Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 5

Chuyện nhà họ Diệp bị từ hôn bị người trong thôn bàn ra tán vào một thời gian, sau rồi cũng dần nguội đi. Người nhà nông nào có nhiều thời gian để lo chuyện thiên hạ, tiết tiểu thử* sắp tới rồi, mùa hè bận rộn cũng theo đó mà tới.

*một trong 24 tiết khí trong lịch cổ, nghĩa là tiết trời đang vào đầu mùa nóng

Nắng vừa mới lên, cha Diệp và Diệp Sơn phải ra đồng bón thúc, nhổ cỏ, phòng trừ sâu bệnh, để kịp đến tiết đại thử có thể thu hoạch. Diệp Khê ở nhà cho gà vịt ăn xong thì chuẩn bị lên núi nhặt củi.

Mỗi ngày nấu cám heo đều tốn không ít củi, cha và anh còn phải lo việc đồng áng, những việc vặt vãnh này tự nhiên Diệp Khê phải đảm đương.

Khóa cổng nhà cẩn thận, Diệp Khê đeo gùi tre lên lưng rồi ra cửa, men theo chân núi mà nhặt củi, dọc đường chỉ lượm được vài cành khô vụn vặt. Trên núi cây cối rậm rạp, che kín cả bầu trời, chắn bớt ánh nắng gay gắt, đi trong bóng cây, dưới những tia nắng xuyên qua tán lá cũng cảm thấy mát mẻ hẳn.

Càng đi lên cao càng nhiều cành khô, Diệp Khê tranh thủ hôm nay nhặt nhiều một chút, mai mốt có thể khỏi phải lên núi. Đến khi củi trong gùi đã được bó chặt thành một bó lớn thì cậu mới phát hiện trời đã tối sầm lại từ lúc nào, mặt trời chói chang bị mây đen che kín, ánh sáng cũng nhạt dần, không khí như đang báo hiệu một trận mưa to sắp đến.

Không dám nán lại nữa, Diệp Khê vội vàng đeo bó củi lên lưng, men theo đường núi mà đi xuống. Mới đi được một đoạn thì đã nghe thấy tiếng mưa bắt đầu rơi trên lá cây, lộp độp tí tách, mỗi lúc một dày hơn.

Hạt mưa to tướng đập vào mặt, vào vai cậu, cùng với đó là những tiếng sấm rền vang trời. Tiếng sét nổ ầm trên không trung khiến muông thú trong rừng hoảng loạn bỏ chạy tứ tán.

Mắt thấy mưa mỗi lúc một lớn, Diệp Khê luống cuống lao xuống núi, bó củi trên lưng không nhẹ, đè cho sống lưng cậu cong hẳn xuống, bước chân cũng trở nên nặng nề.

Đường núi ướt nhẹp trơn trượt vì mưa, Diệp Khê không để ý bị dây leo vướng chân, cả người loạng choạng mấy bước rồi trượt, ngã “bịch” một tiếng xuống vệ đường. May mà cậu kịp bám lấy dây leo nên mới không lăn lông lốc xuống sườn dốc.

Bó củi đè mạnh lên lưng, khiến Diệp Khê nằm rạp dưới đất, không sao đứng dậy được. Diệp Khê chỉ cảm thấy đầu gối và khuỷu tay đau rát như bị xé rách, khẽ xuýt một tiếng, mưa như trút nước dội thẳng xuống người, theo hàng mi chảy không ngớt vào mắt.

Trong màn mưa mờ mịt, một bóng người cao lớn xuất hiện ở lối mòn phía trước, mình khoác áo tơi, đầu đội nón lá rộng vành, tay còn xách hai con gà rừng.

Diệp Khê cứ thế nằm rạp dưới đất nhìn người kia từng bước một đi đến gần. Mưa chảy ròng ròng từ áo tơi của người ấy, cho đến khi đôi dép cỏ dừng lại trước mặt cậu.

Diệp Khê ngơ ngác ngẩng đầu nhìn lên, dưới vành nón lá rộng là một gương mặt cương nghị rắn rỏi, đường nét rõ ràng, tuy có phần nghiêm túc khiến người ta e dè, nhưng lại không mất đi vẻ trầm ổn. Nhìn qua là biết một nam nhân có thể gánh vác sóng gió.

Người kia không nói một lời, tiện tay ném hai con gà rừng xuống đất, rồi cúi người nhấc bó củi to tướng sau lưng Diệp Khê lên. Bó củi nặng nề ấy lại được hắn nhẹ nhàng dời đi dễ như trở bàn tay. Diệp Khê lập tức cảm nhận được trọng lượng đè nặng sau lưng biến mất, bỗng chốc nhẹ nhõm hẳn.

Cậu vội vàng chống tay bò dậy, quần áo vải thô xanh dính đầy bùn đất, trông thật chật vật, đầu gối còn bị trầy một mảng lớn, chắc là lúc nãy ngã bị đá cào rách.

“Cảm, cảm ơn ngươi.” Diệp Khê lí nhí cảm ơn, ánh mắt lại không dám nhìn đối phương, người này quá cao lớn, cậu chỉ cao đến ngang vai hắn.

Người kia không đáp, ánh mắt đen thẳm đảo qua gương mặt Diệp Khê rồi tự mình nhặt lại hai con gà rừng, tiếp tục đi về phía trước.

Diệp Khê vừa nhấc chân định đi nhặt bó củi của mình, mới bước được hai bước thì không kìm được bật ra tiếng “á” vì đau. Khuỷu tay và đầu gối đau buốt, chớ nói chi đến việc vác bó củi ấy xuống núi.

“Ngươi… ngươi có thể giúp ta một chút được không?” Diệp Khê khẽ gọi người kia lại.

Người đàn ông mặc áo tơi phía trước dừng chân, hơi nghiêng người sang, như thể đang lặng lẽ chờ cậu nói tiếp.

Diệp Khê mím môi: “Tay chân ta bị thương, nhất thời không nhúc nhích nổi, phiền ngươi giúp ta dời bó củi này đến chỗ nào khuất một chút, hôm khác ta sẽ quay lại lấy.”

Người đàn ông lúc này mới hạ ánh mắt sâu thẳm nhìn sang đầu gối Diệp Khê, im lặng một lát rồi khẽ gật đầu, trầm giọng nói: “Được.”

Diệp Khê lần đầu nghe thấy giọng người kia, không ngờ lại dễ nghe đến vậy.

“Vậy, cảm ơn ngươi.”

Người kia quay lại, thấy Diệp Khê toàn thân đã ướt sũng vì mưa, tóc rối bết dính vào má, tấm khăn trắng che mặt cũng ướt nhẹp, đôi mắt cụp xuống, trông chẳng khác gì một con thỏ trắng nhỏ bị thương.

Hắn đưa tay tháo chiếc nón lá rộng trên đầu, đưa cho Diệp Khê.

Diệp Khê hơi hoảng hốt, mình đã làm phiền người ta rồi, sao còn có thể nhận cả nón lá của người ta được, liền vội vàng xua tay từ chối:
“Không cần đâu, ngươi đội đi, ta vốn đã ướt cả rồi.”

Người kia cầm nón lá, tay khựng lại giữa không trung một lúc, rồi không nói gì, đặt chiếc nón xuống dưới chân Diệp Khê, sau đó cúi người nhấc bó củi lên, nhanh chóng nói:
“Trời tạnh thì đến lấy, căn nhà ở giữa sườn núi.”

Dứt lời liền quay người rời đi.

Diệp Khê nhặt chiếc nón lá dưới chân lên, lúc này mới phản ứng kịp, người kia chẳng phải chính là người xứ khác vừa mới chuyển đến thôn bọn họ hay sao?

Không kịp nghĩ nhiều, Diệp Khê vội vàng xuống núi. Khi về đến nhà, nhìn kỹ mới phát hiện tay và khuỷu tay mình bị trầy một mảng lớn, máu rịn ra bị mưa thấm ướt, đã nhuộm đỏ cả lớp áo ngoài.

Lưu Tú Phượng hốt hoảng bưng nước nóng đến tỉ mỉ rửa vết thương cho cậu, sau đó ra vườn cắt một ít thảo dược cầm máu, dùng chày nghiền nát rồi đắp lên miệng vết thương của Diệp Khê.

Đến tối lúc ăn cơm, người nhà hỏi Diệp Khê vì sao lại bị thương, cậu dùng đũa đảo cơm trong chén, lảng tránh đáp: “Chỉ là định lên núi nhặt ít củi, không ngờ mưa đổ bất chợt, con vội xuống núi nên bị ngã thôi.”

Cậu cố ý không nhắc tới chuyện đã gặp người đàn ông lạ kia.

Diệp Sơn nghe xong thì xót em, nói: “Vậy em cứ nghỉ ngơi cho khỏe, mai ta lên núi lấy bó củi về là được.”

Diệp Khê khẽ nhướng mày, vội nói: “Không cần đâu anh, hôm nay em cũng chưa nhặt được bao nhiêu, để mai em tự đi là được rồi.”

Cơm nước xong xuôi, Diệp Khê rửa mặt xong thì về phòng, nằm trên giường trằn trọc mãi không ngủ được. Khi trở mình, khuỷu tay bị thương vô tình cọ vào chăn, khiến cậu đau “hự” một tiếng. Trong đầu lại bất chợt hiện lên hình ảnh người kia dưới màn mưa, tấm lưng cao lớn, ánh mắt đen sâu thăm thẳm. Tuy trông có vẻ lạnh lùng, hơi khiến người ta sợ, nhưng không thể phủ nhận, đó là một người tốt.

Không biết vì sao, Diệp Khê dù chỉ mới gặp người đàn ông ấy lần đầu, ngay cả tên còn chưa biết, càng không rõ lai lịch thế nào, nhưng trong lòng lại cứ cảm thấy người đó là người tốt.

Diệp Khê nằm nhìn trần nhà tối đen, lòng nghĩ người này nào giống như anh cả nói, là “mọi rợ” đâu, trái lại thì giống như lời Ly ca nhi nói, trông còn có vài phần tuấn tú.

Huống hồ người này còn giúp mình, lại đưa cả nón lá cho mình, một tấm lòng như vậy, “mọi rợ” chỗ nào chứ?

Sau trận mưa to hôm đó, liên tiếp mấy ngày trời trong nắng gắt, cỏ ngoài đồng mọc ào ào. Ngoài việc ra đồng giúp việc, Diệp Khê còn phải dựng giàn cho dưa chuột leo trong vườn, dây đậu trên giàn mấy ngày nay cũng mọc nhanh như thổi, hái được một chậu to mang về nhà. Ngoài phần dùng để luộc ăn hằng ngày, phần còn lại phải đem muối chua trong vại đất, làm món đậu chua để ăn kèm cháo buổi sáng hoặc làm nước xốt nấu mì.

Diệp Khê muối chua rất khéo, nước muối trong vắt, không nổi váng trắng, rau muối ra lại giòn ngon, vừa chua vừa đậm đà mà không gắt.

Sau khi rửa sạch hai cái vại còn lại trong nhà, Diệp Khê lấy hũ muối ra, đều tay rắc từng lớp ba lượt, rồi thả dưa chuột xanh mướt đã rửa sạch vào nước đun sôi để nguội. Miệng vại đổ thêm một lớp nước trong, đậy kín, chừng bốn năm hôm là có thể ăn được.

Làm xong mẻ dưa, mặt trời mới nghiêng về phía tây một chút, vẫn còn sớm. Diệp Khê chợt nhớ tới bó củi để trên núi mấy hôm trước, nghĩ ngợi một lát, liền vào bếp ôm ra một hũ dưa chua nhỏ.

Đi bộ nửa canh giờ đường núi, cuối cùng cậu cũng nhìn thấy căn nhà giữa sườn núi kia. Từ sau khi ông Lưu mù mất, Diệp Khê hầu như chẳng qua lại chỗ này nữa. Nghe nói căn nhà đó bỏ hoang đã lâu, mái nhà mọc cả cỏ, đêm gió thổi còn phát ra tiếng rít nghe đến rợn người.

Diệp Khê lo lắng ôm chặt hũ dưa chua trong lòng, dè dặt bước tới trước cửa nhà. Cửa không đóng, cậu rướn cổ, hé mắt ngó vào trong.

Sân nhà được quét dọn rất sạch sẽ, dưới mái hiên còn phơi mấy con cá muối, những mảnh ngói vỡ trên mái cũng đã được sửa sang lại, hoàn toàn không còn vẻ tiêu điều cũ kỹ, trông vẫn là một căn nhà khá tốt.

“Có ai không?” Cậu khẽ gõ đốt ngón tay lên cánh cửa gỗ đã được quét dầu đồng.

Trong nhà yên ắng, một đàn chim rừng đột ngột bay vụt lên, vỗ cánh lao đi khiến Diệp Khê giật nảy mình.

Cậu lại gõ thêm hai tiếng nữa, vẫn không có ai đáp lại, đành quay người định rời đi.

Vừa đi được hơn mười bước thì thấy có một người đang từ con đường núi phía trước đi tới, mặc áo vải thô màu nâu, tay xách một cái giỏ tre.

Diệp Khê nhận ra ngay đó chính là người đàn ông ngoại lai mình gặp ngày mưa hôm nọ.

Đối phương rõ ràng cũng trông thấy cậu, khẽ khựng lại một chút rồi mặt không biểu cảm mà đi tiếp đến gần.

Diệp Khê nhìn người càng lúc càng tới gần, tay không tự giác siết chặt lấy hũ dưa, trong lòng cũng khẽ căng thẳng.

“Ờm… ta đến lấy bó củi của mình.”

Người đàn ông khẽ “ừ” một tiếng, tự mình bước vào sân. Diệp Khê đành phải đi theo phía sau vào nhà.

Người kia sau khi vào sân liền đi đến phòng chất củi, mang ra bó củi đã được buộc cẩn thận, rồi ngồi xuống dưới mái hiên, tiện tay bắt đầu xe dây thừng bằng cỏ.

Hôm đó rõ ràng cậu đã buộc xong xuôi, sao bây giờ lại bung ra thế nhỉ?

Người đàn ông ngẩng đầu thấy Diệp Khê đang nhìn chằm chằm bó củi, liền giải thích: “Hôm đó mưa to, củi bị ướt, ta đem phơi cho khô.”

Qua mấy hôm nắng gắt, bó củi đã được phơi rất khô, mang về là có thể bỏ ngay vào bếp lửa.

Diệp Khê cảm kích nói: “Cảm ơn ngươi, phiền ngươi quá.” Nghĩ tới hũ dưa trong tay, cậu khẽ dụi mũi, hơi ngại ngùng nói tiếp: “Ta ở nhà có làm ít dưa chua, nếu ngươi không chê thì nhận lấy một hủ ăn thử nhé.”

Ánh mắt người đàn ông rơi lên hũ dưa trong tay cậu, không từ chối, chỉ khẽ ngẩng cằm, nghiêng đầu chỉ về phía gian nhà bên cạnh: “Bếp ở bên kia.”

Bình Luận (0)
Comment