Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 92

Nói chuyện thêm một lát với Ly ca nhi, Diệp Khê xuống núi về nhà họ Diệp. Lưu Tú Phượng đang bế Tiểu Lôi Tử ngồi trong sân xem gà vịt nô đùa, Lý Nhiên thì ngồi bên cạnh khâu áo bông cho đứa nhỏ.

Diệp Khê ngắt một bông hoa chọc chọc cháu trai nhỏ của mình, rồi đưa mớ rau dương hà mang theo cho mẹ: “Anh đã mua đất mới rồi ạ?”

Lưu Tú Phượng vui vẻ nói: “Đúng rồi, hôm qua đã đi mua miếng đất cát ở phía tây bờ sông, sau này đem trồng dâu, cây gai hay bông vải cũng được, hoặc trồng mè với khoai lang cũng tốt lắm!”

Diệp Khê cười nói: “Anh cả giờ ra dáng lắm, thành gia lập thất, ngày càng khá giả, vậy có định mua trâu không?”

Lý Nhiên vừa khâu vá vừa dịu dàng cười: “Nhà có ao cá lớn, phải trông ao trước đã, nên mua trước một con la kéo cỏ, đất thì không nhiều nên chỉ định thuê người cày, sau này nếu dư dả hơn thì lại sắm thêm một con trâu.”

“Anh chị tính toán khéo quá. Giờ nhà mình cũng coi như nhà giàu rồi đấy.” Diệp Khê bế cháu trai nhỏ lên, lấy một con hổ vải trêu cho bé cười khanh khách.

Lưu Tú Phượng thì lo cho cái bụng của cậu, sợ Tiểu Lôi Tử đá trúng: “Ấy da, tổ tông ơi, phải cẩn thận cái bụng một chút chứ, trông đã to ra rồi đó.”

Diệp Khê cười nói: “Con biết mà, chồng con thương nó lắm, con đâu dám lơ là. Tối nào cũng nằm úp lên bụng con nói chuyện với đứa nhỏ, không biết có nghe được không mà ngày nào cũng phải nói vài câu ‘Cha là cha của con đây’, nghe buồn cười lắm.”

Ngồi chơi đến khi trời sẩm tối Diệp Khê mới về, Lưu Tú Phượng tiễn cậu đến tận sườn núi rồi mới yên tâm quay lại.

Cậu đem thái số rau dương hà hái được hôm nay, xào chung với rau khô và thịt xông khói, mỡ bóng loáng một đĩa, lại hấp một xửng cơm trắng, hương thơm bay cả ra sân. Diệp Khê ngồi trước bếp, vừa thêu khăn tay vừa cùng con nai và dê trông ngóng Lâm Tướng Sơn trở về.

Từ xa vọng lại tiếng bánh xe, hai con chó đã vẫy đuôi chạy ra đón chủ.

Lâm Tướng Sơn đánh xe trâu trở về trong ánh hoàng hôn, những cái giỏ trên xe đều trống rỗng.

Diệp Khê mỉm cười đứng dậy, đón lấy đồ giúp hắn: “Bán hết rồi à?!”

Lâm Tướng Sơn tháo xe, sắp xếp lại giỏ vào kho củi, rồi dắt trâu vào chuồng, lúc này mới thả lỏng vai, cười nói: “Bán sạch rồi, giá cũng không tệ đâu, mình vào nhà trước đã.”

Diệp Khê đi khóa cổng nhà, rồi lấy đá chặn cửa lại.

Diệp Khê vào bếp múc cho hắn một chén canh rau chân vịt nấu trứng gà, gắp thêm một cái màn thầu để hắn ăn lót dạ trước.

Ra khỏi nhà từ lúc trời chưa sáng, bận rộn suốt cả ngày, Lâm Tướng Sơn cũng đói đến lả người, ăn xong một cái màn thầu mới thấy đỡ, hắn cười nói: “Bữa trưa ăn ở trấn hơi sớm, anh mời anh cả và Lý Tập ăn gà quay với màn thầu, nhờ họ đi cùng một chuyến, không thể để họ đói bụng được, lúc về còn mua cho mỗi người một con gà quay mang về, tốn hết sáu mươi lăm văn.”

Diệp Khê gật đầu: “Nên tiêu, số tiền này không cần tiết kiệm.”

Lâm Tướng Sơn lau tay xong mới lấy túi tiền trong ngực ra, đặt lên bàn phát ra một tiếng “bịch” trầm nặng, Diệp Khê vừa nghe đã biết là không nhẹ tay, hơn nữa trong đó chắc không chỉ có mỗi tiền đồng đâu.

Lâm Tướng Sơn nói: “Giá lương thực ở trấn đã tăng lên hơn ba mươi văn một cân rồi, người thường đều không nỡ mua về ăn, nên thóc thô mà anh chở đi lại dễ bán. Trước đây khoai lang khoai tây chỉ bốn, năm văn một cân, nay trong các cửa hàng ở trấn đã sớm bán sạch sạch sành sanh. Vì hạn hán, dân quanh vùng không ai nỡ bán lương thực, hôm nay anh chở chuyến này là lần đầu sau mười mấy ngày mới có người mang thóc thô ra bán, anh liền bán theo giá thị trường, mười lăm văn một cân.”

Diệp Khê hơi há miệng: “Giá lương thực này tăng đến tận trời rồi! Sao mà đắt đến vậy!”

Lâm Tướng Sơn đáp: “Phía Bắc xảy ra chiến sự, lương thực dư đều bị thu gom chuyển đi cả. Năm nay Nam Xuyên châu lại gặp hạn, nông sản bị giảm, mấy nhà buôn thóc đều trữ hàng chờ giá cao mới chịu bán. Giờ dù là thóc thô cũng còn đắt hơn gạo lúc trước, nhưng miễn là thứ ăn no được thì ai cũng chọn loại rẻ nhất để sống qua ngày.”

Diệp Khê mở túi tiền ra, bên trong là mấy thỏi bạc trắng, không phải những mảnh nhỏ như trước kia, mà là những thỏi to hơn có đóng dấu hẳn hoi.

Diệp Khê nâng lên ước lượng: “Chắc cũng phải được khoảng tám, chín lượng gì đó?”

Lâm Tướng Sơn cười nói: “Tám lượng bảy trăm văn, anh đã tiêu mất một trăm văn rồi. Hôm nay anh chở một xe đi, chừng năm trăm cân, chưa đến hai canh giờ đã bán sạch. Tiền đồng chiếm chỗ lại nặng, anh liền mang tới hiệu đổi tiền, mất mười văn tiền phí đổi bạc, như vậy dễ cất giữ hơn.”

Diệp Khê quay vào trong phòng, lấy ra hộp tiền trong tủ, bên trong có mấy tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chỗ bạc vụn mà họ dành dụm trước đó, tổng cộng mười ba lượng. Giờ lại thêm gần chín lượng này nữa, nhà họ đã tích cóp được hơn hai mươi lượng bạc rồi.

Tuy không thể so với những hộ giàu trên trấn hay quan to trong châu phủ, nhưng ở vùng sơn thôn nông hộ, có được sáu bảy mẫu ruộng tốt, trong nhà có trâu lại có hơn hai mươi lượng bạc tích lũy thì đã là hàng đầu phú hộ rồi. Một nhà lớn tiêu dùng cả năm cũng chẳng đến một hai lượng bạc.

Ngay cả cưới vợ, làm tiệc làm cỗ cũng chỉ tốn có bảy tám lượng là cùng.

Diệp Khê cất bạc vào hộp tiền, vui vẻ nói: “Anh cả đã mua một mảnh đất mới để trồng thêm chút lương thực, nhà ta giờ cũng đủ tiền để mua thêm một mảnh nữa rồi. Số còn lại thì cứ để dành, lúc khẩn cấp mới dùng.”

Lâm Tướng Sơn cũng mừng thay cho Diệp Sơn: “Nhà anh cả cũng đã ổn định rồi, chỉ cần trông chừng cái ao cá kia là không phải lo ăn mặc gì nữa.”

Hai người cùng nhau ăn cơm, rồi trở vào phòng ngâm chân. Diệp Khê theo thường lệ giẫm lên mu bàn chân Lâm Tướng Sơn, hai người chân kề chân, thỉnh thoảng còn đùa nghịch một chút.

Lâm Tướng Sơn nói: “Hôm nay suýt chút nữa bị đám lưu manh trong trấn giở trò đòi tiền.”

Diệp Khê vừa nghe thì mí mắt giật nhẹ: “Mau kể đi, sao mình lại chỉ báo tin vui mà không báo tin dữ?”

Lâm Tướng Sơn dùng ngón chân nhẹ nhàng cọ vào mu bàn chân phu lang, cười nói: “Đừng vội, dạo này trấn trên hơi loạn, giá lương thực và hàng hóa đều tăng vọt, người dân thường thì lo không đủ ăn, bọn lưu manh côn đồ lại đi khắp nơi tìm cách moi tiền. Hôm nay anh, Lý Tập và anh cả cùng chở cả xe lương thực lên trấn bán, bọn chúng thấy vậy liền muốn bọn anh nộp phí sạp hàng, phí đường xá, còn định tự tiện lấy vài thúng khoai lang mang đi. Bọn anh dĩ nhiên không chịu, liền cãi nhau to với chúng. Bọn chúng đông người, không cho anh đi báo quan.”

Diệp Khê vội hỏi: “Vậy làm sao thoát ra được?”

“Là nhờ Triệu ca mụ nhìn thấy bọn anh, sợ bọn chúng đông người ăn hiế.p bọn anh, liền đến nha môn tìm em trai là Trương Nguyên, hiện đang làm nha dịch ở nha môn, cũng có chút thể diện. Hắn dẫn theo mấy sai dịch đến, mắng cho bọn lưu manh kia một trận rồi đuổi đi.”

Diệp Khê thở phào nhẹ nhõm: “Là Triệu ca mụ ở trong thôn trước kia sao? Giờ ông ấy sống ổn chứ?”

Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Triệu ca mụ giờ sống cũng khá rồi, em trai hiếu thuận lại có lương bổng, không phải lo chuyện cơm áo. Giờ ông ấy làm phụ bếp ở một tửu lâu trên trấn, mỗi tháng cũng có chút tiền công. Nhìn sắc mặt thấy hồng hào, tươi tắn lắm, còn béo ra đôi chút so với trước.”

Diệp Khê cười nói: “Vậy thì đúng là khổ tận cam lai rồi, không uổng công em từng khuyên nhủ ông ấy một phen. Giờ cũng xem như đã giúp cho chúng ta một lần.”

Hai người lại tỉ mẩn đếm kỹ số bạc thêm một lần nữa, rồi cùng bàn tính chuyện ruộng đất trong thôn, dự định sau này sẽ mua thêm một mảnh đất nữa. Đất hiện có thì để trồng bông, còn đất mới có thể trồng lúa mì hay khoai lang đều được, tóm lại là nên có thêm một mảnh đất tốt nữa.

Đêm khuya dần, cả hai đều đã mỏi mệt, bèn thổi đèn rồi nghỉ ngơi.

x

Trời lại oi bức suốt gần một tháng, rồi cũng bước vào tiết thu phân tháng Tám, thôn Sơn Tú lại bắt đầu mùa thu hoạch hàng năm.

Chỉ tiếc năm nay gặp hạn hán, vụ mùa chẳng được như trước, lúa gặt về chỉ còn một nửa. Mọi năm là tiếng cười rộn rã khắp ruộng đồng khi gặt lúa xay gạo mới, năm nay thì ai nấy mặt ủ mày chau, từng bông lúa ngoài đồng cũng phải nhặt cho kỹ, để cầm cự cho cả nhà từ mùa đông đến lúc xuân về.

Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn đang vác bao lúa mới lên xe trâu, còn Diệp Khê và Lưu Tú Phượng thì lom khom nhặt lúa rơi ngoài ruộng. Nhà họ tuy không thiếu ăn, nhưng cũng không nỡ để phí hoài hạt thóc nào.

Trong thôn có mấy đứa trẻ và phụ nữ nhà nghèo xách giỏ ra đồng nhặt thóc rơi, nhưng lại bị chủ ruộng la mắng xua đuổi. Năm nay không giống năm trước, mấy năm trước được mùa, nhà nào cũng đầy kho, nên chẳng ai chấp nhặt chuyện mấy hạt lúa vương vãi, để mặc họ nhặt. Năm nay đến nhà giàu cũng phải dè sẻn, ai nỡ buông tha lúa rơi trên đất?

Một bà thím đang nhặt thóc ở ruộng bên, mỏi lưng quá vừa đấm vừa trò chuyện với Lưu Tú Phượng: “Thím Diệp à, nhà thím sống sung túc thế, sao còn phải ra đồng nhặt lúa rơi thế này, thiếu chi mấy miếng thóc đâu.”

Lưu Tú Phượng chẳng phải người sĩ diện hay khoe của, cười vui vẻ đáp: “Năm nay hạn hán thế này, ai biết được sang xuân sẽ ra sao. Nhà tôi có đủ gạo ăn, sống khá giả thì cũng phải biết tính toán chứ. Có phải là phú hộ bạc đầy kho đâu, cũng phải chắt bóp mà sống.”

Bà thím bên cười đáp: “Phải rồi, thím biết tính toán nên nhà mới khá giả thế, nào là mua ao, mua ruộng, khác xưa nhiều rồi, thành phú hộ rồi còn gì.”

Lưu Tú Phượng nói: “Nhà thím cũng có kém gì đâu, sau này nhất định cũng khấm khá lên thôi!”

Bà thím nghe thế thì vui ra mặt, hai người lại chuyện trò thêm mấy câu rồi lại cúi xuống tiếp tục nhặt thóc.

Tối đến, Diệp Khê và Lý Nhiên cùng nhau nấu một bữa cơm tươm tất, nhiều món ngon để bồi bổ cho cả nhà sau một ngày làm việc vất vả. Cả nhà ngồi ngoài sân, dưới ánh đèn dầu, trên bàn có rượu có thức ăn, thêm cả cơm gạo mới thu hoạch.

Hôm nay họ còn đào được thêm hành dại, vớt ít lá dưa muối, xào cùng thịt bằm và tỏi băm thành một món ăn cực kỳ đưa cơm. Cơm hấp bằng chõ, gạo mới trắng bóng thơm phức, có thể ăn liền ba chén lớn.

Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn làm việc cả ngày, mệt nhoài nhưng ăn uống ngon lành, miệng bóng loáng mỡ, mỗi người bưng chén cơm to như cái tô, ăn ngấu nghiến không dứt.

Đang ăn thì trưởng thôn Chu Đại dẫn theo một đám trai tráng trong thôn tới, rầm rộ bước vào sân nhà họ Diệp, khiến cả nhà đều ngơ ngác chẳng hiểu sao.

Cha Diệp vội đứng dậy hỏi: “Sao vậy? Có chuyện gì mà kéo đến đông thế này?”

Trưởng thôn Chu Đại mặt mày nghiêm trọng: “Loạn rồi, trên trấn loạn rồi! Nghe nói không biết từ đâu xuất hiện một đám người lạ, kéo tới cướp lương thực. Con trai tôi làm thuê trên trấn vừa chạy về nói rằng nhiều cửa hàng đã bị cướp phá, không chừng mấy bữa nữa chúng tới đây, chúng ta phải chuẩn bị trước mới được!”

Nghe xong, Lưu Tú Phượng giật mình, vỗ ngực thốt lên: “Lạy Phật, đúng là sắp loạn thật rồi! Tôi đã nói năm nay mất mùa, giờ lại không thu được bao nhiêu, không dấy loạn mới là lạ!”

Diệp Khê và Lý Nhiên đang ôm con nhìn nhau đầy lo lắng bất an.

Lâm Tướng Sơn buông đũa nói: “Trong thôn phần lớn là trai tráng cả, trưởng thôn, con đi theo ông một chuyến.”

Diệp Sơn cũng nói: “Phải rồi, tính cả con nữa, nhất định không để đám người kia vào làm loạn.”

Trong thôn đều là vợ con của họ, là đàn ông thì phải đứng ra bảo vệ.

Trưởng thôn Chu Đại khen hai người vài câu: “Tốt, thanh niên tốt, theo ta ra đầu thôn xem có thể làm gì để phòng bị trước không!”

Diệp Khê lấy áo khoác cho Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn, tuy trong lòng lo lắng không nguôi, nhưng chuyện lớn thế này thì cũng biết không thể ngăn cản. Cậu dặn dò mấy câu rồi đứng nhìn hai người nhập vào hàng trai tráng trong thôn, cùng nhau rời đi.

Hết chương 92.

Bình Luận (0)
Comment