Đến tiết đại thử, trời vẫn khô hạn ít mưa. May mà ruộng ở thôn Sơn Tú đã được tưới nước từ ao cá một lần, lại nằm trong thung lũng nên giữa ban ngày và ban đêm có chênh lệch nhiệt độ, sáng ra thường đọng được ít sương, nhờ vậy mà lúa không đến nỗi chết khô cả. Nhưng ruộng ở mấy thôn khác thì không tránh khỏi, từng cây lúa bị nắng thiêu cháy.
Diệp Khê đang ngồi trong sân gọt vỏ khoai tây, rồi lại xắt lát khoai lang. Lâm Tướng Sơn thì đi gánh nước từ khe núi về tưới vườn rau.
“Trưa nay ăn khoai lang hấp với bánh khoai tây có được không?” Diệp Khê hỏi.
Lâm Tướng Sơn vừa tưới vườn, vừa thả mấy con thỏ vào trong chuồng rào.
“Không ăn cơm gạo với bánh bột mì hả?” Lâm Tướng Sơn không kén ăn, chỉ là thấy dạo gần đây phu lang nhà mình tiết kiệm quá mức, suốt ngày chỉ nấu đồ thô mà ăn.
Diệp Khê nói: “Em tính để dành gạo với bột mì đó. Lỡ sang năm lại gặp nắng hạn hay lũ lụt, nhà mình kho thóc trống rỗng thì chẳng phải nguy rồi sao.”
Lâm Tướng Sơn cười bảo: “Mình đừng lo nhiều quá. Nhà ta chỉ có hai miệng ăn, dù vụ mùa có kém, lương thực dự trữ vẫn đủ cầm cự, mình còn có bạc để dành nữa, thật sự thiếu cũng có thể đi mua gạo mà.”
Diệp Khê khẽ cười: “Em đúng là lo nhiều thật. Vậy tối nay chúng ta ăn bánh hấp với đậu hũ ky trộn nhé, hôm qua còn dư nửa nồi canh nấm nữa đó.”
Diệp Khê cảm thấy hơi áy náy. Bản thân ăn đồ thô thì không sao, nhưng lại quên mất Lâm Tướng Sơn ngày nào cũng làm việc nặng, không thể để bụng đói hay thiếu chất được.
Lâm Tướng Sơn nhìn ra sự tự trách trong ánh mắt phu lang, mỉm cười: “Anh ăn gì cũng được hết, anh chỉ xót mình với con thôi, hai người mà đói thì làm sao được. Giờ nhà mình sống không tệ, chẳng thể để hai mẹ con ăn không đủ no, nói ra ngoài lại bị người ta cười cho.”
Bụng Diệp Khê cũng đã nhô lên thấy rõ, hơn bốn tháng rồi, đến tháng Giêng năm sau là sinh. Cậu cúi đầu nhìn bụng, cười bảo: “Đứa trong bụng này tham ăn lắm, cả ngày cứ thèm mấy món chiên xào. Sáng nay em vừa làm ít bánh bột khoai lang chiên đó, ăn với ớt bột, vừa giòn vừa dẻo vừa cay nữa, em không kiềm được ăn tận bảy tám cái rồi.”
Lâm Tướng Sơn vừa tưới nước vừa nhìn bụng cậu, cười nói: “Chua con trai, cay con gái, chắc là một tiểu ca nhi rồi.”
Ca nhi thì chỉ có thể sinh ra con trai hoặc là ca nhi. Lâm Tướng Sơn nghĩ đến việc nếu Diệp Khê sinh ra một ca nhi trắng trẻo xinh xắn giống cậu, chắc chắn sẽ được hắn cưng như bảo bối trong lòng bàn tay.
Diệp Khê nói: “Sao cũng được, miễn là con cái của mình thì đều tốt.”
Gió nổi lên trong thung lũng, thổi tan đi phần nào cái oi bức. Nhà Diệp Khê nép sau rừng trúc, lưng nhà dựa vào núi và rừng cây, bóng râm che phủ, gió từ khe núi thổi qua, trong sân gió hè nhè nhẹ, chẳng hề nóng nực. Ban đêm nếu mở cửa sổ ngủ thì còn phải đắp chăn mỏng nữa.
Ăn cơm trưa xong, Lâm Tướng Sơn nằm nghỉ trưa cùng Diệp Khê trong phòng. Mùa hè buổi trưa dễ mệt, thường phải chợp mắt một lát mới tỉnh táo lại được.
Lâm Tướng Sơn vừa định dậy ra ruộng thì Diệp Khê vẫn níu tay áo hắn không chịu buông.
Lâm Tướng Sơn cúi người hôn lên trán phu lang: “Anh phải ra đồng xem chỗ trồng bông một chút. Năm nay hạn hán, tuy bông chịu hạn tốt, nhưng cũng phải xem có cần gánh nước tưới thêm không.”
Hắn chính là như vậy, luôn lo nghĩ chuyện đồng áng, chẳng chịu để mình nhàn rỗi.
Diệp Khê mơ màng gật đầu, buông tay ra.
Lâm Tướng Sơn liền rời khỏi nhà, vác thùng nước chuẩn bị ra ruộng. Hai con chó nhỏ giờ đã lớn hơn một vòng, trông đã có chút oai phong. Chúng là hai con nghe lời Lâm Tướng Sơn nhất, thấy chủ nhân chuẩn bị ra đồng, liền vẫy đuôi muốn theo cùng.
Lâm Tướng Sơn cúi đầu nói: “Hôm nay đừng theo ta ra ngoài, ở nhà trông chừng phu lang cho ta nhé.”
Hai con chó nhỏ ngồi xổm dưới đất, nghiêng đầu như nghe hiểu tiếng người, rất có linh tính, không đi theo nữa.
Lâm Tướng Sơn đóng cổng nhà rồi một mình ra đồng.
Ve hè râm ran, Diệp Khê lại ngủ thêm nửa canh giờ mới tỉnh dậy. Nai con và dê cũng đang nằm ngủ trên nền nhà chính, trong chuồng gà thỉnh thoảng lại vang lên tiếng cục cục của gà mái đẻ trứng.
Gió thổi rừng trúc xào xạc, sân nhỏ buổi chiều yên bình an tĩnh.
Diệp Khê dậy đun một ấm trà kim ngân hoa uống. Hoa này hái trên núi, phơi khô rồi còn có thể mang ra tiệm bán. Diệp Khê từng theo Ly ca nhi vào núi hái một thời gian, phơi khô được chừng ba bốn cân, để dành một ít nấu nước uống, còn lại đem ra tiệm đổi được hai trăm văn tiền.
Ngoài ra, gần đây trên núi còn mọc nhiều liên kiều, nhưng Diệp Khê và Ly ca nhi không dám lên hái, vì liên kiều thường có rắn quanh quẩn, mà hai người thì sợ rắn hơn ai hết. Dù tiệm thu với giá một trăm văn một cân, họ cũng không dám liều mạng để kiếm số tiền đó.
Về sau kể lại chuyện này cho Lâm Tướng Sơn nghe, hắn là người gan dạ, quanh năm lên núi săn bắn, liền nói đợi thu xếp xong chuyện đồng áng sẽ lên núi hái.
Phu quân nhà mình chăm chỉ, lại khéo tay nhiều nghề, gia tài ngày càng tích góp được kha khá. Hòm đựng tiền tiết kiệm đã đầy đến phân nửa, đợi khi đứa con trong bụng ra đời, chắc có thể làm cho nó một chiếc khóa trường mệnh thật nặng tay.
Sau khi dậy, Diệp Khê đi trộn cám và cỏ xanh, mang cho gà vịt ăn, còn nhặt được năm quả trứng gà trong chuồng, cầm trên tay vẫn còn nóng hổi. Dạo này vịt thì ít đẻ trứng, Diệp Khê nghĩ lát nữa rảnh sẽ ra sông bắt ít ốc về cho vịt ăn, như thế vịt mới lớn nhanh được.
Heo trong chuồng kêu khò khè, chắc cũng đói bụng rồi. Dạo gần đây phải tiết kiệm lương thực, Diệp Khê không còn cho heo ăn khoai lang nữa, mỗi ngày chỉ nấu cám với cỏ cho ăn, nghĩ chắc cũng không đủ no, nên buổi chiều nào cũng phải nấu thêm một bữa nữa cho lũ heo.
Làm xong việc nhà, Diệp Khê xách giỏ chuẩn bị ra suối bắt ốc.
Vừa ra đến cổng, hai đứa nhỏ nhà họ Hà đã tới, hôm nay là Hà Đại Oa và Hà Tiểu Oa đến.
Diệp Khê mở cổng cho bọn trẻ vào dắt trâu, cười hỏi: “Hôm nay chị hai Tú Nhi không đến à?”
Hà Tiểu Oa mím môi đáp: “Chị hai con lên núi hái rau dại rồi. Hôm nay con với anh đến giúp ca mụ dắt trâu, cắt cỏ ạ.”
Trước đây ba người thường cùng tới, gần đây không thấy Tú Nhi, nên cậu . lo việc dắt trâu đi ăn cỏ và tắm lội, còn anh lớn thì đi cắt cỏ cho heo và thỏ.
Diệp Khê ngừng một lát, nhẹ giọng hỏi: “Trong nhà các con… không còn gì ăn phải không?”
Cậu nhìn thấy Hà Tiểu Oa có vẻ gầy đi, nghĩ đến việc lương thực chưa thu hoạch, vật giá trên trấn lại leo thang chóng mặt, liền đoán như vậy.
Hai đứa bé không trả lời, chỉ li.ếm li.ếm môi đã khô nẻ, rồi dắt trâu ra ngoài.
Diệp Khê đành cầm giỏ ra bờ suối bắt ốc, dạo này ốc đang mập, chúng bò chậm chạp dưới nước, bám đầy bùn xanh.
Trước đây thứ này chỉ nhặt lúc rảnh, mang về cho gà vịt ăn, thỉnh thoảng nấu ăn cho lạ miệng. Nhưng làm món ốc cũng phiền, phải cho nhả bùn trước, sau đó dùng rượu nếp, ớt, gừng, tỏi xào mới át được mùi tanh bùn, không thì ăn rất khó chịu.
Năm nay ai nấy đều chắt chiu lương thực, chẳng ai nỡ bỏ tiền mua thịt cá, nên người đi nhặt ốc cũng đông hơn hẳn.
Diệp Khê lần theo bờ suối nhặt một lúc lâu mới được nửa giỏ, ước chừng đủ cho gà vịt ăn một bữa, bèn xách giỏ quay về.
Lúc quay lại thì hai đứa nhỏ nhà họ Hà cũng đã chăn trâu và cắt cỏ xong. Chúng luôn làm việc cho nhà Diệp Khê rất chu đáo, cắt toàn loại cỏ non nhất, xếp ngay ngắn gọn gàng. Còn dùng lá sậy quét sạch bùn đất trên mình trâu, xông chuồng trâu và chuồng gà bằng ngải cứu, giúp Diệp Khê hốt phân đem ủ bên cạnh vườn rau làm phân bón.
Diệp Khê đưa nước trà cho hai đứa: “Uống đi, cho đỡ khát.”
Hai đứa bé cầm lấy, mỗi đứa tu một chén đầy, rồi nói: “Ca mụ ơi, chúng con về đây.”
Diệp Khê gọi với lại: “Chờ đã, ở lại ăn tối với ta đi.”
Hai đứa nhìn nhau, nuốt nước bọt nhưng vẫn lắc đầu: “Mẹ con đang đợi ở nhà rồi, bọn con không ăn ở đây đâu.”
Diệp Khê sa sầm mặt, hạ giọng hỏi: “Các con nói thật cho ta biết, trong nhà hết gạo rồi phải không?”
Cả hai đứa cúi gằm đầu, không nói gì. Diệp Khê đã đoán được.
Cậu vào bếp nhặt một rổ khoai lang và khoai tây, rồi lấy bao bố đựng thêm ít bột mì trắng, cuối cùng còn bỏ thêm mười quả trứng gà lên trên.
“Cầm về đi, ăn toàn rau dại với bánh gạo lức thì làm sao đủ. Mấy đứa còn đang lớn, cứ ăn thế này thì ốm mất.”
Hai đứa không dám nhận. Hà Tiểu Oa nói: “Ca mụ đã trả công và cho chúng con lương thực rồi, tụi con không thể nhận thêm nữa.”
Diệp Khê nghiêm mặt: “Mẹ các con từng cứu chị dâu và cháu của ta, đây là ta trả ơn. Nếu các con không nhận, sau này đừng đến nữa. Về bảo mẹ các con, như vậy là không coi ta là người nhà, sau này ta cũng không lui tới với nhà con nữa.”
Nghe vậy, Hà Tiểu Oa mới chịu nhận giỏ, cảm kích nói: “Sau này tụi con sẽ giúp người làm nhiều việc hơn! Mẹ con nói sau này nhà người sẽ mua thêm đất, tụi con sẽ theo chú Lâm ra đồng làm việc!”
Diệp Khê cười: “Được, lát nữa ta sẽ nói với chú ấy, bảo chú ấy sớm mua thêm ít đất để nhờ các con phụ một tay.”
Hai đứa nhỏ về rồi, Diệp Khê vào bếp, lấy phần bột đã ủ sẵn ra cán mỏng, rồi phết dầu cải, rắc muối, tiêu và hành lá, cuộn lại thành bánh cuốn rồi đem hấp.
Lại đem đậu hũ ky đã ngâm mềm cắt thành từng đoạn, trộn chung với dưa leo, bún tàu và rau diếp xoăn. Đợi dầu nóng thì phi thơm hành, gừng, tỏi rồi rưới lên tô rau, rắc thêm mè, hành lá, vài lát ớt khô và ngò rí, cuối cùng cho vào chút giấm, một đĩa gỏi mát lành ngon miệng thế là xong.
Bữa cơm tối nay đơn giản, Diệp Khê lau khô tay, thấy Lâm Tướng Sơn vẫn chưa về thì lấy đá đập dập đám ốc vừa đi bắt, vứt ra cho gà vịt ngoài vườn ăn.
Bánh hấp trong nồi đã chín mềm, thơm ngào ngạt, Diệp Khê nhón từng cái bỏ vào giỏ.
Lâm Tướng Sơn gánh thùng nước về, hôm nay hắn vừa tưới xong cả ruộng bông. Nhìn đám bông lớn tốt, chắc chắn sẽ có một mùa vụ bội thu.
Hai người ngồi ăn trong bếp, bánh hấp mềm tơi, ăn kèm với món gỏi chua cay, dầu đỏ thấm cả vào bánh.
Lâm Tướng Sơn giúp Diệp Khê lau khóe miệng dính dầu: “Mai anh phải lên trấn hỏi thử giá, đem một nửa số khoai với kho thóc nhà mình bán đi, giờ đang đúng lúc bán được giá.”
Những việc lớn trong nhà xưa nay đều do Lâm Tướng Sơn quyết định, Diệp Khê không có ý kiến gì, chỉ gật đầu: “Được, còn lại em đã lo liệu xong rồi, gạo trắng, bột mì, khoai lang, khoai tây đều tích đủ cả, còn dư thì mình cứ mang đi bán lấy bạc.”
Lâm Tướng Sơn nói: “Nếu bán được bốn năm lượng bạc, cộng thêm số tiền trong nhà, anh nghĩ là có thể mua thêm hai mẫu ruộng nước nữa, sau này mình sẽ có thêm một kho lúa.”
Diệp Khê mỉm cười: “Nếu thật có thể mua thêm hai mẫu ruộng, vậy nhà mình đúng là thành hộ khá giả rồi đó. Khi con chào đời thì chẳng còn phải lo chuyện cơm áo nữa!”
Hết chương 90.