Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 80

Lâm Tướng Sơn vốn luôn ủng hộ mọi việc của phu lang. Nhà có hai người, một nửa là hắn gánh vác, nửa còn lại đều là do Diệp Khê vun vén cả. Trồng rau trong vườn đem đi bán, thêu khăn tay… mấy việc Diệp Khê làm đã góp thêm không ít tiền bạc trong nhà, bằng không sao có thể nhanh chóng mua được đất, tậu được trâu như vậy.

Đợi đến khi mùa hái trà xuân kết thúc, Diệp Khê liền tìm quản sự mua một bao lá trà, tốn năm mươi văn tiền.

Trang trại cũng chẳng mấy khi dùng đến số trà già ấy, dù sao cũng bán rẻ, chi bằng bán luôn cho Diệp Khê, coi như đổi lấy chút tiền uống rượu cũng được.

Về đến nhà, Diệp Khê bỏ trà vào chậu rửa sạch kỹ càng, rồi trải đều ra mẹt tre cho ráo nước.

Trước khi đi làm, Lâm Tướng Sơn đã nói hôm nay sẽ về sớm để cùng cậu sao chè.

Diệp Khê tự nhiên nghe theo hắn, phu quân thương yêu mình thì cứ vui vẻ mà đón nhận, đừng có cứng đầu cố chấp mà phụ tấm lòng hắn, lại chỉ khiến mình trông như đang làm kiêu.

Những ngày gần Tết Đoan Ngọ, sữa dê vắt ra hằng ngày được Diệp Khê trữ trong thùng gỗ, đặt vào chum đựng tuyết để giữ cho sữa được mát lạnh.

Diệp Khê mang mấy quả trứng vịt mua trước đó ra. Trứng là loại vỏ xanh, quả nào quả nấy to chắc, đem đi muối chắc chắn sẽ nổi dầu và lên cát vàng.

Rửa sạch vỏ trứng, Diệp Khê nhóm bếp đun một nồi nước, thả vào hai nắm hoa tiêu khô, rồi đổ nửa hũ muối vào, khuấy cho tan đều.

Trong lúc chờ nước nguội, cậu dùng khăn lau khô từng quả trứng một.

Người miền núi thường muối trứng vịt theo hai cách, một là dùng bùn đất bọc ngoài trứng, để một thời gian thì trứng cũng lên dầu như thường, hai là như Diệp Khê, dùng nước muối có pha gia vị để ngâm.

Diệp Khê thích cách thứ hai hơn vì nó tiện mà còn sạch sẽ nữa, cậu không thích lớp bùn đất dính bên ngoài trứng.

Tìm một cái vại sành, Diệp Khê nhẹ nhàng đặt từng quả trứng vào trong, sau đó đổ nước muối đã nguội vào cho ngập hết trứng. Cuối cùng, cậu rưới thêm ít rượu trắng lên trên, đậy nắp cho thật kín, đợi đến Tết Đoan Ngọ là có thể ăn được.

Sau khi cất vại trứng muối vào bếp, thì Lâm Tướng Sơn cũng vừa về tới.

“Cày xong đất rồi à?” Diệp Khê cười gọi hắn.

Lâm Tướng Sơn đáp khẽ một tiếng: “Hôm nay cày đất, tiện thể giúp chủ nhà đào một rãnh nước dẫn vào ruộng để sau này dễ tưới tiêu hơn. Chủ nhà khen anh làm việc kỹ càng, đáng tin, lúc phát tiền công còn cho thêm năm văn, nói là tiền trà nước.”

Diệp Khê nhận lấy xâu tiền nhỏ, áng chừng chừng sáu mươi văn: “Chủ nhà này cũng biết đối đãi với người làm đấy.”

Lâm Tướng Sơn nói tiếp: “Lúc tiễn anh về, chủ nhà còn hỏi tiết hạ chí anh có rảnh không, muốn nhờ anh đến gặt lúa, trả ba mươi văn một ngày. Nếu anh chịu thì mùa thu họ cũng muốn anh tới gặt cho họ nữa.”

Giá công này đúng là rất phải chăng. Vào mùa bận rộn, đám đàn ông trong thôn hay đến nhà phú hộ làm công như cắt lúa, cấy lúa… nhưng tiền công chỉ chừng hai mươi mấy văn, người ốm yếu thì người ta còn chẳng nhận, đâu phải ai cũng tìm được việc.

Diệp Khê khen hắn: “Chồng em thật giỏi, vừa cày ruộng xong đã có việc tiếp theo rồi, lấy mình đúng là không lo đói khát.”

Lâm Tướng Sơn được phu lang khen mà ngượng ngùng, gãi gãi đầu rồi đi ra sân bắt đầu sao trà.

Bếp lò xây bằng gạch đất, đặt một chảo gang lên đun nóng, sau đó đổ trà vào rang. Suốt quá trình phải liên tục đảo và vò để loại bỏ hết nước trong lá trà.

May mà tay Lâm Tướng Sơn có chai dày, chịu nóng tốt, chứ Diệp Khê mà sao trà thể nào cũng bị bỏng tay.

Một bao trà ấy ước chừng hơn hai chục cân, từ chiều rang đến tối mịt, đốt cả một giỏ củi, Lâm Tướng Sơn mồ hôi đầm đìa, áo ngắn sau lưng ướt sũng.

Rang được chừng năm cân trà nhưng vẫn chưa xong, còn phải đem sao thêm một lần nữa cho khô hẳn, sau đó mới đem giã bằng cối thành bột trà.

Diệp Khê dùng khăn lau mồ hôi cho hắn, còn múc chén trà nguội đút cho uống. Hai người đốt đèn dầu, tiếp tục làm thêm một lúc nữa.

Tới khi nào dùng đầu ngón tay bóp nhẹ là trà vỡ vụn thì lúc đó mới coi như hoàn thành.

“Mai còn làm việc, cứ phơi một đêm đã, mai rồi tiếp tục.”

Cả hai đã bận rộn cả ngày, ai cũng mệt mỏi rã rời, bèn đun nước nóng lau người ngâm chân rồi thổi đèn đi ngủ.

Hôm sau vừa dậy, Diệp Khê liền bắt tay vào làm bột trà, phải tranh thủ làm cho xong, sau đó còn phải dành thời gian gói bánh ú nữa.

Trà sau khi sao khô thì cho vào cối, dùng chày nghiền liên tục đến khi thành bột mịn, sau đó phải rây kỹ hai lượt mới được.

Lâm Tướng Sơn dắt trâu ra ngoài gặm cỏ xong lại giúp Diệp Khê cắt cỏ cho thỏ, cho gà vịt ăn, xong xuôi thì về sân nhận lấy việc này, thay Diệp Khê nghiền bột trà.

Bột trà nghiền ra thơm lừng, còn thơm hơn cả khi pha nước, Diệp Khê pha chén trà nóng đưa cho Lâm Tướng Sơn nếm thử, quả nhiên thanh mát ngọt ngào.

“Phải nấu cùng với sữa dê thì mới ngon cơ.” Diệp Khê cười nói.

Những ngày gần đây tích được khá nhiều sữa dê, Diệp Khê thổi lửa, đổ sữa vào nồi.

Đợi sữa sôi thì vớt bỏ lớp bọt trên mặt, cho bột trà vào, khuấy đều rồi tiếp tục nấu, sữa trắng dần dần chuyển thành xanh nhạt, mùi sữa quyện với hương trà thơm nức.

Lâm Tướng Sơn ngửi thấy mà thèm rỏ dãi, phu lang cứ làm ra toàn món ngon lạ lùng mà hắn chưa từng ăn bao giờ, nuôi đến miệng mồm hắn ngày càng kén chọn.

Diệp Khê múc một chén trà sữa đưa cho hắn: “Trong này em cho thêm một thìa mật ong, ngon lắm.”

Lâm Tướng Sơn uống một hơi hơn nửa chén, đúng thật rất ngon: “Mình định đem trà sữa này đi bán à?”

Diệp Khê cười đáp: “Nếu chỉ bán mỗi trà sữa thì chắc chẳng lời được bao nhiêu đâu, hàng quán ngoài chợ cũng ngon mà. Em định làm thành món sữa đặc để bán, cho người ta nếm thử món mới, tuy hơi mất công một chút, nhưng mà mới mẻ.”

“Sữa đặc á?” Lâm Tướng Sơn không rõ, hắn còn chưa bước vào cửa hàng điểm tâm được mấy lần.

Diệp Khê vừa khuấy trà sữa trong nồi vừa cười: “Là lớp váng sữa nổi lên khi nấu trà sữa ấy, hồi nhỏ mẹ hay nấu sữa dê cho em uống, em thích ăn nhất là cái lớp váng bên trên. Nếu cứ khuấy đều tay, nó sẽ kết thành từng khối nhỏ, ăn vào miệng mềm mịn ngọt ngào, vừa chạm lưỡi là tan.”

Lâm Tướng Sơn chỗ hiểu chỗ không, nhưng tóm lại cứ nghe theo phu lang là được!

Trên núi, mấy cây thanh cam bắt đầu ra quả, vỏ xanh nhỏ xíu, đến trẻ con trong thôn cũng chẳng thèm hái vì nó chua đến ê cả răng.

Vậy mà Diệp Khê lại xách giỏ đi với Lâm Tướng Sơn hái về một giỏ, vừa bóc vỏ ra là hương vị chua gắt đã khiến người ta nuốt nước miếng ừng ực.

Phần thịt quả được cho vào cối giã lấy nước, một giỏ thanh cam giã xong cũng chỉ được một chén nước cốt.

Diệp Khê nghịch ngợm, cố tình chấm đũa vào nước thanh cam rồi đưa đến miệng Lâm Tướng Sơn, vị chua dội thẳng vào khoang miệng làm hắn nhăn hết cả mặt mày, đưa tay bắt lấy Diệp Khê, nhất quyết đòi hôn một cái để cậu cũng nếm thử cái vị đó.

Con dê và nai nhỏ ngơ ngác đứng trong sân nhìn hai người đùa giỡn, đôi mắt trong veo, chẳng hiểu vì sao chủ nhân lại vui vẻ như vậy.

Nô đùa một lúc, Diệp Khê quay lại bếp đổ nước cốt vào nồi, tiếp tục khuấy đều trà sữa, trà sữa dần đông lại, nổi lên từng lớp váng sữa.

Đợi cho váng nổi đầy nồi, cậu trải một lớp vải mỏng lên rổ tre, lọc lấy phần váng sữa, rồi gom lại thành một khối lớn, dùng đá nặng đè lên để ép bớt nước ra.

Cuối cùng, dùng xiên tre quấn cọ khuấy liên tục trong thau sữa để khối sữa ngày càng mịn màng dẻo quánh.

Đây là công việc rất tốn sức, Diệp Khê khuấy đến mức mỏi cả tay, Lâm Tướng Sơn lại thay cậu làm tiếp, hai người thay phiên nhau làm được hai chậu đầy.

Diệp Khê trộn bột mì với nếp nhào cùng sữa đặc, thêm mật ong của nhà và ít cánh hoa hồng nghiền nhỏ rồi nặn thành bánh, trông vô cùng bắt mắt.

Cắn thử một miếng, sữa đặc béo ngậy tan ngay trong miệng, một sự kết hợp của vị trà đậm đà, vị chua nhẹ của thanh cam và vị ngọt thanh của mật ong, đúng là ngon đến khó tả.

Lâm Tướng Sơn nếm thử một miếng, thấy thật sự rất ngon, nghĩ bụng chắc trẻ con và các cô nương sẽ thích lắm!

Diệp Khê cũng chẳng mong lần đầu làm đã hoàn hảo.

Để dễ bán hơn, cậu đặt tên cho món này là “bánh trà sữa mật ong”.

Ngoài ra, mai lên chợ còn phải mang theo cả bánh ú để bán cùng, nếu chỉ bán một món ăn vặt thì e là chẳng mấy ai chú ý.

Diệp Khê hầm chè đậu đỏ đặc sánh, làm bánh ú nhân đậu đỏ, lại lấy táo đỏ nhà trồng tẩm đường mạch nha gói thành bánh ú táo mật.

Lâm Tướng Sơn thì mê mẩn bánh ú gạo vàng, Diệp Khê lại ngâm thêm ít kê làm riêng mấy cái cho hắn.

Trước giờ, bánh ú trong nhà đều do Diệp Khê gói, bên Nam Xuyên châu này người ta lại chuộng bánh ú mặn, đặc biệt là loại có thịt xông khói và trứng muối.

Diệp Khê lại cắt thêm một miếng thịt xông khói gói hơn hai mươi cái, cười nói: “Con heo làm thịt vào dịp Tết béo quá trời, hun khói cũng ba phần nạc năm phần mỡ, cắn một miếng là tràn dầu, gói vào bánh ú thơm ghê luôn.”

Lâm Tướng Sơn đang bó củi trong sân, nghe vậy cười nói: “Anh thèm món măng xào thịt xông khói của mình lắm, lâu rồi chưa được ăn, mai làm một bữa ăn cho đã đi.”

Diệp Khê đáp lại: “Trên núi đang có măng tươi, mình muốn ăn thì em nấu liền.”

Cả hai người chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cần mang ra chợ ngày mai rồi mới quay vào phòng nghỉ ngơi. Lâm Tướng Sơn thể lực tốt, hôm nay không ra ngoài làm việc, nên sức lực vẫn còn dồi dào, liền muốn đè Diệp Khê ra “hồ đồ” một phen.

Diệp Khê mở to đôi mắt long lanh, cầu xin: “Mai còn phải dậy sớm ra chợ, mình đừng nghịch nữa, nghỉ một bữa đi mà.”

Lâm Tướng Sơn cũng không phải người thích ép buộc, thấy phu lang không muốn thì ngoan ngoãn ôm lấy cậu thành thật đi ngủ.

x

Sáng sớm tinh mơ hai người đã thức dậy. Giờ trời sáng sớm hơn mùa đông, nhờ ánh rạng đông le lói cũng đủ nhìn rõ mọi thứ.

Diệp Khê nướng vài cái bánh mang theo để ăn dọc đường.

Lâm Tướng Sơn thì ở ngoài sân buộc xe kéo lên mình trâu, sau đó lần lượt xếp củi và các món ăn hôm nay Diệp Khê đem bán lên xe.

Diệp Khê khóa cửa nhà lại: “Bánh em mang theo rồi, để hai đứa mình ăn trên đường.”

Lâm Tướng Sơn còn đặc biệt lấy một tấm đệm lót cho Diệp Khê ngồi, hắn da dày thịt thô, nhưng không thể để phu lang bị xóc nảy được.

Thu xếp xong xuôi, hai người liền lên xe trâu, thong thả đi về phía trấn.

Hết chương 80.

Bình Luận (0)
Comment