Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 41

Sau vài trận mưa, cái se lạnh của mùa thu cũng bị xua đi, gió trên núi trở nên bén nhọn táp vào mặt đau rát, nước sông cũng lạnh đến buốt tay.

Diệp Khê ru rú ở trong nhà, lặng lẽ thêu khăn tay. Trên lò đất bên cạnh đang đun một ấm trà táo đỏ hoa quế, thứ mà cậu đã cất trữ từ đầu thu, nghĩ rằng trời lạnh nên cần đun nhiều nước nóng để uống, chứ cứ uống nước trắng mãi thì không ổn.

Con nai nhỏ ngoan ngoãn rúc bên chân cậu, nếu có gà vịt chạy vào mổ hoa cỏ mà Diệp Khê trồng trong sân, nó sẽ bật dậy xua đuổi chúng đi.

Diệp Khê mỉm cười xoa đầu nó, con nai này càng nuôi càng lanh lợi, giữ nhà còn giỏi hơn cả chó.

Hơi nước từ ấm trà bay khắp phòng, ấm áp hơn bên ngoài nhiều. Cậu tranh thủ thời gian thêu thêm vài chiếc khăn nữa, tiệm vải trên trấn đang cần, gần đây cậu đã tích góp được bảy tám mươi văn từ việc bán khăn tay. Nếu lần này bán được thêm nữa thì có thể mua vài thước vải về may áo lót mới cho Lâm Tướng Sơn rồi.

Tối qua, cậu đã kiểm tra ba chiếc áo lót của Lâm Tướng Sơn, chỗ dưới nách và khuỷu tay đều rách hết, dù có vá lại thì cũng chẳng còn ấm áp hay thoải mái gì. Diệp Khê tính sẽ may cho hắn một cái áo mới, đợi thời tiết lạnh thêm chút nữa thì lại mua một hai cân bông về làm áo bông dày cho hắn mặc.

Cậu cúi đầu, chuyên tâm thêu thêm một lúc, bỗng con nai nhỏ dưới chân đứng bật dậy, chạy ra cổng sân.

Diệp Khê gọi với theo: “Có khách à?”

Vừa dứt lời, ngoài cổng vang lên một giọng nữ trong trẻo: “Vẫn là nai con ngoan nhất, biết ra đón ta rồi.”

Diệp Khê vội đặt khăn xuống, đứng dậy cười nói: “Chị dâu đến rồi.”

Lý Nhiên xách giỏ bước vào sân: “Con nai em nuôi càng ngày càng ngoan, chị nhìn mà phát thèm, cũng muốn nuôi một con.”

Diệp Khê cười đáp: “Lần sau nếu bắt được nữa, em sẽ giữ cho chị.”

Lý Nhiên vào nhà là chẳng khách sáo gì, ngồi thẳng lên giường đất luôn, nàng với tay nhấc ấm trà trên lò lên, tự rót cho mình một chén rồi một hơi uống cạn.

“Em đúng là biết hưởng thụ, ngay cả nấu nước uống cũng ngon hơn nhà khác.”

Diệp Khê cười: “Chỉ là mấy thứ hái trên núi, phơi khô để nấu nước cho mới lạ thôi mà.”

Lý Nhiên càng khen ngợi: “Cái thứ đầy rẫy trên núi mà người ta không để tâm, chỉ có em mới nghĩ đến chuyện đem nấu nước uống, chẳng phải là hơn hẳn tụi chị sao. Nhìn cái sân nhỏ này của em là đã thấy dễ chịu rồi.”

Diệp Khê hỏi: “Chị dâu hôm nay đến là tìm em nói chuyện phiếm phải không?”

Lý Nhiên là con dâu mới gả vào nhà họ Diệp tháng trước, từ lúc về thôn đã thân thiết với Diệp Khê, cách vài ba hôm lại đến nhà chơi.

Lý Nhiên nói: “Ở nhà buồn chết đi được, chồng chị với chồng em đều đi sửa quan đạo hết rồi, trời chưa sáng đã ra khỏi nhà, đợi đến tối mịt mới về. Cả ngày chẳng có ai để nói chuyện, rảnh rỗi buồn chán đến phát ngốc. Mẹ bảo chị đến rủ em lên núi xem còn cái gì hái được đợt cuối thu này không.”

Tính cách Lý Nhiên thẳng thắn, không có tâm cơ sâu xa, đối xử với cha mẹ chồng cũng thật lòng, sau khi về nhà họ Diệp, Lưu Tú Phượng cũng coi nàng như con gái ruột.

Diệp Khê kéo sợi chỉ, cười đáp: “Trong rừng biết đâu còn tìm được mẻ nấm cuối thu với ít hạt dẻ nữa.”

Lý Nhiên kéo tay cậu: “Vậy thì mình dạo lên núi một chuyến nhé, còn hơn là ngồi lì ở nhà.”

Diệp Khê nghĩ ngợi: “Nếu nhặt được nhiều hạt dẻ thì để em nấu ăn cơm niêu hạt dẻ cho chị nếm thử nhé. Có dư thì phơi khô cất đi, đến mùa đông còn có thể rang lên làm món ăn vặt dẻo ngọt lắm á.”

Lý Nhiên nghe vậy hào hứng hẳn, kéo cậu định đi ngay.

Diệp Khê không chống lại được, đành gác lại chuyện thêu khăn, khóa cửa rồi đi cùng Lý Nhiên lên núi dạo một vòng.

Thu đã gần tàn, ngày lập đông cận kề, cây cối trong rừng tiêu điều, chim thú cũng ít hẳn đi.

Diệp Khê và Lý Nhiên vào rừng, tìm được một đám nấm sữa màu vàng nhạt dưới gốc cây khô.

Diệp Khê ngồi xổm xuống cẩn thận hái nấm, vừa hái vừa nói: “Nấm này mang về hầm canh thì ngọt nước lắm, vào đông nấu ăn dần cũng ngon.”

Trên cây khô còn mọc đầy mộc nhĩ béo mập tươi non, Lý Nhiên vừa hái vừa nói: “Ly ca nhi ở trong thôn mình ấy có thân với em không?”

Diệp Khê ngẩng đầu nhìn chị dâu, gật đầu: “Là bạn từ thuở nhỏ của em, sao thế ạ?”

Lý Nhiên khẽ xuýt một tiếng, thong thả nói: “Chẳng phải nhà em ấy từng bàn chuyện cưới xin với con trai nhà đồ tể tên Lý Tam đó sao? Cũng giống nhà chị, đều là đồ tể cả.”

Diệp Khê ừ một tiếng, vừa bỏ nấm vào giỏ, đầu ngón tay dính đầy rêu: “Nhưng mà nghe nói hôn sự đó hình như bị gác lại rồi.”

Lý Nhiên ngồi phệt lên thân cây khô: “Dạo này chính là vì chuyện đó mà ầm ĩ cả lên.”

Diệp Khê ngẩng đầu, chờ chị nói tiếp.

Lý Nhiên từ tốn kể: “Hai vợ chồng Lý Tam chẳng ra gì, thiên vị con cả lại cưng chiều thằng út, đứa thứ hai là Lý Tập thì kẹt ở giữa, cha chẳng thương mẹ chẳng yêu. Giờ tuổi cũng lớn rồi, mãi mới được một mối với Ly ca nhi, người ta còn vừa ý lắm cơ.”

Diệp Khê bật cười trước dáng vẻ ngô nghê đáng yêu của chị dâu, rồi nghe nàng sinh động kể tiếp: “Nhưng mẹ của Ly ca nhi lại chê nhà Lý Tập chẳng yên ổn, gả qua đó cha mẹ chồng không thương, chị em dâu bắt nạt thì sao mà sống, thế là thím Lưu hoãn lại, không muốn dính vô nhà này. Thế là Lý Tập hoảng lên, phu lang sắp đến tay lại không thành, nhịn không nổi nữa nên gây chuyện luôn.”

“Gây sao cơ? Đòi chia nhà?”

Lý Nhiên gật đầu: “Chứ sao nữa, đòi tách hộ ra ở riêng. Bình thường cha mẹ còn sống thì không ai ra riêng như vậy cả, đó là quy củ, nhưng hắn thật sự không chịu nổi nữa rồi, nhất quyết phải chia nhà cho bằng được.”

Diệp Khê cảm thấy vậy cũng tốt, tuy nghe có vẻ không được hiếu thuận cho lắm, nhưng nếu không phải bị chèn ép quá đáng thì cũng chẳng có đứa con nào kiên quyết đòi ra riêng như thế.

“Nếu Lý Tập thật sự tách hộ, thì chuyện hôn sự này chắc vẫn còn hy vọng.”

Lý Nhiên nói: “Nhưng mà hai ông bà già kia lại không chịu, đứa lớn thì đã có vợ con, chẳng muốn gánh việc, đứa út thì lại tham tiền lười biếng, cũng suốt ngày tìm cách tránh việc. Ngày thường đều dựa vào Lý Tập chống đỡ cả nhà, nếu hắn ra riêng thì nhà đó sao sống nổi đây.”

Hai người vừa đi vừa tán gẫu chuyện trong thôn: nhà họ Triệu giẫm nát mấy luống rau nhà họ Lưu, nhà họ Lưu thì lại thả gà ra mổ hành tỏi của nhà họ Triệu; con gái thím Tiền nói ở thôn bên có anh chàng mặt đầy sẹo rỗ nhưng đưa sính lễ cao lắm, tận mười lượng bạc hay chuyện gã rảnh rỗi lêu lổng Tôn Mã Tử cũng muốn đi sửa quan đạo để kiếm ít bạc, nhưng trưởng thôn Chu Đại không đồng ý, thế là hắn ngồi ăn vạ trước cửa nhà trưởng thôn mấy hôm rồi…

Hạt dẻ trong núi rụng đầy đất, bên ngoài bọc một lớp vỏ gai, bên trong hạt nào hạt nấy đều căng tròn béo múp. Diệp Khê lấy chân giẫm vỏ, rồi dùng kẹp tre gắp hạt dẻ ra.

Họ nhặt đầy hai giỏ mới về nhà, hai người ôm lấy thau gỗ ngồi trong sân bắt đầu bóc vỏ hạt dẻ.

Làm được một giỏ nhỏ, Diệp Khê bắt đầu lột lớp vỏ cứng, lộ ra phần ruột vàng bên trong.

“Hôm nay chị dâu ở lại ăn cơm tối nhé, em sẽ lấy hạt dẻ mới nhặt làm cơm niêu.”

Lý Nhiên vốn không khách sáo gì với cậu, vui vẻ đồng ý: “Đợi Diệp Sơn về, chị gọi anh ấy đến đây ăn chung luôn. Cha mẹ chắc cũng đã nấu cơm ở nhà rồi, vậy thì bốn người chúng ta ăn thôi.”

Diệp Khê vào nhà bếp rửa sạch hạt dẻ, lại lấy thêm một ít nấm sữa cắt nhỏ, con nai nhỏ thân thiết đi vào cọ bên chân cậu, sừng thỉnh thoảng cạ vào đầu gối.

Diệp Khê rửa một cây nấm, đút vào miệng nó, cười bảo: “Ra sân canh gà đi.”

Con nai nhai nấm, hài lòng ra sân.

Cà rốt vụ thu đã mọc lên, tuy chỉ to bằng ngón tay, nhưng lúc này lại giòn ngọt tươi mát nhất.

Cậu nhổ ít cà rốt từ vườn rau, cắt vụn rồi trộn với nấm, lấy xuống hai đoạn lạp xưởng thái lát mỏng.

Lý Nhiên bước vào bếp giúp nhóm lửa: “Em với bác dâu của chị y như nhau, đều nấu ăn ngon hết. Hồi nhỏ chị hay sang ăn chực nhà bác, giờ lấy chồng rồi còn được sang đây ăn, đúng là có số hưởng!”

Diệp Khê rửa sạch niêu đất, đặt lên bếp, đổ dầu vào rồi xào sơ hạt dẻ, cười nói: “Chị chỉ biết nói em nấu ăn ngon là tốt với chị, chẳng lẽ anh em không tốt với chị à?”

Lý Nhiên đỏ bừng mặt, đưa củi vào bếp: “Tất nhiên là tốt rồi, chỉ là ngốc nghếch thôi, mỗi ngày đều nói phải chăm chỉ làm việc kiếm tiền mua quần áo mới cho chị, còn nói muốn làm trâm bạc tặng chị.”

Sau khi nàng gả đến, ngoài việc làm lụng, Diệp Sơn ngày ngày chỉ xoay quanh nàng, lòng dạ lúc nào cũng đầy ắp hình bóng nàng. Hồi cha mẹ nhắc đến mối hôn sự này, nàng còn chê xa, không muốn gả về thôn Sơn Tú.

Cũng sợ cha mẹ chồng khắt khe, không cho nàng ăn trái ngọt, nàng nghĩ bản thân không phải người giỏi suy tính thiệt hơn, tính tình lại ngay thẳng, nếu gặp phải nhà khó, chỉ sợ ngày tháng sau này sẽ rất khổ.

Cha nàng đặc biệt nhờ bà mối đi dò xét, bà mối về nói rằng nhà họ Diệp tuy không giàu có, cuộc sống cũng có phần thanh đạm nhưng người lại chính trực, hòa nhã, cha mẹ chồng thấu tình đạt lý lại rộng lượng, phu quân thì chịu khó làm việc, không có mấy cái tâm tư lăng nhăng. Cha mẹ nàng nghe xong mới yên tâm.

Về sau nàng gặp Diệp Sơn một lần, quả nhiên là người thật thà, chuyện gì cũng viết hết cả lên mặt, nàng mới ưng thuận mà gật đầu đồng ý.

Gả qua rồi, ngày tháng trôi qua yên ổn vui vẻ, phu quân yêu thương đặt nàng trong lòng, cha mẹ chồng cũng đối đãi như con ruột, đến cả em chồng là Diệp Khê dù đã thành thân vẫn hay gửi cho nàng mấy món ngon.

Đây chẳng phải phúc phận sao?

Diệp Khê liếc nhìn chị dâu của mình, đã thành thân rồi mà ánh mắt vẫn trong trẻo như thiếu nữ, đủ thấy anh cậu yêu thương người ta thế nào.

Đợi hạt dẻ trong nồi chuyển màu, Diệp Khê cho nấm sữa và cà rốt vào đảo cùng, mùi béo của nấm quyện với hạt dẻ ngọt bùi, tỏa ra hương thơm đầy hấp dẫn. Sau đó cậu cho thêm xì dầu vào để tạo màu, cuối cùng đổ gạo đã ngâm sẵn vào khoáy đều, đậy nắp lại rồi om từ từ cho chín.

Cơm dần dậy mùi, trời cũng nhá nhem tối, đèn đóm dưới chân núi lần lượt sáng lên như sao trời rơi xuống dải Ngân Hà. Không biết chó nhà ai bắt đầu sủa vang, âm thanh vọng khắp thung lũng.

Hết chương 41.

Bình Luận (0)
Comment