Nhất Phẩm Giang Sơn

Chương 248.2 - Chương 248.249

Nhưng ngược lại, điều này càng làm gia tăng mị lực của y, các nhóm sĩ phu lấy việc không thể kết giao với Vương An Thạch là sự đáng tiếc lớn nhất… Những người thông thường cũng cho rằng nếu đã là cao nhân thì đương nhiên không thể lấy tiêu chuẩn của người thường để yêu cầu y làm theo.

Thế nhưng, Âu Dương Phát cũng không hiểu, bỏ chút công sức để tự chải đầu, thay y phục thì sẽ làm trễ nải việc làm thánh hiền sao? Nhưng y làm sao dám bất kính với vị Vương đại nhân hiền danh này, nhanh chóng mời Vương An Thạch vào trong.

- Giới Phủ!
Vương An Thạch vừa vào thì Âu Dương Tu đã trông thấy y, vui vẻ đứng lên nghênh đón, nói:
- Ta biết ngài nhất định sẽ đến!
Nói xong, lớn tiếng giới thiệu với mọi người:
- Đây chính là Vương An Thạch đại danh đỉnh đỉnh!
Rồi hiện lên vẻ mặt đắc ý.

Vẻ mặt của khách khứa đầy ngưỡng mộ, cảm thán nói:
- Cũng là mặt mũi của Âu Dương công…
Thì ra từ khi Vương An Thạch nổi danh, đã không thích tụ tập với mọi người, không tham gia tiệc tùng, ngay cả yến tiệc công vụ cũng đưa đẩy từ chối, huống hồ là loại tiệc tư thế này. Kết quả là Vương An Thạch đến kinh thành hơn nửa năm, trừ những lúc qua lại xử lí công vụ với y, đa số mọi người đều chỉ nghe danh chứ không thấy được người.

- Không phải là mặt mũi của lão phu.
Âu Dương Tu cười, vuốt chòm râu nói:
- Giới Phủ và Tử Cố là bạn tốt đồng hương, không thể không để cho nó mặt mũi.
Mọi người liền theo đó mà nhiệt tình hỏi thăm Vương An Thạch.

Mai Nghiêu Thần không chê Vương An Thạch có mùi, cứ kéo cánh tay y, lắp bắp nói với Âu Dương Tu:
- Túy ông, có lớp anh tài như Giới... Giới Phủ, chúng ... chúng ta có thể nhắm mắt xuôi tay rồi…
Ông ta nói chuyện hơi bị líu lưỡi, thì ra là uống say rồi.

Sao vẫn chưa khai tiệc mà lão tiên sinh này đã say rồi? Bởi vì ông ấy nhìn thấy mấy vò rượu mà Trần Khác mang đến, nhớ đến lời Âu Dương Phát, quả thật hiếu kì đến mức không thể nhịn được, bèn kêu hắn khui một vò ra nếm thử. Với quan hệ của Mai Nghiêu Thần và Âu Dương Tu, đương nhiên hoàn toàn có thể coi Trần Khác là tiểu bối mà sai khiến.

- Không phải là tiếc không cho thúc uống.
Trần Khác cười nói:
- Mà do rượu này quá mạnh, bụng trống không thể uống được.

- Ngươi coi thường thúc thúc rồi.
Mai Nghiêu Thần lặng lẽ cười nói:
- Năm đó, ta có thể so rượu được với tửu quốc tể tướng – Thạch Mạn Khanh. Từ trước đến giờ ta đều uống rượu thay nước, ngươi đã nghe ai nói bụng rỗng không thể uống nước chưa.
Lời nói khôi hài của ông ta làm cho mọi người cười rộ lên.

Không nói được ông ta, Trần Khác đành bảo người mang chung trà đến, lấy một vò rượu, bỏ đi lớp đậy bên trên, tức thì, cả phòng đều nồng nặc mùi rượu.

Mọi người đều hiếu kì lại gần xem Trần Khác rót đầy chung rượu. Chỉ thấy rượu đó không màu, trong vắt như nước, hoàn toàn không giống với thứ rượu uống thường ngày.

- Nhìn giống như nước, nhưng mùi rượu thật là nồng.
Mọi người vừa bình luận, vừa đốc thúc Mai Nghiêu Thần nếm thử.

Mai Nghiêu Thần mê rượu, sớm đã thấy cái mình yêu thích mà thèm, bưng lên ngửi một cái, sau đó mang theo vẻ mặt say mê nói:
- Mùi vị thật nồng.
Rồi ngửa cổ uống một hơi cạn sạch. Đây là thói quen uống rượu của ma men thời Tống, chỉ cần nghĩ đến đời sau uống bia thế nào thì biết.

Trần Khác chưa kịp ngăn lại.

Huynh đệ Trần gia, Tăng gia, Tô gia phùng mang trợn mắt nhìn chằm chằm. Chỉ thấy sắc mặt của Mai Nghiêu Thần lập tức trắng, rồi chuyển sang đỏ. Ông ta siết cổ họng thật chặt, cổ trương lên đến mức ngã nhào về phía sau…..

Ngay lúc mọi người cảm thấy nên gọi đại phu đến cổ của Mai Nghiêu Thần dần dần hồi phục như cũ, hai tay ôm lấy bụng, ợ một hơi dài đầy mùi rượu.

- Rượu này thế nào?
Mọi người vội hỏi.

Mai Nghiêu Thần nhìn bọn họ, rồi lại nhìn sang vò rượu. Đột nhiên khóc rống lên, nói:
- Mạn Khanh, Mạn Khanh, ngươi chết sớm quá!
Nếu như ai không rõ chuyện, nhất định bị dọa cho phát sợ. Mọi người đều tự nhủ trong lòng, rượu này có thể làm cho người ta hóa điên, mất hết tâm trí hay sao?

Nhưng mọi người đều biết, đây là sự đánh giá cao nhất đối với rượu này.

Mạn Khanh chính là Thạch Mạn Khanh mà Mai Nghiêu Thần vừa nãy nói, tên gọi là Thạch Diên Niên, là bằng hữu tốt nhất của Mai Nghiêu Thần và Âu Dương Tu. Người này cử chỉ quang minh lỗi lạc, tài hoa vô cùng, là đại sĩ phu thuộc học thuyết Ngụy Tấn của Đại Tống triều. Lúc ông ta còn sống, người ta xưng ông ta cùng với Âu Dương Tu và Đỗ Mặc là tam hào… Âu Dương Tu là văn hào, Đỗ Mặc là ca hào, ông ta là tửu hào.

‘Tửu hào’ thì đương nhiên tửu lượng phải hơn người. Ông ta đã từng cùng với một người bằng hữu gọi là Lưu Tiềm, đến Vương Thị tửu lầu ở Biện Kinh, không nói câu nào, ngồi xuống bóc một vò rượu uống hết, lại mở tiếp một vò, uống nguyên cả ngày. Uống hết rượu của tửu lầu đó rồi thì trời đã tối, hai người chắp tay bái biệt, cũng không cần người đỡ, giống như người không có việc gì vậy… Còn sau khi về đến nhà thế nào thì cũng không thể nào biết được.

Câu chuyện này chẳng những cho thấy tửu lượng của Thạch Mạn Khanh rất lớn, còn nói rõ được vấn đề, rượu của thời đại này quả thật quá tệ. Đây là bởi vì vẫn chưa áp dụng được kĩ thuật chưng cất rượu. Dùng lương thực để ủ ra rượu thì tạp chất quá nhiều, hàm lượng tinh chất rượu quá thấp.

Cho nên, ở thời đại này, trước khi uống rượu phải dùng cái rây có lót vải bố lọc qua mới uống được. Bước đó gọi là si (cái rây) tửu. Vì vậy Võ Tòng mới có thể uống liền mười tám chén…

Trần Khác đương nhiên biết, loại rượu có nồng độ thấp sau khi trải qua chưng cất có thể trở thành rượu có nồng độ cao. Nhưng trước giờ hắn chưa từng nhắc đến… Bởi vì thị trường đất Thục có hạn, phát minh ra rượu trắng thì sẽ chiếm mất thị phần của Hoàng Kiều tửu, phí sức như thế để làm gì?

Lúc hắn đang trị thương cho Liễu Nguyệt Nga, mới ý thức được rượu trắng không chỉ là rượu, mà cồn còn có thể cứu mạng, vì vậy hắn mới quyết tâm đưa ra chủ ý này. Nhưng hắn không có kinh nghiệm, chỉ là trong lúc đọc sách về y học ở kiếp trước, nhớ lại “bản thảo cương mục” có nói ‘Cất rượu không phải là việc đã có từ xưa mà chỉ mới có từ đời Nguyên. Phương pháp chưng cất là nấu hỗn hợp rượu cho hơi bốc lên rồi làm lạnh để ngưng đọng thành thể lỏng’, hắn bèn dựa vào cách này để tìm tòi một thời gian.

Sau đó Lý Giản đến đây, Trần Khác giao lại nhiệm vụ này lại cho ông ta. Đã qua khảo nghiệm suốt mùa đông, cũng xem như đã làm ra được công cụ chưng cất rượu hoàn chỉnh. Lô rượu này cố tình chưng cất nhiều lần, đã tương tự với ‘nhị oa đầu’ (một loại rượu trắng mà người Bắc Kinh yêu thích) rồi.

Mai Nghiêu Thần quen uống thứ rượu có nồng độ thấp, dùng cách uống hoàng tửu để uống nhị oa đầu, cổ họng không bị cay đến sặc sụa mới lạ.


Mai Nghiêu Thần khóc cho Thạch Mạn Khanh bởi vì điều mà Thạch Mạn Khanh hận nhất trong đời là uống thứ rượu lạt tếch, để có thể thêm tăng thêm lạc thú của việc uống rượu, ông ta sáng tạo ra vô số cách chơi rượu kì lạ. Ví dụ như làm cho đầu tóc của mình và khách rối tung, dùng gông xiềng xích tay chân lại, vừa hát vừa uống, gọi là ‘tù ẩm’; hoặc là cùng khách leo lên cây uống, gọi là ‘Sào ẩm’; hay là dùng rơm bện thành sợi dây cỏ, hai bên trói nhau lại, bò trên mặt đất giống con rùa đen, lúc muốn uống rượu chỉ việc đưa đầu ra, uống xong thu đầu lại, đây gọi là ‘miết ẩm’.

Vị tửu tiên như vậy, cuối cùng quả nhiên là chết vì rượu. Nhưng không phải say chết, mà là thèm chết. Khi đó, hoàng thượng yêu thích tài năng của ông ta, khuyên nên kiêng rượu, Thạch Mạn Khanh vừa nghe, cảm động vô cùng, thề độc sẽ không bao giờ uống rượu nữa. Kết quả vì tích tụ thèm khát sinh bệnh tật mà chết.

Trước khi lâm chung, người nhà đổ rượu cho ông ta, để vị tửu hào uống xong có thể nhắm mắt lên đường, nhưng ông ta lại lắc đầu không uống.

Người nhà khó hiểu, cuối cùng chỉ có Mai Nghiêu Thần mới hiểu được người tửu quốc chiến hữu của mình, nói :
- Sở dĩ ông ta uống nhiều như thế, quả thật là vì rượu quá nhạt, cần phải thêm chút mùi vị vào. Bây giờ không dễ dàng gì cai được rượu rồi, sẽ không uống lại loại rượu làm cho người ta không thể thỏa mãn này.

Nếu như sớm có loại rượu trắng này trên đời, có lẽ Thạch Mạn Khanh sẽ không qua đời mà mang theo tiếc nuối như thế….

Nhớ đến tên lão bằng hữu, Mai Nghiêu Thần uống một ly rồi lại một ly thưởng thức loại rượu trắng mà mùi hương vẫn còn lưu lại trên ly, có mùi đậm đặc, vị say nồng, dư vị khó tan.

Lúc trông thấy Vương An Thạch, đầu lưỡi ông ta đã líu lại….


Mấy người thanh niên huynh đệ Trần Khác, Tống Đoan Bình và nhị Tô ngồi cùng một bàn. Tiệc rượu vẫn chưa bắt đầu, mọi người đều thoải mái trò chuyện. Hắn nhìn đám khách khứa đang trò chuyện, nói cười trong đại sảnh, lại cảm động đến muốn khóc… Âu Dương Tu, Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt! Lục gia trong Tống Đường bát đại gia đều tề tựu trong căn phòng này. Đội hình xa hoa thế này, sợ rằng trong thời đại này cũng không xuất hiện được mấy lần.

Sao không có máy chụp hình, sao không có máy quay phim chứ!

- Tử Chiêm, ngươi là Đan Thanh Thánh Thủ (một họa gia tài giỏi), nhất định phải vẽ lại bức tranh ngày hôm nay.
Có khi để Tô Đông Pha vẽ lại kỉ niệm dường như lại có ý nghĩa hơn chụp ảnh nhiều?

- Không được đâu…
Tô Thức lần đầu tiên bái kiến minh chủ văn đàn, tay chân còn lóng ngóng, sao dám lỗ mãng chứ?

- Sao lại không được, là việc trọng đại trong thế gian như thế này, không đồ bút để lại kỉ niệm mới là có tội.
Trần Khác đột nhiên nghĩ đến “Tây Viên Nhã Tập Đồ” của Lý Công Lân vẽ, Mễ Phất đề thơ. Ngàn năm sau đã trở thành quốc bảo của Nhật Bản trị giá một tỷ đô la mỹ. Lượng tiền trị giá của khách đến hiện tại có thể còn cao hơn mấy lần so với Tây Viện!

Tô môn lục học sĩ, có thể so với Tống lục gia sao? Lý Công Lân có thể so với Tô Đông Pha sao? Bức họa này đến lúc đó giá trị ít nhất cũng phải hai tỉ đô la mĩ không chừng! Bản thân mình không cần để lại gì cho đám con cháu cả, chỉ cần để lại bức tranh này là được rồi!

Trần Khác đang chìm đắm trong ý đồ đen tối vô hạn, máu huyết dâng trào, lập tức gọi đứa con trai bảy tuổi của Âu Dương Tu nói:
- Hòa thượng, nhanh mang giấy bút vẽ tranh đến đây.

Âu Dương Biện nhất nhất nghe theo lời Trần Khác, lập tức vung đôi chân nhỏ chạy đến thư phòng, một lát sau mang toàn bộ dụng cụ vẽ tranh của anh nó đến.

- Thật muốn vẽ sao?
Bị Trần Khác áp bức, Tô Thức cũng không còn cách nào, chỉ đành ngẩng đầu quan sát trong sân, trong đầu bắt đầu phác họa.

Không cần phải nói, là minh chủ văn đàn, chủ nhân của nơi này, Âu Dương Tu đương nhiên là trung tâm của bức tranh. Nhưng Âu Dương học sĩ đi đâu rồi chứ?

Quét mắt nhìn qua một vòng, y mới phát hiện, hóa ra Âu Dương Tu đang đứng trong viện, nâng chén nhìn ra bầu trời mặc niệm. Sau đó vẩy rượu ra mặt đất. Làm ba lần như thế mới giao ly rượu lại cho trưởng tử Âu Dương Phát, rồi xoay người đi vào trong sảnh.


Trong chính đường của Âu phủ, hương khói lượn lờ, giăng đèn kết hoa, bàn vuông bày biện khắp nơi. Quan khách được phân chia theo tuổi tác, lai lịch mà sắp xếp chỗ ngồi, chăm chú theo dõi Âu Dương Tu đi từ ngoài vào, chúc ông ta những lời chúc tốt đẹp nhất.

Sau khi ông ta đã an vị tại chỗ ngồi của chủ buổi tiệc, chúng quan khách mới hỏi ông ta:
- Túy ông vừa nãy đang tế trời sao?

Âu Dương Tu gật đầu, cười nói:
- Ta cầu trời phù hộ Đại Tống ta năm nay vận xấu qua đi, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa!

- Lời này thật đúng!
Mọi người đều gật đầu. Năm ngoái Đại Tống quả thật gặp nhiều khó khăn, cũng có cả thiên tai. Thiên tai là chỉ những cơn mưa lớn trên cả nước, bá tánh gặp phải thiên tai nghiêm trọng là công trình sông Lục Tháp. Nếu ban đầu nghe theo lời khuyên của Âu Dương Tu, hoặc đám cẩu quan đó không tự tiện hành sự, có lẽ sẽ không tạo nên nạn kiếp lớn như vậy, cũng sẽ không có nhiều bá tánh trở thành oan hồn.

Qua một năm, bởi vì phạm vi cứu trợ trên toàn quốc của Đại Tống mà quốc khố thâm thụt. Nếu năm nay lại không thể an sinh, sợ rằng sẽ xảy ra đại loạn.

- Nghe nói bắt đầu từ hôm qua đến tết nguyên tiêu, hoàng thượng đều ở trong cung trai đàn cầu nguyện…
Mọi người xôn xao nghị luận:
- Phải, xin ông trời phù hộ, Đại Tống không thể chịu nổi một phen lao đao liên tục như thế nữa.

- Được rồi, các vị, ổn định lại tâm trạng thôi.
Âu Dương Tu nâng ly, rót đầy rượu rồi cất cao giọng nói:
- Đừng để lão tặc vô sỉ ta đây ảnh hưởng đến cuộc vui, chúng ta bắt đầu thôi!

Mọi người rộn ràng nâng ly, chúc xuân vui vẻ. Uống xong, Thái Tương ngồi cùng bàn với Âu Dương Tu nói:
- Túy ông, già thì già, nhưng không phải là tặc, cũng không vô sỉ.
Thái Tương là người giỏi thư pháp, thơ văn, yêu thích trà đạo, là một người trong Tô, Hoàng, Mễ, Thái, là bạn chi giao với Âu Dương Tu.

- Sao không phải là tặc? Già mà không chết chính là tặc.
Âu Dương Tu lắc đầu cười nói:
- Lão phu đã năm mươi tuổi mà vẫn chưa chết, không phải là tặc thì là gì?
Mọi người đều cười, lại nghe ông ta nói tiếp:
- Đêm qua, ta nằm mơ thấy mình bạc trắng cả đầu, rụng hết cả răng. Khi tỉnh lại, quả nhiên thiếu mất mấy cái răng, đây không phải là vô sỉ sao? (vô sỉ ở đây trong tiếng hán đồng âm với không có răng)

Mọi người cười phá lên, Âu Dương Tu cũng lớn tiếng cười theo. Chỉ có điều trong tiếng cười này của ông dường như còn mang theo một nỗi đau khôn xiết… ‘Phùng Đường dịch lão, Lý Quảng nan phong, tráng chí vị thù, thân tiên bạch đầu’.
(Phùng Đường là người Tây Hán, không được trọng dụng Đến khi Hán Võ đế cầu hiền, có người đề cử ông ta. Nhưng lúc đó, ông ta đã hơn chín mươi nên không thể ra làm quan; Lý Quảng là một danh tướng của Hán Võ đế, nhiều năm chống Hung nô, lập nhiều công lớn, thế nhưng đến cuối đời vẫn không được phong hầu)
Chí lớn chưa thành, mà tóc đã bạc trắng, đây là nỗi bi ai lớn nhất của đại trượng phu.

Lúc này, ca kĩ trên sảnh đang biểu diễn, hát bài “Tô già mạc, lộ đê bình” của Mai Nghêu Thần.
‘Yên thự yểu. Loạn thảo thê thê, vũ hậu giang thiên hiểu...’
Đây là danh khúc kinh điển nhất của ông, mọi người cùng hòa nhịp theo ca kĩ mà hát lên.
‘Độc hữu dữu lang niên tối thiếu. Tốt địa xuân bào, nộn sắc nghi tương chiếu...’

Lúc hát đến đoạn ‘Kham oán vương tôn, bất ký quy kỳ tảo. Lạc tận lê hoa xuân hựu liễu’, mọi người đều say đắm trong điệu nhạc du dương. Nhưng đến đoạn cuối ‘Mãn địa tàn dương, thúy sắc hòa yên lão...’, những quan khách lớn tuổi đều thổn thức:
- Thì ra Thánh Du cũng già rồi…..
(Bài thơ trên miêu tả cảnh sắc sau cơn mưa, trời lại sáng, cỏ cây hoa lá tươi mơn mởn. Ở đây, Mai Nghiêu Thần dùng thủ pháp nhân hóa để miêu tả cái đặc sắc của mùa xuân nhằm ám chỉ sự nảy nở, phát triển tài năng của thiếu niên anh tài)

- Ta không sợ già, có ai mà không già chứ? Ta sợ là sau này văn đàn không có người kế tục.
Mai Nghiêu Thần cười mỉm lắc đầu nói:
- Cũng may trời không không đối xử tệ với Đại Tống. Giang sơn mỗi đời đều có nhân tài xuất hiện, có thể thay thế mấy lão già chúng ta, giữ vững đạo đức, văn chương của thiên hạ.
Nói xong ông nâng ly rượu, hướng về phía đám vãn bối nói:
- Đâu chỉ như vậy, gánh nặng giúp vua vượt qua Nghiêu, Thuấn (Nghiêu, Thuấn là hai vị vua anh minh trong huyền sử Trung Hoa cổ), miễn giảm cơ hàn cho bá tánh, cũng giao lại trên người các ngươi!

- Lời này sai rồi.
Âu Dương Tu lại lắc đầu nói:
- Nếu để thanh niên thay thế quá sớm, chính là dục tốc bất đạt, sẽ xuất hiện lại bi kịch Tân Chính năm Khánh Lịch. Mấy lão già chúng ta vẫn chưa thể buông tay được, phải cố cho đến khi bọn nó trưởng thành, thật sự có thể gánh vác được giang sơn Đại Tống thì mới có thể xuôi tay.

- Lão ký phục lịch, chí tại thiên lý, liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ.
(Ngựa chiến nằm co, chí còn rong ruổi. Anh hùng luống tuổi, hhẳng khái vẫn kia.)
Mai Nghiêu Thần cười nói:
- Chỉ cần già nhưng đừng hồ đồ là được rồi.
Lại làm cho mọi người cười vang.

Ca kĩ lại hát lên bài “thiếu niên du” của Âu Dương Tu. Không khí buổi tiệc lại trở nên hoạt bát. Âu Dương Tu nhấp một ngụm rượu trong ly, nhắm mắt hưởng thụ một chút, nói:
- Rượu này thật mạnh. Từ cổ họng đến lồng ngực đều giống như có lửa đốt cháy, cả người nóng rực, cứ muốn bốc ra ngoài!
Gật đầu tán thành, nói:
- Đây mới là thứ rượu đàn ông uống.

- Chỉ có điều từ nay về sau, không thể uống theo cách điên cuồng được nữa rồi.
Mai Nghiêu Thần cười khổ nói.
- Nếu không nhất định sẽ bị say chết không chừng.

- Rượu này giá cả cũng cao hơn so với hoàng tửu.
Thái Kinh cười nói:
- Sợ là ngươi cũng không thể uống thả cửa nổi.

- Đúng rồi, cứ nói rượu này rượu này.
Âu Dương Tu cười hỏi:
- Chẳng lẽ nó không có tên sao?

Mọi người liền nhìn về phía Trần Khác ngồi trong góc. Trần Khác đứng lên trả lời:
- Lão sư, vẫn còn chưa đặt tên, cúi xin lão sư và các vị tiền bối đặt cho nó một cái tên.
Mọi người nghe thế, đều trở nên chộn rộn.

Ở thời đại thuộc về sĩ phu, bọn họ là những người nắm giữ thu nhập nhiều nhất, không phải lo lắng bị mất đầu, tịch thu gia sản, chỉ cần tùy ý hưởng thụ cuộc sống. Bọn họ là những kẻ được uống thứ rượu tốt nhất, được ôm đàn bà đẹp nhất, viết những bài thơ hoa lệ nhất, theo đuổi cuộc sống hoàn mĩ nhất, và cũng là những kẻ liều mạng theo đuổi sự nhã nhặn, quý phái nhất….

Hơn nửa, nếu thật sự là loại rượu ngon, tên lại do bọn họ đặt ra, thậm chí có thể lưu danh thiên cổ.

- Nguyên xuân phẩm rượu mới, thật là một mở đầu tốt!
Cũng không biết do đã quá chén, hay là do hưng phấn quá độ. Âu Dương Tu đỏ bừng mặt nói:
- Hảo ý của Trọng Phương, chúng ta không thể cô phụ. Các vị, ta đề nghị, mỗi người rót đầy một ly, lấy rượu này làm đề, mỗi người làm một bài phú, thế nào?

Mai Nghiêu Thần tán thành đầu tiên, mọi người cũng nhiệt liệt hưởng ứng nhã ý này, liền gọi người mang rượu nóng đến để nhuận bút.


Âu Dương Tu hiện tại là Hàn Lâm Học Sĩ Đãi Chiếu, Tri Thái Thường Tự, kiêm Lễ Nghi Sự, cộng thêm Khinh Xa Đô Úy. Khinh Xa Đô Úy có mười hai cấp, huân hiệu của ông ta thuộc cấp thứ năm, đứng hàng tứ phẩm. Lại vừa tiến phong chức Nhạc An Huyện Khai Quốc Hầu, cấp bậc tước vị đứng hàng thứ chín, được cấp một ngàn hộ lương thực kèm theo, cộng thêm năm trăm hộ lương thực, tổng cộng là một ngàn ba trăm hộ lương thực. Chức quan liên tục thăng cấp, huân hiệu không ngừng tấn thăng, đã đứng vào hàng ngũ công hầu quý tộc.

Thu nhập của ông ta cũng theo đó mà tăng vọt. Trong vòng một năm đổ lại, các khoản thu vào đạt đến hơn sáu trăm vạn quan, điều kiện gia cảnh đương nhiên đổi mới rất nhiều. Các loại giấy Tuyên Thành thượng đẳng đủ mọi kích cỡ trong sảnh đều luôn được chuẩn bị đầy đủ. Bảy tám tiểu tỳ vừa mới thuê trong phủ lập tức rút từng trang giấy Tuyên Thành cuộn ngay ngắn trong tủ ở bên tường, đưa lên trên bàn mỗi vị khách.

Thỏi mực trong nghiên mực cũng dùng bông thượng đẳng để ngâm. Lúc này, thỏi mực đang được hơ nóng bên lư hương, cũng đã tan chảy ra. Trong sảnh thoáng yên tĩnh lại, mọi người trải giấy, cầm bút, vẫn đang ngưng thần suy nghĩ, Tô Thức đã phóng bút như bay, một hơi viết ra bài “Tân tửu phú”.

Âu Dương Tu nhẹ nhàng đi qua, cầm bài văn của Tô Thức lên xem một lượt, liên tục gật đầu, lại lớn tiếng đọc lên:
- Thị tửu thủ thông minh vu bàn thác, xuất phương trạch vu phanh ngao.
Dữ thử mạch nhi giai thục, phí thung thanh chi tào tào.
Vị cam liệt nhi minh triệt, thán u tư chi độc cao.
Tri cam toan chi dịch phôi, tiếu lương châu chi bồ đào.
Tự ngọc trì chi sinh phì, phi nội phủ chi chưng cao.
Chước dĩ anh đằng chi văn tôn, tiến dĩ thạch giải chi sương ngao.(1)

Đọc một hồi, lão tiên sinh gật gù đắc ý, cũng đã say đắm:
- Tằng nhật ẩm chi kỷ hà, giác thiên hình chi khả đào.
Đầu trụ trượng nhi khởi hành, bãi nhi đồng chi ức tao.
Vọng tây sơn chi chỉ xích, dục khiên thường dĩ du ngao.
Khóa siêu phong chi bôn lộc, tiếp quải bích chi phi nhu.
Toại tòng thử nhi nhập hải, miểu phiên thiên chi vân đào.
Sử phu kê, nguyễn chi luân, dữ bát tiên chi quần hào
Hoặc kỵ lân nhi ế phong, tranh khạp khiết nhi biều thao.
Điên đảo bạch luân cân,lâm li cung cẩm bào! (2)

(1), (2) thuộc bài “Trung sơn tùng liêu phú” của nhà thơ Tô Thức. Với nội dung chính là thông qua cảnh vật mà diễn đạt cảm giác khoái hoạt, mong muốn tự do tự tại của mình.


Không chỉ là ông ta, mọi người cùng lên tiếng tán thưởng, rối rít vứt bút đi, nói:
- Không cần viết nữa, một áng văn như châu ngọc trước mắt, làm cho những người khác mang sẵn nhiều lời nói trong lòng cũng không thể nói ra lời được nữa!

Mai Nghiêu Thần cười ha ha nói:
- Trời sinh Tô Tử Chiêm, ta chỉ là một kẻ phàm nhân, đành phải nhượng bộ tránh đi thôi!

Nghe thấy lời này, tâm tình phụ tử Tô gia không khỏi kích động… Mặc kệ kết quả khoa cử đợt này thế nào, Tô Thức đã được Mai - Âu khen ngợi như thế, chắc chắn sẽ dương danh thiên hạ rồi!

- Vậy thì chưa chắc.
Hàn Duy là người hâm mộ của Vương An Thạch, nghe thấy thế lắc đầu cười lớn:
- Tài năng của Vương Giới Phủ không thua người trời đấy.

- Ồ, đúng rồi.
Âu Dương Tu vui vẻ cười lớn nói:
- Vẫn còn tuyệt tác của Giới Phủ có thể đánh giá. Ta hôm nay thật may mắn?
Nói xong, đi đến bên Vương An Thạch nói:
- Giới Phủ, đưa tuyệt tác của ngươi đây để lão phu đọc cho mọi người nghe.

Vương An Thạch vẫn đang mê man, bị giọng nói lớn của Âu Dương Tu gọi mới ngẩng đầu lên, mơ màng nhìn ông ta.

- Âu Dương công muốn đọc bài phú của ngươi.
Tô Tuân ngồi bên y có lòng tốt nhắc nhở.

- À.
Vương An Thạch gật đầu, lại lắc đầu nói:
- Vẫn chưa nhấc bút.

- Không phải chứ.
Âu Dương Tu không tin nói:
- Giới Phủ là kì tài trạng nguyên, làm một bài phú dễ như uống nước!

- Chẳng lẽ nghe xong bài phú của Tử Chiêm, thì không muốn cùng y tranh hùng?
Mai Nghiêu Thần nói đùa một câu, nhưng lại lỡ lời, lời này vừa nói ra, làm cho người nghe không mấy dễ chịu… Nhưng nhìn thấy trên mặt Tô Tuân vẫn mang theo vẻ kiêu ngạo nhàn nhạt thì biết, những người không dễ chịu không bao gồm phụ tử Tô gia.

- Ta chưa từng uống qua loại rượu này.
Vẻ mặt Vương An Thạch yên tĩnh như mặt giếng nói:
- Cho nên không biết nên tán thưởng nó thế nào.

- Thì ra là vậy.
Âu Dương Tu lúc này mới nhìn thấy, thì ra ly rượu trước mặt y vẫn đầy, không khỏi quan tâm hỏi:
- Giới Phủ, mọi người đều uống rồi, tại sao chỉ có mình ngươi không uống giọt nào?

- Xin Âu Dương công lượng thứ.
Vương An Thạch lúc này mới để ý đến Âu Dương Tu đã đứng bên cạnh rồi, vội đứng lên hành lễ, vẫn mang vẻ mặt bình tĩnh nói:
- Tại hạ trước giờ không uống rượu mạnh.

- Thì ra là thế…
Âu Dương Tu gật đầu, đột nhiên ha ha cười lớn, nói:
- Hôm nay thay đổi quy củ một chút.
Nói xong liền đích thân bưng ly rượu lên, muốn Vương An Thạch nhất định phải uống.

- Tại hạ không thể.
Dưới ánh mắt của mọi người, Vương An Thạch kiên quyết lắc đầu nói:
- Hôm nay, không uống.
Nói xong, y đưa tay tiếp lấy ly rượu rồi để lại lên mặt bàn.

Cũng không đưa ra lí do gì mà nói không uống liền không uống.

Ánh mắt của mọi người trong chốc lát trở nên không vui, cảm thấy người này thật sự không nể mặt chút nào.

Tô Tuân không chịu nổi nữa, khẽ kéo vạt áo của Vương An Thạch, nhỏ tiếng nói:
- Cho túy ông chút mặt mũi.

Vương An Thạch vẫn không nhúc nhích, không để ý đến ông ta, làm cho lão Tô cảm thấy không vui.

Âu Dương Tu cũng vô cùng lúng túng, cũng may là tính tình ông ta rộng rãi, tự mình cười xòa nói:
- Được rồi, đàn ông nên cứng rắn như thế, nhớ khi ta còn thuở niên thiếu, cũng có tính cách như vậy. Cho dù có kề dao lên cổ ngươi, ngươi cũng không thay đổi.

Mọi người lập tức cùng nhau khen ngợi, bỏ qua sự lúng túng trước đó.

Âu Dương Tu là người thực sự rộng lượng chứ không hề giả vờ. Ông chẳng những không vì chuyện đó mà lạnh nhạt với Vương An Thạch, ngược lại còn ngồi cạnh Vương An Thạch và Tô Tuân, dặn dò ca kỹ:
- Xướng một vài điệu khúc vui vẻ đi.
Rồi ông lại nói với mọi người:
- Tất cả cứ thoải mái no say!

Âu Dương Tu khi còn trẻ là một người phong lưu, ông không chỉ là một tay làm bài từ hay, ngay cả năng lực bình phẩm cùng thưởng thức ca kỹ cũng đứng nhất nhì. Vì vậy những gia kỹ mà ông dạy bảo thường ở độ tuổi mười hai, mười ba, ai cũng có giọng thanh và dáng vẻ ôn nhu động lòng người. Cái gọi là “Lolita (*) người người yêu, đại thúc trong lòng thích”, có những cô bé oanh ca yến vũ như thế hỏi sao bầu không khí không náo nhiệt cho được?

(*) Lolita: là một tiểu thuyết của Vladimir Vladimirovich Nabokov, nhân vật chính của tiểu thuyết tên Humbert Humbert, một người lớn tuổi có sự ám ảnh về tình dục với một cô gái mười hai tuổi tên Dolores Haze. "Lolita" đi vào văn hoá phổ thông như là một từ để mô tả cô gái trẻ phát triển sớm về giới tính.

Trong tiếng nhạc hoan hỉ, Âu Dương Tu khoác một tay lên vai Vương An Thạch, tay kia kéo Tô Tuân lại gần nói:
- Giới Vũ, ta giới thiệu cho ngươi một vị đại tài. Đây là Tô Minh Doãn (tên tự của Tô Tuân) đến từ đất Thục, các tác phẩm “Quyền thư”, “Luận hành”,… của y đều có ngôn biện hùng hồn, tinh thông kim cổ, tài hoa có thể sánh với Tô Tần thời xưa.
Đoạn ông cười ha hả:
- Thực ra cần gì ta khen? Minh Doãn lão đệ của hôm nay đã nổi danh khắp thành, Giới Phủ, chắc ngươi đã xem qua văn chương của y rồi phải không?

- Xem rồi.
Vương An Thạch gật đầu nói. Âu Dương Tu và Tô Tuân liền quay sang nhìn, chờ đợi Giới Phủ bình phẩm vài câu, nào ngờ vị lão huynh này không hề có ý nói tiếp.

Thấy hai người kia nhìn mình, Vương An Thạch không nỡ khiến Âu Dương công xấu hổ, lúc này ông mới “tiếc chữ như vàng” nói:
- Hành văn đậm ý cổ…

- Sau đó thì sao?
Môi dưới Âu Dương Tu trề ra, lúc này cằm đã muốn cắm xuống đất. Những người như Văn Ngạn Bác, Phú Bật, Hàn Kỳ đối với tài năng chính trị của Tô Tuân chỉ cười trừ. Ông rất yêu quý tài năng của Lão Tuyền, cực kỳ hy vọng có nhiều người nhìn nhận Tô Tuân.

Vương An Thạch lắc đầu, không có sau đó nữa…

Khuôn mặt cứng nhắc của Tô Tuân hiện tại hết sức khó coi, ông đang cố nén cơn giận, không kiềm chế phất tay áo bỏ đi.

- Khà khà…
Âu Dương Tu cũng thầm trách Vương An Thạch quá không khách khí rồi, đồ mắc dịch nhà ngươi nếu không nhìn nhận tư tưởng của người ta thì thôi, thuận miệng khen hai ba câu cũng sợ tổn thọ sao? Ông chỉ có thể hòa hoãn nói:
- Giới Phủ tiếc chữ như vàng, nhưng ý tứ trong một câu đó là nói căn phong của Lão Tuyền như thông xanh Hoa Sơn, ý cổ lẫm liệt, quả thật đáng quý. Hiện nay văn phong thế đạo quá hào nhoáng, toàn là những câu văn quái lạ tối nghĩa không đúng với tinh thần văn chương, còn trơ trẽn tự xưng là “thể Thái Học”! Nếu văn chương như Lão Tuyền đây xuất hiện nhiều một chút, ta không tin thể Thái Học có thể càn quấy lâu dài!

Nói rồi ông cầm tay hai người đặt lên nhau siết chặt lại, lòng đầy cảm xúc nói:
- Văn đàn hiện nay cần những kẻ sĩ có học lực khoáng đạt như Giới Phủ và Minh Doãn đến giúp ta một tay, quét sạch mọi yêu khí, trả lại sự trong sạch cho văn đàn!
Đoạn ông gằn giọng:
- Cũng là vì những người có thực tài mà tạo điều kiện cho họ phát huy!

Khuôn mặt chất phác của Vương An Thạch rốt cuộc cũng xúc động, gật đầu cứng rắn nói:
- Hôm nay ta đến đây cũng vì kính trọng Âu Dương công không màng dư luận mà cải cách văn phong!
Vương An Thạch nâng chén rượu lên nói:
- Tại hạ ngoại lệ kính chén rượu này, chỉ mong Âu Dương công có thể quét sạch thứ văn phong hiểm quái kia đi, vì triều đình chấn hưng phong khí!

Tô Tuân cũng nâng chén rượu, kích động nói:
- Nghĩa cử của Âu Dương công thực sự có thể trấn áp những cơn sóng suy đồi, ngăn chặn tà thuyết thiên cổ, giúp cho chính khí nhã văn được chắp cánh bay cao, xoa dịu lòng người!

Hai người cùng uống một hơi cạn sạch khiến Âu Dương Tu vô cùng thích thú, ông cất tiếng cười hào sảng.

Hai vị này rất thật tình, bình sinh không biết giả vờ, họ thực sự kính phục Âu Dương công, mong rằng cuộc vận động cổ văn của ông có thể thành công! Song điểm xuất phát của hai người lại khác nhau… Đối với Tô Lão Tuyền, ông cầu lấy công danh hai mươi năm nay lại vấp phải thể Thái Học quỷ quái, cho dù sau này không vào trường thi nữa, ông vẫn nguyện ý nhìn thấy cái trò này nên biến mất.
Bình Luận (0)
Comment