Thế là trưởng tỷ bị cha và huynh trưởng chôn cất bên cạnh trang viên ở quê nhà.
Vừa đúng bên bờ con sông nhỏ mà tỷ ấy từng nghiên cứu phương lược trị thủy.
Ta luôn cảm thấy nếu trưởng tỷ có linh thiêng, ắt hẳn sẽ rất hài lòng với nơi an nghỉ này.
Nếu nói có gì chưa trọn vẹn, thì chính là việc huynh trưởng khăng khăng không cho phép tiết lộ tên của trưởng tỷ. "Chưa xuất giá mà c.h.ế.t yểu, vốn đã khiến người ta bàn tán, vì thanh danh của Lý gia, tốt nhất là đừng khắc tên húy lên bia mộ."
Huynh trưởng nói với cha.
Vì vậy, hai chữ "Lý Lăng" vốn có trên bia mộ của trưởng tỷ, đã bị đổi thành bốn chữ "Trưởng nữ Lý gia".
Lúc sinh thời tỷ ấy có tất cả mọi thứ.
Nhưng sau khi chết, ngay cả cái tên cũng không thể lưu lại trên thế gian này.
Nhị tỷ nhìn người làm đang vun đất lên mộ, vẻ mặt kinh hoàng, bàn tay nắm lấy tay ta bỗng chốc lạnh ngắt.
Nàng khẽ dặn dò ta: "Tam muội, nếu ta cũng có ngày này... nhờ muội thêu hai chữ "Lý Thược" lên túi thơm, rồi lặng lẽ đặt vào quan tài của ta. Ta không muốn giống như trưởng tỷ, đến cả cái tên cũng không còn."
Lý Thược là tên húy của nhị tỷ.
Ta sởn gai ốc vì ý nghĩa chẳng lành trong lời nói của nhị tỷ.
Nhưng dù ta có hỏi han hay an ủi thế nào, nhị tỷ cũng chỉ im lặng.
Cha và huynh trưởng bàn bạc một chút, cho rằng việc kết thông gia giữa Lý gia và phủ Xương Bình Hầu nên tiếp tục.
Bèn gửi thư đến phủ Xương Bình Hầu, hỏi ý về việc gả nhị tỷ thay trưởng tỷ.
Xương Bình Hầu nhanh chóng hồi âm, nói rằng hôn sự vẫn giữ nguyên như cũ.
Mối quan hệ thông gia này coi như được giữ lại, chẳng qua chỉ là thay đổi người xuất giá từ trưởng tỷ thành nhị tỷ mà thôi.
Điều này không ảnh hưởng đến việc Lý gia củng cố thế lực trên triều đình.
Cha và huynh trưởng đều thở phào nhẹ nhõm.
Còn về ý nguyện của nhị tỷ... Ngoài ta ra, người cùng cảnh ngộ với nhị tỷ, thì trên dưới Lý gia chẳng ai quan tâm.
Quyết định của nam nhân và sự trao đổi lợi ích, không phải là thứ mà hai nữ nhi yếu đuối như ta và nhị tỷ có thể nghi ngờ hay phản kháng.
Nhị tỷ bề ngoài tỏ ra như không có chuyện gì thêu hỷ phục.
Nhưng nước mắt cuối cùng vẫn cứ lăn dài trên má, nhỏ xuống bông hoa mẫu đơn đỏ rực đến chói mắt trên áo cưới, loang ra thành một vệt nước tròn vo.
Ta biết tâm sự của nhị tỷ.
Lý gia là gia tộc thanh quý bậc nhất kinh thành.
Mỗi dịp tết Thượng Nguyên và tết Hàn Thực, thiệp mời trưởng tỷ, nhị tỷ và ta tham gia các buổi tụ họp tao nhã chất đầy cả bàn trà.
Nhị tỷ tính tình trầm lặng, vốn không thích những nơi như vậy, nên phần lớn thiệp mời đều bị tỷ ấy tùy tiện bỏ qua một bên.
Ngoại trừ thiệp của vị tiểu thư họ Khương kia.
Trưởng tỷ Lý Lăng khi còn sống, đã từng chắc chắn nói với ta rằng: "Nhị muội thích vị tiểu thư họ Khương kia."
Ta không hiểu "thích" là gì.
Ta chỉ biết, mỗi khi nhị tỷ gặp vị tiểu thư họ Khương tính tình thẳng thắn kia, ánh mắt tỷ ấy như muốn tràn ra mật ngọt.
Giọng nói cũng không còn ôn hòa như mọi khi, mà ngọt ngào đến mức sến sẩm.
Vị tiểu thư họ Khương kia hình như cũng rất thích nhị tỷ.
Bởi vì ánh mắt nàng ấy nhìn nhị tỷ, và ánh mắt nhị tỷ nhìn nàng ấy, đều nồng nàn tha thiết như nhau.
Nhưng sau khi trưởng tỷ mất, hôn ước với thế tử phủ Xương Bình Hầu lại rơi vào tay nhị tỷ.
Cha và huynh trưởng vì muốn chắc chắn mọi việc, đã phái hầu như tất cả các nhũ mẫu khỏe mạnh trong phủ đến canh gác gần lầu thêu của nhị tỷ.
Tất cả thiệp mời của tiểu thư họ Khương gửi đến, đều bị chặn lại ngoài lầu thêu.
Trong nửa năm nhị tỷ chờ gả, câu nói mà các nhũ mẫu nói với tỷ ấy nhiều nhất chính là: "Tiểu thư, phải giữ quy củ."
Quy củ là gì?
Là "ở nhà thì theo cha, xuất giá thì theo phu quân, phu quân c.h.ế.t thì theo con trai".
Ba câu này, thật sự là vũ khí lợi hại nhất trên đời.
Ta nghĩ.
Nhưng mà, nhưng mà, những quy củ này, tại sao chỉ có nữ nhi phải tuân theo?
Ta lại nghĩ.
Trước khi ta kịp hiểu rõ những vấn đề này, ngày cưới đã đến gần.
Của hồi môn được sắm sửa từng món một, rồi như nước chảy đưa vào lầu thêu.
Nhị tỷ bất lực phản kháng, bắt đầu dần dần héo mòn.
Ban đầu là tinh thần suy sụp, tâm trạng uể oải, cuối cùng là đổ bệnh nằm liệt giường, không ăn uống gì.
Ta không thể làm gì thực sự giúp nhị tỷ, chỉ đành ngày ngày xuống bếp, nấu chút canh dễ tiêu, mong tỷ ấy ăn được nhiều một chút.
Nhị tỷ thỉnh thoảng cũng ăn một ít, nhưng phần lớn thời gian, tỷ ấy đều bảo ta mang ra ngoài chia cho nha hoàn.
Người trên giường gầy gò như một cây mai ốm yếu trong gió rét, chỉ có ánh mắt kiên quyết nhìn ra ngoài cửa sổ lầu thêu.