Liêu Trai Chí Dị Ii

Chương 235

Lúc còn nhỏ có lần ta lên tỉnh chơi đúng vào dịp tiết Lập xuân. Theo lệ cũ thì trước đó một hôm, các nhà buôn bán trên phố đều kết kiệu hoa trỗi đàn sáo đưa đám rước tới tỉnh đường, gọi là "diễn xuân". Ta cùng bạn bè kéo nhau đi xem, hôm ấy người đông nghẹt, trên sảnh đường có bốn ông quan mặc áo đỏ ngồi đối diện nhau theo hướng đông tây. Lúc ấy ta còn là trẻ con, chẳng biết là những quan gì, chỉ nghe tiếng cười nói ồn ào, trống chiêng ầm ĩ. Chợt có một người dắt đứa trẻ con xỏa tóc, vác hòm lên thềm, như muốn thưa bẩm. Đang khi ồn ào ầm ĩ, cũng chẳng nghe là thưa gởi những gì, chỉ thấy trên thềm cười rộ. Kế có người lính hầu bước ra lớn tiếng sai diễn trò, người ấy vâng lệnh bắt đầu, hỏi diễn trò gì. Các quan nói với nhau vài câu, rồi người lính hầu lớn tiếng hỏi giỏi trò gì, người ấy đáp giỏi trò đánh tráo vật sống. Người lính hầu vào bẩm quan một lúc, lại trở ra sai diễn trò hái đào. Người diễn trò vâng dạ, cởi áo phủ lên cái hòm, làm ra bộ oán thán nói "Bậc quan trưởng thật chẳng nghĩ cho, băng chưa tan trời còn lạnh, lấy đâu ra đào? Không hái thì sợ quan giận, làm thế nào được?". Đứa con nói "Cha đã hứa, sao lại chối từ”. Người diễn trò ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói "Ta nghĩ kỹ rồi, đầu mùa xuân tuyết chưa tan, tìm đâu ra đào ở cõi trần. Chỉ vườn của Tây Vương mẫu bốn mùa cây cỏ đều xanh tươi, may ra thì có, phải lên trời ăn trộm thôi”. Đứa con nói "Ô, trời mà lên được à?”, đáp "Có cách đây". Bèn mở hòm lấy ra một cuộn dây dài vài mươi trượng thắt thòng lọng một đầu rồi ném lên không, sợi dây lơ lửng trên không rủ xuống như mắc vào vật gì vậy. 

Không bao lâu càng ném càng cao, sợi dây cứ vào dần trong mây ra, khi cuộn dây trong tay đã hết bèn gọi đứa con nói “Con ơi lại đây! Cha già yếu, nặng nề lóng ngóng không leo được, ngươi đi một chuyến!", rồi đưa đầu sợi dây cho đứa con nói "Cứ bám vào mà leo lên". Thằng con cầm dây ra vẻ khó khăn, oán trách “Ông già thật là lẩm cẩm, một sợi dây thế này mà bảo ta bám vào leo lên trời cao muôn trượng, giả như nửa chừng dây đứt, còn gì là xương ta?". Người cha lại thúc ép, nói "Cha đã lỡ miệng hứa rồi, hối cũng không kịp. Con ráng đi một chuyến, đừng ngại khó nhọc, nếu ăn trộm được đào, ắt sẽ được thưởng hàng trăm đồng tiền vàng, cha sẽ cưới cho một con vợ đẹp". Đứa con bèn nắm sợi dây leo lên, tay kéo chân quặp, như con nhện leo tơ, dần dần vào trong mây không thấy đâu nữa. Hồi lâu có một trái đào to bằng cái bát rơi xuống, người diễn trò mừng rỡ nhặt lấy đem dâng lên, các quan trên sảnh đường chuyền tay nhau xem hồi lâu, cũng không biết là giả hay thật. Chợt sợi dây rơi xuống đất, người diễn trò hoảng sợ nói "Chết rồi! Trên trời có người cắt sợi dây của ta, thằng nhỏ biết bám vào đâu?". Giây lát có một vật rơi xuống, nhìn ra là cái đầu của đứa con, người diễn trò ôm lên khóc nói "Đây ắt là nó trộm đào bị người canh bắt được, con ta thế là chết rồi!". Giây lát lại một cái chân rơi xuống không thiếu chút gì. Người diễn trò hết sức bi thương, nhặt tất cả cho vào cái hòm đậy lại, nói "Già này chỉ có một đứa con hàng ngày cùng nhau lên bắc xuống nam, nay vâng nghiêm lệnh, không ngờ chuốc phải tai họa thảm lạ đến như thế, phải mang đi chôn thôi". Rồi lên sảnh đường quỳ xuống nói "Vì chuyện hái đào mà con ta chết rồi? Nếu các quan thương giúp tiền tho tiểu nhân chôn cất nó, sẽ xin kết cỏ ngậm vành để đền ơn". Mọi người ngồi xem kinh sợ, ai cũng cho tiền. Người diễn trò nhận lấy giắt vào lưng, rồi gõ vào cái hòm kêu "Bát Bát ơi, còn chờ gì mà không ra cám ơn?". Chợt một đứa trẻ tóc tai bù xù đầu đội nắp hòm chui ra khom người cúi đầu bái tạ, thì ra là đứa con. Ta lấy làm lạ về thuật ấy nên đến nay vẫn còn nhớ. Về sau nghe nói Bạch Liên giáo có thể làm được thuật ấy, có lẽ ngườỉ diễn trò là dòng dõi của họ chăng? 
Bình Luận (0)
Comment