Martin Eden

Chương 11

Martin quay lại với truyện "Mò ngọc trai," đáng lẽ gã đã viết xong sớm nếu gã không luôn luôn ngừng lại để thử làm thơ. Thơ gã là thơ tình, nguồn thi hứng do Ruth tạo nên, nhưng bài nào gã cũng bỏ dở. Không phải trong một ngày mà gã có thể học được cách ca ngợi trong những vần thơ cao quý. Âm vận, niêm luật, cấu trúc, tự chúng đối với gã cũng đã khá phức tạp rồi, nhưng hơn thế nữa và vượt lên trên tất cả, là một cái gì không đụng chạm tới được luôn thoát ra ngoài mà gã thấy ở tất cả những áng thơ lớn, nhưng gã không sao có thể nắm được và biểu hiện trong thơ mình. Chính cái tinh thần khó nắm được của thi ca là cái mà gã cảm thấy và đang tìm tòi nhưng không sao có thể nắm được. Đối với gã hình như nó là ánh hào quang, luồng hơi ấm trôi đi luôn luôn vượt khỏi tầm với, dù đôi khi, được đền bù, gã đã nắm được một vài mảnh của nó, kết chúng lại thành những vần thơ vang lên trong trí óc với những âm thanh vương vấn hay nổi trôi qua những viễn tượng trong màn sương mờ ảo của cái đẹp không nhìn thấy. Nó giày vò tâm trí gã. Gã đau đớn với niềm ao ước diễn đạt nó, nhưng gã chỉ có thể nói lảm nhảm một cách tầm thường như mọi người khác. Gã đọc to những đoạn thơ của gã, niêm luật rất đúng, vần gieo không sai, nhịp điệu thanh thoát, nhưng vẫn thiếu ánh hào quang, ngọn lửa nhiệt tình mà gã cảm thấy có ở trong mình. Gã không thể hiểu nổi, và nhiều khi, thất bại, buồn rầu, thất vọng, gã lại quay về với truyện "Mò ngọc trai." Chắc chắn văn xuôi là phương tiện diễn đạt dễ dàng hơn.

Tiếp theo "Mò ngọc trai" gã viết một bài về nghề đi biển, một bài khác về bắt rùa và một bài thứ ba về những trận gió mậu dịch đông-bắc. Rồi, để thí nghiệm, gã thử viết truyện ngắn, nhưng chưa kịp ổn định gã đã viết một mạch xong sáu truyện gửi cho những tạp chí khác nhau. Gã viết rất nhiều, viết say sưa từ sáng đến tối, đến tận đêm khuya và chỉ ngừng lại những khi gã ra phòng đọc, mượn sách ở Thư viện, hoặc đến thăm Ruth. Gã sung sướng một cách sâu xa. Cuộc sống đang dâng cao. Gã như ở trong một cơn sốt không bao giờ dứt. Niềm vui sáng tạo mà người ta cho là của thần thánh thì bây giờ đã là của gã. Tất cả cuộc sống chung quanh gã - mùi rau ôi, mùi nước xà phòng, cái hình thù lôi thôi lốc thốc của bà chị, bộ mặt xỏ lá của lão Higginbotham - là một giấc mộng. Cái thế giới thực ở trong trí óc gã, và những truyện mà gã viết là những mảnh của cái thế giới thực đó thoát ra từ trí óc gã.

Ngày quá ngắn, mà gã thì cần học nhiều thứ quá. Gã rút thời gian ngủ xuống còn năm tiếng và gã thấy như thế cũng có thể chịu được. Gã thử rút xuống bốn tiếng rưỡi, nhưng gã rất tiếc lại phải quay lại năm tiếng. Gã có thể vui vẻ đem tất cả thời gian thức tỉnh để làm những việc gã đang theo đuổi. Gã rất tiếc phải ngừng viết để học, phải ngừng học để ra thư viện, phải dứt mình ra khỏi căn phòng treo tấm hải đồ của tri thức, ra khỏi những tạp chí trong phòng đọc chứa đầy những bí mật của các văn sĩ đã thành công trong việc bán tác phẩm của mình. Những sợi dây của trái tim gã dường như đứt tung ra mỗi khi gã ngồi với Ruth mà phải đứng dậy ra về. Gã nóng nẩy vội vã đi qua những khu phố tăm tối để về nhà đọc sách sớm chừng nào hay chừng nấy. Khổ tâm nhất cho gã là phải gấp quyển sách đại số và vật lý vào, để sổ tay và bút chì sang một bên, nhắm đôi mắt mệt mỏi ngủ thiếp đi. Gã căm ghét khi nghĩ tới phải ngừng sống, dù chỉ phải ngừng trong một thời gian rất ngắn, và niềm an ủi độc nhất của gã là tiếng chuông báo thức sẽ vang lên gọi gã dậy năm giờ sau. Dù sao gã cũng chỉ mất có năm tiếng, rồi tiếng chuông lại rung lên giật gã ra khỏi tình trạng vô tri vô giác, và trước mặt gã lại là một ngày mới huy hoàng với mười chín tiếng đồng hồ.

Trong suốt thời gian đó tuần tiếp tuần trôi qua, tiền cạn dần, và không có món nào đến với gã. Thiên truyện phiêu lưu "Viết cho thiếu niên", một tháng sau khi gửi đi, đã bị tờ "Người bạn của thiếu niên" gửi trả lại. Thư trả lời từ chối viết khéo quá đến nỗi gã còn thấy có cảm tình với ông chủ bút. Nhưng gã không có cảm tình đối với ông chủ bút của tờ "Người quan sát San Francisco." Sau khi đợi suốt hai tuần, Martin đã viết thư cho ông ta. Một tuần sau gã lại viết một bức nữa, đến cuối tháng thì gã sang bên San Francisco và thân đến tòa soạn gặp ông ta. Gã không được gặp con người quí hóa ấy, vì thằng bé gác cổng nhãi ranh tóc đỏ, như chó Cerberus 1 không cho gã vào. Vào cuối tuần thứ năm, gã nhận được, qua bưu điện tập bản thảo, không có bình luận gì cả. Không có thư từ chối, không có giải thích, không có gì hết. Những bản thảo khác gửi cho các tờ báo lớn ở San Francisco cũng cùng chịu chung một số phận. Khi họ gửi trả, thì gã lại gửi cho các tạp chí khác ở miền Đông. Lần này chúng bị trả về sớm hơn, bản nào cũng có kèm theo một bức thư từ chối in cẩn thận.

Những truyện ngắn cũng bị gửi trả về theo cái lối như thế. Gã đọc đi đọc lại, thấy rất thích chúng, đến nỗi không thể hiểu được nguyên nhân tại sao chúng bị ném trả lại như vậy, cho đến một hôm gã đọc thấy trong một tờ báo mới vỡ lẽ ra rằng tất cả bản thảo đều phải đánh máy. À ra thế. Tất nhiên là các ông chủ bút đều rất bận không có thì giờ và hơi đâu mà đọc các bản thảo viết tay. Martin thuê một cái máy chữ, và mất cả một ngày để nắm thạo cách đánh máy. Hàng ngày gã đánh máy tất cả những gì sáng tác được, và gã đánh gấp tất cả những bản thảo trước đây, ngay sau khi chúng bị gửi trả lại. Gã rất ngạc nhiên khi thấy những bản đánh máy cũng bắt đầu quay về. Quai hàm gã hình như bạnh ra hơn, cằm gã nhô ra có vẻ thách thức hơn, và gã lại gửi những bản thảo cho các ông chủ bút khác.

Gã có ý nghĩ rằng gã đã là một nhà phê bình không vô tư đối với tác phẩm của gã chăng. Gã thử nhờ chị Gertrude. Gã đọc to những truyện của gã cho chị nghe. Mắt chị long lanh, chị nhìn gã kiêu hãnh, nói:

"Em viết được những truyện đó, thật hay quá!"

"Vâng, vâng!" Gã sốt ruột hỏi. "Nhưng truyện này chị thấy nó thế nào?"

"Hay lắm! hay lắm, và lại thương tâm nữa, chị cảm động lắm."

Gã thấy rõ đầu óc chị không được minh mẫn. Sự bối rối lộ rõ trên nét mặt hiền hậu của chị. Và vì thế gã cứ chờ.

"Nhưng mà, Mart này?" Chị nói sau một lúc lâu. "Câu chuyện kết thúc ra sao nhỉ? Cái anh chàng trẻ tuổi ăn nói văn hoa ấy về sau có lấy được cô ta không?"

Sau khi gã giải thích rõ đoạn kết của câu chuyện mà gã cho là để như thế mới thật nghệ thuật, chị nói.

"Đó là điều chị muốn biết. Nhưng tại sao em không viết thẳng ngay vào truyện như thế."

Sau khi đọc cho chị nghe thấy một số truyện, một điều gã thấy rõ là chị chỉ thích những truyện có hậu.

"Câu chuyện hay lắm!" Đang ngồi giặt chị đứng dậy với dáng điệu mệt mỏi, đưa bàn tay đỏ ửng đang bốc hơi lên lau mồ hôi trán. "Nhưng nó làm cho chị buồn quá. Chị muốn khóc. Nói cho đúng ra, đời nhiều chuyện buồn quá. Nghĩ đến những chuyện sung sướng cũng làm cho chị sung sướng. Giá mà anh ấy lấy được cô ta. Chị nói thế, được chứ, Mart?" Chị rụt rè hỏi. "Chị chợt cảm thấy như thế, có lẽ bởi vì chị mệt mỏi quá. Nhưng nói thế thôi, truyện của em hay lắm, hay thật. Em định đem bán nó ở đâu?"

"Đó là chuyện khác," gã cười.

"Nhưng nếu bán được, thì em liệu được độ bao nhiêu?"

"Ồ, một trăm đô la, ít nhất cũng được thể theo như giá thông thường."

"Trời! Chị chỉ mong em bán được."

"Kiếm tiền thế cũng dễ đấy chứ nhỉ!" Rồi gã đắc ý nói thêm. "Em viết xong trong hai ngày đấy, nghĩa là năm mươi đô là một ngày."

Gã muốn đọc những truyện của gã cho Ruth nghe, nhưng gã không dám. Gã sẽ chờ một vài truyện được đăng báo đã, gã quyết định như vậy, lúc ấy nàng sẽ hiểu vì cái gì mà gã đã làm việc. Trong khi đó gã vẫn tiếp tục làm việc gian khổ. Chưa bao giờ tinh thần phiêu lưu lại quyến rũ gã mạnh mẽ hơn là sự khám phá thám hiểm kỳ diệu cái thế giới của trí óc này. Gã mua những sách về vật lý và hóa học, và cùng với những bài học về đại số, gã làm những bài toàn tập và những bài chứng minh. Gã chỉ căn cứ vào lòng tin để lãnh hội những thí nghiệm khoa học: với trí tưởng tượng mạnh mẽ, gã có thể hiểu được những phản ứng hóa học rõ ràng hơn một sinh viên thường nhìn thấy trong phòng thí nghiệm. Martin cứ mò mẫm qua những trang sách nặng nề, choán ngợp với những mấu chốt dễ thấu hiểu bản chất của sự vật. Trước kia gã vẫn quan niệm thế giới là thế giới, nhưng bây giờ gã đã hiểu được cấu tạo của nó, tác dụng và phản tác dụng của lực và vật chất. Những lời giải thích tự phát đối với những vấn đề cũ trước đây luôn luôn nẩy ra trong trí óc gã. Những định luật về đòn bẩy, về ròng rọc làm cho gã say mê, và óc gã lại miên man quay về với những cần trục, những ròng rọc, những pa lăng 2 trên tàu biển. Lý thuyết về hàng hải khiến cho con tàu có thể đi không lạc trên biển cả không có đường đi, đối với gã bây giờ đã được giải thích rõ ràng. Những bí mật của bão, mưa, thủy triều đã được phát lộ ra, lý do tại sao có những luồng gió mậu dịch 3 làm cho gã ngạc nhiên tự hỏi không biết mình viết bài về gió mậu dịch Đông Bắc có quá sớm không. Dù sao gã cũng thấy rằng bây giờ gã có thể viết nó chắc hay hơn nhiều. Một buổi chiều, gã cùng với Arthur đến trường đại học California, gã nín thở và với một niềm kinh sợ có tính chất tôn giáo, gã đi qua các phòng thí nghiệm, nhìn những cuộc thí nghiệm chứng minh và nghe một giáo sư vật lý lên lớp cho các sinh viên.

Nhưng gã vẫn không sao nhãng việc viết. Suối truyện ngắn tuôn ra dưới đầu ngọn bút gã, và gã còn để thì giờ làm những bài thơ đơn giản - loại thơ mà gã thấy được in trên các tạp chí. Gã còn luẩn quẩn mất hai tuần lễ để hoàn thành một vở bi kịch bằng thơ không vần, nhưng bản thảo đã gửi đến năm bảy tờ tạp chí đều bị gửi trả lại ngay khiến gã choáng váng cả người. Rồi gã phát hiện được Henley, và gã viết ngay một loạt những bài thơ về biển dựa theo tập "Những cảnh trong bệnh viện" 4. Đó là những bài thơ đơn giản của ánh sáng và màu sắc, của ảo mộng và phiêu lưu. "Những bài ca về biển,"gã đặt cho chúng một cái tên như vậy và coi đó là tác phẩm hay nhất từ trước đến giờ của gã. Tất cả có ba mươi bài, hoàn thành trong một tháng, mỗi ngày làm một bài sau khi đã viết xong phần về tiểu thuyết trong kế hoạch thường ngày: công việc một ngày của gã bằng công việc cả tuần của một nhà văn thành công bình thường. Lao khổ đối với gã không có nghĩa lý gì. Đó không phải là lao khổ. Gã chỉ cần tìm lời, và tất cả cái đẹp cái kỳ lạ chứa chất hàng bao năm nay sau đôi môi không nói được nên lời, bây giờ tuần ra thành một dòng thác mạnh mẽ, hung dữ.

Gã không cho ai xem tập "Những bài ca về biển," ngay cả các ông chủ bút. Gã bắt đầu nghi ngờ cả những ông này. Nhưng không phải do nghi ngờ mà gã không gửi tập thơ ấy. Đối với gã nó đẹp quá, gã chỉ có thể để dành cho Ruth trong một thời gian xa xôi, huy hoàng nào đó khi mà gã dám đọc cho nàng nghe những cái gã đã viết. Trong khi đó thì gã vẫn giữ nó riêng ình, đọc to lên, đọc đi đọc lại cho đến khi thuộc lòng.

Gã sống từng giây từng phút trong những lúc thức, và gã sống cả trong giấc ngủ, tiềm thức của gã hoạt động mạnh suốt trong năm giờ ngưng trệ ấy, kết hợp những ý nghĩ và sự việc xảy ra trong ngày thành những giấc mơ kỳ quái, không thể có được. Thực ra, gã không nghỉ ngơi, và nếu là một cơ thể yếu đuối hơn, một tinh thần kém kiên định hơn thì nhất định đã gục hoàn toàn rồi. Những buổi chiều gặp gỡ Ruth dần thưa hơn, vì tháng sáu đã sắp tới, và nàng sắp thi tốt nghiệp đại học. Cử nhân văn chương! Khi gã nghĩ đến học vị của nàng, thì hình như nàng bay bổng quá nhanh, gã không sao theo kịp.

Mỗi tuần một buổi chiều gã được nàng cho phép đến thăm; đôi khi đến muộn, gã thường ở lại ăn cơm và sau đó, nghe nhạc. Đó là những ngày hội của gã. Không khí trong gia đình nàng, trái ngược hẳn với cảnh đời gã sống, và mỗi lần ở bên nàng trở về gã càng thấy mình cần nắm chặt hơn cái ý định phải đạt tới những đỉnh cao. Mặc dù gã yêu cái đẹp, mặc dù gã mang nặng niềm ao ước đau đớn của sáng tạo, nhưng thực ra chính vì nàng mà gã đã phấn đấu. Trước hết và bao giờ gã cũng vẫn là người yêu đương. Mọi thứ khác gã đều cho phụ thuộc vào tình yêu. Cuộc phiêu lưu trong tình yêu lớn hơn mọi cuộc phiêu lưu khác trong thế giới tư tưởng của gã. Thế giới, bản thân nó không kỳ ảo vì những phân tử và nguyên tử đã cấu thành ra nó, theo sự thúc đẩy của một động lực không cưỡng lại được, mà nó kỳ ảo chính vì có Ruth sống trong đó. Nàng là một vật kỳ ảo nhất mà gã chưa từng biết, chưa từng mơ, chưa từng nghĩ tới.

Nhưng sự xa cách của nàng luôn luôn đè nặng lên gã. Nàng xa gã quá, gã không biết làm thế nào tới gần được. Đối với những cô gái và những người đàn bà cùng giai cấp, bao giờ gã cũng thành công; nhưng chưa bao giờ gã yêu một người nào trong bọn họ cả, trong khi gã yêu nàng; vả chăng, không phải nàng chỉ thuộc về một giai cấp khác. Chính tình yêu của gã đã nâng nàng lên trên mọi giai cấp. Nàng là một con người cách biệt, cách biệt quá đến nỗi gã không biết làm thế nào để tới gần nàng như một người yêu phải tới gần. Nói cho đúng gã cũng đã gần nàng hơn khi đã thâu nhận được tri thức và ngôn ngữ, nói theo lối nói của nàng, khám phá ra những ý nghĩ, những thích thú chung, nhưng cái đó vẫn không thỏa mãn lòng ao ước của con người đáng yêu trong gã, đã thần thánh hóa nàng, thần thánh hóa quá đáng, tinh thần hóa quá đáng đến nỗi không thấy có một chút liên hệ nào giữa nàng với gã về xác thịt. Chính tình yêu của gã đã đẩy nàng xa gã và làm cho nàng hình như là người mà gã không sao với tới được. Chính tình yêu đã khước từ không cho gã vật duy nhất mà nó ao ước.

Và rồi, một hôm, không báo trước, cái vực sâu giữa hai người được bắc cầu qua trong phút chốc và sau đó, tuy vực sâu vẫn còn nhưng hình như nó đã mãi mãi thu hẹp hơn rồi. Họ cùng ngồi ăn dâu - những quả dâu to mọng, đen, nước thẫm như mầu rượu vang. Và sau đó khi nàng đọc to bài thơ "Nàng Công chúa" cho gã nghe, gã chợt thấy vết nhựa dâu còn dính trên môi nàng. Trong lúc đó tất cả cái thần thánh của nàng tan vỡ ra từng mảnh. Nàng là đất sét, xét cho cùng nàng cũng chỉ là đất sét, phải chịu quy luật chung của đất sét cũng như thứ đất sét của gã, hay thứ đất sét của bất cứ người nào. Đôi môi nàng cũng là thịt như đôi môi gã. Dâu in vệt lên môi nàng cũng như nó đã in vệt lên môi gã. Và nếu môi nàng thế thì tất cả người nàng cũng thế. Nàng là một người đàn bà, chỉ là đàn bà đúng như bất cứ một người đàn bà nào khác. Ý nghĩ đó đến với gã đột ngột. Đó là một sự phát lộ làm gã choáng váng, dường như gã trông thấy tất cả sự trong trắng được tôn thờ bị ố bẩn.

Rồi gã nhận thấy hết ý nghĩa của cái đó, tim gã bắt đầu dần đập rộn, thách thức gã phải thủ trọn vai người tình với người đàn bà này, cái người đàn bà không phải là một tinh thần từ những thế giới khác mà chỉ là một người đàn bà mà nước dâu có thể in vệt trên môi. Gã run sợ vì cái ý nghĩ quá táo bạo của mình, nhưng tâm hồn gã reo vang, lý trí gã cũng reo vang trong một bài ca đắc thắng làm cho gã yên tâm rằng ý nghĩ của gã là đúng. Sự thay đổi ấy ở gã, có lẽ nàng cũng nhận thấy đôi phần, vì nàng ngừng đọc, ngước nhìn gã và mỉm cười. Mắt gã rời khỏi đôi mắt xanh của nàng và nhìn vào đôi môi, vệt nước dâu làm gã phát điên lên. Tay gã chỉ muốn vung ra ghì chặt lấy nàng theo lối phóng đãng của cuộc đời xưa cũ. Nàng hình như ngả người về phía gã, đợi chờ, gã phải đem tất cả lý trí ra để kìm mình lại.

"Ông chả nghe tôi đọc một chút nào cả," nàng bĩu môi.

Rồi nàng cười, thú vị vì sự bối rối của gã, và khi gã nhìn vào đôi mắt thành thực của nàng biết rằng nàng không đoán được một chút nào những ý nghĩ của mình, gã thấy xấu hổ. Trong tư tưởng thực, gã đã quá táo bạo. Tất cả những người đàn bà gã đã quen biết, không có ai là không đoán được, trừ nàng. Và nàng cũng không đoán. Đó là sự khác nhau đấy. Nàng thực là khác. Gã ghê tởm cho sự thô bạo của mình, kinh hoàng trước sự ngây thơ trong trắng của nàng, gã lại nhìn nàng qua vực thẳm. Chiếc cầu bắc ngang đã gẫy rồi.

Nhưng dù sao thì sự việc đó cũng đưa gã lại gần nàng hơn. Ấn tượng cứ dai dẳng mãi, và trong những lúc buồn nản nhất, gã lại nghĩ tới nó một cách say sưa. Vực thẳm không bao giờ lại rộng như trước nữa. Gã đã vượt được một khoảng cách rộng lớn mênh mông hơn cái bằng cử nhân văn chương hay hàng chục cái bằng cử nhân. Nàng trong trắng, điều đó là thực, gã chưa bao giờ mơ được một sự trong trắng như thế, nhưng nước dâu đã in vệt lên môi nàng. Nàng cũng phải chịu tất cả những qui luật của vũ trụ thiên nhiên không tránh được như gã. Nàng cũng phải ăn để sống, và khi chân bị ướt thì cũng cảm lạnh như thường. Nhưng đó không phải là điều chính. Nếu nàng có thể cảm thấy đói, thấy khát, thấy nóng, thấy lạnh, thì nàng cũng có thể cảm thấy yêu đương - và yêu một người đàn ông. Phải, gã là một người đàn ông. Tại sao gã lại không có thể là người đàn ông ấy?

"Việc của ta là phải thành công." Gã mê man lẩm bẩm. "Ta sẽ là người đàn ông ấy. Ta sẽ làm cho ta trở thành người đàn ông ấy. Ta phải thành công!"

Chú thích:

1. Cerberus: Theo thần thoại Hy Lạp, Cerberus là một con chó dữ, có ba đầu canh cửa địa ngục.

2. Ròng rọc, pa lăng: Những danh từ, vật lý - tiếng Anh là block và tackles - Tiếng Pháp là poulie và palan.

3. Nguyên văn: trade wind.

4. William Ernest Henley (1819-1900), một nhà thơ Anh, bị bạo bệnh mà chết. Tác phẩm nổi tiếng của ông là tập "Những cảnh trong bệnh viện" (Hospital Sketchers).
Bình Luận (0)
Comment