Nhật Ký Quan Sát Thanh Mai

Chương 3

Ngày 20 tháng 1, trời nắng.

Cô Lý kêu tụi mình quan sát sự vật mà mình thích. Mình không thích thứ gì hết nhưng mình cảm thấy, Đào Ấu Tâm rất thú vị.

[Nhật ký quan sát thanh mai]

Ngoại trừ những khuyết điểm như tham ăn, mít ướt, hiếu động, không biết chữ, vân vân và mây mây… Đào Ấu Tâm cũng có một số ưu điểm, ví dụ như…

Cô bé rất đáng yêu.

Cô bé đi đường hấp ta hấp tấp, thích chạy thích nhảy nhót, thường xuyên ngã sấp mặt trước cửa phòng Hứa Gia Thời một lần. Tấm đệm lót trước cửa phòng ngủ của Hứa Gia Thời càng ngày càng dày để bảo vệ cô nhóc tinh nghịch ấy.

Đôi khi cô bé rất mít ướt, song đôi khi cũng rất kiên cường. Ví dụ như tình huống vô ý sẩy chân ngã sấp mặt kiểu này, cô bé sẽ đứng lên phủi hai tay, tự an ủi bản thân: “Không đau, không đau.”

Có lần Hứa Gia Thời nói tiếp một câu: “Đúng rồi, em béo cỡ này thì thịt dày lắm, sao mà ngã đau được.”

Đào Ấu Tâm mở to mắt, môi trề ra, đứng trước cửa phòng cậu khóc hu hu thật to, khiến mẹ Hứa sợ đến mức còn tưởng đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng lắm.

Có người lớn chống lưng, Đào Ấu Tâm lớn tiếng lên án: “Anh Gia Thời kêu cháu béo!”

Hứa Gia Thời bị người lớn ép phải xin lỗi. Cậu đặt quyển sách xuống bàn, đi đến trước mặt Đào Ấu Tâm, nhét một viên kẹo vào tay cô bé.

Đào Ấu Tâm lập tức nín khóc, bóc giấy gói nhét kẹo vào miệng, vị ngọt ngào của viên kẹo lập tức chữa lành tâm hồn bị tổn thương vì chê béo. Chẳng mấy chốc, mẹ Hứa đã nghe thấy Đào Ấu Tâm nịnh hót con trai mình bằng chất giọng non nớt của con nít: “Anh Gia Thời tốt nhất, anh Gia Thời đẹp trai quá đi, Tâm Tâm có thể ăn thêm một viên kẹo được không ạ?”

Chủ yếu không phải là vì được ăn kẹo đâu nhé, cô bé chỉ muốn khen ngợi anh trai mấy câu thôi.

Nhưng con trai của bà ấy lại là một cậu nhóc mặt lạnh bạc tình, từ chối một cách dứt khoát: “Không được.”

Ừm…

Nghe giọng điệu này, giống y hệt chồng mình, mẹ Hứa thầm nghĩ.

Mẹ Hứa đứng trước cửa mỉm cười nhìn hai đứa bé, mặc cho hai đứa bé “giao lưu” với nhau.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã đến kỳ nghỉ đông.

Giáo viên trường mầm non giao cho các bạn nhỏ một bài tập về nhà đặc biệt, yêu cầu chúng quan sát một sự vật có sinh mệnh trong đời sống hằng ngày quanh mình.

Các bạn nhỏ vô cùng khó hiểu: “Thưa cô Lý, cái gì là thực vật có sinh mệnh ạ?”

Cô Lý lặp lại lần nữa: “Không phải thực vật, mà là sự vật!”

“Ví dụ như các loại rau dưa mà chúng ta hay ăn, hoa cỏ cây cối trong vườn hoa, chúng đều có sinh mệnh.” Cô Lý mất một buổi sáng, cuối cùng cũng làm cho các bạn nhỏ biết những loài thực vật sẽ thay đổi hình dạng, sẽ lớn lên đều có sinh mệnh.

Có bạn nhỏ suy một ra ba: “Bọn em biết nói, sẽ lớn lên, có phải cũng là sinh mệnh không ạ?”

Cô Lý kiên nhẫn giải đáp: “Dĩ nhiên rồi, mỗi một bạn nhỏ đều là một sinh mệnh vô cùng quý giá.”

Đây là bài tập về nhà đặc biệt, cô giáo thông báo với các phụ huynh hỗ trợ các bạn nhỏ hoàn thành bài tập trong nhóm chat, mỗi tuần ghi chép ít nhất một lần, thời hạn là một học kỳ.

Được nghỉ, Đào Ấu Tâm hân hoan nhận giấy khen về nhà chờ ba mẹ khen ngợi. Mẹ Đào không nỡ đả kích con gái cưng của mình rằng loại giấy khen kiểu này, bạn nhỏ nào cũng có một tấm.

Kể từ ngày hôm đó, Đào Ấu Tâm bắt đầu cuộc sống ngủ nướng tới trưa, vứt bài tập về nhà ra sau đầu. Cuối cùng ba Đào mẹ Đào phải đốc thúc thì Đào Ấu Tâm mới chịu cầm bút viết bài tập.

Cô bé nhìn chằm chằm vào cuốn vở bình thường trước mắt cả buổi, cuối cùng nói: “Mẹ ơi, con muốn có một cuốn sổ nhật ký thật đẹp!”

Mẹ Đào: “…”

Để Đào Ấu Tâm chịu phối hợp làm bài tập, mẹ Đào dẫn cô bé đi mua một cuốn sổ nhật ký bìa hoạt hình sặc sỡ nhiều màu.

Kế tiếp, việc quan sát sự vật lại biến thành nan đề.

Đào Ấu Tâm chạy lên lầu dưới lầu một vòng, về nhà thấy ba đang cho rùa ăn thì chợt nảy ra ý kiến hay, lập tức viết dòng chữ: nuôi rùa. (Tiếng Hán: 养乌龟 dưỡng ô quy)

Trong ba chữ này, cô bé chỉ viết đúng một chữ “ô” (乌) mà thôi.

Đối với Đào Ấu Tâm mà nói, viết nhật ký quá khó. Dưới sự giám sát của ba Đào, cô bé lề mề suốt một giờ đồng hồ, viết cả chữ Hán lẫn pinyin, còn phối hợp với một số ký tự quái dị mà người khác không tài nào hiểu nổi.

“Con rùa nhà em tên là Tiểu Quy, nó có một cái đầu bốn cái chân…”

Bài văn nhật ký với phong cách kỳ quặc này, có lẽ chỉ mình Đào Ấu Tâm mới hiểu được.

Nhưng cô bé chẳng thèm quan tâm mình có viết hay hay không, viết xong cũng chẳng buồn đọc lại một lần, ôm đồ chơi của mình hối hả chạy ra ngoài: “Mẹ ơi, con làm bài tập xong rồi, con đi tìm anh Gia Thời chơi đây!”

Hứa Gia Thời cũng đang phiền não vì nhật ký.

Trong đời sống hằng ngày, có rất nhiều thứ đáng để quan sát. Chậu hoa trên ban công, cây xanh dưới lầu… Đối với cậu mà nói, mấy thứ này quá tầm thường, không có gì đặc biệt, thế nên cậu khó có thể lựa chọn được mục tiêu thích hợp với mình. Dù sao cũng phải quan sát suốt một học kỳ.

“Bẹp bẹp bẹp bẹp bẹp…”

Thính giác nhạy bén của Hứa Gia Thời loáng thoáng nghe thấy động tĩnh, tiếng bước chân độc nhất vô nhị, người khác muốn bắt chước cũng không bắt chước được, không còn ai khác ngoài người nọ.

Cửa phòng ngủ chỉ khép hờ, hai tay của Đào Ấu Tâm đang bận nên cô bé trực tiếp dùng khuỷu tay đẩy cửa. Bởi vì không kiểm soát được lực của mình nên cánh cửa đụng mạnh vào tường, phát ra một tiếng “rầm” rất to.

“Anh… Ui cha…” Đào Ấu Tâm vấp trúng tấm thảm trải sàn, ngã sấp mặt xuống sàn nhà, búp bê barbie mà cô bé ôm trên tay rơi xuống đất, thẻ ultraman cũng vương vãi khắp nơi.

Hứa Gia Thời bình tĩnh đếm: “49.”

Đào Ấu Tâm xoa mông, sau đó ngồi quỳ trên thảm trải sàn, nhặt từng tấm thẻ rơi vương vãi.

Hứa Gia Thời dời tầm mắt về phía sổ nhật ký, đặt bút xuống viết sáu chữ:

Nhật ký quan sát thanh mai.

Ngày 20 tháng 1, trời nắng.

“Cô Lý kêu tụi mình quan sát sự vật mà mình thích. Mình không thích thứ gì hết nhưng mình cảm thấy, Đào Ấu Tâm rất thú vị.”

Cô giáo nói, một tuần ghi chép ít nhất một lần. Song Hứa Gia Thời lại cảm thấy mỗi ngày, Đào Ấu Tâm đều sẽ có biểu hiện không nằm trong dự đoán.

Gần đến tết âm lịch, ba thành viên nhà họ Hứa định ra ngoài du lịch. Nghe tin này, Đào Ấu Tâm hâm mộ vô cùng.

“Em thích ra ngoài chơi lắm.”

“Anh Gia Thời, nơi mà gia đình anh sẽ đến chơi có phải đẹp lắm không?”

“Anh Gia Thời, em đi cùng anh được không ạ?”

Cô bé cũng có trí tuệ của chính mình, đề tài sẽ tiến dần từng bước một.

Hứa Gia Thời gấp quần áo của mình đặt lên giường, sau đó nói với cô bé: “Em phải hỏi ba mẹ em chứ.”

Kết quả tất nhiên là thất bại. Ngày tết cô bé phải đi theo ba mẹ về quê thăm ông bà nội.

Đào Ấu Tâm không chịu, bám lấy Hứa Gia Thời, nhìn cậu bé bằng ánh mắt như chú cún con: “Anh, anh dẫn em đi với.”

Hứa Gia Thời thở dài như ông cụ non: “Anh không dẫn em đi cùng được.”

“Được mà!” Cô bé chạy đến bên vali hành lý, mở nắp vali rồi nằm vào.

Chẳng qua cô bé không gầy đến mức có thể nằm gọn trong vali, mùa đông lại mặc áo bông rất dày, nằm vào vali trông như một quả cầu tròn xoe, chọc cho mọi người cười ầm lên.

Mẹ Hứa bế cô bé lên: “Bé ngoan, đừng đụng đầu vào thành vali.”

Ngày Hứa Gia Thời rời đi, Đào Ấu Tâm theo đuôi cậu bé tới tận cửa xe, dẩu môi lưu luyến không rời: “Anh ơi, em sẽ nhớ anh lắm, anh phải về sớm một chút nhé.”

Vẻ mặt Hứa Gia Thời xúc động: “Ừ.”

“Nhớ mang quà cho Tâm Tâm nha.”

“Ừ.”

“Nhớ mang thật nhiều đồ ăn ngon nha.”

“…”

Đây mới là mục đích thật sự của cô bé chứ gì?

Lúc vừa chia lìa, cả ngày Đào Ấu Tâm sẽ gọi điện thoại cho Hứa Gia Thời rất nhiều lần. Trên đường lữ hành cứ nghe thấy tiếng chuông bíp bíp phát ra từ chiếc đồng hồ thông minh dành cho nhi đồng của Hứa Gia Thời.

Chiếc đồng hồ thông minh của thiếu nhi là món quà mà ba mẹ tặng cho Hứa Gia Thời vào ngày sinh nhật bốn tuổi của cậu bé.

Lúc ấy Đào Ấu Tâm rất thích, hôm sau đòi mẹ dẫn cô bé đi mua một chiếc đồng hồ đeo tay cùng hãng. Về đến khu dân cư, cô bé hân hoan chạy đi tìm Hứa Gia Thời: “Anh ơi, quét mã của em!”

Chiếc đồng hồ ấy tựa như một món đồ chơi mới, Đào Ấu Tâm thích đến mức cứ nghịch mãi, lần lượt gọi điện cho mọi người. Cô bé ăn nói ngọt ngào nên bất kể ai được nghe những lời ngon tiếng ngọt của bé cũng cười vui vẻ, ngoại trừ Hứa Gia Thời.

“Anh Gia Thời, chào buổi sáng nhé.”

“Anh Gia Thời, chào buổi trưa nè, anh ăn cơm chưa? Bữa nay em ăn sủi cảo, thơm lắm nhé, ngon cực kỳ…”

“Anh Gia Thời, buổi chiều ra ngoài chơi đi, em có thẻ ultraman mới nhất nè!”

Đào Ấu Tâm thích búp bê barbie, đồng thời cũng thích ultraman. Có điều đối với những thứ đó, Hứa Gia Thời đều không mấy hứng thú. Cậu từ chối lời mời của Đào Ấu Tâm, Đào Ấu Tâm cúp điện thoại.

Hứa Gia Thời mở cuốn sách Ba trăm bài thơ Đường, nhớ lại cuộc gọi lúc nãy Đào Ấu Tâm cúp máy rất dứt khoát, có phải là giận mình không nhỉ…

Cậu mở đồng hồ nhi đồng của mình, lưỡng lự nhìn danh bạ điện thoại.

Ba phút sau, đồng hồ đeo tay của cậu lại vang lên tiếng chuông điện thoại, giọng trẻ em non nớt vừa quen thuộc vừa sung sướng vang lên từ loa điện thoại, kèm theo đó là gương mặt mũm mĩm đáng yêu trên màn hình cảm ứng: “Anh Gia Thời, em nhớ anh lắm, anh có nhớ em không?”

Hứa Gia Thời khép cuốn sách lại: “Mang theo búp bê barbie với thẻ của em, xuống lầu.”



Hồi ức dừng lại tại đây.

Hứa Gia Thời đi theo ba mẹ vào khu danh lam thắng cảnh.

Cuộc gọi video vẫn chưa kết thúc, Đào Ấu Tâm thấy cảnh vật chung quanh và cây cột bằng rơm cắm đầy kẹo hồ lô trong tay những người bán hàng rong. Cô bé không khỏi thốt lên: “Quào, anh Gia Thời, bên chỗ anh đẹp ghê, nhiều trò chơi vui ghê.”

Hứa Gia Thời: “Ừ.”

Đào Ấu Tâm: “Sau này anh cũng dẫn em đến đó một chuyến nhé.”

Hứa Gia Thời: “Ừ.”

Mẹ Hứa cúi đầu nhắc nhở cậu bé: “Con trai, đang đi đường thì tạm thời đừng gọi điện thoại video.”

Hứa Gia Thời nâng cánh tay lên cao một chút, nhìn vào đồng hồ nói: “Anh cúp máy đây.”

Ngày thứ ba của chuyến du lịch là giao thừa, Đào Ấu Tâm theo ba mẹ về quê, đồng hồ đeo tay của Hứa Gia Thời im lặng cả ngày.

Buổi tối, ba mẹ dẫn cậu bé đi xem pháo hoa, đốt pháo hoa cầm tay, sau đó cả gia đình chụp một bức ảnh chung trong khu du lịch.

Lúc sau, Hứa Gia Thời và ba mẹ bước vào một cửa hàng đặc sản, bên trong bán rất nhiều bánh ngọt xốp giòn với đủ các loại khẩu vị. Cậu nghe ba mẹ thảo luận nên gửi đặc sản nào cho ai, chợt nhớ tới lời dặn dò của Đào Ấu Tâm lúc mình sắp rời đi. Thế là cậu bắt đầu lựa chọn bánh ngọt trong cửa hàng, trông còn rất ra dáng người lớn.

Hứa Gia Thời chọn ba hộp bánh, vừa quay đầu lại thì thấy mẹ đang gọi điện thoại video với dì Phó: “Dao Dao, bà xem mấy loại khẩu vị này đi rồi chọn hai hộp, tôi mang về cho bà.”

Phó Dao Cầm không khách khí chỉ vào loại bánh vị nam việt quất, mẹ Hứa thuận miệng hỏi: “Tâm Tâm đâu rồi?”

“Đang ở ngoài chơi với bạn.” Phó Dao Cầm cười di chuyển ống kính ra bên ngoài: “Tâm Tâm, mau lại đây.”

Đào Ấu Tâm còn tưởng là có chuyện thú vị gì nên nhanh chóng chạy tới, thấy mẹ Hứa trong màn hình, cô bé chào hỏi một cách nhiệt tình.

Hứa Gia Thời bước đến bên cạnh mẹ mình.

“Con có thấy anh Gia…” Phó Dao Cầm đang định nhắc nhở cô bé rằng Hứa Gia Thời cũng vào ống kính rồi, bỗng có giọng nói của bé trai vang lên từ bên ngoài gọi Đào Ấu Tâm: “Đào Ấu Tâm mau lại đây, xe lửa sắp lăn bánh rồi nè.”

Đào Ấu Tâm quay đầu chạy ngay tức thì: “Anh Khang Khang chờ em với!”

Bóng lưng Đào Ấu Tâm chạy xa trong màn hình điện thoại của Phó Dao Cầm, sau đó thấy cô bé ngồi chơi cùng một bé trai trong sân. Chờ đến khi Phó Dao Cầm nhìn vào điện thoại thì bóng dáng Hứa Gia Thời đã biến mất.

Trong lúc hai bà mẹ đang trò chuyện, Hứa Gia Thời ôm ba hộp bánh có ba loại khẩu vị khác nhau đặt về vị trí cũ.

Cậu bé quay đầu, thấy ba mình đang khoanh tay đứng bên cạnh mẹ, im lặng nhìn hành động của mình, khóe môi nhếch lên, vẻ mặt như thể đã hiểu rõ mọi chuyện.

Hứa Gia Thời nhìn sang chỗ khác, không đối diện với ba mình.

Sau này mẹ Hứa cố ý hỏi cậu bé: “Con có muốn tự tay chọn một món quà cho Tâm Tâm không?”

Hứa Gia Thời đội mũ gắn liền với áo lông, hai tay nhét vào túi áo: “Không cần đâu.”

Tiếng trêu chọc của ba mẹ thấp thoáng vang lên bên tai.

“Tính nết của con trai đúng là giống hệt anh hồi xưa.”

“Ừ, giống anh.”
Bình Luận (0)
Comment