๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Một mùa xuân cách đó rất lâu về sau.
Trong thành Hàng Châu thơ mộng, một vị công tử trẻ tuổi cưỡi con ngựa Đại Thanh, phía sau là đoàn dài người hầu tôi tớ hộ vệ. Vị công tử này đi dọc theo bờ Tây Hồ phủ đầy dương liễu, thỉnh thoảng vén những cành liễu rủ xuống che khuất tầm mắt, nụ cười ẩn chứa trên khuôn mặt, không hề tỏ vẻ hời hợt làm dáng, ngược lại toát lên phong thái quý phái, thanh nhã và tự tại khó tả.
Trên mặt hồ thỉnh thoảng có thuyền buồm trôi qua, nhưng không thấy mỹ nhân nào vén tay áo đỏ tung bay như lời đồn đại. Một gã quản gia bên cạnh công tử hớn hở cất giọng cao vút cười nói: "Người ta bảo Tây Hồ nhiều mỹ nhân, sao chẳng thấy bóng dáng?"
Công tử trên lưng ngựa Đại Thanh nhíu mày, có lẽ cảm thấy lời nói của gã quản gia kia quá vô lễ. Một người cưỡi ngựa bên cạnh mang dáng vẻ cao thủ, lạnh lùng nói: "Bão Nguyệt lâu mở cửa khắp thiên hạ, nhưng hôm nay có người hằng ngày ra Tây Hồ câu cá, còn ai dám tới đây làm ăn nghề này?"
Lời này nghe có vẻ kỳ lạ, vừa mang chút hàn khí không nén nổi. Nam Khánh bây giờ vẫn là đại quốc đệ nhất thiên hạ, tuy Giám Sát viện kinh đô bị cải cách, chức Viện trưởng bị bãi bỏ, nhưng Hoàng đế giám sát chính sự gắt gao chưa từng thấy, nhờ ngân khố dồi dào, cũng học theo một bậc tiền nhân tăng lương bổng quan lại thêm nhiều, tuy khó trừ hết những việc bạo ngược ở thôn quê, nhưng ở nơi phong lưu như Hàng Châu, có ai dám chiếm trọn Tây Hồ như vậy?
Công tử trẻ trên lưng Đại Thanh nhíu mày , nhìn người dân lánh đường cho đoàn người, chú ý đến trang phục và sắc mặt họ, tâm trí đã bay đến nơi khác.
Mấy năm trước, Khánh Đế chinh phạt phương bắc, không ngờ lúc cuộc chiến sắp bùng nổ thì trong cung kinh đô xảy ra biến cố chấn động: Phản thần Phạm Nhàn xông vào cung hành thích Hoàng đế, bệ hạ băng hà, tin tức vừa lan truyền, thiên hạ chấn động, quốc gia rơi vào hỗn loạn, thiết kỵ Nam Khánh đã áp sát Nam Kinh phải vội vã rút lui, bỏ lỡ cơ hội chiếm lấy miếng mồi ngon lành đã sẵn trong miệng, dù vậy vẫn chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn của Bắc Tề.
Sau sự kiện đó, kế hoạch bắc phạt của Nam Khánh bị đình lại, nhưng sau khi tân đế dẹp loạn triều đình, trừng trị phe cánh cũ và củng cố lòng dân, việc bắc phạt vẫn chưa được đặt lên bàn cân nhắc, có vẻ như sẽ vĩnh viễn bị kéo dài như vậy.
Có điều, Bắc Tề cũng không vì Nam triều rối ren mà hạ thấp cảnh giác. Dưới sự trị vì tài tình của Hoàng đế Chiến gia, Bắc Tề hưng thịnh, quốc lực đang dần phục hồi sau cuộc chiến. Nếu tình trạng bế tắc này cứ kéo dài, Nam Khánh chinh phạt Bắc Tề lần nữa chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về vụ ám sát chấn động cả thiên hạ đó, tất cả những người biết chuyện, kể cả triều đình Nam Khánh, đều giữ im lặng như một. Họ chỉ nhanh chóng đóng cọc gỗ nhục nhã lên người Phạm Nhàn.
Về việc này, không ai hoài nghi. Dù sao, Hoàng đế hiện tại là con trai ruột của Tiên đế, mặc dù trước đây hắn và Phạm Nhàn từng có tình huynh đệ, nghĩa sư đồ, nhưng chắc chắn hắn không thể tha cho kẻ giết cha mình.
Điều khiến mọi người cảm thấy kỳ lạ là, tại sao triều đình Nam Khánh không liên kết việc này với người Bắc Tề hoặc Đông Di thành, nhân cơn thịnh nộ của cả quốc gia mà phất cờ tiến quân, trực tiếp tiến hành bắc phạt đến cùng; ngược lại, họ có ý định gạt Bắc Tề và Đông Di ra khỏi vụ án mạng này.
o O o
Không ai biết, công tử trẻ tuổi trên lưng ngựa Đại Thanh chính là Hoàng đế hiện tại của Nam Khánh. Tất nhiên cũng chẳng ai nhận ra, cao thủ đi cùng bên cạnh chính là cao thủ số một Nam Khánh hiện giờ, Phó sứ Khu Mật viện Diệp Hoàn.
Nếu người Bắc Tề hay tin, biết Hoàng đế Nam Khánh và Diệp Hoàn đồng thời xuất hiện ở Hàng Châu cách xa kinh đô, chỉ sợ sẽ phái vô số sát thủ tới thử vận may, bởi nếu Hoàng đế Nam Khánh và Diệp Hoàn cùng tử vong, hẳn nguyên khí Nam Khánh sẽ bị tổn thương nặng nề.
Hiện giờ, Hoàng đế Nam Khánh chính là Tam hoàng tử Lý Thừa Bình do Tiên đế và Nghi Quý phi sinh ra. Hôm nay hắn dám rời xa kinh đô đến Hàng Châu dạo chơi, tất nhiên không lo lắng vấn đề an nguy. Thứ nhất, Diệp Hoàn bên cạnh là một trong số ít cao thủ cửu phẩm hàng đầu thiên hạ; thứ hai, xung quanh hắn không biết ẩn núp bao nhiêu cao thủ cung đình; quan trọng nhất, ở khu vực Tây Hồ này, Lý Thừa Bình hoàn toàn tin tưởng không ai có thể hại được mình.
"Mười năm trước, chắc là năm Khánh Lịch thứ sáu, trẫm ở Giang Nam hết cả một năm." Lý Thừa Bình ngồi trên lưng ngựa Đại Thanh, ánh mắt nhìn mặt hồ Tây phẳng lặng dịu dàng, đôi mắt cũng trở nên dịu dàng theo, "Tuy ở Hoa Viên Tô Châu lâu hơn, nhưng cũng ở trạch viện ven Tây Hồ khá lâu. Nay nghĩ lại, đó quả là tháng ngày vô âu vô lo nhất đời trẫm."
"Bệ hạ gánh vác thiên hạ, đáp ứng kỳ vọng của vạn dân, tất nhiên không thể nhàn tản, vô âu vô lo như thời niên thiếu." Diệp Hoàn nói một câu không vui không buồn. Lúc này hai người đang dạo bên bờ liễu Tây Hồ, xung quanh toàn thị vệ cung đình, người qua đường đều tránh xa, nên quân thần nói chuyện không kiêng dè gì.
Lý Thừa Bình nghe Diệp Hoàn nói đầy khí phách và ám chỉ khuyên can, mỉm cười, không lộ vẻ khó chịu. Một là vì hắn tôn trọng lòng trung thành của Diệp Hoàn, hai là bởi xưa kia Diệp Hoàn từng là Thái phó võ đạo của hắn... Có điều, cho đến hôm nay, Lý Thừa Bình vẫn chỉ coi con người đã lâu không gặp kia là vị tiên sinh duy nhất.
Đoàn người chậm rãi men theo bờ liễu mỹ lệ của Tây Hồ, tiến về phía núi. Họ phá vỡ sự tĩnh lặng đã duy trì nhiều ngày của nơi đây, đến trước một căn nhà tường xám thanh nhã.