Martin Eden

Chương 10

Tối hôm đã gã ở lại ăn, và Ruth rất hài lòng thấy gã đã gây được một ấn tượng tốt đối với cha nàng. Họ nói chuyện về nghề đi biển, một đề tài mà Martin biết rõ như mười ngón tay của mình, và sau đó ông Morse nhận xét rằng gã có vẻ là một thanh niên có đầu óc rất sáng suốt. Để tránh dùng tiếng lóng và để tìm những từ chính xác, Martin bắt buộc phải nói chậm, điều đó khiến gã có thể tìm được những ý nghĩ hay nhất trong óc. Gã thấy thoải mái hơn cái đêm đầu đến ăn ở đây, gần một năm trước. Sự rụt rè và khiêm tốn của gã cũng gây được thiện cảm đối với bà Morse. Bà rất thích thấy gã chuyển biến rõ rệt.

"Nó là người đàn ông đầu tiên được Ruth để ý đến đấy," bà nói với chồng. "Đối với những chuyện đàn ông, sao con này nó chậm chạp quái lạ thế, khiến tôi lấy làm lo lắm."

Ông Morse nhìn vợ dò hỏi:

"Thế mình định dùng cái anh chàng thủy thủ trẻ tuổi này để đánh thức nó hay sao?"

"Ý tôi không muốn để cho nó phải chết già là một bà cô không chồng. Nếu anh chàng Eden trẻ tuổi kia có thể thức tỉnh được sự quan tâm của nó đối với đàn ông nói chung, thì cũng tốt chứ sao!"

"Tốt lắm." Ông Morse nói. "Nhưng giả dụ - mà đôi khi mình ạ, ta cần phải giả dụ - giả dụ nó lại thức tỉnh sự quan tâm của con Ruth một cách quá đặc biệt đến nó thì sao?"

"Không thể có chuyện như vậy được," bà Morse cười, "nó hơn thằng kia những ba tuổi, vả lại không thể có chuyện như vậy được. Không đời nào có thể xảy ra được. Mình cứ để mặc việc này cho tôi."

Và như thế, vai trò của Martin được sắp đặt; trong khi gã bị Arthur và Norman lôi kéo, đang tính toán làm một việc ngông cuồng. Sáng chủ nhật, họ sẽ đi chơi về mạn đồi bằng xe đạp. Martin không thích nhưng khi gã biết Ruth có đi thì gã cũng ưng đi theo. Gã không biết xe đạp mà cũng không có xe đạp, nhưng nếu Ruth đi bằng xe đạp, thì gã cũng phải bắt đầu tập, gã quyết định như vậy. Khi từ biệt, trên đường về nhà, gã dừng lại ở một cửa hiệu bán xe đạp, bỏ ra bốn mươi đôla mua một chiếc. Món tiền nhiều hơn số lương một tháng vất vả mới kiếm được, và nó làm sụt một cách kinh khủng số tiền dành dụm của gã. Nhưng khi gã cộng thêm số tiền một trăm đô la mà gã sẽ nhận được của tờ "Người quan sát" và ít nhất là bốn trăm hai mươi đô la của tờ "Người bạn của Thiếu niên" thì gã cảm thấy nỗi bối rối do sự chi tiêu vô lý kia gây ra cũng giảm đi. Gã cũng chẳng để ý gì đến chuyện đã làm hỏng cả bộ quần áo lúc tập xe đạp về nhà. Ngay đêm hôm ấy, gã dùng dây nói ở cửa hiệu Higghinbotham gọi cho hiệu thợ may đặt may một bộ khác. Gã vác cái xe đạp lên cầu thang chật hẹp lủng lẳng như cái thang cứu hỏa treo vào tường đằng sau căn nhà, và khi gã đẩy chiếc giường vốn kê sát vào tường ra, gã thấy trong căn phòng chật hẹp ấy vừa đủ chỗ cho gã và chiếc xe đạp.

Gã định dùng cả ngày chủ nhật vào việc học để thi vào trường Trung học, nhưng truyện "Mò ngọc trai" đã lôi cuốn gã và suốt ngày hôm đó, gã bừng bừng trong cơn sốt sáng tạo, mô tả lại tất cả cái đẹp và ảo tưởng lãng mạn rực cháy trong lòng. Việc số báo "Người quan sát" sáng hôm đó không đăng bài về cuộc phiêu lưu của những người đi tìm châu báu cũng không làm cho gã nản lòng. Gã quá say mê với công việc đến nỗi hai lần người ta gọi xuống ăn cơm, gã vẫn không nghe thấy, và bỏ cả bữa cơm trưa ngày chủ nhật mà ông Higginbotham bao giờ cũng dọn hậu hĩ hơn ngày thường. Đối với ông Higginbotham, những bữa ăn như thế này là một điều để chứng tỏ sự thành đạt tấn phát trong công việc làm ăn của ông - và đây là dịp để ông tuôn ra những bài thuyết lý tầm thường tán tụng cái chế độ Hoa Kỳ đã cho bất cứ một người nào cần cù cũng có dịp may để tiến phát như trường hợp ông, ông cả quyết như vậy, từ một anh thư ký khổ của một cửa hàng thực phẩm tiến tới ông chủ của "Higginbotham thương điếm!"

Sáng thứ hai, Martin Eden thở dài nhìn truyện "Mò ngọc trai" viết chưa xong. Gã đi ô tô hàng xuống Oakland đến trường Trung học. Và mấy hôm sau, khi xem kết quả kỳ thi, gã thấy mình đã hỏng tất cả các môn trừ môn ngữ pháp.

"Ngữ pháp của anh thì xuất sắc." Giáo sư Hilton nhìn gã qua cặp kính dày cộp. "Nhưng anh không biết gì về những môn khác, và môn lịch sử Hợp chủng quốc của anh thì thật là thảm hại, không thể có một danh từ nào khác được nữa, thật là thảm hại. Tôi khuyên anh... "

Giáo sư Hilton ngừng lại, nhìn gã lạnh nhạt không chút thiện cảm như là nhìn vào một trong những ống nghiệm của ông ta. Ông ta là giáo sư vật lý ở trường Trung học, chủ một gia đình đông con, lương ít ỏi, với một mớ trí thức học vẹt.

"Vâng, thưa ông." Martin nói từ tốn nhưng không hiểu sao, lòng cứ thầm ước giá lúc này ở chỗ giáo sư Hilton kia là cái ông ngồi bàn giấy trong Thư viện.

"Tôi khuyên anh nên quay lại học tiểu học ít nhất là hai năm. Chào anh."

Đối với sự thất bại này, Martin cũng chẳng thấy phiền lòng cho lắm, nhưng gã rất ngạc nhiên không hiểu sao Ruth lại xúc động đến thế khi gã nói cho nàng hay lời khuyên của giáo sư Hilton. Sự thất vọng của nàng rõ rệt đến nỗi gã cũng cảm thấy buồn vì đã thi trượt, nhưng chủ yếu là buồn vì nàng.

"Ông thấy tôi nói đúng không?" Nàng nói. "Ông biết nhiều hơn bất cứ một sinh viên nào lúc bước vào trường Trung học, thế nhưng ông vẫn không thể đỗ được. Đó là vì học vấn của ông hãy còn chắp vá, đại khái. Ông cần phải học có hệ thống và chỉ các thầy giáo chuyên khoa mới có thể giúp ông học như thế được. Ông phải gây dựng hoàn toàn vốn kiến thức cơ bản. Giáo sư Hilton nói đúng, và nếu tôi là ông, tôi sẽ theo học lớp buổi tối. Ở đó, trong một năm rưỡi ông có thể đuổi kịp chương trình không mất thêm sáu tháng. Hơn nữa, như thế ông sẽ dành được ban ngày để viết hay nếu ông không thể kiếm sống bằng ngòi bút của mình, thì ban ngày ông cũng còn có thể làm việc ở một chức vụ gì đó."

Nhưng nếu ban ngày tôi bận đi làm, ban đêm tôi bận đi học thì tôi đến thăm cô vào lúc nào? - Đó là ý nghĩ đầu tiên của Martin, nhưng gã kìm được, chỉ nói:

"Tôi đi học lớp buổi tối thì coi có vẻ trẻ con quá. Nếu tôi nghĩ nó có kết quả thì tôi cũng chẳng nề hà gì. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ có kết quả. Tôi có thể làm công việc đó nhanh hơn là theo lớp học họ dạy. Học thế chỉ mất thì giờ." - Gã nghĩ tới nàng và sự ao ước chiếm được nàng - "Tôi không thể sắp xếp được thời gian. Quả thực tôi không có thời gian rảnh."

"Có rất nhiều cái rất cần thiết," nàng nhìn gã dịu dàng, và gã cảm thấy gã là một kẻ thô lỗ nếu phản đối nàng. "Lý và Hóa không có phòng thí nghiệm thì ông học sao được. Đại số và Hình học nếu không có người chỉ dẫn thì lại càng bí lắm. Ông cần phải có những thày giáo chuyên khoa, những nhà chuyên môn về khoa truyền thụ kiến thức."

Gã ngồi yên lặng một phút, tìm cách diễn đạt ý nghĩ, cố tránh sao cho khỏi tỏ ra mình tự cao tự đại một cách quá đáng.

"Xin cô đừng nghĩ rằng tôi huênh hoang khoác lác. Tôi không có ý như thế một chút nào. Tôi có cảm giác, tôi là cái loại mà tôi có thể gọi là sinh viên tự nhiên, tôi có thể tự học. Tôi gắn bó với sự học một cách tự nhiên như con vịt với nước. Chính cô đã biết tôi học ngữ pháp như thế nào đấy. Và tôi đã học được nhiều về những thứ khác. Cô không thể tưởng tượng được nhiều như thế nào. Thế mà đấy chỉ là tôi mới bắt đầu thôi, xin cô đợi cho đến lúc tôi có... " Gã ngập ngừng một lát để nghĩ lại cách phát âm cho thật đúng trước khi nói "... động lực thúc đẩy 1. Bây giờ là lần đầu tiên, tôi thấy rõ sự việc. Tôi bắt đầu lường được hoàn cảnh... "

"Xin đừng dùng chữ lường," nàng ngắt lời.

"Đi vào con đường của sự việc 2," gã vội chữa.

"Trong ngôn ngữ Anh chính xác nói thế không có nghĩa gì," nàng không đồng ý.

Gã lại mò mẫm tìm một câu mới.

"Ý tôi định nói, tôi bắt đầu thấy rõ địa thế." 3

Vì thương hại nên nàng cũng không bắt bẻ nữa; gã nói tiếp:

"Tri thức đối với tôi như một căn phòng treo bản đồ đi biển 4. Bất cứ lúc nào bước vào thư viện, tôi cũng có cảm giác ấy. Nhiệm vụ của các thày giáo là dạy cho sinh viên nội dung của căn phòng ấy một cách có hệ thống. Thày giáo chỉ là những người hướng dẫn căn phòng, thế thôi. Đó không phải là cái mà các ông ấy có trong chính đầu óc của mình. Các ông ấy không cấu thành, không sáng tạo nó. Tất cả đều có sẵn ở trong phòng treo bản đồ rồi, các ông ấy chỉ thạo đường đi ở trong đó thôi, công việc của các ông ấy là chỉ dẫn địa điểm cho những người lạ, nếu không họ có thể bị lạc. Nhưng tôi thì lại không phải dễ dàng gì mà bị lạc. Tôi là kẻ thạo đường, thuộc địa thế. Bao giờ tôi cũng biết rõ địa vị của tôi 5. Như thế là có gì sai không?"

"Đừng nói là địa vị của tôi."

"Vâng," gã nói vẻ biết ơn. "Tôi ở đâu 6. À mà tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À, phải rồi, nói đến gian phòng có treo bản đồ. Vâng, một số con người... 7 "

"Người," 8 nàng chữa.

"Một vài người cần phải có người có chỉ dẫn. Hầu hết mọi người đều cần như vậy. Nhưng tôi nghĩ riêng tôi, không có họ, tôi vẫn có thể đi được. Tôi đã ở mãi trong phòng treo bản đồ đó rồi, tôi đã thông thuộc đường đi lối lại, tôi biết rõ những bản đồ nào cần phải tra cứu, những bờ biển nào cần phải thám hiểm. Và do tôi đã vạch ra được kế hoạch, cho nên tự tôi, tôi có thể khám phá ra tất cả nhanh hơn. Tốc độ của cả một đoàn tàu là tốc độ của con tàu chậm nhất, cô biết đấy, và tốc độ của các thày giáo thì cũng chịu ảnh hưởng như vậy thôi. Họ không thể đi nhanh hơn những phần tử kém cỏi trong đám học sinh của họ. Và tự tôi, tôi có thể bước nhanh hơn cái tốc độ mà họ kéo cả lớp của họ đi."

"Người đi một mình là người đi nhanh nhất," 9 nàng trích dẫn một câu.

Nhưng cùng đi với cô, tôi vẫn có thể đi nhanh hơn, đó là điều gã muốn bật nói ra, khi gã mường tượng thấy cả một thế giới vô tận chói nắng mặt trời và ngợp ánh sao, gã cùng nàng phiêu diêu, tay gã ôm lấy người nàng, mớ tóc vàng nhạt của nàng phất phơ ve vuốt mặt gã. Ngay lúc đó, gã thấy sự bất lực đáng thương của ngôn từ. Trời ơi! Giá mà gã có thể dùng lời để tả lại cho nàng trông thấy những cái gã trông thấy lúc đó. Lòng gã rạo rực, như sự giày vò của một niềm ao ước đau đớn, muốn vẽ lại tất cả những viễn tưởng tự nó tới, lóe ra trên tấm gương của trí óc gã. À, thế đấy! Gã đã nắm được điều bí mật ấy. Chính là điều mà các văn sĩ vĩ đại và các nhà thơ lớn đã nắm được. Chính vì thế mà họ là những người vĩ đại. Họ biết diễn đạt tất cả những gì mà họ suy nghĩ, cảm thấy và nhìn thấy. Con chó ngủ dưới nắng thỉnh thoảng lại rít lên, sủa lên, nhưng nó không thể nào nói ra được những cái nó trông thấy đã khiến nó rít lên sủa lên như vậy. Gã thường tự hỏi không hiểu đó là cái gì. Tất cả là thế đó, và gã như một con chó ngủ dưới nắng. Gã đã trông thấy những viễn tượng cao cả, đẹp đẽ, nhưng gã chỉ có thể rít lên, sủa lên vào mặt Ruth. Nhưng gã sẽ thôi không ngủ dưới nắng nữa. Gã sẽ đứng dậy, mở to mắt ra, gã sẽ vật lộn, sẽ làm việc gian khổ, sẽ học tập cho đến khi đôi mắt gã không bị che lấp nữa, lưỡi gã không bị trói buộc nữa, gã sẽ có thể cùng nàng chia sẻ cái kho tàng phong phú của tưởng tượng. Nhiều người khác đã khám phá thấy những mẹo mực của ngôn từ, họ bắt từ ngữ phải trở thành những người đầy tớ biết vâng lời, và họ biết kết hợp những từ ấy lại cho có một ý nghĩa phong phú hơn là một mớ những ý riêng lẻ của chúng. Gã xúc động sâu xa khi thấy điều bí mật đó thoáng qua, và gã lại mê man mường tượng thấy khoảng không vô tận chói chang và ngợp ánh sao cho đến khi gã hồi tỉnh lại, quanh gã yên tĩnh quá, và Ruth đang nhìn gã, nét mặt vui vẻ, mắt ánh lên nụ cười.

"Tôi vừa mường tượng thấy một cảnh vĩ đại," gã nói, và khi tai gã nghe thấy âm thanh của lời nói ấy, tim gã đập rộn lên.

Những lời nói ấy ở đâu ra thế? Nó đã diễn tả được rất đúng viễn tượng đã khiến gã ngừng lại trong khi đang nói chuyện với nàng. Thật là một chuyện thần kỳ! Chưa bao giờ gã có thể diễn đạt được những tư tưởng cao cả của mình một cách cao cả như vậy. Mà cũng chưa có bao giờ gã thử đem những tư tưởng cao cả ấy diễn đạt thành lời. Thế đấy. Điều đó đã rõ ràng. Gã chưa bao giờ thử. Swinburne đã thử, Tennyson, Kipling và tất cả những nhà thơ khác đã thử. Trí óc gã lại vụt nghĩ tới truyện "Mò ngọc trai." Gã chưa bao giờ dám viết lên những điều vĩ đại, tinh thần của cái đẹp như ngọn lửa trong lòng gã. Khi được viết với ngọn lửa ấy, nhất định truyện này sẽ khác. Gã kinh hoàng trước sự mênh mông của cái đẹp phải lột tả được trong truyện này, và trí óc gã lại lóe lên, lại dám, gã tự hỏi tại sao gã lại không thể ca ngợi cái đẹp đó trong những vần thơ cao quý như những nhà thơ lớn đã làm. Lại còn tất cả niềm vui thầm kín, sự kỳ diệu thiêng liêng của tình yêu đối với Ruth. Tại sao gã cũng không thể ca ngợi nó, như những nhà thơ khác. Họ ca ngợi tình yêu. Gã cũng sẽ ca ngợi tình yêu chứ sao.

"Mẹ kiếp!"

Gã sợ hãi nghe thấy tiếng kêu của mình vang lên trong đôi tai. Mê mẩn, gã đã nói to. Máu dồn lên mặt từng đợt, từng đợt làm mờ cả nước da nâu sẫm, thẹn ửng đỏ suốt từ cổ đến chân tai.

"Tôi... tôi xin lỗi cô," gã ấp úng, "tôi đang mải suy nghĩ."

"Nghe như ông cầu nguyện," nàng ráng lấy can đảm nói, nhưng lòng héo hắt run sợ. Lần đầu tiên trong đời nàng nghe thấy một câu rủa thốt ra từ miệng một người đàn ông mà nàng quen biết. Nàng thấy khó chịu, không những chỉ vì nó chạm đến vẫn đề nguyên tắc về giáo dục, mà trong tinh thần, nàng còn khó chịu vì cái ngọn gió thô bạo ấy của cuộc đời, đã thổi vào khu vườn trinh nữ kín đáo của nàng.

Nhưng nàng tha thứ, và ngạc nhiên thấy mình có thể tha thứ dễ dàng như vậy. Dù sao tha thứ cho gã bất cứ một điều gì cũng không phải là khó khăn. Gã không được may mắn như những người khác. Gã đã cố gắng nhiều và cũng đã thành công. Nàng không hề nghĩ có thể còn có lý do nào khác khiến nàng đối xử với gã một cách trìu mến, mà nàng không biết. Nàng không có cách nào mà biết được. Cuộc đời phẳng lặng hai mươi bốn năm trời chưa một lần yêu khiến nàng không nhận thức nhạy bén về tình cảm của chính mình; và vì nàng chưa bao giờ được một tình yêu thực sưởi ấm nên nàng không thể nhận thấy lúc này nàng được sưởi ấm.

Chú thích:

1. Nguyên văn là momentum (một danh từ vật lý) trước đây Martin chưa bao giờ nói đến.

2. Nguyên văn là: to get a line on things.

3. Nguyên văn là: to get the lay of the land.

4. Chart-room: Martin vốn quen nghề đi biển. Ở trên tàu có một phòng treo bản đồ hướng dẫn đường đi biển.

5. Nguyên văn là: where I am at.

6. Nguyên văn là: where I am. Ý Martin muốn nói: bao giờ tôi cũng biết rõ tôi ở đâu. Tiếng Anh muốn nói cho đúng phải nói là "where I am". Martin nói sai. Chúng tôi dịch bằng địa vị của tôi là cố ý lột chỗ sai đó.

7. Nguyên văn là: some people.

8. Nguyên văn là: "Persons." Martin dùng từ "people" nhưng Ruth chữa là "persons."

9. Nguyên văn: "He travels the fastest who travels alone" - Đó là một câu thơ trong bài thơ "Những kẻ chiến thắng" (The winners) của Kipling.
Bình Luận (0)
Comment