Lúc về đến nhà, Lâm Tướng Sơn đã vác cuốc từ ruộng trở lại, lúc này đang ngồi trong sân đan sọt. Thấy Diệp Khê về, hắn ngẩng đầu lên, mỉm cười hỏi: “Áp phòng vui không?”
Diệp Khê ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên hắn, cười đáp lời: “Lần đầu đi áp phòng, vừa bước vào đã thấy bao nhiêu là thím với ca nhi, trong lòng em còn hơi căng thẳng nữa kìa. Đành phải lần lượt chào hỏi, làm tròn lễ nghĩa rồi mới ngồi xuống cùng chị dâu uống trà ăn quả khô, lại trò chuyện với mọi người một hồi. Chủ nhà còn mời ăn điểm tâm nữa, em còn gặp cả cô nương nhà thím Vương nữa đó, nàng gả đến Dương Trang rồi, cách thôn mình rất xa, sau này muốn gặp lại cũng chẳng biết là khi nào.”
Diệp Khê ríu rít kể chuyện đi áp phòng hôm nay với phu quân.
Lâm Tướng Sơn lắng nghe, tay vẫn không ngừng đan sọt, chẳng mấy chốc đã hoàn thành được một nửa. Trời sắp vào đông rồi, nhà nào cũng phải phơi phơi sấy sấy đủ thứ, hắn tính đan thêm ít sọt và nia, lần sau mang lên trấn bán thử xem sao.
Diệp Khê kể một hồi, thấy miệng lưỡi khô rát liền vào phòng pha một bình trà thảo quyết minh mang ra, nói: “Lúc nào rảnh mình cũng nhớ uống tí nước nhé, em đi xem tối nay ăn gì.”
Lâm Tướng Sơn khẽ ừ một tiếng.
Diệp Khê đi vào bếp, kiểm tra lại một lượt nguyên liệu trong nhà. Bí đỏ vụ thu vẫn còn chất đầy góc tường, là do chính tay cậu trồng ở vườn rau sau nhà, chỉ gieo mấy dây bí thôi mà chẳng ngờ thu được mấy sọt bí to, quả nào quả nấy đều lớn vô cùng.
“Chồng ơi, tối nay mình nấu cháo bí đỏ với kê nhé? Trời lạnh húp cháo cho ấm người, bí đỏ cũng bổ lắm đó.” Diệp Khê đứng trong bếp gọi với ra sân.
Lâm Tướng Sơn đương nhiên nghe theo: “Phu lang bảo ăn gì thì ăn cái đó.”
Diệp Khê lại lấy ra túi đậu phộng mà mẹ đưa lúc trước, định tối nay sẽ ươm ít mầm đậu phộng.
Cậu chọn loại đậu phộng ruột đỏ, ngâm trong nước nửa canh giờ, sau đó vớt ra bỏ vào nia, phủ một lớp vải mỏng ẩm lên, thỉnh thoảng nhớ tưới chút nước, đặt lên bếp lò, chỗ đó thường hay nhóm lửa nên nhiệt độ cao hơn một chút. Đợi mấy hôm nữa đậu sẽ mọc mầm, lúc đó đem trộn gỏi hay xào lên ăn đều ngon cả.
Ươm đậu xong, Diệp Khê chọn một quả bí nhỏ, gọt lớp vỏ ngoài, để lộ phần ruột vàng óng bên trong, ở giữa còn có cả một đống hạt bí nữa.
Cái này tiếc chẳng nỡ bỏ đi, Diệp Khê moi hết hạt bí ra, để vào cái rổ tre, dùng nước sạch rửa kỹ, sau đó đem phơi mấy ngày cho khô, đến khi khô rồi thì dùng muối và cát rang trong chảo gang, sẽ thành món ăn vặt thơm phức, nhai chơi lúc rảnh là tuyệt nhất.
Cắt bí đỏ thành từng miếng đều nhau, cho gạo kê đã vo sạch vào nồi trước, rồi thả bí vào, đậy nắp lại ninh lửa nhỏ. Cháo gạo kê nấu ra có mùi thơm khác hẳn gạo trắng, ngọt dịu vô cùng.
Lâm Tướng Sơn đan xong sọt thì bước vào, thấy đống bí đỏ chất trong góc nhà, nói: “Bí đỏ nhà mình được mùa ghê, mang một ít qua cho cha mẹ đi, bên ấy đông người, chắc ăn cũng nhanh hơn mình.”
Diệp Khê gật đầu: “Mẹ thích món nếp bí đỏ hấp đường phèn lắm, nhưng cứ nhường phần cho em, còn mình thì chẳng nỡ ăn nhiều.”
Lâm Tướng Sơn bèn chọn vài trái to bỏ vào gùi, định ngày mai xuống núi thì mang qua cho nhà vợ.
Trời trong núi dần tối sầm, nồi cháo bí đỏ cũng sánh đặc lên, Diệp Khê bỏ thêm hai viên đường phèn, mấy hạt kỷ tử vào, rồi khuấy nhẹ đều tay.
Buổi tối không nấu món nào khác, Diệp Khê gắp ra hai dĩa dưa muối mà mấy hôm trước hai đứa cùng làm, một là củ cải sợi ngâm ớt cay, một là cải bẹ muối, đều là món ăn kèm cay cay mặn mặn, rất hợp với cháo.
Trời lạnh uống cháo dễ toát mồ hôi, Lâm Tướng Sơn ăn hai chén liền ướt cả lưng, Diệp Khê cũng hồng hết má.
Cơm nước xong xuôi, Lâm Tướng Sơn ngồi dưới mái hiên, lấy đá mài ra mài rìu.
Diệp Khê thắp đèn dầu, ngồi bên vừa làm đế lót giày vừa bầu bạn với hắn. Trời lạnh, có lẽ mấy hôm nữa sẽ đến đại tuyết, đế giày rất dễ bị ướt nếu tuyết lớn, nên Diệp Khê đặc biệt làm đế thật dày, dùng hồ gạo quết từng lớp từng lớp, rồi lấy dây gai khâu chặt lại, như vậy thì mùa đông không sợ ướt cũng chẳng sợ lạnh.
Lâm Tướng Sơn mài rìu rất khéo, đồ trong nhà cái nào cũng sắc bén, lưỡi dao ánh lên tia sáng lạnh lẽo.
Đợi hắn mài xong, Diệp Khê cũng khâu xong một chiếc giày, liền đưa qua: “Nào, thử xem vừa không? Em làm rộng hơn một chút, còn phải nhét bông vào nữa, đến lúc đó đi không sợ lạnh chân đâu.”
Lâm Tướng Sơn cởi giày, còn cẩn thận rửa sạch chân rồi mới quay lại thử giày.
“Đế giày dày dặn mà mềm, vừa vặn lắm.”
Diệp Khê cười, cầm chiếc giày về, định dùng bông từ áo cũ nhét vào lót bên trong.
Ánh mắt Lâm Tướng Sơn dưới đèn dầu trầm lặng xa xăm, hắn mỉm cười: “Vẫn là có phu lang tốt, có phu lang thì có người thương. Trước kia anh quanh năm chỉ có một đôi giày mỏng, mùa đông rét buốt mà phải ra ngoài, chân lạnh đến tê dại, đi không dám dừng, sợ dừng lại thì ngón chân sẽ đông cứng mất.”
Diệp Khê nghe xong thấy thương vô cùng: “Mình chịu khổ rồi, sau này em nhất định sẽ cho mình ăn no mặc ấm!”
Lâm Tướng Sơn ôm phu lang vào lòng, có được phu lang thế này, cả đời này hắn chẳng còn gì tiếc nuối nữa.
x
Măng đông trên núi đã bắt đầu nhú lên, lặng lẽ trồi khỏi mặt đất khá nhiều, Diệp Khê tính đi đào một ít mang về để dành.
“Mùa đông dùng thịt heo muối hầm với măng, hương vị rất đậm đà thơm ngon!” Nghĩ tới nồi canh nóng hổi ngày đông, Diệp Khê đã thấy ứa nước miếng.
Lâm Tướng Sơn thấy phu lang nhà mình như con mèo nhỏ ham ăn, không nhịn được bật cười. Hắn cầm theo rìu và dây gai đi phía sau, hôm nay vào rừng sẽ chặt củi đem về đốt than, làm chất đốt cho mùa đông.
“Vậy mình đào nhiều chút, mai anh xuống trấn bán sọt thì tiện bán măng luôn.”
Diệp Khê gật đầu: “Măng đầu đông là non nhất, ăn kiểu gì cũng giòn ngọt, chắc dân trên trấn cũng đang thèm món này đó.”
Măng đông ở trấn có thể bán ba, bốn văn một cân, nhưng phải là loại đã lột s.ạch vỏ, chỉ để lại phần măng non.
Tranh thủ hôm nay trời nắng to, hai người khóa cửa sân rồi cùng dắt tay men theo đường mòn lên núi.
Diệp Khê đeo gùi nhỏ sau lưng, Lâm Tướng Sơn thì gánh đòn gánh, hai người ngoéo chặt ngón út vào nhau, nếu Lâm Tướng Sơn lỡ có tăng tốc thì Diệp Khê sẽ đưa tay gãi nhẹ lòng bàn tay hắn, thế là Lâm Tướng Sơn phía trước sẽ lập tức chậm bước lại đợi phu lang.
Đi độ một tuần hương, đã vào đến rừng sâu, Diệp Khê liền đi vào rừng trúc tìm măng đang nhú khỏi mặt đất, còn Lâm Tướng Sơn thì chọn một cái cây đã khô héo, định sẽ đốn hạ đem về làm than.
Trong rừng yên tĩnh đến lạ, thi thoảng mới có vài chú chim vỗ cánh phành phạch bay qua tán cây. Lâm Tướng Sơn và Diệp Khê, một người đốn củi, một người đào măng. Khi cả hai đã thấm mệt, liền cùng ngồi xuống gốc cây nghỉ ngơi, lôi quả khô và túi nước mang theo từ nhà ra, vừa ăn lót dạ vừa giải cơn khát.
Lâm Tướng Sơn ăn xong một miếng hồng khô thì không nỡ ăn tiếp nữa. Món quả dẻo ngọt này là món Diệp Khê thích nhất. Mùa thu năm nay hồng không sai quả, phơi thành hồng khô cũng chỉ được mười mấy trái, còn phải để dành lại một ít cho dịp Tết.
Diệp Khê ăn hết một miếng mà vẫn thòm thèm, nhưng cũng không nỡ ăn thêm, liền bẻ đôi miếng còn lại, chia cho Lâm Tướng Sơn cùng ăn.
Ăn xong phần mình, Lâm Tướng Sơn lại nhét nửa miếng còn lại trong tay vào miệng Diệp Khê.
“Nếu mình thích ăn, lần sau anh xuống trấn sẽ mua thêm cho.”
Diệp Khê vừa nhai miếng hồng khô ngọt lịm trong miệng, vừa cười nói: “Mình mà cứ chiều em thế này thì em sẽ bị sâu răng mất.”
Đến khi mặt trời leo lên tới đỉnh đầu, Lâm Tướng Sơn đã chặt được hai bó củi lớn, còn Diệp Khê cũng đào đầy một giỏ măng đông.
“Có cần chặt thêm không? Ở nhà chất cả một vách củi rồi, hai đứa mình dùng chắc cũng dư rồi.”
Lâm Tướng Sơn lau mồ hôi trên trán, vì vừa vận động nên chỉ mặc một chiếc áo đơn mà vẫn không thấy lạnh: “Năm nay thời tiết thật lạ, tiểu tuyết chẳng thấy tuyết, mấy hôm nay toàn nắng to, chẳng thấy bóng dáng tuyết đâu. Mà nhìn vậy e là tuyết đều dồn lại chờ đến đại tuyết mới rơi ào ào. Nếu đến lúc đó tuyết rơi dày thì chẳng chặt được củi nữa, trời lạnh lại không có củi mà đốt, sao mà chịu nổi.”
Hắn từng đi khắp Nam Bắc, cũng từng gặp loại thời tiết quái dị như thế bên Tây Nam châu. Năm đó còn xảy ra thiên tai, tuyết rơi suốt ba tháng liền, rét đến mức cây thông cũng rụng trụi lá.
Diệp Khê hiểu ý phu quân nhà mình, đây là muốn tích trữ than củi sẵn: “Mình định chờ trời lạnh rồi mang lên trấn bán à?”
Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Nếu thật sự đúng như vậy, năm nay giá than chắc chắn sẽ tăng. Bán đi mấy gánh than, cộng thêm số bạc ta tích góp được, sang xuân năm sau, trâu với ruộng ta đều mua được cả.”
Nghe vậy, mắt Diệp Khê cong cong, vui vẻ nói: “Thế thì có hy vọng thật, hai ta cuối cùng cũng dần sống nên thân nên hình rồi!”
Lâm Tướng Sơn chặt củi, Diệp Khê liền giúp buộc dây gánh. Hai người ở trong rừng đến khi trời nhá nhem tối mới gánh đầy củi quay về nhà.
Trên đường về, hai người bắt gặp mấy nam nhân trong thôn cũng đi đốn củi, nhưng củi họ gánh trên vai thì chỉ bằng phân nửa của Lâm Tướng Sơn.
Cùng là người một thôn, Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn vẫn chào hỏi, sau khi trò chuyện khách sáo đôi câu thì mỗi người một ngả.
Diệp Khê nghe thấy mấy người đó ở sau lưng xì xào bàn tán: “Tên họ Lâm này đúng là công cốc, cực khổ chặt lắm củi như thế mang về tích trữ. Năm nay e là đông ấm, cho dù có lạnh đi chăng nữa, lúc đó lên núi chặt củi cũng có sao đâu. Núi có chạy đi đâu mất đâu mà lo.”
“Đúng thế, nhìn xem năm nay tiểu tuyết mà chẳng rơi miếng tuyết nào, mấy hôm nay trời còn nắng chang chang, nắng đến mức thấy ấm cả người. Đây chẳng phải là ‘mùa đông ấm’ mà mấy lão già vẫn nói hay sao? Ta thì chỉ chặt vừa đủ để đun nước nấu cơm là được rồi.”
Diệp Khê chẳng bận tâm mấy lời họ nói. Phu quân nhà mình đã nói sẽ lạnh là sẽ lạnh, lo trước khỏi hoang mang, chẳng có gì là sai cả.
Lâm Tướng Sơn vừa gánh củi vừa dặn: “Không biết bên nhà đã tích sẵn củi chưa. Em nhớ về báo với anh cả một tiếng, bảo anh ấy và cha rảnh thì lên núi chặt ít củi mang về.”
Diệp Khê gật đầu: “Được, chuyện này đâu thể đùa được. Ngày mai em sẽ về nhà một chuyến, báo họ biết sớm một chút.”
Hết chương 53.