Lục Tổng, Xin Nhận Lấy Cẩm Nang Yêu Đương

Chương 87

Vào giữa tháng tám, ngân hàng RS nhận lời mời của chính phủ đến khu vực GZ để khảo sát, nhằm thúc đẩy giải quyết những vấn đề thực tế như việc thiếu hụt dịch vụ tài chính tại đây.

Nhiệm vụ của ngân hàng RS là tuyên truyền và phổ biến khái niệm tài chính.

Nghe nói đây là vùng núi hẻo lánh và không có khoản hoa hồng nào nên chẳng ai trong bộ phận kinh doanh muốn đi.

Ban đầu Cao Hạnh Hạnh cũng không định đi. Lúc ăn trưa cô tình cờ lướt thấy một tin tức: là lễ cưới của Lý Hàng và cô Lâm tiểu thư kia.

Sau lễ cưới, hai người – một người mặc vest, một người mặc váy cưới – đứng chụp hình và trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Cao Hạnh Hạnh úp điện thoại xuống bàn ăn trong căn-tin, trong lòng cảm thấy vô cùng khó chịu.

Tháng trước, khi biết Lý Hàng đính hôn với cô Lâm kia, cô thật sự vẫn chưa tin rằng đó sẽ là kết thúc.

Thế giới này bỗng nhiên trở nên tệ hơn.

Ăn xong, Cao Hạnh Hạnh liền tìm lãnh đạo bộ phận, nói rằng cô muốn tham gia chuyến khảo sát lần này.

Quả thật, thiên nhiên có thể mở rộng lòng người.

Cô kéo cửa sổ xe buýt, nhìn ngắm dãy núi xanh biếc trải dài trùng điệp, cảm thấy hít thở cũng dễ chịu hơn.

Sau khi hoàn thành hoạt động ở một vài thị trấn mang đậm bản sắc dân tộc, đoàn người khoác ba lô lên vai, tiếp tục đến điểm dừng cuối cùng.

Là một ngôi làng sâu hơn nữa trong vùng núi.

Cao Hạnh Hạnh không ngờ là nơi này vẫn chưa có đường xe chạy.

Thể lực của cô vốn không tốt, nhanh chóng bị tụt lại phía sau.

May thay, đi cùng còn có nữ phóng viên Chu San và một chàng trai trẻ tên Tả Trấn mới thi đậu vào Văn phòng xóa đói giảm nghèo, cả hai người đều quan tâm chăm sóc cô.

Ba người bị tụt lại một đoạn khá xa, đến được làng thì trời đã tối mịt.

Trưởng thôn ra tiếp đón họ, ăn cơm tối đơn giản xong, ông sắp xếp cho nam sinh ở Ủy ban thôn, còn Chu San và Cao Hạnh Hạnh được bố trí ở nhà một hộ dân.

Trưởng thôn cầm đèn pin đi trước dẫn đường, nói bằng tiếng phổ thông không mấy chuẩn:
“Nhà bà Dung chỉ có bà ấy và hai đứa cháu gái. Con trai và con dâu bà ấy mấy năm trước ra ngoài làm công gặp tai nạn giao thông rồi không về nữa. Bà Dung là người đáng thương. Nhà cũ của bà ấy không ở được nữa, năm ngoái ủy ban thôn trích tiền xây cho họ một căn nhà cấp bốn mới. Tuy không thể so với nhà thành phố nhưng các cô cần gì cứ bảo tôi.”

Chu San và Cao Hạnh Hạnh chỉ đáp lại vài câu đơn giản, nói không sao đâu.

Cả hai đều tập trung nhìn xuống chân vì đường lầy lội, nếu không cẩn thận sẽ bị trượt ngã đầy bùn.

Trưởng thôn ngoái đầu lại nói:
“Đường chính vốn được đổ bê tông nhưng những đường khác thì chưa, lâu dần thành ra thế này. Bây giờ lại đang mùa mưa. Đợi sang năm khi những con đường khác được đổ bê tông xong sẽ tốt hơn nhiều. Các cô đi phía trước, tôi soi đường cho.”

“Vâng, cảm ơn bác.”

“Phải là chúng tôi cảm ơn các cô mới đúng. Bây giờ được thế này là điều trước kia chúng tôi không dám mơ tới.”

Cao Hạnh Hạnh không thể tưởng tượng ra trước đây ngôi làng này đã từng như thế nào.

Trưởng thôn vừa soi đèn trong màn đêm, vừa nói giọng trầm ấm giữa tiếng côn trùng râm ran:
“Làng chúng tôi ngày càng tốt hơn rồi.”

Bà Dung và hai cháu gái đã đứng chờ sẵn trước căn nhà cấp bốn.

Bà cụ dáng người nhỏ, lưng gù, đầu đội món đồ trang trí tóc đặc trưng của dân tộc nơi đây.

Một bé gái khoảng hơn mười tuổi, bé còn lại trông chưa đến mười tuổi.

Cao Hạnh Hạnh nhớ lời trưởng thôn: trong nhà này chỉ còn ba người đó.

Cô và Chu San ở chung một phòng, trong phòng chỉ có một chiếc giường và một cái bàn gỗ vuông cao cũ kỹ.

Trên nền nhà còn dấu vết đã được quét dọn, trên giường có hai tấm chăn được xếp gọn, ga trải giường giặt đến bạc màu, nhưng rõ ràng căn phòng được dọn dẹp rất kỹ lưỡng.

Cả hai không nghe rõ giọng nói của bà Dung, chỉ gật đầu vài câu xã giao rồi thở dài nhìn nhau.

Đóng cửa lại, họ lấy đồ vệ sinh cá nhân trong balo ra để lên bàn.

Chu San cầm máy ảnh nhỏ của mình, xem lại từng tấm ảnh chụp ban ngày, gặp tấm nào đẹp lại đưa cho Cao Hạnh Hạnh xem.

Quả thực nơi này rất đẹp, một vẻ đẹp hùng vĩ và yên bình, xa rời bụi trần.

Nhưng giao thông quá khó khăn, lại quá nghèo.

Điện thoại Chu San đột nhiên đổ chuông, cô bật loa ngoài rồi đặt lên bàn, giọng có chút kiêu ngạo:
“Gì vậy?”

Cao Hạnh Hạnh nhìn thấy màn hình hiện: “Luật sư Lăng”.

Một giọng nam trầm ấm vang lên:
“Bên em mọi việc thuận lợi chứ?”

Chu San:
“Rất thuận lợi, ăn ngon ngủ ngon, anh quan tâm em làm gì?”

Người đàn ông khẽ cười:
“Anh thấy bên em mấy hôm nay trời mưa, nhớ chú ý an toàn.”

“Đại luật sư Lăng, anh rảnh lắm sao? Sao cứ nghĩ em sẽ gặp nguy hiểm thế?”Giọng Chu San lười biếng: “Em chết rồi, tài sản của em chẳng phải đều là của anh sao? Vui còn không kịp!”

“Kiến thức pháp luật càng ngày càng vững vàng, giỏi lắm! Nhưng mà, San San, tài sản của em khó có ai thèm muốn lắm.”

Chu San hơi sững lại, bực bội tắt máy.

Cô mất hứng, cất máy ảnh đi:
“Đi chết đi!”

Thấy ánh mắt Cao Hạnh Hạnh, Chu San ngại ngùng cười:
“Chị Hạnh Hạnh, em không nói chị đâu, em chửi cái người vừa gọi điện ấy, đi chết đi.”

Cao Hạnh Hạnh thầm nghĩ, mình đâu có nhận là bị chửi.

Chu San:
“Quan hệ hôn nhân mà, em chết rồi, tài sản chẳng phải đều là của anh ấy sao.”

“Hôn nhân? Em kết hôn rồi á?”

Chu San lúc giới thiệu bảo mới 23 tuổi mà?

Kết hôn rồi?

“Ừ, cái người máu lạnh vô tình đó chính là chồng em trên pháp luật.”

“Trẻ vậy mà đã kết hôn rồi.”

“Nói ra thì dài lắm.” Chu San ghé lại gần: “Chị Hạnh Hạnh, chị xinh đẹp thế này, đã kết hôn chưa?”

“Chưa.”

“Vậy chị có bạn trai chưa?”

Cao Hạnh Hạnh gật đầu:
“Ừ, có rồi.”

“Đúng vậy, chị đẹp thế này, cũng nên vui chơi với tình cảm.”

Cao Hạnh Hạnh: “…”

Sáng hôm sau Cao Hạnh Hạnh bị tiếng mưa đánh thức.

Cơn mưa như trút từ trên núi kèm theo sấm chớp đì đùng, như thể đang ở rạp chiếu phim bốn chiều.

Nhìn qua cửa sổ, trời u ám một màu.

Không ngủ lại được, cô lấy điện thoại ra chơi, thấy trong nhóm thông báo rằng vì mưa lớn nên mọi thứ đều hoãn lại.

Tín hiệu ở đây rất yếu, mở một trang web mà chờ mãi không xong.

Thấy Chu San vẫn có thể ngủ ngon trong tiếng mưa như vậy, cô thật sự rất ghen tị.

Đến gần trưa mưa mới ngớt, nắng xuyên qua cửa sổ, chiếu lên người thật ấm áp.

Cao Hạnh Hạnh đánh thức Chu San dậy, rửa mặt qua loa rồi chuẩn bị đi tập hợp ở Ủy ban thôn.

Ngoài cửa, đôi giày thể thao dính đầy bùn hôm qua đã được lau sạch, bên cạnh còn có hai đôi ủng cao su dài.

Cháu gái lớn của bà Dung nói bằng tiếng phổ thông rất chuẩn:
“Chị ơi, mưa to vậy, hai chị nên mang ủng đi.”

Ủng chống trơn trượt nhưng khá cứng, khiến hai bên chân đau rát.

Buổi chiều họ giăng băng rôn đơn giản, đặt bàn gỗ, sau khi Cao Hạnh Hạnh trình bày xong bài thuyết trình thì trốn dưới bóng cây lớn.

Cô thấy trong làng ngoài người già và trẻ em thì không còn ai trẻ tuổi.

Cảm thấy bài thuyết trình trên tay mình thật vô dụng.

Chiều tối ăn cơm ở Ủy ban thôn xong, hai người quay lại nhà bà Dung.

Chu San lại cãi nhau vài câu với chồng qua điện thoại rồi đi ngủ sớm.

Cao Hạnh Hạnh không ngủ được, ra ngồi trên tảng đá bên bể nước ngắm sao.

Trời đêm trên núi, trăng như con thuyền nhỏ trôi trên biển sao lấp lánh.

Cảnh tượng có thể sánh ngang chỉ có sao trời trên núi Rainier.

Nỗi nhớ ùa về bất ngờ.

“Chị ơi, chị chưa ngủ à?”

Cô quay lại, thấy cô cháu nhỏ của bà Dung, tên là Tinh Tinh.

“Sao em chưa ngủ?”

“Em không ngủ được.” Tinh Tinh ngồi xuống: “Chị ơi, em hỏi chị cái này được không?”

“Đương nhiên được rồi.” Cao Hạnh Hạnh nắm lấy bàn tay nhỏ của cô bé – thật khó tin đôi tay chai sạm này lại thuộc về một đứa trẻ chưa tới mười tuổi.

Tinh Tinh mắt sáng long lanh:
“Đại học Ngọc Hòa… xa lắm hả chị?”

Cao Hạnh Hạnh không biết trả lời sao.

Trong nước rộng lớn, thế giới cũng rộng lớn, so ra thì Ngọc Hòa đâu có xa?

Nhưng từ đây đến đó lại là cả một chặng đường dài.

“Em hỏi để làm gì?”

“Chị em đậu vào đại học Ngọc Hòa.”

“Thật sao? Doanh Doanh giỏi vậy á?” Cô vỗ tay Tinh Tinh: “Thật ra cũng không xa lắm đâu.”

“Nhưng chị ấy nói không đi, xa quá.”

Cô há miệng, không biết nói gì.

Cô có thể đoán được lý do Doanh Doanh không đi học, nhưng chẳng thể giải thích với Tinh Tinh.

“Em muốn chị em đi học không?”

Tinh Tinh lắc đầu:
“Không muốn.”

“Tại sao?” Cô hơi ngạc nhiên.

“Vì như thế, em sẽ lâu lắm không gặp lại chị ấy.” Tinh Tinh chu môi: “Nhưng chị nói sẽ không đi, bà nội còn khóc nữa.”

Cô cảm thấy nghẹn lòng và bất lực.

Sau khi Tinh Tinh đi chỉ còn tiếng côn trùng quanh quẩn.

Cao Hạnh Hạnh ngẩng đầu, đột nhiên cảm thấy mỗi con người trong thế giới này đều nhỏ bé.

Cô bỗng nhớ tới một câu nói:

Thế gian vạn vật ai cũng có nỗi khổ riêng. Yêu mà không được, tính là gì chứ?

Nỗi khổ của ba bà cháu này chính là, khi người đang độ tuổi lao động ra đi, để lại một già một trẻ không người chăm sóc.

Cô lấy điện thoại nhắn WeChat cho Tả Trấn, hỏi xem với trường hợp như của Doanh Doanh thì chính phủ có chính sách gì không.

Tả Trấn trả lời rất nhanh, nói rằng Ủy ban thôn có thể giúp chăm sóc gia đình bà Dung.

Lòng cô chợt ấm lại.

Trên đời này luôn có người đang cố gắng giải quyết những nỗi khổ ấy.

Cô đi tìm Doanh Doanh, kể đơn giản lại lời Tả Trấn.

Doanh Doanh cúi đầu hồi lâu mới ngẩng lên.

Mặt bị rám nắng, đôi mắt lại trong veo.

“Em nghĩ rồi, dù có người giúp chăm bà và Tinh Tinh thì đi học đại học cũng tốn nhiều tiền. Em ở lại chăm bà, cố gắng tiết kiệm, đợi Tinh Tinh đậu đại học thì sẽ không phải như em bây giờ.”

“Nhưng đây là cả cuộc đời em.” Cao Hạnh Hạnh khuyên: “Học phí thì có chính sách, có thể xin học bổng, còn sinh hoạt phí cũng có trợ cấp, rồi…”

Cô vỗ ngực:
“Chị cũng có thể tài trợ một phần cho em.”

“Em không cần sự thương hại.” Doanh Doanh cúi đầu, giọng khàn.

Cô không hiểu vì sao Doanh Doanh lại như vậy.

Lại thêm một đêm mưa lớn, trưa hôm sau trời mới hửng.

Cô đến Ủy ban thôn, hỏi trưởng thôn về tình hình của Doanh Doanh.

Ông rất bận do đang giải quyết hậu quả do mưa lớn.

Ông nói qua loa rằng nhà Doanh Doanh đã nhận trợ giúp, một số dân làng thấy không công bằng nên chỉ trích.

Trưởng thôn lau mồ hôi:
“Tôi luôn nghĩ, nếu thế hệ như Doanh Doanh được học hành đàng hoàng thì làng mình sẽ khá lên. Cô đừng lo quá, tôi sẽ tiếp tục thuyết phục.”

Trên đường về nhà bà Dung, cô rối bời.

Cách nhà chưa đến mười mét, cô thấy Doanh Doanh đang giặt đồ bên giếng.

Cô chạy đến, cởi ủng, định rửa.

Doanh Doanh liếc nhìn:
“Cứ để đấy, lát nữa em giặt cho.”

“Doanh Doanh, chị còn không đậu đại học Ngọc Hòa nữa kìa.” Câu này thật kỳ cục.

Doanh Doanh khựng tay, ngẩng đầu nhìn.

Cao Hạnh Hạnh nhún vai: “Chị làm ở ngân hàng đấy! Em biết về đầu tư không?”

“?”

Cao Hạnh Hạnh khẽ ngẩng mắt lên: “Đầu tư, nói đơn giản chính là đôi bên cùng có lợi. Để chị lấy ví dụ nhé, mỗi tháng một ngàn tệ, một năm là mười hai ngàn, bốn năm là bốn mươi tám ngàn, tính theo mức lãi suất cao nhất của ngân hàng bọn chị thì năm năm cộng lại tiền lãi cũng chưa đến năm ngàn!”

Cô xòe tay, nói cường điệu:
“Chỉ có năm ngàn thôi! Nếu chị mua quỹ đầu tư hay gì đó còn tiềm ẩn rủi ro nữa, xui xẻo một cái là trắng tay luôn, em biết không?”

Doanh Doanh cúi đầu tiếp tục giặt: “Ồ.”

Cao Hạnh Hạnh ôm đầu gối, dịch mông lại gần hơn một chút: “Nhưng tôi đột nhiên chị phát hiện ra một khoản đầu tư rất có tiềm năng”.

“Gì vậy?”

“Đầu tư vào em á! Em đậu đại học Ngọc Hòa cơ mà, chắc chắn kiếm được nhiều tiền.”

Doanh Doanh: “…”

“Tất nhiên, lãi suất chị tính còn cao hơn ngân hàng.”

“Cao… bao nhiêu?”

“Ít nhất…” Cô lại xòe tay: “Thêm năm trăm.”

Doanh Doanh cười nhẹ, tiếp tục giặt:
“Sắp mưa rồi, chị vào nhà đi.”

“Chị chỉ muốn lời thêm năm trăm thôi mà.”

“Đừng đùa nữa.”

Cô nghiêm mặt:
“Em thấy không trả nổi à? Hay năm trăm quá nhiều?”

Cô còn định nói thêm thì mưa lớn ào xuống.

Trời nhanh chóng tối sầm.

Thì ra, gió trong núi cũng biết rít gào.

Cả hai vội vàng chạy vào nhà. Cô nhìn Doanh Doanh:
“Chị đi thay đồ nhé, còn việc đầu tư, em cứ suy nghĩ nha.”

Cơn mưa này kéo dài mãi không dứt, phá hỏng toàn bộ kế hoạch của nhóm họ.

Đến hơn bốn giờ sáng mưa mới nhỏ lại.

Tả Trấn gọi điện, báo là đê thượng nguồn bị sập, hai tiếng nữa nước lũ sẽ tràn xuống, có thể làm tắc đường vào làng, Ủy ban đang đi xử lý, áo mưa không đủ nên nhờ họ mang áo mưa dự phòng tới.

Cao Hạnh Hạnh và Chu San mang theo nhiều áo mưa dùng một lần, vội vã mang đi.

Bình Luận (0)
Comment