương thảo đến rồi, xem như giải quyết phần nào khó khăn hiện nay.”
Lữ Trưng nhíu mày lại, trong mắt chứa đầy suy nghĩ. Đọc truyện tại Vietwriter.vn
“Nghĩa phụ, bữa trưa hôm nay lại là cháo thịt.”
Khang Hâm Đồng bưng hai bát cháo thịt thơm ngào ngạt vào, gắp thêm một ít dưa tự muối để thêm vị.
“Thịt này hơi chua...”
Lữ Trưng bưng bát cháo thịt lên ăn một miếng, sau đó răng cắn phải thứ gì đó, sắc mặt anh ta lập tức thay đổi, ọe một cái nhả ra.
“Nghĩa phụ!”