“Cắn xuân” tức là ăn bánh xuân, bày mâm xuân.
Sau khi về nhà, Diệp Khê ngâm mễ ngũ sắc vào nước, lát nữa sẽ nấu cháo để ăn, rồi xách giỏ đi ra ngoài hái rau dại về làm bánh xuân.
Tuyết mùa đông rơi dày, dù đã gần lập xuân vẫn còn rét cắt da. Diệp Khê cầm cuốc con, đi qua đi lại trên nền tuyết đang tan để tìm rau.
Lúc này đã có một vài loại rau dại vươn mầm khỏi mặt đất, đang ẩn dưới lớp tuyết.
Quả nhiên, chồi non của rau tề đã lặng lẽ nhú lên, lá nhỏ cỡ đầu ngón tay. Diệp Khê dùng cuốc đào từng bụi, lá vẫn còn dính nước tuyết, tươi non bóng bẩy.
Cậu lại men theo bờ ruộng tìm tiếp, hôm nay trong thôn ai nấy đều làm bánh xuân để cắn xuân, nên đâu đâu ngoài đồng cũng thấy các thím, các ca nhi ra hái rau.
Mỗi lần gặp mặt lại chào hỏi, rồi còn khoe với nhau trong giỏ đã hái được những loại rau gì.
Ở bờ ruộng gần mương nước, Diệp Khê phát hiện ra một bụi hành non mơn mởn, đúng là thứ tốt, có thể trộn để ăn sống hoặc xào với thịt muối, ngon hết ý.
Tìm được hành dại, thấy ngoài đồng người ngày càng đông, Diệp Khê nghĩ trong nhà chỉ có hai người, không tranh phần với các thím trong thôn nữa, quay lên núi xem trong rừng có hẹ hay rau vịt không, mang về xào với trứng gà ăn.
Trên núi ít người, Diệp Khê tìm một hồi cũng được nửa giỏ hẹ rừng, lại hái thêm ít rau tai thỏ mới nhú mầm, vừa đủ cho hai người ăn.
Về tới sân, Lâm Tướng Sơn vẫn chưa về, chắc còn đang bận cùng đoàn rước thần Xuân hoặc có việc khác.
Con nai nhỏ và con dê bị nhốt cả mùa đông, giờ sân đã bắt đầu mọc cỏ non, nên thả cho chúng ra gặm cỏ.
Vào bếp, Diệp Khê múc hai vá bột mì nhào thành bột, chuẩn bị làm dầu hành để cán bánh xuân.
Giữa chừng lại ra vườn nhổ vài củ cà rốt đỏ còn sót lại từ mùa đông thái thành sợi, rồi dùng nước muối bóp cho mềm, lát nữa sẽ trộn chung với rau dại để cuốn bánh xuân.
Từ hôm kia trời đã nắng đều mỗi ngày, nắng xuân ấm áp hơn hẳn mùa đông, khiến cả người khoan khoái theo. Diệp Khê đem chăn trong nhà ra sân phơi, tiện tay giặt luôn quần áo bông và đồ mặc mùa đông, mở toang cửa sổ cho thoáng khí.
Sau khi thu dọn xong xuôi, bột ủ trong bếp cũng đã nở. Diệp Khê quay lại, ngắt bột thành từng viên nhỏ, ấn dẹt rồi xếp sáu miếng chồng lên nhau, giữa mỗi lớp đều quét một lớp dầu hành, sau đó dùng cây cán bột cán qua cán lại cho đến khi bột mỏng đến mức gần như trong suốt, rồi mới đem đi hấp.
Hấp chín rồi là có thể nhẹ nhàng tách ra từng lớp bánh xuân mỏng tang như giấy.
Chỗ rau dại hái được gồm cải cúc, rau tai thỏ cùng với sợi củ cải đỏ được cho hết vào bát, thêm muối, xì dầu, giấm chua và ớt khô cay để trộn đều, cuối cùng cho thêm ít hành dại cắt khúc, vậy là có món gỏi trộn chua cay mát lành để cuốn bánh xuân.
Diệp Khê thái mấy lát thịt xông khói mỡ nạc xen kẽ, xào một đĩa hành dại thật thơm. Phần còn lại thì trộn cùng một ít thịt băm làm nhân bánh chiên. Bánh chiên giòn rụm, rắc thêm một lớp tiêu Tứ Xuyên giã nhỏ, mùi thơm cực nồng, quyện cùng mùi hành dại khiến người ta nuốt nước miếng.
Cháo trong nồi đã sánh đặc, Diệp Khê mở nắp nồi khuấy đều một lượt, rồi hạ nhỏ lửa, tiếp tục nấu riu riu, đợi Lâm Tướng Sơn về là có thể ăn cơm ngay.
Rau hẹ rừng vị nồng hơn nhiều so với hẹ nhà trồng, đem gói sủi cảo hay xào trứng đều thơm. Gà mái trong nhà vẫn đẻ được hai ba quả mỗi ngày, mùa đông ăn thịt heo và lạp xưởng, ngược lại lại để dành được kha khá trứng gà.
Thế là Diệp Khê đập bốn quả trứng gà xào hẹ rừng thành một tô to tướng, xanh vàng đan xen, bóng dầu thơm nức, thích hợp ăn kèm với cháo.
Lửa trong bếp vừa tắt, Lâm Tướng Sơn đã về, vừa đẩy cổng bước vào sân đã ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng từ bếp bay ra, là mùi vị đặc trưng của rau dại, khác hẳn với vị rau cải đã ăn suốt mùa đông.
Diệp Khê lau tay, cười nói: “Mình về rồi à, hôm nay ăn cơm rau dại, là để ‘cắn xuân’ đó.”
Lâm Tướng Sơn đi rửa tay xong, nhìn một bàn đầy thức ăn, nuốt nước miếng nói: “Cuối cùng cũng được ăn chút đồ tươi rồi. Ăn củ cải với khoai lang bí đỏ bao lâu, anh chỉ mong sớm có rau đồng.”
Diệp Khê đưa đũa cho hắn rồi ngồi xuống: “Ai nấy cũng trông xuân cả mà, ngoài đồng người đông như kiến, ai cũng muốn đào ít rau dại về ăn lấy may. Vận may của em tốt, còn đào được cả bụi hành dại, xào với thịt xông khói năm nay ngon lắm luôn.”
Lâm Tướng Sơn cắm cúi ăn vài miếng bánh hành, lại gắp một đũa trứng xào rau hẹ ăn ngon lành. Diệp Khê thì cuốn cho hắn một cái bánh xuân.
“Lễ rước thần Xuân xong rồi, vài hôm nữa là lập xuân, vườn nhà ta cũng phải xới đất lại, cả đất hoang cũng phải khai khẩn để còn mua gà vịt về nuôi.”
Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Hôm nay rước thần Xuân, thôn phát cho mười văn tiền làm công, anh tiện thể hỏi trưởng thôn về mảnh đất bên vách núi phía tây.”
Diệp Khê vừa nhai bánh xuân vừa hỏi: “Trưởng thôn nói sao?”
“Chỗ đó có hơn hai mẫu ba đất tốt. Trưởng thôn bảo nếu anh muốn mua thì tính theo giá hai mẫu, giá hơi cao hơn chỗ khác, tám lượng bạc.”
Quả thật hơi đắt, Diệp Khê nghe mà giật cả mí mắt. Đất chỗ khác sáu lượng là mua được rồi, nhưng phu quân nhà cậu đã để ý mảnh đất đó từ lâu, mà hắn thì luôn có tính toán riêng của mình.
“Tiền thì vẫn đủ, nếu mình thấy đáng thì cứ mua đi, có mảnh đất đó, lương thực nhà ta đủ ăn rồi, có khi còn dư đem bán nữa.”
Lâm Tướng Sơn nói: “Mua miếng đất cằn cỗi thì thà dứt khoát mua miếng đất tốt, dù sao cũng phải bỏ tiền. Đợi qua tiết lập xuân sẽ bắt tay làm đất ngay, đất màu mỡ không cần bón phân cũng có thể gieo trồng được. Khi thu hoạch lúa mì đông, bên đó đã bắt đầu gieo hạt, đến lúc gieo ở đây thì mảnh đất kia có lẽ đã nhú mầm rồi.”
Phu quân là người biết suy tính kĩ càng, ngày tháng như vậy chẳng phải càng có hy vọng sao, Diệp Khê vui vẻ gật đầu.
“Ngày mai phải lên trấn hỏi xem giá trâu thế nào, mua lấy một con về. Ra ngoài có thể kéo xe, mà cuốc đất cày ruộng cũng phải dùng đến, còn có thể hỗ trợ bên nhà mẹ nữa.”
Diệp Khê biết trong nhà đã dành dụm đủ bạc để mua trâu, mua đất. Tuy có hơi xót khi nghĩ đến hòm tiền sắp sửa trống không, nhưng gây dựng gia sản là việc lớn hàng đầu của nhà nông, số bạc ấy mất rồi sau này nhất định sẽ kiếm lại được.
“Được, em nghe theo mình. Chỉ là không ngờ nhà ta cũng có ngày mua được trâu, tậu được đất.”
Mua mảnh đất này rồi là sẽ sống khá hơn cả mấy hộ trong thôn Sơn Tú nữa, cũng không uổng công hai người họ sau khi thành thân đã tằn tiện khắp nơi.
Lâm Tướng Sơn uống nửa chén cháo, cười nói: “Phu lang là người hiền lành, lại giỏi vun vén. Nhờ có mình ở nhà nuôi gia cầm, lại còn thêu khăn tay đem bán đã giúp anh không ít.”
Diệp Khê nắm tay Lâm Tướng Sơn, khẽ nói: “Mình đừng mãi khen em. Mình vì cái nhà này mà lên núi đốn củi săn thú, xuống ruộng bón phân đào đất, ngày đông lạnh giá vẫn phải gánh than đi bán. Chỉ cần hai ta cùng đồng lòng, em tin rồi cuộc sống sẽ tốt hơn thôi.”
x
Hôm sau, Lâm Tướng Sơn liền lên trấn hỏi giá trâu.
Diệp Khê thì xách ít trứng gà về nhà mẹ đẻ thăm Lưu Tú Phượng. Đúng vào đợt rét trái mùa đầu xuân, Diệp Khê nghe tin cha mình bị cảm lạnh phát sốt.
Vừa bước vào cửa đã thấy Lưu Tú Phượng đang ngồi dưới hiên sắc thuốc trong ấm đất, mùi thuốc bắc nồng nặc xộc vào mũi. Thấy tiểu ca nhi nhà mình về, Lưu Tú Phượng phe phẩy quạt cười nói: “Khê ca nhi, sao lại về thế này? Dạo này nhà con bận lắm mà, vườn rau đã cuốc đất chưa?”
Làm mẹ, gặp con về thì thể nào cũng phải hỏi han mấy câu chuyện nhà cửa.
Diệp Khê đặt giỏ trứng xuống: “Còn chưa gieo đâu ạ, nghe nói cha bị cảm nên con về thăm một chút.”
“Chậc, tiết trời dạo này đúng là khó lường, buổi trưa nắng chang chang, lại đột nhiên lạnh xuống, gió lùa thấu vào người. Cha con làm việc lại ham chịu lạnh nên mới nhiễm phong hàn đấy. Cũng may không nghiêm trọng, chỉ ho mấy tiếng thôi, chưa bị sốt cao.”
Trong lòng Diệp Khê vẫn không yên, đi vào nhà xem cha mình thế nào. Thấy ông nằm trên giường, nói năng có khí lực, sắc mặt cũng hồng hào, lúc này mới yên tâm.
“Sao con rể không về cùng con?” Diệp Khê vừa nói chuyện với cha được mấy câu, ông liền hỏi.
Diệp Khê kéo lại chăn cho cha, cười đáp: “Cha lo con cãi nhau với anh ấy à? Hôm nay anh ấy lên trấn xem trâu rồi, bận rộn không rời được, con về một mình thôi, dù sao cũng chỉ là đoạn đường ngắn, con đi lại tiện lắm.”
Diệp Khê nói nhà mình tính mua trâu, cha Diệp nghe xong cũng mừng rỡ: “Tốt, con rể là người có bản lĩnh, cả thôn Sơn Tú này có mấy con trâu đâu, thế mà hắn cũng sắm được, xem ra nhà con càng lúc càng khấm khá.”
Lưu Tú Phượng sắc xong thuốc, bưng vào, cười nói: “Lúc đó còn phải nhờ các con cho ngồi ké xe trâu đấy nhé. Khê ca nhi mắt sáng, tìm được chồng vừa giỏi vừa có chí khí.”
Diệp Khê nhân tiện cũng kể cho cha Diệp nghe chuyện bọn họ đang để ý một mảnh đất tốt.
Cha Diệp vốn là người làm đồng mấy chục năm, nghe xong liền gật gù khen Lâm Tướng Sơn mắt nhìn tốt, nói mảnh đất ấy mà trồng lúa trồng ngô thì sản lượng chắc chắn cao hơn mấy ruộng khác trong thôn.
Diệp Khê ngồi trò chuyện với cha mẹ một lúc, không thấy gia đình anh cả đâu mới hỏi: “Anh chị đâu rồi ạ? Sao con không thấy ở nhà?”
Lưu Tú Phượng nghe vậy thì mỉm cười, dịu dàng nói: “Nó dẫn vợ về thăm nhà mẹ đẻ ở thôn Tú Thủy rồi. Chị dâu con đã mang thai hơn bốn tháng, thai cũng đã ổn định. Tết năm nay tuyết lớn quá chẳng về thăm nhà ngoại được, mấy bữa nay chắc nhớ nhà lắm rồi. Giờ tuyết tan, đất cũng đỡ băng giá, trời lại ấm lên, nên ta bảo thằng Sơn đưa nó về một chuyến. Đằng ấy chắc cũng nhớ con bé lắm. Ta còn bảo thằng Sơn mua thêm chút rượu ngon với điểm tâm mang theo, để cho cha mẹ vợ nó thấy, biết con bé ở nhà mình sống tốt, trong lòng cũng bớt lo.”
Thường thì nhà chồng nào cũng không thích con dâu cứ về nhà mẹ đẻ, gặp phải mẹ chồng hà khắc còn cho rằng con dâu đã gả về rồi thì là người nhà mình, vô cớ thì đừng có mà lui tới bên ngoại, lại sợ mang của về cho nhà mẹ đẻ. Nhưng Lưu Tú Phượng lại chẳng phải người như thế, tính tình bà rất hiền lành nhân hậu.
Diệp Khê nghe vậy cười nói: “Mẹ đúng là mẹ chồng tốt nhất trên đời, hơn hẳn mấy thím trong thôn luôn.”
Lưu Tú Phượng nghe xong chỉ khẽ thở dài: “Ta hồi mới gả vào nhà họ Diệp các con cũng chịu không ít khổ. Trời chưa sáng đã phải dậy giặt giũ nấu nướng, còn phải đi gánh nước, nửa bước cũng chẳng cho về nhà mẹ đẻ. Mãi đến khi sinh anh cả con, nó đã năm tuổi ta mới được cho về gặp mẹ đẻ một lần. Bây giờ ta làm mẹ chồng rồi, cũng không muốn để chị dâu con chịu cái khổ như mình năm xưa. Con bé hiền lành, thẳng thắn, nhà cửa muốn yên ổn hòa thuận thì phải đối đãi thế mới được.”
Ở lại nhà cũng hơn nửa ngày, trước lúc ra về, Diệp Khê còn dặn mẹ nhớ lấy trứng gà mà cậu mang tới cho cha Diệp tẩm bổ, bảo ông phải chịu khó dưỡng sức, có thế mới nhanh khỏe được, đừng tiếc rẻ mà để dành làm gì.
Lưu Tú Phượng tiễn cậu ra tận cổng, đợi cậu đi khuất rồi mới quay về, còn Diệp Khê thì men theo con đường núi trở lại căn nhà nhỏ của mình.