Hứa Văn Diệu lắc đầu: "Ban đầu tình trạng sức khỏe của bà còn rất tốt, bỗng nhiên đến một ngày, không hiểu vì sao bà lại nói mình đi đứng không tiện nữa, mỗi khi làm ruộng trở về, sẽ đấm bóp chân hồi lâu, sau đó, tình trạng kia càng ngày càng trở nên nghiêm trọng, có một lần, khi bà nội xuống giường, lại trực tiếp ngã ngồi dưới đất. Tôi cảm thấy chuyện này quá mức bất thường liền đưa bà nội đến viện vệ sinh dịch tễ khám, bọn họ có tiêm cho bà nội, nhưng vô ích, từ sau ngày đó, bà nội không thể đi lại được nữa..."
"Qua hơn nửa năm sau, khi chú Bành đến trong nhà tôi, nhìn thấy bà nội đã thành như vậy, liền đưa bà nội đến bệnh viện lớn khám một lần. Sau khi bà nằm viện quan sát vài ngày, bác sĩ nói rằng bà nội mắc bệnh bại não, khuyên chúng tôi tốt nhất là đừng chữa trị, bởi vì muốn chữa trị cần phải mất rất nhiều tiền, nhưng lại không nhất định có thể chữa khỏi được. Bọn họ chỉ cho bà nội tôi một ít thuốc, sau đó bảo tôi mang về cho bà uống..."
"Anh Trần, tôi thật sự không cố ý muốn đi trộm đồ của người ta, chỉ vì tôi không thể kiếm được tiền, mà không có tiền bệnh của bà nội tôi sẽ vĩnh viễn không khỏi được, tôi... Tôi..."
Trần Khánh sờ sờ đầu Hứa Văn Diệu, cười nói: "Được rồi, đi rót cho tôi một chén nước đi."
Hứa Văn Diệu gật gật đầu, lập tức ra khỏi phòng.
Từ những gì Hứa Văn Diệu miêu tả, không khó để nhìn ra nguyên nhân dẫn đến căn bệnh của bà nội cậu bé, hẳn là trong cơ thể bà ấy có phế hỏa dẫn đến nuy tích, cũng chính là hai chân vô lực.
Bình thường, chỉ có hai loại khả năng dẫn đến tình trạng phổi có hỏa, một là nó cảm nhận được ngoại tà, còn một là thất tình tổn thương.
Ngoại tà còn dễ hiểu, nhưng loại tình huống cảm xúc nội thương lại có chút phức tạp rồi.
Nói tóm lại, cảm xúc có thể ảnh hưởng đến khí cơ, nếu tinh thần hoạt động trong trạng thái quá độ hưng phấn hoặc là quá độ uất ức trong thời gian dài, khí cơ sẽ rơi vào hỗn loạn, làm cho chân âm trong tạng phủ thiếu hụt, xuất hiện các triệu chứng khác như dễ bực bội, hay cáu gắt, choáng váng đầu, mất ngủ, miệng đắng, be sườn đau nhức, hoặc là ho suyễn, hộc máu, chảy máu cam… toán lại là tất cả những biểu hiện đều thuộc hỏa.
Quá trình này được gọi là ngũ chí hóa hỏa [1].
[1] : ngũ chí hóa hỏa có thể hiểu là các loại cảm xúc như vui, giận, buồn, nghĩ ngợi, sợ hãi hoạt động mất cân đối, sinh ra chứng hỏa.
Đương nhiên, không cần biết tình huống thực tế thuộc loại nào, nó cũng không ảnh hưởng đến phương thức trị liệu của Trần Khánh.
Bởi vì bên trong《 Hoàng Đế Nội Kinh 》đã cho ra phương pháp trị liệu rồi.
Phương thức trị liệu này cũng nằm bên trong Nuy Luận Thiên.
"Đế viết: Như phu tử đã nói, phương pháp trị chứng này chuyên trách về Dương Minh, thế là vì sao vậy??"
"Kỳ Bá viết: Dương Minh là cái bể của ngũ tạng lục phủ, chủ về bôi trơn cho tông cân [2]. Tông cân chủ về bó đàng ngoài xương, để cho các khớp được linh hoạt, thuận lợi. Xung mạch là bể của kinh mạch, chủ thấm nhuần cho các khê, cốc (các bắp thịt lớn, nhỏ), cùng với Dương Minh hợp vào tông cân. Âm, dương bao trùm tất cả chỗ hội họp của tông cân để hội tụ ở khí khái, mà Dương Minh sẽ là trưởng, đều thuộc về Đái mạch [3], mà "lại" sang Đốc mạch. Cho nên hễ Dương minh bị hư thì tông cân bị lỏng, Đái mạch không dẫn tới nữa, cho nên chân “liệt" không dùng được."
[2] : tông cân chỉ gân của kinh mạch Tam Âm, Tam Dương, tập hợp lại phía trước bộ phận sinh dục, cũng chỉ bộ phận sinh dục nam.
[3] : Đái mạch là một trong số những kỳ kinh bát mạch, nó bao vây một vòng xung quanh phần eo của thân thể con người. Có thể hình dung như sau, toàn bộ những kinh mạch trong cơ thể con người đều đi theo đường dọc, còn đường kinh mạch này giống hệt như một sợi dây thừng, trói buộc toàn bộ chúng vào cùng một chỗ, nên được gọi là Đái mạch. “Đái” có nghĩa là thắt lưng.
Nói đơn giản là khi Hoàng đế hỏi Kỳ Bá về phương thức trị liệu cho người bệnh mắc chứng liệt, vì sao lại phải chuyên trách về Dương Minh, Kỳ Bá lập tức giải thích tác dụng của Dương Minh Kinh.
Kinh mạch Túc Dương Minh Vị là nguồn suối dinh dưỡng cho ngũ tạng lục phủ, có thể thấm nhuần, nuôi dưỡng tông cân. Tông cân lại quản lý trói buộc khớp xương, làm các khớp xương vận động linh hoạt. Xung mạch là điểm hội tụ của mười hai kinh khí huyết, chuyển vận khí huyết để thẩm thấu tưới vào từ phần cơ bắp, thịt da, hội hợp với tông cân và kinh mạch Túc Dương Minh Vị.
Mười hai kinh mạch Tam Âm, Tam Dương đều hội tụ lại với tông cân, lại hội hợp với Túc Dương Minh Kinh tại huyệt Khí Hải (tức huyệt Khí Trùng), và Cố Dương Minh Kinh chính là thống lĩnh của chúng nó.
Các đường kinh mạch khác nhau lại liên kết với Đái mạch, gắn bó với Đốc Mạch. Cho nên khí huyết của Dương Minh Kinh không đủ sẽ khiến cho tông cân mất đi nuôi dưỡng mà xẹp xuống, Đái mạch cũng không thể thu lấy các mạch được nữa, dẫn đến hai chân tê liệt, hư nhược, không di chuyển được.
Sau khi chân gặp vấn đề, nó sẽ chậm rãi liên lụy tới toàn thân.
Cho nên, cả phế nhiệt lẫn tâm nhiệt, hoặc là thận nhiệt vân vân… đều sẽ dẫn đến chứng liệt, và phương thức trị liệu toàn bộ những căn bệnh này đều là trăm khoanh vẫn quanh một đốm.
Đầu tiên cần phải căn cứ vào bộ phận mắc chứng liệt để lựa chọn sử dụng huyệt vị Dương Minh Kinh, đồng thời còn phải tác động đến toàn bộ ngũ thâu huyệt [4] của tạng phủ, điều động, tu bổ huỳnh huyệt của ngũ thú huyệt tại các kinh mạch, khơi thông thú huyệt của ngũ thú huyệt tại các kinh mạch, từ đó điều động hư thực của cơ thể và khí huyết nghịch thuận. Cho nên nói, chỉ cần tiến hành trị liệu ở điểm tụ hợp đương vượng của tạng thì không cần biết bệnh biến nằm tại gân, mạch hay xương thịt, đều sẽ khỏi hẳn.
Nhưng quá trình này vô cùng lâu dài.
Suy cho cùng, chứng liệt cũng là triệu chứng cho thấy cơ thể đã mất đi rất nhiều tân dịch, nếu muốn thông qua trị liệu bổ sung trở lại, lại khiến cho toàn thân trở về trạng thái cân bằng, mạch, xương, thịt, khí, huyết từ từ khôi phục trở lại như người bình thường, rất khó khăn.
Cũng may có 《 Hoàng Đế Nội Kinh 》 xác định phương hướng trị liệu tổng, lúc này y thuật của Trần Khánh lại được gia tăng toàn diện, hẳn là trị liệu cũng không quá mức khó khăn, chỉ gặp phải vấn đề tốc độ mà thôi.
[4] : ngũ thâu huyệt và ngũ thú huyệt: gọi chung là ngũ du huyệt.
Ngũ du huyệt là một nhóm huyệt trong những huyệt đặc trị của 12 đường kinh. Nó được phân bố từ khuỷu tay trở ra và đầu gối trở xuống.
Người xưa dựa vào sự vận hành của khí huyết trong kinh mạch, dùng hiện tượng nước chảy tự nhiên để minh họa (khí hành từ nhỏ đến lớn, từ nông đến sâu). Để phân biệt, người ta dùng 5 tên gọi: tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp với những tác dụng riêng để biểu hiện sự lưu hành của khí qua mỗi huyệt trong kinh mạch.
- Nơi nước đầu nguồn, chỗ xuất của khí là tỉnh.
- Nơi nước chảy nhẹ, chỗ lưu của khí là vinh (huỳnh).
- Nơi nước dồn lại để lưu hành, chỗ chú của khí là du.
- Nơi nước đi qua, chỗ hành của khí là kinh.
- Nơi nước tụ lại, chỗ nhập của khí là hợp.
Tác dụng của ngũ du huyệt:
Tỉnh huyệt chủ trị dưới tâm đầy.
Huỳnh (vinh) huyệt chủ trị sốt.
Du huyệt chủ trị phong thấp, đau khớp.
Kinh huyệt chủ trị suyễn, ho.
Hợp huyệt chủ trị khí nghịch, tiết tả.