Ngôi Sao Rực Rỡ

Chương 60


Lúc đang ngủ mơ màng thì ghế bỗng bị đạp một chân.

Từ Vãn Tinh cả kinh ừm một tiếng sau đó bừng tỉnh.
Trên bục giảng giáo viên tiếng Anh đang đọc đề nghe thấy tiếng của cô thì ngẩng đầu nhìn về phía này hỏi, “Làm sao vậy, Từ Vãn Tinh?”
“Không có việc gì, không có việc gì.” Cô nhanh chóng ngồi nghiêm chỉnh, lấy ra bộ dạng nghiêm túc nghe giảng bài.
Lớp học lại khôi phục trật tự, cô thì quay đầu trộm nhìn và thấy Kiều Dã mặt không biểu tình nhìn mình.
Sau khi tan học quả nhiên cậu ta giả vờ đi WC nhưng kỳ thật là muốn dạy dỗ cô.
“Sao lại ngủ gật?”
“Hôm qua luyện đề muộn quá.”
“Cậu tự đếm xem đây đã là lần thứ mấy rồi?”
“Được rồi, sẽ không có lần sau.” Cô dựng thẳng bốn ngón tay nghiêm túc thề, “Tôi thề ——”
“Đi rửa mặt đi.” Kiều Dã kéo tay cô xuống và đánh gãy lời cô nói.
Trong lúc cô đi WC thì cậu pha cà phê hòa tan đặt trên bàn cho cô.

Sau khi trở về Từ Vãn Tinh thấy cốc cà phê bốc khói trên bàn thì thất thần một lát, mũi chua xót.
Đêm hôm đó đợi cha mẹ đều ngủ rồi Kiều Dã nhẹ tay nhẹ chân đi ra cửa sau đó nhanh chóng tiến sâu vào con hẻm.

Cậu xách hộp cà phê, bò lên cầu thang gỗ định bụng nhắc nhở Từ Vãn Tinh làm việc và nghỉ ngơi hợp lý đừng ngủ muộn quá.

Ai biết cậu lại chỉ thấy thư phòng tối om, không một bóng người.
Ngủ rồi ư?
Cậu ngây ra, chần chừ một lát mới gửi tin nhắn hỏi cô: “Đang làm gì thế?”
Vài phút trôi qua không nhận được câu trả lời thế là cậu thả điện thoại vào trong túi, lại bò xuống về nhà.

Mãi tới lúc ngủ cậu mới nhận được tin nhắn trả lời của cô ——
“Vừa rồi tôi bận làm đề nên không thấy tin nhắn.”
Trong bóng tối Kiều Dã yên lặng nhìn màn hình sáng lên, ánh mắt khẽ nhúc nhích.

Trên bàn là hộp cà phê chưa khui, bóng dáng lẻ loi bị ánh trăng kéo dài.
Ngày hôm sau cậu lại đánh thức Từ Vãn Tinh ngủ gật trong giờ học.
“Tối hôm qua rốt cuộc cậu làm gì?” Giọng cậu rất không vui, sắc mặt trầm xuống.
“Không phải tôi nói là làm đề sao?” Từ Vãn Tinh dụi dụi mắt ngáp một cái.
“Từ Vãn Tinh.”
“Hả?”
“Nhìn vào mắt tôi mà đáp lại một lần nữa xem.”
Cô buông tay đang dụi mắt rồi ngẩng đầu nhìn ánh mắt nghiêm khắc của Kiều Dã sau đó cười nói, “Làm gì thế, đột nhiên cậu bày ra vẻ mặt này vì tưởng mình là sư gia chắc?”
“Trả lời câu hỏi đi.”
“Tôi nói rồi, tôi đọc sách và làm đề.”
“Thư phòng đen nhánh như thế thì cậu cầm đèn pin làm bài à?”
Từ Vãn Tinh hơi ngừng lại mới tùy tiện cười đáp, “Đèn thư phòng hỏng rồi, trong nhà không có đèn dự phòng nên tôi ngồi ở phòng ngủ học.”
Qua một thoáng trầm mặc Kiều Dã nhìn kỹ cô hỏi, “Thật chứ?”
“Lừa cậu làm gì?” Cô cười vô tư và vỗ vỗ vai cậu nói, “An tâm ôn tập đi đừng nghĩ nhiều.”
Từ Vãn Tinh vẫn chứng nào tật nấy, cô lại bắt đầu thường xuyên ra vào quán trà.

Lần thứ ba xách cô ra khỏi đó Từ Nghĩa Sinh thực sự tức giận.
“Quỳ, không cho đứng lên thì không được đứng lên!”
Ông cầm chổi lông gà, sắc mặt xanh mét chỉ vào Từ Vãn Tinh mắng: “Con đã lớp 12 rồi, còn chưa tới ba tháng nữa là thi đại học mà lúc này con còn dám chơi mạt chược sao?”
Từ Vãn Tinh trầm mặc, giống hai lần trước cô để mặc ông mắng mà không cãi câu nào, chỉ quỳ gối ở đó.

Nhìn bộ dạng dầu muối không ăn này càng khiến Từ Nghĩa Sinh giận hơn.
Lúc trước chỉ phạt quỳ chứ ông chưa bao giờ đánh con, chổi lông gà chỉ có tính chất răn đe chứ hiệu quả thực tế chẳng có gì.

Nhưng hôm nay ông thật sự không thể dung túng hơn nữa, ông cắn răng đánh một cái lên cánh tay cô.
“Nói, đã biết sai chưa?”
Từ Vãn Tinh cắn chặt răng không rên một tiếng.
“Nhận sai!” Từ Nghĩa Sinh lại đánh một cái nữa.
Ông thấy cả người cô đều căng lên, răng cắn chặt nhưng vẫn không lên tiếng.

Chổi lông gà giơ cao, nhưng mãi không rơi xuống trên người cô.

Hai cái đánh lúc nãy đã tiêu hết giận dữ trong lòng, lúc này ông không nỡ, nhưng cũng không biết làm sao.

Từ Nghĩa Sinh run lên chỉ vào mũi cô mà mắng, “Từ Vãn Tinh, có phải con muốn ba tức chết không?”
Cái kẻ vẫn đang cắn răng không nói lời nào kia rốt cuộc cũng mở miệng, “Con không muốn ba chết.”
“Vậy con đang làm gì? Ba thấy con chính là muốn tức chết ba!”
Cô vẫn cúi đầu nhìn sàn nhà, nhưng vẫn kiên trì lặp lại câu kia: “Con không muốn ba chết.”
Thái độ như vậy khiến Từ Nghĩa Sinh sửng sốt, một lát sau ông mới ý thức được chỗ nào không đúng và chậm rãi nói, “Con nghe ba nói được không? Học cho tốt rồi thi đại học, đừng nghĩ những chuyện không đâu, năm trước không phải biểu hiện của con rất tốt à? Sao bỗng nhiên lại chứng nào tật nấy?”
Từ Vãn Tinh không nói lời nào.
Ông thử mở miệng thăm dò: “Có phải có tâm sự gì hay không? Giữ trong lòng cũng vô dụng, hay con nói với ba, cha con chúng ta cùng giải quyết.”

Trong phòng rơi vào trầm mặc, ông thấy Từ Vãn Tinh chậm rãi ngẩng đầu mặt đối mặt với mình sau đó cô nhẹ giọng hỏi: “Vậy ba có gì muốn nói với con không?”
Giấy không gói được lửa, Từ Nghĩa Sinh không nghĩ giấu diếm hơn nửa năm vẫn bị Từ Vãn Tinh biết về bệnh tình của mình.

Một đêm này hai cha con xảy ra tranh cãi chưa từng có.
“Ba có bệnh hay không có quan trọng gì, hiện tại quan trọng nhất chính là tiền đồ của con đó!”
Từ Vãn Tinh vẫn quỳ gối ở đó, lưng thẳng tắp quật cường nói: “Ba là ba, con là con, chuyện quan trọng của chúng ta không giống nhau.”
“Đừng nói vớ vẩn!” Từ Nghĩa Sinh vung tay lên, “Từ Vãn Tinh, con an phận thi đại học cho ba.

Nói cho con biết, nếu con tự hủy tương lai thì ba có chết cũng không nhắm mắt!”
“Con không muốn ba chết.”
Cô nhóc quỳ trên mặt đất giống như biến thành cái máy đọc chữ, chỉ lặp lại câu này.

Cô ngẩng đầu nhìn Từ Nghĩa Sinh, vành mắt đỏ lên nhưng miệng vẫn cứng rắn, “Con mặc kệ ba có thể nhắm mắt hay không, tóm lại con sẽ không để ba chết.”
Mấy năm nay Từ Vãn Tinh vẫn luôn là một cô nhóc kiên cường ——
Lúc giúp đỡ ở sạp bị bỏng cô cũng không khóc, khi còn nhỏ bị bắt nạt lại chưa học Tae Kwon Do nên cô không hề có sức phản kháng nhưng cũng không khóc.

Ở trường học đánh nhau gây họa, về nhà bị phạt quỳ cô cũng không khóc.
Nhưng hôm nay cô quỳ trên ván giặt đồ ngước mắt nhìn cha mình và lặp lại câu kia vô số lần.

Trong mắt cô là nước mắt nóng bỏng, không thu lại được, nhưng vẫn cố nén không rơi xuống.

Cô không biết mình đang kiên trì cái gì nhưng trong lòng chỉ có một ý nghĩ lúc này không được chùn bước.
Lúc này đừng ai mong có thể lay chuyển cô.
Từ Nghĩa Sinh cất giọng khàn khàn, “Đứng lên đi, đừng quỳ nữa.”
Cô vẫn bất động.
“Từ Vãn Tinh, con nghe ba nói đi? Ba là người thô lỗ, không có văn hóa, đời này chỉ có một thành tựu duy nhất đó là nuôi con lớn.” Ông ngẩng đầu nhưng vẫn phải cố nén chua xót trong mắt, “Mọi người đều nói ba cho con nhiều thứ, nuôi con từ một đứa nhỏ bé xíu đến bây giờ khỏe mạnh, tung tăng nhảy nhót, nhưng kỳ thật bọn họ không biết con mới mà người cho ba nhiều.”
“Nếu không có con thì ba chỉ là một kẻ bán hàng rong không có tài năng gì, không nhà, không người thân, chẳng khác gì quỷ.

Nhưng chính vì có con mà đời này ngoại trừ nghèo và tàn tật, xấu tính và không có văn hóa thì hình như ba cũng có chút gì đó để được khen ngợi.

Ba có hy vọng, có tin tưởng, có động lực và kiêu ngạo.”
Ông giơ tay che mắt nói: “Từ trước đến giờ ba không thích khen con mà chỉ biết mắng, nhưng Vãn Tinh, con là kiêu ngạo của ba, luôn luôn là như vậy.”
Nước mắt không ngăn được mà rơi xuống qua kẽ ngón tay.

Nam nhân trung niên hai mái đã bạc, bàn tay thô ráp nhưng đôi mắt lại sáng ngời như hai ngọn lửa.

Đôi mắt ấy vẫn luôn tràn ngập sức sống và cảm xúc yêu giận, nhưng giờ phút này chúng bị nước mắt làm mơ hồ, không còn thần thái như ngày xưa nữa.
“Con không thể từ bỏ tiền đồ, rõ ràng con đường trước mặt con đang rất tốt.

Ba nuôi con cả đời, chưa bao giờ hy vọng con có thể đại phú đại quý rồi tương lai báo đáp ơn dưỡng dục gì.

Ba chỉ có một tâm nguyện duy nhất đó là mặc kệ ba sống bao lâu thì lúc còn sống sẽ không liên lụy tới con và có thể nhìn con vui vẻ hạnh phúc.”
“Con phải cố gắng đọc sách, tham gia thi đại học, tương lai học một trường thật tốt.

Đừng học ba làm một kẻ không văn hóa rồi nghèo cả đời có được không?”
Từ Nghĩa Sinh nói rất nhiều, những lời mắng mỏ của cả đời cũng không khắc sâu được bằng những gì ông nói đêm nay.
Không phải ông chưa từng trách trời sao bất công, bắt ông phải tàn tật, buộc ông phải bần cùng.

Những niềm vui như phú quý, khỏe mạnh, bình an vui vẻ cùng gia đình đoàn viên ông chẳng có một cái nào.
Một tháng đầu khi mới biết bệnh tình ông không ngủ được.

Không phải ông sợ chết, cũng không phải ông không chấp nhận nổi đau ốm.

Dù ở trên bàn phẫu thuật dần rơi vào hôn mê sau đó vì dược hiệu rút đi mà tỉnh lại trong đau đớn thì ông cũng chưa từng sợ hãi.

Duy chỉ có một điều ông canh cánh đó là nếu ông cứ thế đi rồi vậy Từ Vãn Tinh của ông phải làm sao giờ.
Con gái ông còn chưa kịp tỏa sáng, còn chưa kịp lớn lên, nếu ông rời đi thì trên đời này còn ai yêu thương con bé nữa?
Ông nằm trên giường bệnh trong bóng tối mà khóc như đứa trẻ.
Ông không sợ không có người yêu mình, không sợ con đường gian nan trắc trở trước mặt, chỉ sợ tương lai chẳng thể nào cùng cô đi tiếp.
Mặc kệ là ai sinh ra Vãn Tinh thì việc vứt bỏ con bé chính là sai lầm lớn nhất.

Con bé đáng yêu như vậy, lại hiểu chuyện, đáng giá có được mọi thứ tốt đẹp trên thế giới.

Nhưng Từ Nghĩa Sinh ông lại không có bản lĩnh, chỉ có thể nuôi con gái lớn lên một cách tùy tiện.

Ông biết chắc nếu cha mẹ đẻ của Vãn Tinh biết con bé tốt đẹp như thế này thì nhất định sẽ hối hận.
Một tuần phẫu thuật ông nói dối là vào trong núi xem trang trại rau dưa và trao đổi việc cung cấp nguyên liệu nấu ăn.

Nhưng lúc ở bệnh viện chịu dày vò hay đêm khuya nằm trên giường bệnh ông cắn chặt răng, nước mắt rơi ướt gối.
Từ Nghĩa Sinh, một người đàn ông thì khóc cái gì? Ông tự hỏi chính mình như vậy.

Nhưng vừa nhớ tới Từ Vãn Tinh là ông lại không cam lòng.

Ông oán trời trách đất, hận vận mệnh vô thường, sợ tương lai không thể lại làm điểm tựa cho con gái và sợ mình không nhìn thấy cô biến thành một ngôi sao rực rỡ đích thực.
Đời này ông không có người thân và gia đình, là Từ Vãn Tinh cho ông một mái nhà.

Ông nghèo, tàn tật, như một cục đá xấu xí nằm ở ven đường không ai thèm đếm xỉa.

Cố tình ông trời lại đưa cho ông một viên minh châu, biến cuộc sống ảm đạm không sức sống thành màu sắc rực rỡ, mang thêm tiếng cười chứa đầy yêu thương và mong chờ.
Miệng vết thương truyền đến đau đớn tê dại trong đêm khuya, ông cuộn người trên giường bệnh, mũi ngửi mùi thuốc sát trùng, trước mặt là hình ảnh khuôn mặt con gái.
Nếu ông trời có thể nghe thấy —— ông lẩm bẩm nói, đôi mắt ướt đẫm nhắm chặt —— Từ Nghĩa Sinh tôi đời này không phải thiện nam tín nữ nhưng tôi xin dành toàn bộ chân thành của mình mà cầu xin ông trời cho tôi chút thời gian.

Cầu ông để tôi được nhìn con bé lớn lên, thấy nó gả chồng và có một gia đình mới.
Lúc ấy ….

Cho đến lúc ấy dù phải thống khổ chật vật mà rời đi thì tôi cũng không hề oán hận.
Nhưng ông trời có nghe thấy lời khẩn cầu đó hay không Từ Nghĩa Sinh không biết được.
Lúc này trong căn nhà chật chội Từ Vãn Tinh vẫn quỳ gối trên ván giặt đồ mà khóc như mưa, tay duỗi ra ôm lấy ông.
Cô nói: “Đọc sách thì đọc lúc nào chả được, đọc ở đâu chả giống nhau, nhưng ba chỉ có một thôi.”
Cô giống một năm kia mới 10 tuổi bị đám nhỏ bắt nạt ở đầu hẻm thấy ba cúi người thì ôm chặt lấy cổ ông bất kể thế nào cũng không buông tay.
“Con không muốn ba chết, còn không cho ba chết……”
Cô gào khóc, nước mắt nóng bỏng cổ Từ Nghĩa Sinh cũng nóng bỏng trái tim ông.
Ông trời thật nhẫn tâm, cô khóc đến trời đất tối sầm, khóc đến không thở nổi, trong đầu chỉ có một ý nghĩ này.
Cầu xin ông đừng có mang ba tôi đi.
Những cái khác cô không cần.

(Truyện này của trang runghophach.com) Đại học, tiền đồ, Kiều Dã, bạn bè, cô thậm chí nguyện ý dùng sức khỏe của mình đổi lấy nhiều thời gian hơn cho Từ Nghĩa Sinh.

Cả đời thanh bần cũng không sao.
Chỉ cần hai cha con họ bày quán bán sủi cảo là được.
Cầu xin ông trời.
Đêm hôm đó còn có một người khác cũng khóc lóc không thôi.
Trương Tĩnh Bình xách theo một đống đồ đứng bên người cửa cuốn, đồ trong tay rơi xuống đất còn bà che miệng khóc không ra cái gì.
Mãi cho đến khi đối thoại trong phòng ngừng lại, mãi cho đến khi Từ Nghĩa Sinh khóc lóc đồng ý với con gái: “Được, không khóc, không khóc.

Chúng ta hòa giải, ba không bức con nữa.”
Lúc này bà mới lau khô nước mắt, lại thu thập đồ rơi trên mặt đất và đi vào nhà.
“Hai người đang làm gì thế, đóng phim truyền hình à?” Bà miễn cưỡng cười nói, lại để đồ lên bàn, “Nhìn cái bàn xem, vốn dĩ đã bé còn chất thành đống, chẳng biết để đồ ở đâu nữa.”
Hai cha con lau khô nước mắt, Từ Vãn Tinh vội đứng dậy gọi: “Dì Trương.”
“Ừ.” Bà cười đáp, sau đó chỉ chỉ đồ trên bàn nói, “Đây là khách quen mang tới, người đó cháu cũng gặp rồi, là Cố tổng Cố tiên sinh.

Ông ấy tới mang theo không ít đồ cho dì.”
“Đây là lộc nhung, túi này là nấm gan bò, đây là sữa bò, còn có một rổ trứng gà ta nghe nói là do nông dân trong núi nuôi nên không ăn chút thức ăn công nghiệp nào.”
Bà lải nhải bỏ đồ xuống rồi hỏi thăm Từ Nghĩa Sinh sau đó mới đứng dậy rời đi.
Từ Nghĩa Sinh nói: “Vãn Tinh, con tiễn dì Trương đi.”
Trương Tĩnh Bình cũng không từ chối mà cùng Từ Vãn Tinh sóng vai đi ra ngoài.
Lúc đi xa chừng 10 m bà mới nghiêng đầu hỏi, “Ba cháu nói sao?”
Từ Vãn Tinh vẫn đỏ mắt, phải hít sâu một hơi mới nói được, “Cháu nói cháu sẽ không đi học đại học, trước cháu tạm nghỉ học để kiếm tiền nuôi gia đình, đến lượt cháu làm việc ấy rồi.

Nếu bệnh của ba ổn định thì sang năm cháu lại học tiếp.”
“Ông ấy đồng ý sao?”
“Ba không đồng ý nhưng cháu cũng không thỏa hiệp.”
Cô nhóc đã không còn ngây thơ vô tư nữa, cả người đứng thẳng tắp trong ngõ nhỏ khuya vắng giống một cây trúc vĩnh viễn quật cường.
Trương Tĩnh Bình vừa khổ sở đến bật khóc vừa duỗi tay xoa đầu cô, “Vãn Tinh, cháu là đứa bé ngoan, là ông trời sai, ông ấy không chịu đối xử tử tế với người tốt.”
Từ Vãn Tinh cắn răng cười, “Kết quả thế nào không ai biết trước được đúng không? Ba cháu nhất định sẽ không sao.”
Có cô ở đây thì tuyệt đối sẽ không để ông ấy có việc gì.
Trương Tĩnh Bình vừa lau nước mắt vừa cười nói, “Đúng, ba cháu nhất định sẽ không có việc gì.”
Suy nghĩ của bà chợt thay đổi sau đó nghiêng đầu nói với Từ Vãn Tinh: “Chuyện kiếm tiền cháu đừng vội, để dì đi hỏi Cố tiên sinh.

Việc làm ăn của ông ấy lớn, có cả chơi mạt chược chuyên nghiệp thế nên cần một người giỏi đánh bài.

Lúc trước ông ấy đã hỏi dì trong tiệm có người nào có thể làm được việc này không nhưng chỗ dì chỉ toàn người già và trung niên, làm gì có ai như thế.”
Từ Vãn Tinh ngây ra, “Chơi mạt chược chuyên nghiệp ư?”
“Đám người làm ăn hàng năm đều phải giao thiệp, hiện tại bên trên quản chặt nên bọn họ dứt khoát lấy chơi bài làm ngụy trang sau đó sắp xếp một người nhà đi vào.

Lúc nào nên đưa tiền thì phải thua thật lớn, khi nào nên lấy tiền thì sẽ thắng liên tiếp.” Sắc mặt Trương Tĩnh Bình nghiêm túc nói, “Nhưng nếu cháu muốn tốt và nghĩ đến tiền đồ trong tương lai thì nên nghĩ kỹ.


Chuyện này tiền tới nhanh nhưng chắc chắn không phải việc lương thiện đâu.”
Từ Vãn Tinh không chút do dự nói: “Chỉ cần có thể kiếm tiền thì cháu làm.”
Kiều Dã đã đứng trước cửa thư phòng tối đen ngây người không biết bao nhiêu lần.
Ban ngày Từ Vãn Tinh luôn ngủ gà ngủ gật trong lớp, bất kể cậu nói gì, sư gia gọi cô lên văn phòng mắng bao nhiêu lần thì cô đều dầu muối không ăn, cực kỳ giống bộ dạng thiếu nữ côn đồ lúc trước.
Cậu đạp xe về nhà thật nhanh, sau đó lại cưỡi xe địa hình ra ngoài.
Kiều Mộ Thành tức giận đến độ đập tay lên bàn trà quát, “Con đứng lại cho ba!”
Kiều Dã dừng ở sân, đưa lưng về phía cha mình.
“Cách thi đại học còn có mấy ngày nữa hả? Con tự đếm xem! Cả ngày con như mất hồn mất vía, rốt cuộc con muốn đi đâu?”
Kiều Dã thấp giọng nói: “Con chỉ cần hai mươi phút, sau đó nhất định con sẽ về.”
“Đừng nói hai mươi phút, hai phút cũng không được.” Kiều Mộ Thành nghiêm khắc nhíu mày, “Tiểu Dã, con nói xem có chuyện gì? Lúc trước mẹ con sợ con học hư từ con nhỏ Từ Vãn Tinh kia ba còn không tin.

Hiện tại con nhìn lại bộ dạng của mình xem, có nửa điểm giống sắp thi đại học hay không?”
“Con chỉ cần hai mươi phút.”
“Con ——”
“Ba.” Cậu thiếu niên cô độc đứng trong sân chậm rãi quay đầu lại nói, “Con chỉ cần hai mươi phút, ba cho con đi thôi.”
Tôn Ánh Lam lôi kéo cánh tay chồng rồi thấp giọng nói: “Sắp thi đại học rồi hẳn đứa nhỏ áp lực lớn, anh đừng cáu nữa.”
Kiều Mộ Thành cắn răng, “Được, cho con đi, nhưng chỉ 20 phút.

Nhớ kỹ, chỉ lần này thôi.”
Thiếu niên đạp pê đan sau đó chiếc xe lướt đi như gió tới chợ đêm.
Cậu dừng trước cửa quán trà Thịnh Vượng sau đó đi vào.
Chú Lý đứng sau quầy hỏi: “Này cậu nhóc đi đâu thế?”
“Tìm người.”
“Này này, đứng lại, cậu tìm ai? Này, tôi nói sao cậu lại không thèm để ý vậy?!”
Kiều Dã đi thẳng qua sảnh chính, đi tới hậu viện nơi có vô số phòng khác.

Nơi này khác với quang cảnh phổ thông bên ngoài, có cây mai, núi giả, cỏ xanh được cắt tỉa gọn gàng.

Ở bốn phía là mấy căn phòng được trang hoàng lịch sự tao nhã, có cửa kính lấy sáng cực tốt.
Chú Lý vội chạy tới túm lấy cánh tay cậu quát, “Chỗ này là chỗ cho cậu xông loạn vào hả? Thằng ranh không hiểu chuyện đi ra ngoài ngay!”
Kiều Dã vẫn yên lặng đứng tại chỗ, ánh mắt nhìn một cánh cửa sổ sát đất, sau bức mành khép hờ cậu thấy rõ quang cảnh bên trong.
Cậu thấy Từ Vãn Tinh.
Cô ngồi ở một bên, cùng mấy người lớn đánh bài một cách thành thạo, tư thế bình thản, khóe môi nở nụ cười.

Thi thoảng cô sẽ nói vài lời dí dỏm khiến mọi người đều cười.
Phía sau một nam tử trung niên trong đó là một người phụ nữ mặc hoa hòe lộng lẫy.

Thi thoảng bà ta sẽ ân cần cúi đầu châm trà đưa tới bên miệng người đàn ông kia, nụ cười như hoa.
Từ Vãn Tinh lại giống như không thấy, vô cùng thoải mái tự tại với những gì đang diễn ra quanh mình.
Kiều Dã hỏi: “Chú Lý phải không?”
Chú Lý sửng sốt, “Cậu là ——”
“Cháu là bạn của Vãn Tinh.” Cậu yên lặng nhìn Từ Vãn Tinh nói, “Cháu chỉ cần 2 phút, sau đó cháu sẽ đi ra ngoài được không?”
“Không được quấy rối đâu đó, nơi này toàn là những người không thể trêu chọc được đâu.” Chú Lý cảnh cáo cậu.
“Chú yên tâm, cháu tuyệt không quấy rối.”
Chú Lý nghe thế thì lùi về cách đó không xa quan sát, ánh mắt vẫn nhìn chằm chằm bóng dáng kia.
Cậu móc điện thoại ra gọi cho cô.
Di động vang lên bốn lần, Từ Vãn Tinh đều ấn tắt tiếng cả bốn lần.

Tới lần thứ 5 thì người đàn ông ở đối diện cười thả quân mạt chược xuống và nhàn nhạt nói: “Đi nghe điện thoại đi, nhóc con, chỗ này cũng không có quy củ nghiêm như thế.

Người trong nhà gấp gáp gọi điện thì hẳn có việc quan trọng, đừng để người ta nhọc lòng.”
“Cảm ơn Cố tiên sinh.” Từ Vãn Tinh đứng dậy, cầm di động vội vàng đi ra khỏi phòng đứng trong viện nhỏ.
Cô hít sâu rồi nhận cuộc gọi: “Sao thế, tìm tôi có việc à?”
Kiều Dã đứng sau núi giả chậm rãi hỏi: “Cậu đang ở đâu?”
“Ở nhà đọc sách, di động của tôi để chế độ yên lặng nên không nghe thấy.” Cô làm ra vẻ nhẹ nhàng nói.
Kiều Dã không nói gì thế là cô lại thúc giục: “Nói đi có chuyện gì? Không có việc gì thì đừng quấy rầy tôi đọc sách, cậu cho rằng ai cũng giống cậu, không cần đọc sách cũng hiểu hết à?”
Dứt lời cô còn hừ một tiếng thật trẻ con.

Nhưng đầu bên kia vẫn không có đáp lại.

Từ Vãn Tinh hơi bất an mà nắm chặt điện thoại sau đó hình như cô phát hiện ra điều gì nên nhìn quanh.

Một khắc ấy cô thấy một cái bóng thật dài ở sau núi giả thế là cả người cứng lại.
Người nọ bước ra, ngắt cuộc gọi, cùng cô bốn mắt nhìn nhau.
Gió giống như có tiếng, gào thét thổi qua.

Rõ ràng đây là đêm tháng 5 đã có chút nhiệt độ của mùa hè nhưng thổi lên mặt vẫn như dao nhỏ cắt qua.
Hai người cách nhau trong gang tấc nhưng lại như càng lúc càng xa.

Thật lâu sau cậu mới mở miệng đánh gãy im lặng, “Vì sao?”
Từ Vãn Tinh nghẹn họng nhưng sống lưng vẫn thẳng tắp, “Tôi cần rất nhiều tiền.”
“Cần bao nhiêu?”
“Rất nhiều.”
Kiều Dã trầm mặc sau đó lấy ví trên người mình đưa cho cô: “Tiền mặt tôi không có nhiều nhưng trong thẻ có 8 vạn, đây là tiền tiết kiệm từ nhỏ tới giờ của tôi.

Tiền cho cậu, theo tôi về đi.”
Từ Vãn Tinh không đón lấy.
“Chê ít à?”
“Đúng vậy,” cô nắm chặt tay nói, “Đúng là không đủ.”
“Cậu cần tiền để làm gì?”
Cô há miệng, chỉ cảm thấy muôn vàn lời nói dâng lên nghẹn ở họng, chỉ không để ý sẽ theo gió bay ra.


Nhưng gió tháng 5 cũng nhắc nhở cô sắp thi đại học rồi.

Một người chậm trễ là đủ, chẳng lẽ còn muốn một người khác cũng chậm trễ theo ư?
Vì thế cô ngẩng đầu nhìn Kiều Dã nói: “Tôi muốn có ngày lành.”
“Ngày lành ở tiệm mạt chược sao?”
“Tiệm mạt chược thì làm sao? Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, đọc sách lâu rồi nên tôi thấy chán.” Cô làm ra vẻ bất cần mà cười cười nói, “Hiện tại tôi không muốn đọc nữa, chỉ muốn bỏ gian tà theo chính nghĩa, một lần nữa trở về nghề cũ.”
Kiều Dã túm lấy tay cô, “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, mau nói cho tôi.”
“Không có việc gì cả.” Từ Vãn Tinh muốn tránh ra nhưng lại không tránh được, khóe mắt cô thấy chú Lý nên vội há mồm gọi, “Chú Lý mau giúp cháu kéo cái tên này ra!”
Chú Lý nhanh chóng đi tới bắt lấy vai Kiều Dã, “Buông tay.”
Kiều Dã bị đau thì buông lỏng tay, thấy Từ Vãn Tinh lui về phía sau hai bước cậu hỏi: “Từ Vãn Tinh, những lời lúc trước cậu quên hết rồi sao?”
Từ Vãn Tinh ngây người sau đó quay lại nghiêm túc nói: “Tôi không quên, nhưng tôi đã đổi ý, Kiều Dã, chúc cậu tiền đồ như gấm, ở Bắc Kinh gặp nhiều may mắn.”
Ngày hôm sau Từ Vãn Tinh không đi học.
Giống như bất chấp tất cả, nếu cậu đã biết thì cô cũng từ bỏ giả dối bề ngoài.

Căn nhà cũ ở hẻm Thanh Hoa giống như không có người ở, không hề có bóng dáng cha con Từ Vãn Tinh.

Nơi duy nhất có thể thấy cô chính là quán trà Thịnh Vượng.
Cậu đã tới đó vài lần nhưng đều bất lực trở về.

Cuối cùng cậu đứng trước mặt Trương Tĩnh Bình nói, “Dì Trương, cháu biết Từ Vãn Tinh rất tin tưởng dì.”
Trương Tĩnh Bình đứng ở đầu đường của khu chợ đêm nhìn thiếu niên trước mặt.
Cậu giống như năn nỉ mà hỏi: “Từ Vãn Tinh làm sao vậy? Dì nói cho cháu biết rốt cuộc chuyện là thế nào đi?”
Dù không đành lòng nhưng Trương Tĩnh Bình vẫn rời tầm mắt và nói theo những gì đã hứa với Từ Vãn Tinh: “Học nhiều quá tất tạo ra tác dụng ngược lại, đại khái là áp lực lớn quá nên con bé không muốn học nữa.”
“Không có khả năng!”
“Sắp thi đại học rồi, cậu đừng tốn thời gian ở đây nữa.

Mặc kệ cậu tới bao nhiêu lần thì kết quả đều giống nhau thôi.”
Trương Tĩnh Bình xoay người rời đi, bước vào phố xá náo nhiệt để lại mình thiếu niên.

Đèn đường kéo cái bóng của cậu thật dài, khi tới cậu cô độc một mình, khi đi cũng chỉ có một mình.
Đêm hôm đó Kiều Dã ốm, cứ sốt cao không lùi, ngày tiếp theo cậu không đi học.

Sắp thi đại học nên cha mẹ cậu như kiến bò trên chảo nóng, Kiều Mộ Thành cũng xin nghỉ cùng vợ ở nhà chăm sóc cậu.

Kiều Dã lại chỉ lăn lộn mê sảng gọi tên Từ Vãn Tinh.
Tôn Ánh Lam lau nước mắt nói đứa nhỏ kia không phải người tốt, đều do Kiều Mộ Thành dung túng con làm bậy.
Kiều Mộ Thành không nói một lời.
Lần bệnh này giằng co suốt ba ngày, Kiều Dã vào bệnh viện truyền nước hai ngày, cuối cùng mới hạ sốt.
Vạn Tiểu Phúc cùng bạn bè tới thăm cậu, chủ nhiệm lớp La Học Minh cũng tới, tất cả mọi người đều hỏi han ân cần, dặn dò cậu mau khỏe lại, chỉ có Từ Vãn Tinh không tới.
Cậu nghe thấy La Học Minh nói chuyện với cha mẹ mình ở hành lang: Từ Vãn Tinh chuyển nhà, bỏ học.
La Học Minh tự mình đi tìm cô rất nhiều lần nhưng không thấy bóng người.

Cô chỉ nói trong điện thoại là mình thực xin lỗi và không muốn học nữa.
Mấy ngày nay La Học Minh cũng sắp điên rồi.

Nhưng dù thương Từ Vãn Tinh thế nào, thiên vị cô thế nào thì ông cũng vẫn là chủ nhiệm, trong lớp còn 50 đứa nhỏ khác phải để ý tới.

Ông không thể làm gì khác mà đành cố gắng dốc sức nén khổ sở dẫn dắt đám nhỏ còn lại.
Ông bước vào phòng bệnh nghiêm khắc nhìn Kiều Dã và chỉ chỉ ngoài cửa nói: “Nghĩ lại cha mẹ và nỗ lực trong nhiều năm của mình xem rốt cuộc là vì cái gì?”
“Kiều Dã, em có tiền đồ rộng mở, nhiều ánh mắt kỳ vọng đều đang nhìn em, còn nhiều tâm nguyện chờ em hoàn thành.

Chính em tự nghĩ lại đi xem mấy ngày nay rốt cuộc em đang làm gì.”
Kiều Dã nhìn bệnh viện trắng xóa, mọi thứ đều là màu trắng: Khăn trải giường, vách tường, trần nhà, đèn dây tóc, kể cả bộ quần áo bệnh nhân trên người cậu cũng thế.

Cậu mệt mỏi giơ tay che ánh đèn nói: “Em đã biết, thầy yên tâm đi, em sẽ khỏe lại, sẽ nỗ lực chuẩn bị thi đại học.”
Đại khái là từ ngày này thanh xuân chính thức rút bỏ màu sắc rực rỡ mà phủ lên màu tái nhợt.
Cậu khỏe lại, ra viện, từng bước ôn tập cho đến khi thi đại học.

Mọi việc đều như thường, giống như trong sinh mệnh của cậu chưa từng có ai tên là Từ Vãn Tinh.

Giống như suốt khoảng thời gian qua cậu vẫn cô đọc, chưa từng có bất kỳ chuyện gì ngoài ý muốn.
45 ngày sau Kiều Dã nhận được thư báo trúng tuyển của đại học C.

Cả hẻm Thanh Hoa đều sôi trào vì chỗ này đã bao giờ có đứa nhỏ nào có tiền đồ như vậy đâu?
Từng nhà đều tới chúc mừng, ngạch cửa nhà họ Kiều tí thì bị dẫm nát.

Trong tiếng hoan hô chúc mừng ấy không ai nhắc tới Từ Vãn Tinh.
Kiều Dã ngồi trong phòng của mình yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ giống như ngay sau đó sẽ có một tên trộm nhặt một hòn đá gõ cửa sổ và nhanh nhẹn trèo vào.

Cô sẽ lé mắt nhìn cậu nói: “Khá lắm Kiều Dã.”
Lúc nói lời này cô sẽ mang bộ dạng hớn hở, giọng nói vui mừng lại đáng yêu, trong mắt có ánh sáng rực rỡ.
Nhưng cậu đợi tới nửa đêm, mãi tới khi ánh mặt trời ló rạng, bầu trời trên hẻm Thanh Hoa tỏa ra màu trắng như bụng cá mà người nọ cũng chưa từng đến.

Cửa sổ tĩnh lặng, không hề bị ai gõ.
Sắc trời sáng choang, mẹ cậu tới gõ cửa hỏi: “Đã tỉnh chưa tiểu Dã?”
Thiếu niên vẫn ngồi ở mép giường đáp: “Con dậy rồi.”
“Thu dọn mọi thứ chưa? 10 giờ rưỡi máy bay cất cánh rồi, phải chuẩn bị thôi.”
Cậu chậm rãi đứng dậy mở ra tủ quần áo nói, “Con tới ngay.”

Bình Luận (0)
Comment