Đó là một cái trâm thanh ngọc trong suốt long lanh, Tiền Đa Đa thích lắm ... Vì thế nó nó cầm cái trâm gài lên đầu vô số lần, rồi quyến luyến lấy xuống, hi vọng tên bại gia tử Vân Chiêu đó rộng lượng nói một câu "thứ đó thuộc về ngươi".
Nhưng mà Vân Chiêu từ lúc vào trướng phòng tới lúc đi, không nhìn nó một cái.
“ Tỷ tỷ yên tâm, đợi khi nào đệ lập đại công cho thiếu gia, đệ nhất định sẽ xin cái trâm đó tặng tỷ, tỷ gài trông đẹp lắm.” Cái đầu Tiền Thiểu Thiểu đột ngột từ cửa sổ thò vào:
Quá quen với hành vi như ma quỷ của đệ đệ, Tiền Đa Đa chẳng bất ngờ:” Đệ xin sẽ không có ý nghĩa.”
“ Thiếu gia không thích tỷ.” Tiền Thiểu Thiểu nói một câu bóp chết ái tình vừa manh mún của Tiền Đa Đa:
“ Sao đệ biết?”
“ Đệ đương nhiên là biết, thiếu gia hay nói mớ, câu thiếu gia hay nói nhất là ‘làm sao lão tử xúi quẩy thế này?’, thứ đến là ‘ lớn lên đi, mau lớn lên đi’, cũng gọi ‘cha’, ‘mẹ’ rất nhiều lần, còn chửi mắng Phúc bá là lão già cổ hủ không chịu chết, thậm chí từng gọi tên đệ nữa, nhưng mà chưa bao giờ gọi tên tỷ.”
Tiền Đa Đa thở phì phò một lúc cong cớn hếch mặt nhỏ lên: “ Ta thèm vào.”
“ Thế là tốt nhất. “ Tiền Thiểu Thiểu nói xong vẫy vẫy một túi rễ cà lớn, chạy tới phòng Vân Giao, nghe đại phu nói, thứ này nấu với nước rồi rửa vết tương, rất tốt với người bị bỏng lạnh:
Vân Chiêu đang hết sức khổ não.
Những sơn dân Vị Bắc theo Vân Phúc, Vân Giao đi tới Kim Ti Hạp, đồng thời mang vàng bạc châu báu về, chẳng thiết tha mấy với nó.
Khi Vân Chiêu chuẩn bị dùng vàng bạc thưởng cho họ, họ uyển chuyển biểu thị, nếu như thưởng cho họ ít ruộng đất và lương thực, họ sẽ bán cái mạng này cho Vân thị.
Bọn họ không có kinh nghiệm sử dụng vàng bạc, người trên cao nguyên Vị Bắc càng thích giao dịch lấy vật đổi vật, chứ không phải mấy thứ kim loại sáng bóng này.
Lam Điền là một vùng nhiều núi, núi non chiếm cứ 8 thành diện tích cả huyện, chỉ có hai thành là bình nguyên thích hợp để canh tác.
Cho ruộng đất sao? Điều này làm Vân Chiêu rất khó xử, mấy nghìn năm qua, ruộng đất có thể canh tác sớm bị tổ tiên khai hoang hết rồi, phàm là chỗ chưa được khai hoang thì không thích hợp canh tác.
Mùa xuân tới gần lắm rồi, chỉ cần là nông phu, không ai không hâm mộ người có ruộng đất, nếu tới mùa xuân mà nông phu không bận rộn thì nông phu đó sắp chết rồi.
“ Thiếu gia, kỳ thực người có thể an bài bọn họ tới một dải Phượng Hoàng Sơn mà.”
Một câu của Tiền Thiểu Thiểu khiến Vân Chiêu choàng tỉnh.
Người sống ở một dải Phượng Hoàng Sơn nếu không phải đạo phỉ thì cũng có quan hệ mật thiết tới đạo phỉ, lần này Hồng Thừa Trù phát binh tới Phượng Hoàng Sơn vì đảm bảo tính bí mật, 8000 đại quân đã quét sạch nơi đó, cắt đứt toàn bộ tai mắt của bọn đạo tặc, sau đó chặn chúng trong sơn cốc, tiến hành cuộc thảm sát tàn khốc.
Hồng Thừa Trù là một người rất chú trọng quy củ, bất kỳ hành vi nào của ông ta cũng vượt qua được khảo nghiệm. Cho nên nếu ông ta dựa theo quy định trên Đại Minh luật đề xử trí sơn tặc, hậu quả chính là liên lụy tới vô số bách tính bình dân.
Vì ông ta liệt toàn bộ thổ phỉ vào tội phản tặc.
Dù sao những kẻ đó đã tự lập nên phủ nha của mình, có thu thuế, có xử án, có lao dịch, có quy định pháp luật rõ ràng để duy trì hành vi tàn bạo của mình.
Cho nên suối vàng có thêm một vạn linh hồn.
Toàn Bắc Hương của Vân Chiêu chẳng qua cũng chỉ có hơn một vạn ba nghìn người, thế nên một dải Phượng Hoàng Sơn cơ bản không còn người sống nữa, dù có thì số ít cũng bỏ chạy khỏi địa ngục trần gian, ai dám ở lại?
Từ thư tín mà Hồng Thừa Trù gửi cho Vân Chiêu, có thể nhìn ra quá trình thành kẻ giết người của ông ta.
Đúng như ông ta nói --- Ai ai cũng nói Đại Minh đã cùng đường, có bản quan ở đây, không cho phép cục diện đó xảy ra, phàm là kẻ phản lại Đại Minh .... Chém!
Vân Chiêu cho rằng hành vi của ông ta ít nhiều mang tâm thái tuyệt vọng.
Khi triều đình Đại Minh không còn bất kỳ thứ gì để vỗ về bách tính của mình, vậy thì đồ sát là lựa chọn tối ưu nhất, đó là biểu hiện của sự cùng đường khác.
Nếu một dải Phượng Hoàng Sơn không còn ai nữa, cũng không còn người quản lý, Vân Chiêu thấy có thể đem địa phận của huyện Lam Điền nhích tới một chút không sao cả.
Dù sao cũng chỉ phải dịch chuyển bia địa giới thôi mà, khó gì chứ?
Làm như vậy cũng xem như là suy nghĩ cho Hồng Thừa Trù, bất kể là ông ta giết vạn người ở đâu, với quan văn cao quý mà nói, đó cũng là vết nhơ, cho dù người bị giết đúng tội, Hồng Thừa Trù nhất định cũng không muốn sử sách ghi chép lại một câu "thích giết chóc thành tính".
Mặc dù Vân Chiêu biết sau khi ông ta chết bị đánh giá còn ghê tởm hơn, ông ta là nhân vật đứng đầu trong ( Nhị Thần truyện), cũng không biết linh hồn ông ta dưới địa ngục có gào thét hàng đêm không?
Nghĩ tới đó Vân Chiêu hạ lệnh cho Tiền Thiểu Thiểu chuẩn bị giấy mực, cầm bút viết thư cho Hồng Thừa Trù, hỏi ông ta có thể bố trí lưu dân ở một dải Phượng Hoàng Sơn hay không, đồng thời tha thiết hi vọng ông ta đừng thu lương thực Vân Phúc vận chuyển đường lớn mang về, để y còn tiếp tục hoàn thành đại nghiệp từ bi an bài lưu dân.
Thư được khoái mã đưa đi, Vân Chiêu cũng yên lòng, bắt đầu cùng vài nhân vật lãnh tụ được lưu dân chọn ra, thương lượng chuyện bố trí họ tới Phượng Hoàng Sơn.
Tuyết của mùa xuân, tới dồn dập, tan cũng nhanh chóng.
Con sông nhỏ chảy qua phía trước Vân gia đại viện không thể gọi là sông nhỏ hay suối lớn nữa, nước cuốn rầm rầm, phá tan lớp băng mỏng mới đóng bên bờ, chảy vào từng ao nước, cuối cùng được lọc thành nước sạch đưa tới hồ chứa nước Bắc Hương mà Vân Chiêu dẫn người xây dựng cả mùa đông.
Tuyết tạnh, trời càng thêm trong, Vân Chiêu đứng trên mảnh đất cao nhìn xuống đất đai của mình.
Đồng quê huyện Lam Điền đầu xuân vẫn trơ trụi, cây không lá, đất không cỏ, nhưng ao nước bao la xanh ngăn ngắt như một tấm kính phản chiếu ánh mặt trời làm mặt ai nấy ánh lên nụ cười vui sướng.
Nhìn cảnh trí này không phải chỉ có Vân Chiêu, còn có tân huyện thừa, chủ bạ, điền lại, cùng đám viên lại sai dịch lớn nhỏ.
Càng có vô số bách tính lưu dân liều mạng làm việc.
Vân Chiêu ngắm nhìn một hồi mới quay lại cười với đám cấp dưới: “ Các ngươi xem, thiên tai đâu có đáng sợ như thế?”
Tức thì một đám lời nịnh bợ dồn dập đổ tới, huyện thừa Chương Thiên Hùng vượt đám đông đi ra, chắp tay với tiểu huyện lệnh: “ Huyện tôn tán gia cứu nạn, quả thực là cao phong lượng tiết, cổ kim hiếm ai sánh bằng, nay thiên tai không còn là uy hiếp với huyện Lam Điền ta nữa, trước kia huyện tôn bỏ ra bao nhiêu, bách tính nguyện dâng hai tay trả lại, mọi người thấy có phải không?”
Được ông ta giật dây, một đám phú hộ quỳ xuống vái như tế sao, thỉnh cầu huyện tôn tiếp nhận bồi thường của bách tính.
Vân Chiêu tựa cười tựa không nhìn đám trung hộ, lưu dân lo lắng trùng trùng, giơ hai tay áp xuống, khiến cả ngọn đồi im phăng phắc, hít một hơi cất giọng non nớt của mình nói thật lớn:
“ Lần này cứu tai, giảm tai, bất kể Vân thị cùng những người khác hiến dâng bao nhiêu, cũng không được bồi thường. Ta thân là người đứng đầu một huyện, chỉ cần bách tính giàu có an khác, chỉ cần quốc thái dân an, thứ duy nhất không cần là gia tài vạn quán.”
“ Năm nay, trừ phú thuế ắt phải nộp, huyện Lam Điền sẽ không thu thêm của bách tính dù chỉ một đồng! Đây là lời huyện tôn của các ngươi nói, mọi người ở đây có thể đem khẩu dụ của bản huyện truyền đi tứ hương.”
“ Nếu có bất kỳ ai dám thu thêm một đồng của bách tính, ta sẽ chặt một tay của hắn, cứ như thế mà tính tới nghìn vạn đao phân thây.”
Ngọn đồi còn im ắng hơn cả lúc nãy, đám phú hộ định thờ cơ bóc lột lại mặt tái mét, còn bách tính sau một hồi im lặng, vô số nắm đấm vung lên trời biến thành tiếng gầm rung chuyển trời đất: “ Tuân lệnh huyện đại nhân.”
(*) wiki: Càn Long đế hạ lệnh biên soạn Khâm định quốc sử nhị thần biểu truyện, quen gọi là Nhị thần truyện, có 2 quyển Giáp - Ất, ghi chép cố sự về các quan viên nhà Minh chấp nhận đầu hàng, phục vụ nhà Thanh. Hồng Thừa Trù được xếp vào quyển Giáp, tức là nhóm có nhiều công lao hơn.