Thái độ Vân Chiêu rất kiên quyết, dù lời y hời hợt thản nhiên.
Tiền Đa Đa mặt tái đi, Từ tiên sinh cũng là tiên sinh của nàng, nàng có chút không đành lòng, không biết khuyên nhủ Vân Chiêu thế nào, hậu quả chuyện này khó lường: “ Thiếp hiểu, nói cho cùng tám vị tiên sinh đều là văn nhân cũ, thế nên bất giác lại đi vào lối mòn ... Có điều chàng làm mạnh tay như thế e gây hỗn loạn.”
Vân Chiêu bình tĩnh nói: “ Không sao đâu, dù có loạn thì cũng loạn tới đâu được chứ?”
“ Phu quân, thiếp nói thật đấy, nhỡ xảy ra chuyện thì sao?”
“ Không có chuyện gì hết, giờ là lúc phu quân nàng cường đại nhất, chuyện này phải xử lý sớm, để muộn ta e bản thân không còn dũng khí nữa. Đám Từ tiên sinh phải tiếp nhận kết quả này, họ không có lựa chọn.”
“ Có thể hoãn lại một chút không, thiếp đi nói chuyện với Từ tiên sinh trước, ít nhất để tiên sinh có quá trình thích ứng chứ.” Tiền Đa Đa nỗ lực:
Vân Chiêu lắc đầu:” Không còn thời gian nữa, đến sáng mai Nhật báo Lam Điền sẽ cho đăng văn thư này, bí thư giám đã cho chuẩn bị đủ tài liệu dạy học, phân phát tới các huyện, vô số các học đường mọc lên.”
Tiền Đa Đa bế Vân Xước đứng dậy, run rẩy nói: “ Phu quân, nghĩ nữa đi, chàng cũng có thể chặn lại không cho báo phát hành mà, chàng cứ bình tâm mà nghĩ đi, tối nay thiếp sang ngủ với Phùng Anh, chàng một mình suy nghĩ kỹ hơn nhé. “
Nói rồi vội vàng chạy mất.
Vân Chiêu nhìn theo Tiền Đa Đa thở dài: “ Ài, làm hoàng đế không phải là cái nghề tốt, giờ đến lão bà cũng sợ trẫm luôn rồi.”
Có điều chuyện cần làm vẫn phải làm, còn hỗn loạn mà Tiền Đa Đa e sợ thì Vân Chiêu tin sẽ không bao giờ xảy ra được, ít nhất là không một ai dám thách thức quyền lực của y ở Quan Trung này, chỉ cần có dấu hiệu nhỏ, tới từ bất kỳ đâu sẽ bị đè bẹp.
Cái gốc của Vân Chiêu vẫn là ở Quan Trung.
Ở nơi này bách tính sùng bái y, tôn kính y, yêu quý y, cho thành tâm thừa nhận Vân Chiêu là hoàng đế của mình, vài người có tuổi vẫn thích gọi y một cách gần gũi là "huyện tôn nhà ta".
Nếu rời Quan Trung, bách tính khiếp sợ y nhiều hơn là tôn kính, càng chẳng nói tới yêu quý.
Điều đó một phần là vì hoàng đình Lam Điền không giống các triều đại khác.
Bất kỳ triều đại nào lúc khai quốc cũng thực thi giảm lao dịch thuế má, đại sá thiên hạ, cho dân nghỉ ngơi phục hồi.
Vân Chiêu không làm thế.
Đám tội tù bị giam trong giám ngục không được thả ra, tội tù vẫn là tội tù, không vì triều đại thay đổi mà có gì khác biệt.
Ngay cả trong thời đại vương triều Chu Minh hủ bại, kẻ xấu trong nhà lao cũng nhiều hơn xa người tốt.
Không có cái chuyện nhà lao toàn là người tốt oan ức như dã sử hay tiểu thuyết miêu tả.
Đất đai tuy được phân phối lại, nhưng thuế má không thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn Chu Minh một chút.
Thực tế Sùng Trinh vào những ngày cuối đời Sùng Trinh đã phát ra rất nhiều ý chỉ giảm thuế, cũng hạ chiếu trách tội mình, muốn thông qua đó để được bách tính yêu quý trở lại.
Đáng tiếc, cho dù hắn giảm thuế tới mức khoa trương thì bách tính thiên hạ vẫn không thích hắn, vì đất đai nằm trong tay địa chủ, sĩ nhân, tông thất, toàn những người không phải nộp thuế, nên nỗ lực của hắn uổng phí.
Thuế tương đối cao sẽ có lợi cho thúc đẩy bách tính khai khẩn đất đai nhiều hơn, trồng trọt nhiều hơn.
Cho nên ân điển của hoàng triều Lam Điền bách tính có hạn.
Dù quan phủ cung cấp cho họ hạt giống, trâu cày, nông cụ , nhưng những thú đó đến khi thu hoạch phải trả lại, lợi thì có lợi, nhưng không thu mua được lòng người. Kể cả quan phủ có tu sửa thủy lợi, thì đó cũng liệt vào lao dịch thôi.
Bách tính làm sao hiểu được tâm tư thượng tầng, dù là hiểu chăng nữa, mượn nông cụ, trâu cày của quan phủ, sau đó khi thu hoạch trả lại tức là không nợ nần gì nhau hết.
Quan phủ Lam Điền trong mắt họ là địa chủ lớn nhất, vì bọn họ làm chuyện mà trước kia nhà địa chủ hay làm, chẳng qua thu ít tiền hơn.
Mà quan viên Lam Điền không được giáo dục yêu dân như con, Trương Quốc Trụ làm quốc tướng hai năm định ra quy trình làm việc nghiêm ngặt, không cho quan viên địa phương nhiều không gian phát huy.
Trên đời này không có công bằng tuyệt đối, cho nên chỉ có thể dựa vào điều lệ, pháp quy mới có thể khiến xã hội công bằng được một chút.
Rạng sáng hôm sau trời đổ cơn mưa nhỏ, khi mặt trời mọc lên không khí mát mẻ hơn hôm trước không ít.
Thành Ngọc Sơn bắt đầu một ngày mới của nó như thường lệ.
Vô số người ngáp ngắn ngáp dài từ trong nhà đi ra, ai đi làm thì đi làm, ai kinh doanh thì kinh doanh, một đám trẻ con luồn lách trong đám đông, chạy tỏa đi bốn phương tám hương.
Bọn chúng vừa chạy vừa hô:” Báo đây, báo đây, tin tốt, tin tốt, từ năm sau sẽ thi hành luật nghĩa vụ giáo dục toàn dân.”
Một số quan viên đang tới chỗ làm nghe câu đó thì vội dừng bước, mua tờ báo từ đứa bé bán báo, mở ra xem chỉ thấy trang nhất dùng cỡ chữ lớn nhất in ... Một số quy định liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ giáo dục toàn dân 6 năm.
Vừa đọc tiêu đề, nhiều người thất kinh, phản ứng đầu tiên của bọn họ là quay đầu nhìn Ngọc Sơn tuyết trắng bạc đầu.
Bách tính bình dân nghe người khác đọc cho tin này thì đa phần hớn hở, có điều luật này, con mình dù có ngu xuẩn đến mấy cũng được đi học rồi, lại còn học sáu năm.
Trẻ con phải đi học với người Quan Trung mà nói đã là chuyện bình thường nhiều năm rồi, nhưng trước giờ chỉ có những đứa bé thông minh nhất mới có cơ hội vào thư viện Ngọc Sơn học.
Trước mặt Từ Nguyên Thọ cũng đặt một tờ báo, ông ta im lặng rất lâu rồi, cốc trà bên cạnh chưa từng đụng vào, kết quả không nghĩ ra cách gì, sai phó nhân mau chóng triệu tập tiên sinh toàn trường tới bàn bạc.
Phó nhân đi không lâu, tiếng chuông thư viện vang lên, phàm là những tiên sinh đã đọc báo đều mặt âm trầm, vội vàng rời văn phòng tới phòng hội nghị lớn nhất.
Ai chưa biết tin thì gương mặt đang vui vẻ tức thì tối sầm, không nói thêm lời nào nữa.
Hoàng Tông Hi đi đi lại lại trong thư phòng, hắn cũng nghe thấy tiếng chuông, nhưng cân nhắc hồi lâu, cuối cùng không tới phòng hội nghị, vội vội vàng vàng chạy đi, mua tấm vé tàu chuyến sớm nhất rời Ngọc Sơn.
Trương Quốc Trụ đặt báo xuống, gọi bí thư: “ Mang toàn bộ văn thư cần phê duyệt hôm nay tới nay, nhân lúc chưa ai tới, ta phải tranh thủ phê duyệt thật nhiều văn thư hết mức có thể.”
Nhật báo Lam Điền hôm nay được chuyên môn in thêm 10 vạn bản, dù vậy chưa tới trưa toàn bộ đã bị tranh nhau mua hết.
Khổng Tú ở trong lữ quán cũng có một bản.
Ông ta cứ đọc thêm một chữ thì sắc mặt biến đổi một lần, đọc xong rồi hai tay nắm chặt bàn, gần như dùng tới sức mạnh toàn thân.
Chiếc bàn bất thình lình bị nhấc bổng lên, Khổng Tú la hét như kẻ điên, đợi cảm xúc cuồn cuộn trong lòng lắng dịu phần nào, ông ta quỳ sụp xuống hướng về phía thư phòng của Vân Chiêu khấu đầu liên tục, mỗi cái khấu đầu đều vô cùng thành kính.
Tiểu Thanh nhìn trán lão công tử loang lổ máu vội vàng chạy tới giữ ông ta lại:” Công tử, có chuyện gì thế?”
Khổng Tú nghẹn ngào không nói thành lại, lại dập đầu thêm ba cái nữa:” Bệ hạ …. ta không ngờ lòng dạ bệ hạ bao la tới thế.”
Tiểu Thanh xem báo rồi, nhưng không hiểu:” Chuyện này liên quan gì tới chúng ta chứ?”
Khổng Tú mắt ậng nước, lúc khóc lúc lại cười, ngửa mặt lên trời gào lớn: “ Lão tổ tông, cả đời người theo đuổi hữu giáo vô loại giờ sắp thực sự được thực hiện rồi, tất cả là nhờ bệ hạ.”
....
Hữu giáo vô loại: Nói đơn giản là dạy học mà không phân sang hèn gì cả, ai ai cũng dạy hết.