"Nhâm Mạch? Bác sĩ Trần, không phải anh đang muốn đả thông hai mạch Nhâm Đốc cho ông cụ ấy chứ?" Trang Lượng lập tức nói.
"Xem như vậy đi." Trần Khánh nói.
"Moá nó, hóa ra đây là thật sự nha. Vậy sau khi người bình thường được đả thông sẽ có tình huống như thế nào? Có phải khí lực thành lớn hay không?" Trang Lượng tò mò hỏi.
Trần Khánh dở khóc dở cười: "Tôi khuyên anh là đừng đọc tiểu thuyết quá nhiều, hai mạch Nhâm Đốc của người bình thường vốn đã thông suốt rồi, nếu hai mạch này không thông hoặc ít hoặc nhiều, kiểu gì mọi người cũng sẽ mắc một chút bệnh tật."
"Là... Như vậy sao." Trang Lượng có chút thất vọng.
Haizz… hỏi han nửa ngày, hóa ra cái gọi là những vị cao thủ không có đả thông hai mạch Nhâm Đốc trong tiểu thuyết võ hiệp kia đều là một đám ma ốm...
Quá mệt mỏi mà!
Sau khi khơi thông hai mạch Nhâm Đốc cho Điền Cường Quốc một phen, Trần Khánh lại nhanh chóng áp dụng đúng quy trình trị liệu vừa rồi cho ông ấy.
Quá trình bấm huyệt này kéo dài chừng một tiếng đồng hồ.
Đây xem như lần đầu tiên Trần Khánh cảm nhận được, bác sĩ cũng cần phải có thể lực mới đủ sức làm việc.
Nếu không phải bình thường hắn đều chú trọng rèn luyện, chỉ sợ sau quá trình trị liệu này, hai tay hắn đã mỏi nhừ không thể nhấc lên nổi.
Hô ~
Trần Khánh thở dài một hơi, lại nhanh chóng lấy ra hộp châm, tiếp tục dùng châm thứ trị liệu.
Vẫn là các huyệt vị như ngày hôm qua phối hợp với nhau, nhưng không phát sinh biến hóa quá lớn, thậm chí một vài huyệt vị còn cùng vị trí với tiến trình xoa bóp bấm huyệt vừa nãy.
Châm thứ lại mất hơn nửa giờ nữa!
Sau khi châm thứ xong, Trần Khánh lại nhanh chóng lấy tới một đống ngải nhung [1] cùng mấy miếng gừng tươi.
[1] : Ngải nhung là lá ngải đã qua nhiều lần phơi, giã, đập vụn, rây bỏ tạp chất, phấn bụi, đến khi vật phẩm mềm mịn như nhung. Ngải nhung là nguyên liệu làm điếu ngải, cũng là nguyên liệu chủ yếu của phương pháp cứu ngải.
Dưới cái nhìn chăm chú có chút kỳ quái của Trang Lượng, Trần Khánh lần lượt đặt từng lát gừng tươi lên mấy huyệt vị trên người Điền Cường Quốc, tiếp đó là xoắn phần giữa hai đầu của ngải nhung thành dạng mũi nhọn, chia một cây thành hai nửa, trong trung y, một nửa lượng này được gọi là làm một tráng.
Sau khi đặt một tráng ngải nhung lên miếng gừng tươi nọ, Trần Khánh lại lập tức châm, rất nhanh, vài làn khói nhẹ đã bắt đầu bốc lên.
"Bác sĩ Trần, đây là đang làm gì vậy?" Trang Lượng hỏi.
"Một phương pháp trong ngải cứu, tên là đốt ngải cứu cách gừng." Trần Khánh nói.
"Làm thế này thì có hiệu quả như thế nào?" Trang Lượng tò mò nhìn tráng ngải nhung đã sắp bị thiêu đốt hầu như không còn.
"Phù dương, ngải cứu là loại cỏ cực kỳ thuần dương, dược tính của nó lại hướng xuống dưới, có thể trực tiếp xuyên qua làn da đi đến vị trí nhiều nước nhất trong cơ thể. Nếu trong cơ thể người bệnh chứa quá nhiều hàn thấp, thì ngải cứu chính là lựa chọn tốt nhất. Bình thường, đối với những người nguyên khí đại thương, chúng ta đều sẽ dùng đến ngải cứu."
"Trong trung y có câu, 'Dược chi không kịp, châm chi không đến, tất cứu chi' [2]. Nói cách khác, luận về hiệu quả phù dương, không có bất cứ loại vật phẩm nào có thể so sánh với ngải cứu. Bởi vì hỏa khí của nó không cần dẫn đường, có thể tự mình tìm được vị trí của hàn thấp. Cũng giống như ở thời cổ đại của chúng ta, khi hành quân đánh giặc, quân đội đều sẽ mang nhiều lương ít nước, nếu hành quân đến một chỗ nào đó cần phải dừng lại nhóm lửa nấu cơm, bọn họ sẽ vơ lấy đám ngải cứu chung quanh, đốt cháy chúng nó. Sau đó, binh lính sẽ đi tìm kiếm nơi nào có khói bốc lên nghi ngút, chỉ cần có khói bốc lên, nghĩa là nơi ấy có nước ngầm sạch, có thể sử dụng được, binh lính sẽ đi tới đào giếng lấy nước."
[2] : dùng thuốc không kịp, dùng châm không đến, tất phải dùng đến ngải cứu.
"Đây là đã vận dụng tới lý luận tri thức âm dương tương hấp [3] rồi. Ngải cứu thuần dương, nước thuần âm, nếu hai loại này va chạm trong thân thể, khẳng định sẽ sinh ra hiện tượng một bên gia tăng, một bên sụt giảm. Nếu âm quá thịnh, cần phải không ngừng bổ dương, cho đến âm dương trong cơ thể người bệnh đạt đến trạng thái cân bằng. Cũng cùng lý lẽ đó, người âm hư không thể tùy tiện dùng ngải cứu được, nhất định phải căn cứ vào tình huống thân thể người bệnh để tiến hành phán đoán trước." Trần Khánh giải thích.
[3] : âm dương hấp dẫn lẫn nhau.
Đúng là bản thân Điền Cường Quốc có bệnh thận âm hư, nhưng đồng thời trong cơ thể ông ấy cũng phát sinh tình trạng dương khí không đủ.
Bởi vậy, sau khi dùng ngải cứu nhất định phải theo dõi cực kỳ cẩn thận.
Hiển nhiên, loại lý thuyết này cũng không phải giáo điều vận dụng cứng nhắc, chỉ cần thấy âm hư, là tuyệt đối không dùng ngải cứu.
Đây là cách hiểu không đúng.
Trang Lượng lại nghe mà sửng sốt không thôi, nhưng gã vốn là tác giả tiểu thuyết, cũng kịp thời bắt được điểm mấu chốt trong lời nói của Trần Khánh: "Bác sĩ Trần, anh vừa nói là trong quá trình hành quân đánh giặc thời cổ đại, các binh sĩ đều dùng ngải cứu để tìm nguồn nước? Chuyện này có căn cứ gì không? Hơn nữa, theo tôi nhận thấy, đám ngải cứu này đốt cháy nhanh như vậy, một lát đã cháy hết sạch rồi, nhưng ở thời cổ đại, mỗi lần chiến tranh ập đến, đều sẽ huy động mấy chục ngàn tới hơn trăm ngàn người tham gia, thậm chí có chiến dịch còn có quy mô mấy trăm ngàn người. Nhiều người ăn cơm như vậy, bọn họ cần phải mang theo bao nhiêu ngải cứu mới đủ chứ?"
Trần Khánh cười ha hả: "Ai nói với anh là quân đội cần phải mang theo ngải cứu? Không phải tôi vừa nói rồi sao? Ngải cứu là loại cỏ thuần dương, nó có thể mang đến tác dụng tìm nước. Nói cách khác, nghĩa là ở nơi nào có nước, có ánh sáng mặt trời đầy đủ, kiểu gì cũng sẽ có ngải cứu mọc lên. Nếu quân đội không hành quân dọc theo sông suối, bình thường bọn họ đều đi thẳng đến nơi có ngải cứu mới có thể dừng lại đóng quân. Cổ nhân cũng không ngốc, nhất là những vị tướng quân có thể hành quân đánh giặc, bọn họ đều là nhóm nhân vật dày dặn sa trường rồi, đương nhiên một chút tri thức ấy vẫn phải có. Về phần căn cứ, nếu anh cảm thấy hứng thú với chuyện này, cứ tự nhiên đi thử nghiệm một phen. Còn tôi chẳng có hơi sức đâu mà lãng phí thời gian đi chứng minh mấy thứ này."
Nơi nào có nước tất có ngải cứu?
Câu này lập tức làm Trang Lượng giật mình!
Đúng vậy!