Khánh Dư Niên

Chương 1453

〖 Vinh hoa mộng nhất tràng, công danh chỉ bán trương, thị phi hải ba thiên
trượng. Mã đề đạp toái nhai sương, thính kỷ độ đầu kê xướng. Trần thổ y quan,
giang hồ tâm lượng. Xuất hoàng gia phượng võng, mộ di tề thủ dương, thán hàn
bành vị ương. Tảo nạp chỉ phong ma trạng. 〗
Tạm dịch: [Mộng vinh hoa một hồi, nửa tờ giấy công danh, sóng thị phi
ngàn trượng. Móng ngựa đạp phố sương, nghe gà gáy vài tiếng. Bụi bặm nhuốm
áo quan, đo tấm lòng giang hồ. Rời lưới phượng hoàng gia, ngưỡng mộ Di Tề
nơi Thủ Dương, buồn thay Hàn Bành tại Vị Ương, sớm nộp giấy từ quan.
Giải nghĩa: Vinh hoa phú quý như một giấc mơ xuân, dù có tên tuổi lưu
danh lịch sử, cũng chỉ là một nửa tờ giấy vụn. Cuộc sống trần gian đầy sóng gió
và phong ba. Trước khi trời sáng đã phải đến cung điện, dấu chân ngựa lưu lại
trên con đường đông giá. Hằng ngày nghe tiếng gà gáy. Coi danh vọng như bụi
bặm, đã từ lâu muốn rút lui khỏi giang hồ, phá vỡ lưới trời của triều đình. Đáng
ngưỡng mộ thay những người ẩn dật ở núi Thủ Dương như Bố Ý và Thúc Tề,
đáng tiếc thay Hàn Tín và Bành Việt đều chết ở Vị Ương. Thà giả điên, giả dại
sớm đưa ra một tờ giấy từ quan."
(Nguyên Ương, Nguyên Hanh, dâng Thiên tử, coi như lời tựa)
o O o
Mây trên trời, như tơ ướt đã ướt, sẵn sàng nhỏ giọt, cũng như khối chì nặng
trịch, không gì chịu nổi, sợ rằng chẳng mấy chốc sẽ đổ xuống trần thế. Đã có
mưa phùn từ mây đen rơi xuống, những hạt mưa tí tách trên mặt đất, không biết
bao giờ sẽ đổ mưa lớn.
Tống Thế Nhân, năm xưa là đệ nhất trạng sư ở kinh đô, có biệt hiệu Phú
Chủy, nay tóc mai đã có sợi bạc bạc phơ, nét mặt không còn vẻ tiêu sái tùy tiện
như xưa, đang lẳng lặng ngắm trời, không biết suy tư điều gì.
Chốc lát sau, hắn hạ mắt xuống, ngồi vào ghế, thấy có phần mỏi mệt. Bên
cạnh đã sẵn trà nóng, hắn nhấm nháp vài ngụm rồi lấy khăn ấm đắp lên mí mắt,
bấy giờ mới cảm thấy tinh thần tỉnh táo hơn.
Có người sau lưng hắn xoa vai bóp chân và quạt gió. Nhưng trời thu năm
Khánh Lịch thứ chín đã se se lạnh, lại thêm cơn mưa sắp đến, khí trời kinh đô
ngập tràn u uất, đâu chịu nổi gió lạnh. Tống Thế Nhân khẽ rùng mình, vị mặc
quan phục màu đen bên cạnh liếc nhìn tên thuộc hạ cầm quạt một cái.
Quan viên Giám Sát viện kia chính là Mộc Thiết chủ quản Nhất Xử, hắn
thận trọng nhìn Tống Thế Nhân, hỏi: "Tống đại nhân, có chắc chắn không?"
Tuy Tống Thế Nhân đã nghe xưng hô này một năm rưỡi nhưng vẫn chưa
quen, cau mày đáp: "Đại nhân yên tâm."
Lần đầu vị trạng sư này chính thức xuất trận là năm Khánh Lịch thứ tư thay
nhà Quách Thượng thư kiện tụng, tố cáo con trai Thị lang Phạm Nhàn nửa đêm
đánh lén, đó cũng là một trong những vụ án thất bại hiếm hoi của Tống Thế
Nhân. Còn lần khiến cho tên tuổi của hắn vang dội khắp triều đình Khánh Quốc,
chính là nhờ vụ kiện tụng tranh chấp tài sản của Minh gia ở Giang Nam vào
năm thứ sáu Khánh Lịch.
Trong vụ án đó, nhờ hậu thuẫn mạnh mẽ từ Đề ti Giám Sát viện Phạm Nhàn,
Tống Thế Nhân đã ở phủ Tô Châu suốt nửa năm, vận dụng hết những gì đã học
được trong đời để biện luận thật sắc sảo, chỉ ra những sơ hở trong Khánh Luật
và quy chế của bộ Hình, lay chuyển định lý con trưởng đích tôn có quyền thừa
kế tự nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức người đời.
Vụ kiện tài sản Minh gia ở Giang Nam đó, thực chất là nhắm vào hoàng
cung ở kinh đô. Phải nói rằng, việc sau này Hoàng đế phế truất Thái tử, cùng
việc Thái tử bị ép phải mưu phản, có mối liên hệ mập mờ với vụ kiện tụng này.
Ở Giang Nam, Tống Thế Nhân vô cùng vẻ vang. Nhưng khi trở lại kinh đô,
lúc đó Thái tử chưa bị phế, Thái hậu nổi giận, bà lão ấy chỉ cần nhẹ nhàng ra
lệnh là vị thiên hạ đệ nhất trạng sư đã bị triều đình coi như giun dế, tài sản bị
tịch thu, bị khinh miệt, phải mở quán ở Hà Trì phường để kiếm sống qua ngày,
suýt nữa không qua khỏi.
May mắn thay, lúc đó Phạm Nhàn được triệu về kinh, bí mật đưa hắn rời
khỏi kinh đô, tặng cho một số tiền lớn để đền đáp công lao. Đến năm thứ tám
Khánh Lịch, khi mọi việc ổn định, Phạm Nhàn đón cả nhà Tống Thế Nhân trở
lại, sắm cho một trạch viện ở tây thành, đồng thời ban cho hắn một chức quan.
Mặc dù trạng sư đệ nhất thiên hạ rất có khả năng kiếm tiền, nhưng về thân
phận và địa vị vẫn kém xa so với quan lại. Tống Thế Nhân vô cùng biết ơn,
đồng thời ý thức được bản thân cần phải bán mạng cho Tiểu Phạm đại nhân.
Hơn nữa, qua những năm tháng gian khổ, Tống Thế Nhân đã không còn vẻ
khoe khoang ngày trước mà trở nên đĩnh đạc, chân thành, nhưng vẫn giữ được
bản lĩnh hành luật.
๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑

Bình Luận (0)
Comment