Liêu Trai Chí Dị Ii

Chương 234

Trong niên hiệu Thuận Trị (1644-1661) ở vùng Đằng, Dịch (tỉnh Sơn Đông) cứ mười người thì có sáu bảy làm cướp, quan không dám nã bắt. Về sau bọn chúng quy thuận, quan huyện biên tên riêng làm "hộ ăn cướp". Nếu chúng có tranh giành kiện tụng với dân thường, thì lại thiên vị xử cho chúng được, đại khái vì sợ chúng lại nổi dậy. Về sau những kẻ thưa kiện cứ nhận bừa là hộ ăn cướp, còn bên kia thì cứ ra sức cãi là mạo nhận. Bên nguyên bên bị ai cũng nhận mình là phải, còn quan thì chưa xét chuyện phải trái, trước hết cứ xét bên nào là hộ ăn cướp thật đã, thưa lên kiện xuống, đám nha lại lục lọi sổ sách hộ khẩu rất vất vả. Lúc ấy trong công thự có nhiều hồ, quan huyện có con gái bị hồ quấy phá, bèn đem lễ vật đón thuật sĩ tới, dùng bùa phép bắt được hồ bỏ vào vò, đặt lên lò lửa. Hồ ở trong vò kêu to "Ta là hộ ăn cướp đây", ai nghe chuyện cũng bật cười. 

Dị Sử thị nói: Nay có kẻ đốt nhà cướp của, quan lại không cho là ăn cướp mà cho là kẻ gian, còn có kẻ trèo tường gian dâm lại không tự nhận là kẻ gian mà nhận là ăn cướp, thì thế sự đã thay đổi nhiều rồi. Giả như nay trong dinh quan có hồ, thì ắt cũng kêu to rằng ta đúng là ăn cướp đây. 

Ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) từ thuế má dao dịch cho tới các khoản trưng thu thì dân thường phải chịu gấp mấy lần so với nhà thân hào. Cho nên những nhà có ruộng đều tranh nhau tới nhờ nhà thân hào đứng tên, tuy không hại gì tới thuế nước nhưng có chỗ tổn thất cho quan lại. Huyện lệnh Chung xin trừ mối tệ ấy, được quan trên ưng thuận. Lúc đầu sai tự thú, kế những dân gian trá lấy đó làm bậy, ruộng đất bán đi đã vài mươi năm cũng nói là nhờ đứng tên để kiện lại người mua. Huyện lệnh đều thiên vị họ, nên những dân lương thiện hiền lành nhiều người bị mất cơ nghiệp. Có Lý sinh bị Mỗ Giáp kiện, cùng lên đối chất, Giáp gọi Lý là Tú tài, Lý lớn tiếng tranh cãi nói mình không phải là Tú tài, ầm ĩ không ngớt. Huyện lệnh hỏi tả hữu, đều nói là Tú tài thật. Quan hỏi tại sao không nhận, Lý nói "Tú tài thì cao quý, nhưng cứ chờ tranh giành đất đai xong sẽ làm cũng chưa muộn". Ôi, danh hiệu ăn cướp thì tranh nhau mà nhận, danh hiệu Tú tài thì tranh nhau mà chối, chuyện đổi đời mới kỳ lạ làm sao. Có người dâng đơn nặc danh kiện về việc làm trái pháp luật thôn tính tài sản, nói "Tuổi già không thể làm lụng đóng thuế, nên có năm mươi mẫu ruộng gần thành, vào năm Lỗ ân công thứ 1 (722 trước công nguyên) tạm nhờ thân hào gian ác là Nhan Uyên đúng tên. Nay lệnh quan nghiêm khắc, theo lẽ phải tự thú. Nhưng tên thân hào gian ác ấy không chịu trả, tới nói lý lẽ thì bị thầy y dắt đồng đảng bảy mươi hai người mang gậy gộc xúm vào đánh đập túi bụi, gãy cả tay chân, lại lôi vào nhốt trong căn nhà dột, mỗi ngày mang cho một giỏ cơm một bầu nước, suýt nữa thì chết đói, có làng xóm làm chứng. Vậy cúi xin nghiêm khắc tra xét, trả lại điền sản mồ hôi nước mắt cho. Nay tố cáo", quả thật có thể nói là theo Liễu Chích mà kiện Di Tề*. 

*Có người dâng đơn. Di Tề: Khổng Tử gia ngữ nói Nhan Uyên, một học trò giỏi của Khổng Tử có năm mươi mẫu ruộng gần thành, Luận ngữ nói Nhan Uyên là người hiền, ở nhà dột, một giỏ cơm một bầu nước vẫn vui với đạo. Lá đơn kiện nói trên là trào phúng để châm chọc, như nói thầy của Nhan Uyên dắt bảy mươi hai đồng đảng ra đánh mình là nhân chuyện “Khổng môn thất thập nhị hiền" mà bịa ra. Chuyện Liễu Chích kiện Di Tề cũng tương tự. Kiên biều tập chép đời Minh Mục tông Hải Đoan làm Tuần phủ Trực Lệ, có ý đè nén các nhà giàu nên phong khí dân gian điêu ngoa gian trá, có người dâng đơn kiện nặc danh tố cáo Liễu Hạ Huệ và Đạo Chích cậy thế cướp ruộng của dân, hai con vua Cô Trúc là Bá Di Thúc Tề cậy thế cha đào mộ của dân bị kiện, đút lót cho cận thần của vua là Lỗ Trọng Liên để ỉm chuyện đi vân vân (Liễu Hạ Huệ là cao sĩ nước Tề thời Chiến quốc, Đạo Chích tương truyền là tên cướp nổi tiếng thời thượng cổ. Bá Di Thúc Tề người cuối thời Thương, lúc Vũ vương nhà Chu đánh vua Trụ nhà ân, hai người đón dường can ngăn không được bèn thề "không ăn thóc nhà Chu, lên núi Thú Dương hái rau vi ăn, cuối cùng chết đói. Lỗ Trọng Liên là ẩn sĩ nước Tề thời Chiến quốc).
Bình Luận (0)
Comment