Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 35

Mùa thu trên núi ngày càng đậm, đã bước vào cuối thu, xem chừng chưa đến một tháng nữa là vào đông rồi. Diệp Khê vội vàng trồng nốt mấy luống rau, bón phân, qua một thời gian mầm rau đã vươn cao hẳn lên, bắt đầu cần ngắt ngọn, bám giàn.

Diệp Khê đang ở nhà sửa sang vườn rau, đào rãnh cho luống hành gừng, còn những loại rau khác cũng cần chăm bón. Lâm Tướng Sơn thì không giỏi mấy việc này, nên lấy dụng cụ săn bắn của mình định lên núi một chuyến, xem có thể săn được gì mang về không.

Diệp Khê đeo bình nước cho hắn, trong túi vải đựng hai chiếc bánh nướng đã làm sẵn, bên trong kẹp khoai tây sợi mới nấu bữa sáng và dưa muối xào thịt băm. Đường vào núi xa xôi, hắn đi là đi cả một ngày, trưa cũng không về ăn cơm.

“Trong rừng nguy hiểm, mình nhất định phải chú ý an toàn, đừng tham mấy con mồi đó. Săn được dĩ nhiên là tốt, nhưng nếu tay không trở về cũng chẳng sao cả. Quan trọng là mình phải bình an trở về, mình là trụ cột trong nhà chúng ta, một mình em thật sự không xoay xở nổi.”

Lần trước Diệp Khê vào rừng một lần đã thấy sợ hãi, cảm thấy nơi đó thật sự quá nguy hiểm, vì thế bây giờ cứ lải nhải dặn dò Lâm Tướng Sơn mãi không thôi.

Lâm Tướng Sơn kiên nhẫn lắng nghe lời dặn dò của phu lang nhà mình, khóe miệng mang theo ý cười. Trước đây một mình hắn vào rừng, hai ba ngày không ra cũng chẳng có ai bận tâm. Nhưng giờ thì khác, phu lang đang ở nhà đợi, lo lắng cho hắn.

“Anh biết rồi, nếu không săn được gì thì sẽ tìm những thứ khác, tóm lại sẽ về trước khi trời tối.”

Diệp Khê yên tâm gật đầu, tiễn Lâm Tướng Sơn ra khỏi nhà.

Sau khi Lâm Tướng Sơn đi, Diệp Khê liền đem chăn trong nhà ra phơi. Sắp vào đông rồi, thời tiết ẩm lạnh, phải thay chăn dày. Chăn dày để suốt mùa hè trong tủ nên bị ám mùi ẩm mốc, phải tranh thủ mấy ngày có nắng mùa thu đem ra phơi, khử bớt mùi.

Phơi chăn xong, Diệp Khê dùng chổi lông gà vỗ vỗ cho phẳng, phủi bụi bặm rồi quay vào nhà tìm chỉ gai để khâu đế giày.

Chân Lâm Tướng Sơn to và rộng, suốt ngày vất vả ngoài ruộng đồng, không thì vào núi, giày bị hỏng rất nhanh, phải làm thêm vài cái đế giày cho hắn mới được.

Lũ gà con, vịt con trong nhà đã lớn thêm một vòng, không còn nhỏ bằng bàn tay như trước nữa. Diệp Khê ra chuồng gà thả hết chúng ra, để chúng tự do đi lại mổ thóc. Còn cậu thì ngồi ngay trong sân, tay khâu đế giày, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên ngó chúng một cái.

Việc này rất tốn thời gian, khâu xong một đôi đế giày thì cũng đã đến trưa. Nghĩ đến việc trưa nay Lâm Tướng Sơn không về ăn cơm, Diệp Khê tự mình vào bếp nấu một bát mì, qua loa ăn cho xong bữa.

Buổi chiều, Lưu Tú Phượng đến nhà chơi. Đây là lần thứ hai bà tới nhà của Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn. Lần đầu là trước khi hai người thành thân, bà đến giúp bày biện sắp xếp một chút.

“Khê ca nhi!” Lưu Tú Phượng vui vẻ đẩy cổng bước vào gọi.

Diệp Khê đang ngồi trong sân nghe thấy, vội ngẩng đầu lên thì thấy mẹ mình đến, liền reo lên: “Mẹ! Sao mẹ lại tới đây!”

Cậu vội vàng đi lấy ghế thấp mời mẹ ngồi.

Lưu Tú Phượng vừa ngồi xuống đã đưa mắt nhìn quanh một vòng, hài lòng gật đầu: “Hai đứa sống cũng được đấy chứ, mẹ nhìn thấy nhà cửa gọn gàng đâu ra đấy, gia cầm cũng nuôi rồi. Ồ, đống củi kia chất mới đẹp làm sao!”

Dưới mái hiên, dọc theo bức tường là cả một hàng củi được bổ đều, từng khúc to khô ráo, xếp rất gọn gàng.

Diệp Khê cười nói: “Chồng con là người siêng năng, không ngồi yên được. Lúc nông nhàn liền xách dao vào núi chặt củi. Anh ấy bảo trong nhà nấu ăn, đun nước đều cần dùng, nhất là giờ đã vào cuối thu, mùa đông cận kề, phải tích thêm củi để đến lúc lạnh còn nhóm bếp sưởi nhà.”

Lưu Tú Phượng rất hài lòng: “Nó làm việc cẩn thận chu đáo, đống củi này mà kéo lên trấn bán thì cũng đáng giá một hai lượng bạc ấy chứ! Con từ nhỏ đã sợ lạnh do thể hàn, mùa đông này chắc không bị rét nữa rồi!”

Diệp Khê mỉm cười dịu dàng.

Lưu Tú Phượng lại để ý thấy trong sân có một cái ao nhỏ mới đào, trông khá lạ, mà không giống giếng nước, liền hỏi: “Cái ao này đào để làm gì vậy?”

Diệp Khê đáp: “Không xa đây có con suối nhỏ nước ấm. Chồng con thấy trong nhà dùng nước bất tiện nên đào rãnh dẫn nước vào sân, nấu ăn, quét dọn đều tiện hơn. Đến mùa đông rửa mặt cũng không cần đun nước nữa, con cũng không lo bị lạnh.”

Những năm trước, vào mùa đông trời lạnh, Diệp Khê rửa chén giặt đồ đều bị cóng tay đến mức sưng tấy, mười ngón tay trắng trẻo sưng phồng lên như củ cà rốt, nhìn rất xót. Cậu phải dùng một bài thuốc dân gian bôi liên tục suốt một tháng mới dịu xuống. Nhưng từ đó về sau, cứ đến mùa đông là tay vẫn ngứa ngáy, không thể chạm vào nước lạnh được.

Lưu Tú Phượng nghe vậy trong lòng mừng rỡ. Con rể cưng chiều ca nhi nhà mình đến thế, lại biết quan tâm chăm sóc người khác, bà thấy yên tâm hẳn. Bà sợ nhất là con cái sau khi thành thân lại sống không hoà thuận, nhưng giờ xem ra cuộc sống của Diệp Khê thực sự không tồi, vợ chồng ân ái, việc nhà đâu vào đấy, nhìn qua là biết đang từng bước ổn định.

“Nói chuyện nãy giờ, chồng con đâu rồi?”

Diệp Khê đáp: “Anh ấy lên núi săn thú rồi. Nếu may mắn săn được cũng có thể đem bán thêm được ít bạc.”

Lưu Tú Phượng nói: “Con lần trước nhờ ta hỏi chuyện heo con đó, heo nhà ông Lý đã cai sữa rồi. Ông ấy sai người nhắn là có thể đến bồng về được rồi.”

Diệp Khê đặt cuộn chỉ gai trong tay xuống, vui vẻ nói: “Thế thì tốt quá! Chuồng heo trong nhà xây từ lâu rồi, chỉ còn chờ mang heo con về nuôi thôi. Giá cả thì sao ạ?”

Lưu Tú Phượng uống ngụm nước rồi nói: “Hai trăm văn một con. Nhà đó giống heo to khỏe, heo con trắng trẻo mập mạp, đúng là đáng giá.”

Giá này cũng không đắt, Diệp Khê gật gù, lại hỏi: “Thế chuyện hôn sự của cô nương nhà họ Lý với anh con sao rồi?”

Nhắc đến chuyện này, Lưu Tú Phượng cười tươi rói: “Xem như đã định rồi. Mấy hôm trước mẹ nhờ bà mối dẫn anh con đến ra mắt, gặp mặt cô nương nhà họ Lý. Hai đứa đều đỏ mặt, chẳng nói câu nào, xem ra là vừa mắt nhau rồi. Về đến nhà ta liền kéo nó hỏi, nó cứ ấp a ấp úng, mẹ dọa nếu không ưng thì mẹ cho người từ chối. Nó lập tức quýnh lên, vội nói ‘Con bằng lòng, con bằng lòng’, làm mẹ cười muốn chết!”

Diệp Khê nghe mẹ kể mà cũng cười khanh khách. Anh cậu đúng là người thật thà chưa từng yêu đương, giờ cuối cùng cũng có người trong lòng rồi.

“Vậy nhà họ Lý đưa ra sính lễ gì, rồi sính kim tính sao?”

Lưu Tú Phượng nói: “Nhà họ Lý thật thà hào sảng, điều kiện cũng khá hơn nhà mình nhiều, bảo chỉ cần đưa sính lễ như nhà bình thường là được. Mẹ tính mang một đôi gà vịt, thêm hai tấm vải cho con bé ấy, với vài vò rượu. Nhất định không để người ta chịu thiệt. Còn về sính kim, nhà họ Lý nói ba năm lượng là được, không đòi hỏi nhiều, cũng không ít đến mức mất mặt.”

Lễ vật và sính kim đều không đòi hỏi cao, quả thực là rất phải chăng. Bảo sao mẹ lại hài lòng với mối hôn sự này đến vậy.

“Anh con đúng là tìm được nhà tốt rồi!”

Lưu Tú Phượng kéo tay cậu nói: “Ngày mai mẹ sẽ mang sính lễ qua nhà họ Lý, con theo mẹ đi một chuyến đi, xem như giữ thể diện cho anh con, tiện đường bồng luôn heo con về.”

Đến nhà gái bàn chuyện cưới hỏi, bên nhà trai đi đông người là thể hiện sự coi trọng, cũng khiến nhà gái nở mày nở mặt.

Diệp Khê tất nhiên không từ chối, lập tức đồng ý: “Được ạ! Cho dù không mua heo, con nhất định cũng phải vì anh cả mà đi chuyến này.”

Lưu Tú Phượng lại ngồi trò chuyện với Diệp Khê thêm một lúc nữa, thấy trời sắp tối mới đứng dậy chuẩn bị xuống núi về nhà. Con trai lấy chồng gần quả là tốt, thỉnh thoảng lại có thể đến chơi một chuyến, trò chuyện giải khuây với bà.

Diệp Khê tiễn Lưu Tú Phượng xuống tận đường núi, nhìn bà đi khuất hẳn mới quay về chuẩn bị nấu cơm tối.

Vừa bước vào sân thì thấy Lâm Tướng Sơn đã trở về, tay cầm đồ, người đầy bụi đất và lá khô, trông vô cùng nhếch nhác, hẳn là trong rừng đã vất vả không ít.

Diệp Khê vội vàng ra đón: “Mình về rồi à!”

Lâm Tướng Sơn trông thấy tiểu phu lang chạy ra đón mình, liền cười nói: “Hôm nay vận may không tệ, săn được một con nai.”

Diệp Khê nhìn thấy con nai trong tay hắn, hai mắt sáng rực lên. Đây là lần đầu tiên cậu được tận mắt nhìn thấy con nai đấy! Trông giống con sơn dương nhỏ, nhưng gạc thì dài và cong hơn.

“Là nai thật này! Lần đầu tiên em thấy đó!”

Lâm Tướng Sơn thấy cậu như trẻ con gặp được đồ chơi mới, khẽ cười, rồi xách hai chân trước con nai đi vào sân: “Nếu mình thích, thì nuôi trong sân vài hôm cho mình ngắm chơi.”

Hắn cột con nai dưới mái hiên, Diệp Khê liền tìm một cái rổ nát, lót lá khô và rơm bên trong làm ổ tạm, còn mang cho nó một chén nước.

Lâm Tướng Sơn nói: “Bắt được từ chiều, hẳn nó đã đói cả buổi rồi, cho nó ăn chút gì đó đi.”

Diệp Khê vào bếp, cắt nửa quả bí đỏ mang ra cho nó ăn.

Nai bị người bắt được thường sẽ không chịu ăn ngay, cần thời gian để thích nghi. Diệp Khê ngồi xổm dưới mái hiên nhìn nó chăm chú, càng nhìn càng thấy nó đẹp và có linh khí.

Lâm Tướng Sơn lau mình bằng nước trong sân, nhìn thấy Diệp Khê giống như đứa nhỏ chăm thú cưng, còn đưa từng miếng bí đỏ cho nó, liền bật cười: “Giờ nó chưa ăn đâu. Phải đói một hai ngày mới chịu ăn. Gặp con bướng thì nhịn đói đến chết cũng có.”

Diệp Khê hỏi: “Mình nhìn ra nó được bao nhiêu tháng rồi không?”

Lâm Tướng Sơn đáp: “Không lớn lắm, chắc chưa đầy một năm tuổi, gạc còn chưa phát triển hoàn chỉnh.”

“Vậy là còn nhỏ lắm,” Diệp Khê nhẹ nhàng đưa tay sờ gạc nó, lông tơ mềm mịn.

Lâm Tướng Sơn lại xách chiếc gùi mang từ núi về: “Nấm rừng mọc nhiều lắm, anh hái được gần nửa gùi, đem xuống trấn bán cũng được ít tiền. Mấy hôm nay trái mao rừng cũng chín, ăn vào chua chua ngọt ngọt, anh hái một ít cho mình.”

Nếu không phải vì vào rừng tìm trái này, thì hắn cũng chẳng tình cờ bắt được con nai kia.

Diệp Khê bóc vỏ một quả nếm thử, hơi cứng, chắc còn phải để thêm vài hôm nữa mới ngon, nhưng vị thì khá ổn, ngọt thanh xen lẫn chua dịu. Cậu bóc thêm một quả, đưa đến bên miệng Lâm Tướng Sơn.

Lâm Tướng Sơn không khách sáo, há miệng ăn luôn từ tay Diệp Khê: “Nếu mình thích, lần sau anh lại lên núi hái, ăn vặt cho vui.”

Diệp Khê lại ném một quả xuống trước mặt con nai, rồi đứng dậy nói: “Ngày mai mẹ muốn đến thôn Tú Thủy đưa sính lễ, gọi em đi cùng, tiện thể em sẽ ôm heo con về. Nghĩ đến việc mai là lần đầu gặp chị dâu tương lai, em tính mang một giỏ nấm và quả rừng làm quà.”

Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Được, mình làm việc chu đáo, đều nghe mình hết.”

Diệp Khê mỉm cười, rồi chui vào bếp lo bữa tối.

Hết chương 35.

Bình Luận (0)
Comment