Nhất Phẩm Giang Sơn

Chương 250.3 - Chương 250.251

Tô Tuân xem như vì con trai của mình quét sạch chướng ngại vật chắn trước những người có tài nhưng không gặp thời như ông, giúp cho bọn họ có thể phát huy tài năng.

Còn về phần Vương An Thạch, ông hận cùng cực sự độc hại của thể Thái Học đối với công văn của đương kim triều đình. Người đọc sách viết những thứ quỷ quái khó hiểu đã đành, nhưng đến cả quan viên thân mang trọng trách xã tắc cũng phải viết những dạng công văn “biền ngẫu trau chuốt, quái đản khó hiểu”, tựa như người ta chỉ cần liếc mắt liền thấy bản thân người viết không có trình độ.

Đây không còn là vấn đề văn hóa nữa mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chính phủ, thậm chí có thể phát sinh những sai lầm không thể vãn hồi.

……….

Thấy hai người cực lực ủng họ mình, lòng của Âu Dương Tu nóng rực như lửa đốt, ông uống hết chén này đến chén khác, kể lại những năm tháng vàng son với hai người kia…

Khi ấy, ông vẫn một thân phong hoa tuyết nguyệt. Bên cạnh ông là những người trẻ tuổi tài hoa, nhiệt huyết sôi nổi như Phạm Trọng Yêm, Phú Bật, Đỗ Diễn, còn có Đỗ Tốn, Tô Thuấn Khâm, Vương Thù, Mai Nghiêu Thần, Vương Ích Nhu. Bọn họ chỉ trích Phương Tù, khí thế hừng hực, lập chí phò trợ xã tắc, bỏ cũ lập mới, vì sự giàu mạnh của Đại Tống, vì dân chúng an khang, và cũng vì phải sống cho đáng với thân tài học của mình!

Song những lý tưởng tốt đẹp ấy chưa kịp nở rộ thì đã lụi tàn, chiến hữu khi xưa giờ chỉ còn lại ông và Mai Nghiêu Thần kéo chút hơi tàn, mà sự việc đặt dấu chấm hết cho mọi chuyện chính là cuồng ngôn sau một buổi tiệc rượu của nhóm thanh niên tài hoa. Vị Điện Trung Thừa, Tụ hiền giáo lý Vương Ích Nhu trong cơn say đã nóng máu, dám viết ra câu thơ: “Túy ngọa bắc cực khiển đế phù, Chu công Khổng Tử khu vi nô!” (Say ngồi Bắc Cực sai khiến đế vương phò trợ, Chu công Khổng Tử đuổi làm nô)

Lời thơ ngông cuồng khi dễ nhân quân hiển nhiên bị kẻ địch thừa cơ lợi dụng. Sau cùng khiến quan gia đại nộ, không những giáng chức tất cả những ai tham gia tiệc rượu, còn bãi luôn Đỗ Diễn, Phú Bật, Phạm Trọng Yêm và Hàn Kỳ!

Khánh Lịch tân chính ngắn ngủi từ đây đã tận, trở thành chuyện dĩ vãng khiến người người thổn thức. Âu Dương Tu cũng khó kiềm được lòng, ông chửi bọn tiểu nhân Vương Củng Thần âm hiểm đê tiện, lại than trách tuổi trẻ khinh cuồng của Vương Ích Nhu và Tô Thuấn Khâm.

- Giới Phủ, chẳng lẽ vì rút được kinh nghiệm sau sự việc đó nên ngươi không uống rượu à?
Âu Dương Tu siết chặt bàn tay của Vương An Thạch, lớn tiếng nói:
- Được thôi, ngươi giỏi hơn ta, giỏi hơn tất cả chúng ta!

- Âu Dương công, người say rồi.
Vương An Thạch thấp giọng nói.

- Không, ta không say, ta vẫn còn rất tỉnh táo.
Đôi mắt rực cháy của Âu Dương Tu nhìn chằm chằm Vương An Thạch:
- Hàn Trì Quốc nói rất phải, tài tình của ngươi không thua ai, biết ta thích nhất bài thơ nào của ngươi không? Ta thích nhất bài “Hà Bắc dân” mà ngươi viết vào năm Khánh Lịch thứ sáu.
Ông cao giọng ngâm nga:
- Gia gia dưỡng tử học canh chức,
Thâu dữ quan gia sự nhung địch.
Kim niên đại hạn thiên lý xích,
Châu huyện nhưng thôi cấp hà dịch.
Lão thiếu tương huề lai tựu nam,
Nam nhân phong niên tự vô thực.
Bi sầu bạch nhật thiên địa hôn,
Lộ bàng quá giả vô nhan sắc.
Nhữ sinh bất cập Trinh Quán trung,
Đấu túc sổ tiền vô binh nhung.

Bản dịch của Hoàng Tạo:

Sinh con ai chẳng dạy nông tang
Nộp hết cho quan để biếu giặc
Năm nay đại hạn nghìn dặm khô
Phu đi làm sông huyện vẫn bắt
Trẻ già dắt díu xuống miền Nam
Nam tuy được mùa vẫn đói rạc
Trời thảm đất sầu ngày tối tăm
Bao khách qua đường mặt nhợt nhạt
Tiếc sinh chẳng nhằm đời Trinh Quán
Vài đồng đấu thóc không loạn lạc.


- Gia gia dưỡng tử học canh chức, thâu dữ quan gia sự nhung địch (Sinh con ai chẳng dạy nông tang,
nộp hết cho quan để biếu giặc). Đây mới chính là là thơ hay nói về đạo lý của Đỗ Công Bộ (tức Đỗ Phủ), thơ hay!
Âu Dương Tu nâng chén rượu, cất cao giọng:
- Giới Phủ, ngươi đúng là chân nhân! Ta sẽ uống cạn chén này.
Nói rồi ông uống cạn sạch chén rượu, sau đó tay buông chén rượu vỡ tan, gục đầu cất tiếng ngáy o o…

Mọi người phụt cười, nói:
- “Túy ông” quả nhiên không phải hư danh!

Sau khi Âu Dương Tu được người nhà dìu đi, Vương An Thạch vẫn bất động, chỉ dùng ánh mắt hừng hực chào họ. Sở dĩ ông tham luyến địa phương, trì hoãn không muốn vào triều, lý do hoàn toàn khác với trong tấu chương là ông không chịu được cuộc sống kinh sư đắt đỏ, càng không thích những kẻ tâm tư xấu xa mua danh trục lợi. Thực ra nguyên nhân rất đơn giản, ở địa phương Vương An Thạch có thể hành sự, tạo phúc cho một phương, nhưng khi trở về quan trường nơi kinh thành đầy những bùn lầy, ông lập tức sẽ chùn tay không làm gì được.

Đây không phải là dự đoán ngông cuồng, bản thân ông đã có kinh nghiệm nửa năm ở kinh thành, đó là minh chứng tốt nhất.

…..

Tháng năm năm trước, ông vào kinh nhậm chức Phán quan Quần Mục Ti trong hàng ngàn tiếng tung hô. Nhậm chức chưa bao lâu, ông phát hiện khoản mục của Quần Mục Ti hỗn loạn, tồn tại những sơ hở nghiêm trọng, vì vậy ông lập tức thỉnh xin điều tra các khoản. Kết quả vấp phải sự phản đối của trên dưới Quần Mục Ti, từ Đô gián Hàn Bình đến tiểu lại cấp dưới đều giở đủ trò, vừa đấm vừa xoa muốn ngăn cản ông.

Thế nhưng sự cứng rắn của ông người thường khó mà hiểu được. Một mình ông chống chọi với áp lực của mọi người, chẳng những không lùi bước mà còn gánh tất cả việc xấu của họ… Dù khi ấy toàn lực cứu trợ thiên tai, nhưng công việc lại khá độc lập nên cực kỳ rườm rà, mười mấy hai mươi người không làm hết được.

Hàn Bình nhận thấy dựa vào chiến tranh nhân dân thì đánh không thắng, chỉ đành cáo trạng với Văn Ngạn Bác. Ai ngờ Văn Ngạn Bác đưa Vương An Thạch đến Quần Mục Ti, Quần Mục Ti mà có một người cứng đầu như thế thì không phải chuyện tốt.

Có điều Hàn Bình là em họ của Hàn Kỳ nên vẫn phải để ý tới thể diện. Sau cùng Văn tướng công không làm gì được Hàn Bình mà còn tự khiến mình lâm vào cảnh khó xử, hai bên đều lùi một bước, không kiểm tra toàn diện mà chỉ kiểm tra một bộ môn ở hạ hạt, nếu có vấn đề thì kiểm ở chỗ khác.

Rốt cuộc Quảng Bình giám nằm ở đường Hà Bắc trở thành quả trứng xui xẻo này. Quảng Bình giám ở Hình Châu, Minh Châu, Triệu Châu của đường Hà Bắc, tổng cộng chiếm ruộng dân một triệu năm trăm ngàn mẫu, ngựa nuôi mười ba ngàn sáu trăm con, bình quân mỗi con ngựa chiếm một trăm mười mẫu. Căn cứ theo tài liệu khi mới lập quốc, Quảng Bình giám lúc ấy chỉ chiếm bốn trăm năm mươi ngàn mẫu, nhưng ngựa nuôi lại là mười lăm ngàn con, bình quân mỗi con chỉ chiếm ba mươi mẫu.

Phải chăng quân mã của triều Đại Tống đột nhiên nở dạ dày, sức ăn tăng gấp ba lần? Hay là do đồng cỏ ở Quảng Bình giám bị thoái hóa? Vương An Thạch đích thân thẩm tra thì phát hiện cây cỏ nguồn nước hai bờ Chương Hà vẫn tốt, nhưng lần này ông cũng phát hiện ra một bí mật – thì ra những đồng cỏ của ngựa nuôi đã trở thành điền trang của các hộ cường hào, điền trang càng tăng mà đồng cỏ thì càng giảm, vì vậy mới có cục diện như hôm nay.

Không cần nói rõ cũng biết, những điền trang trá hình này đều không phải nộp thuế.

Sau khi nắm giữ chứng cớ xác thực, Vương An Thạch làm rõ mọi chuyện, song triều đình chỉ bãi chức Tri giám của Quảng Bình giám cùng một viên quan Câu Áp của Quần Mục Ti, đồng thời ra lệnh cưỡng chế, thanh tra. Nhưng ai hiểu chuyện này đều biết, kiểm tra tới lui cũng không giải quyết được gì.

Còn Đô giám Hàn Bình lại điều Tam Tư đảm nhiệm Diêm Thiết Phó Sử. Mặc dù nói là điều đi sòng phẳng, nhưng độc quyền quản muối sắt trong thiên hạ béo bở hơn làm ở Quần Mục Ti, nói xem nên tìm lý lẽ ở đâu đây!

Về phần vốn nói là tốt, tiếp tục triều tra những giám khác thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên nữa…

Vương An Thạch hiển nhiên không đáp ứng, nhưng vẫn luôn yêu quý Văn Ngạn Bác. Văn tướng công luôn ủng hộ ông đã đi rồi, còn thủ tướng Phú tướng công hiện tại thì lại không thích ông. Vương An Thạch mấy lần dâng tấu đều im hơi lặng tiếng, Trần quan gia cũng lơ đi không nói, Vương An Thạch có tài mà cũng như không, quả thực muốn đâm đầu vào tường cho rồi!

Năm ngoái ông cũng đã nhiều lần dâng tấu thỉnh cầu ra ngoài, kiên quyết không muốn ở lại trong chốn quan trường nhơ nhớp này nữa!

Nếu trong triều có nhiều người giống như Âu Dương công, giá như Âu Dương công có thể nắm giữ chức vụ quan trọng thì chuyện đâu đến nông nỗi này?

….

Âu Dương Tu đã say, tiệc rượu cũng đến lúc tàn, Vương An Thạch rời khỏi tiệc trước. Tô Tuân cũng muốn đi nên nhìn quanh tìm con trai, song chỉ thấy Tô Triệt mà không thấy Tô Thức.

- Ca ca con đâu rồi?

Tô Triệt chỉ vào một góc, Tô Tuân thấy một đám người vây quanh Tô Thức, miệng ai nấy cũng tấm tắc khen ngợi.

Tô Tuân đến gần xem thử, thì ra Tô Thức đang vẽ lại cảnh tiệc rượu hôm nay. Dưới họa bút của Tô Thức, sự bày biện xa hoa ở phủ Âu Dương lại trở nên vô cùng tinh tế ưu nhã, bố cục trong tranh có tụ có tan tạo sự thú vị, hình thức lại hài hòa sinh động.

Cách Tô Thức khắc họa Âu Dương Tu cực kỳ xuất sắc, đặc tả hết sức có thần. Thần thái thoải mái của Âu Dương Tu vượt hơn hết thảy mọi người, khí độ phi phàm, song gương mặt lại không mang ý cười, tương phản với cảnh hoan hỉ xung quanh, nội tâm sầu khổ uất ức của chủ nhân được miêu tả chuẩn xác. Những nhân vật còn lại ai nấy đều sinh động như thật, dù chưa lên màu nhưng bức họa lại rất có chiều sâu, cuốn hút vô ngần.
Mai Nghiêu Thần và Thái Tương đứng sau lưng Tô Thức, thấy mình trong bức họa phong lưu khoáng đạt là thế, họ vuốt râu hài lòng. Họ có trực giác, thần thái tướng mạo của mình cùng với bức họa sẽ được lưu truyền thiên cổ.

Vì vậy khi Thái Tương chừa chỗ trắng để hạ bút trên bức họa, Trần Khác thỉnh Mai Nghiêu Thần đề thơ, hai người liền vui vẻ đồng ý. Mai Nghiêu Thần sau khi xuất khẩu thành thơ thì thản nhiên nói:
- Ta muốn thương lượng với Tử Chiêm, sau khi họa xong bức này ngươi định cho Mai bá bá thứ gì?

- Làm việc phải có trước có sau chứ.
Tô Thức chưa kịp mở miệng, Trần Khác đã quả quyết nói:
- Tiểu chất đã quyết định rồi!

- Đừng keo kiệt vậy, chỉ là một bức họa thôi mà.
Mai Nghiêu Thần cười khà khà nói:
- Phải kính già yêu trẻ mới đúng.

Trần Khác muốn để bức họa này làm vật gia bảo, nói thế nào cũng không chịu nhường Mai Nghiêu Thần, sau cùng phải để lão đặt tên cho rượu mới thì lão mới chịu thôi.

- Ta cũng vừa nghĩ ra một cái tên hay. Rượu này chỉ có ở thiên thượng, nhân gian nào có ai nếm được mấy ngụm? Ngươi thấy cái tên "Tiên Lộ" như thế nào?
Mai Nghiêu Thần cười nói:
- Chẳng phải Tử Chiêm đã nói: "Ngóng về núi tây kề cận, muốn vén xiêm y rong chơi" đó sao, vậy nghĩa là chỉ có rượu của thần tiên uống mới có hiệu quả này thôi, đúng không?

Mọi người đều tán thưởng:
- Cái tên này rất hay.

Đợi sau khi Tô Thức cuộn lại bức họa còn dang dở, phụ tử Tô gia liền cáo từ ra về. Trần Khác vốn dĩ không định về cùng họ, song Tô Tuân lườm hắn một cái, hắn chỉ có thể ngoan ngoãn đi theo.

Trên xe ngựa trở về của Tô gia, sắc mặt Tô Tuân không tốt chút nào. Mặc dù Tô Thức hôm nay đã thi triển hết tài năng khiến cho mọi người khen không ngớt lời, song trong lòng ông vẫn luôn bức bối khó chịu... Phiền não này là do Vương An Thạch đem tới. Thứ nhất, chính là vì Vương An Thạch lơ ông đi, thứ hai là Âu Dương Tu vô tình nhất bên trọng, nhất bên khinh, so sánh hai nguyên nhân thì điều thứ hai lại khiến ông đau lòng hơn.

Đám vãn bối thấy bộ dạng mặt không ra mặt, mũi không ra mũi của Tô Tuân, ai nấy đều tự biết không nên tìm phiền phức, đến thở mạnh cũng cạch luôn.

- Còn hai mươi mấy ngày nữa là thi, con chuẩn bị ra sao rồi?
Hồi lâu sau Tô Tuân mới lên tiếng:
- Trong lúc tấc khắc tấc vàng này mà còn ham ủ rượu, thật sự không ra gì!

Lời này dĩ nhiên nhắm vào Trần Khác, gọi hắn lên xe chính là có ý này... Tô Tuân có thành kiến với Trần Hi Lượng, cho rằng tên tiểu tử Trần Khác ruồng bỏ con gái mình mà đi tìm hôn sự khác. Nếu không phải vì Tiểu Muội kiên quyết đến cùng, ông nhất định sẽ không nhìn nhận thằng rể như Trần Khác.

Hiện tại Trần Hi Lượng đã lấy Tào thị, dòng dõi Trần gia cũng ngày càng phất cao, ông sẽ không tìm đến nhà nữa. Thi xuân đã gần kề, thủy chung vẫn không cách nào yên tâm cho được, đến lúc phải dò hỏi cử nghiệp của con rể rồi.

- Đó là rượu do đồng hương ủ, nhờ con xin Âu Dương công đặt tên, với lại cũng vì tình nghĩa nên khó mà từ chối.
Trần Khác chỉ còn cách kiên trì giải thích:
- Còn về cử nghiệp, Tử Chiêm và Tử Do có thể làm chứng, tháng này ngoại trừ văn hội ra, con chỉ làm văn chứ không có gì khác.

- Đúng đó, đúng đó.
Hai vị kia lúc này tỏ ra rất trượng nghĩa nói:
- Tam Lang thực sự rất dụng công, chắc chắn không có vấn đề gì đâu.

- Thi Biệt Đầu mà còn có vấn đề thì đừng hòng lấy con ta.
Tô Tuân hừ một tiếng, sắc mặt cuối cùng đã giãn ra:
- Hôm nay ta nghe Âu Dương công nói muốn thanh trừ thể Thái Học, khoa thi này ông ấy không làm chủ khảo thì thôi, nếu thật là ông ấy thì các con có cơ hội bộc lộ tài năng rồi!

Theo phân tích của của Tô Tuân thì khả năng Âu Dương Tu làm chủ khảo rất cao, bằng không thì năm trước triều đình triệu ông ấy hồi kinh để làm gì? Với lại trong hai năm nay, cái miệng của Âu Dương Tu đã đắc tội không ít đại thần, theo lý thì đã bị điều đi mười lần rồi. Nhưng triều đình vẫn giữ Âu Dương Tu lại, để ông ta sửa sử sách, chủ trì điển lễ, còn không ngừng thăng quan tiến chức nữa.

Tất cả là vì cái gì? Theo sự tinh thâm của Tô Tuân cho thấy, rõ ràng triều đình có biểu hiện trọng dụng Âu Dương công. Với tính cách "trong mắt không lưu hạt cát, trong bụng không giấu lời ngừng" của ông ta, vào trung khu, quản bộ viện thì không thích hợp, ngay cả làm Đài Gián cũng không ổn... Lực sát thương của Âu Dương đại hiệp thực sự quá lớn, nếu để ông ấy tự do khai hỏa quyền, chỉ e người người đều sợ không dám đi làm nữa.

Vậy chỉ còn sót lại một khả năng, chính là kỳ thi lớn sắp tới! Triều đình muốn để ông ta làm chủ khảo!

Suy đoán này rất quan trọng, bởi vì nó ảnh hưởng đến tiền đồ của bọn trẻ. Không chỉ là vấn đề đậu hay không, Tô Tuân tin rằng dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, dựa vào năng lực của bọn trẻ thì chuyện đậu là không thành vấn đề. Nhưng thi đậu chỉ mới là bước qua ngưỡng cửa quan trường, sau cùng có lên cao được hay không thì còn phải xét đến thứ bậc.

Đối với việc tìm hiểu về khoa cử Đại Tống, có thể nói Tô Tuân có hiểu biết sâu nhất. Ông biết rất rõ ở triều Đại Tống phân biệt đối xử này, năng lực tài học của một người chẳng phải là cơ sở để có thể thăng tiến, nếu không có hậu thuẫn vững chắc, dù có bản lĩnh lớn đến đâu chăng nữa cũng phải đợi đến lúc khảo thành tích ba năm một lần mà từ từ leo lên cao. Chín phần mười quan viên, làm liên tục cho đến khi nghỉ hưu cũng không chạm đến được tiêu chuẩn thấp nhất của quan viên cao cấp là tứ phẩm…

Vậy một phần mười còn lại thì sao? Dựa theo phân tích của Tô Tuân, ông rút ra kết luận – tuyệt đại đa số đều cần có hai điều kiệu là thi đậu sớm và thứ bậc cao. Khởi điểm cao thì tiến bộ nhanh, thiếu niên thi đậu thì tiền đồ sẽ rộng mở, hai điểm quyết định quan lớn này đều là ở những người trẻ tuổi.

Huống chi quan gia cũng tốt, tướng công cũng ổn, đều có chứng "luyến đồng" (thích người trẻ), họ luôn sủng ái đủ điều với những thiếu niên thiên tài... Khi phạm lỗi thì nói "Người trẻ tuổi sao không mắc lỗi cho được", không lập công lại bảo "Thiếu niên lão thành", lập công rồi thì khen "Chỉ trên trời có, dưới đất thì không". Sự thiên vị đáng căm phẫn này suy cho cùng có gì không tốt?

"Tỷ như Vương An Thạch kia, nếu không phải hai mươi tuổi suýt đậu Trạng Nguyên, Văn Ngạn Bác với Âu Dương Tu liệu có nâng niu cái chân thối của Vương An Thạch không?", Tô Tuân hậm hực nhủ thầm.

….

"Nếu không phải thì sao?", Tô Tuân lại lầm bầm, chung quy chủ khảo khoa thi này chỉ có triều đình biết, hiện tại còn mấy ngày nữa là công bố người được chọn rồi, vậy mà tin tức vẫn bặt tăm, rõ ràng triều đình rất coi trọng khoa thi này.

Nếu là Âu Dương Tu thì dễ nói rồi, chẳng may không phải thì Tô Tuân không sao yên lòng. Dù ông tin vào năng lực bọn trẻ, song khi thấy thể Thái Học quỷ quái kia, vốn dĩ nó không nói tiếng người mà. Khi ở Tứ Xuyên bọn trẻ chưa từng luyện qua, đến Biện Kinh chưa đầy một năm, nếu miễn cưỡng đi học thì chẳng khác gì học không thành mà còn quên luôn kiến thức vốn có, không đâu ra đâu, làm sao có thể so bì với những người hiểu biết sâu rộng cho được?

- Nếu không phải thì lần này cứ xem như làm nóng người đi.
Tô Tuân quả quyết:
- Ta nghe nói sau này khoảng cách giữa các kỳ thi sẽ rút ngắn, trước khi các con hai mươi lăm tuổi ắt hẳn có thể tham gia hai lần nữa, ta không tin không thể gặp được Bá Nhạc .

Bá Nhạc: người nước Tần thời Xuân Thu, giỏi về xem tướng ngựa. Dùng để chỉ người giỏi phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.

- .....
Đám tiểu tử im lặng. Không biết nhị Tô nghĩ sao, chứ Trần Khác sẽ không đợi thêm bốn năm nữa, làm quan lớn có gì hay? Chi bằng ở tại địa phương, làm vua một cõi tự tại biết bao, vì vậy thi xếp thứ mấy hắn đều chấp nhận.

Có điều hắn cũng rất muốn biết Tô Tuân đoán đúng hay không, vì nếu là Âu Dương Tu thì sẽ là tin vui dành cho Triệu Tông Tích. Ngoài Âu Dương Tu ra, Tri chế cáo Lưu Sưởng cũng đứng đầu trong danh sách dự đoán. Giả sử triều đình chọn Lưu Sưởng, điều đó đồng nghĩa với đám tiến sĩ của năm Gia Hựu đầu tiên đều có quan hệ với Triệu Tông Thực, vì Lưu Sưởng từng là lão sư của Triệu Tông Thực mà!

Trong lúc chờ đợi và dự đoán, vào ngày mùng tám, đồng thời có mấy viên Nội Sử xuất cung, người dẫn đầu là Hồ Tổng quản... Vị lão công công này không bao giờ tùy tiện xuất cung, chỉ có một khả năng trong thời điểm mẫn cảm này, đó chính là đi thỉnh quan chủ khảo tiến cung.

Lão vừa xuất cung liền có người bí mật bám theo, không ngừng truyền lại lộ trình của lão cho người có dụng ý ở khắp các phủ.

Vương phủ quận Nhữ Nam cũng là một trong số đó.

Triệu Sung Nhượng nhàn rỗi, nhắm nghiền mắt dựa vào ghế. Mấy đứa con của y, hoặc đứng hoặc ngồi, ai cũng bồn chồn ngóng tin tức.

- Báo, Hồ Tổng quản đã ra khỏi Lương Môn cũ!

- Báo, Hồ Tổng quản bước lên cầu Kim Lương!

- Tốt quá!
Triệu Tông Ý kích động:
- Xem ra là Lưu sư phó rồi!

- Chưa chắc!
Triệu Tông Phụ lại thản nhiên nói:
- Nhà Âu Dương Tu cũng nằm cùng một hướng.

Quả nhiên lát sau thám tử hồi báo:
- Hồ Tổng quản đi ngang qua nhà Lưu sư phụ, tiến đến cầu Ngân Lương rồi!

- Lão Tứ đúng là đồ miệng quạ!
Tiếng ai oán tức thì rộ lên trong thư phòng, không cần do thám nữa cũng biết sự lựa chọn cuối cùng của triều đình là Âu Dương Tu.
Bình Luận (0)
Comment