Phế Đô

Chương 67

Có ý định ấy, chị ta thấy mình rất dũng cảm. Có thể mang thai sẽ chứng minh cho Trang Chi Điệp biết anh ấy vẫn có khả năng sinh con, chứ không phải õng ẹo làm nũng gây phiền phức cho anh ấy. Trang Chi Điệp càng có cớ so sánh giữa chị ta với Ngưu Nguyệt Thanh và càng thích chị ta hơn. Thế là buổi sớm hôm sau, Chu Mẫn vừa đi làm, chị ta đi một mình vào bệnh viện phá thai. Máu thịt lầy nhầy hẳn một đống, một người đàn bà cũng vào đẻ non ngồi bên cạnh sợ quá phát khóc, nhưng Đường Uyển Nhi vẫn thản nhiên, coi thường ra mặt, khi bác sĩ hỏi:

- Chồng chị đâu, sao không thấy anh ấy đến trông nom?

Chị ta trả lời:

- Ở ngoài kia, anh ấy gọi xe chờ ở bên ngoài.

Chị ta ra khỏi buồng bệnh, bỗng dưng có phần thê thảm.

Ngồi nghỉ một lúc ở phòng nghỉ, chị ta bình tĩnh lại, đã cảm thấy nhẹ nhõm chưa từng có, tự mỉm cười, tự nói với bản thân:

- Đường Uyển Nhi này ăn được hòn gạch, thì cũng ỉa ra được viên ngói.

Chị ta đứng dậy đi về nhà. Đi qua lối ngõ nhà Mạnh Vân Phòng thấy người khó chịu, chỉ thấy khát nước, liền rẽ vào nhà Mạnh Vân Phòng uống hớp nước và cũng là để xem Trang Chi Điệp đi đâu. Vừa bước vào cửa, Mạnh Vân Phòng đi vắng. Hạ Tiệp đang buồn bực đến mức vêu cả mồm ở trong nhà, nhìn thấy Đường Uyển Nhi liền bảo:

- Đang định đi gọi em đến nơi nào đó rong chơi, thì em lù lù dẫn xác đến, đúng là một con ma cáo!

Đường Uyển Nhi bảo:

- Là ma cáo đấy, ở bên này chị ngứa nghề đánh rắm thối, em cũng ngửi thấy đấy! Chị giận dữ ai mà vêu miệng thế kia?

Hạ Tiệp đáp:

- Còn tức ai được nữa?

Đường Uyển Nhi hỏi:

- Chắc chị lại chê thầy Phòng lại sang chỗ thầy Điệp tán hão phải không? Người lớn bằng ngần này mà vẫn như chưa nhìn thấy đàn ông bao giờ, một giờ một khắc cũng đòi cột người ta vào thắt lưng hay sao?

Hạ Tiệp đáp:

- Mấy hôm nay Trang Chi Điệp còn bận cửa hàng tranh của anh ấy, làm gì có thời giờ tán hão với Mạnh Vân Phòng? Nếu chỉ là tán hão thì cũng thôi, đàng này có một lão mèo hoang chống gậy ở Tân Cương đến, anh ta tôn kính như thần, hai ba hôm lại mời đến uống rượu, lại còn dẫn thằng nhóc Mạnh Tần về nhận làm thầy cơ chứ. Mình vừa chửi cho một trận đuổi đi xong! Thôi không nhắc đến anh ta nữa, hễ cứ nhắc đến chuyện này là mình lại tức điên lên, không có chỗ nào mà trút nữa! Em sao vậy Uyển Nhi? Sắc mặt nhợt nhạt ra thế?

Đường Uyển Nhi nghe nói Trang Chi Điệp bận mải cửa hàng tranh thì nhẹ nhõm trong lòng, chị ta nói:

- Mặt em xấu lắm à? Mấy đêm nay thường mất ngủ, lúc mới đến đây lại đi vội vàng, chỉ sợ khát nước. Nhà có đường đỏ không chị? Chị cho em một ít để em pha nước đường uống thử xem.

Hạ Tiệp đứng dậy rót nước bảo:

- Đêm ngủ không được hả? Em và Chu Mẫn mỗi đêm quấy rối nhau in ít thôi, trời nóng bức lại uống nước đường đỏ!

Đường Uyển Nhi bảo:

- Dạ dày em lạnh, bác sĩ bảo uống nhiều nước đường đỏ thì tốt hơn.

Chị ta uống hết một cốc, toàn thân ra mồ hôi, càng cảm thấy khoan khoái, nói chuyện một lúc, Hạ Tiệp lôi đi, cũng đi theo. Hai người cười nói rôm rả, đi ra cửa nam thì Đường Uyển Nhi cảm thấy ở cửa mình ngấm ngầm đau, liền tựa vào đầu cầu bắc qua sông vây quanh thành phố bảo:

- Chị Tiệp ơi mình nghỉ một lát đã.

Chị ta đưa mắt nhìn vào trong vườn hoa công cộng ven bờ sông, trời cao mây nhạt, ánh nắng chói chang, dòng sông dưới chân cầu nước chảy băng băng, mép cỏ bờ sông nổi chồi từng mảng, từng mảng trứng ếch sền sệt, có mảng đã nở, thành hàng loạt con nòng nọc có cái đuôi nhỏ xíu đang bơi lội. Bỗng dưng Đường Uyển Nhi mỉm cười. Hạ Tiệp hỏi cười gì vậy, Đường Uyển Nhi không muốn nói đến những con nòng nọc kia nên bảo:

- Chị nhìn cơn gió xoáy kìa!

Cơn gió xoáy nổi lên từ mặt sông, bò dần lên bờ sông, rồi cứ lủân quẩn dưới một gốc cây ở trong lan can sắt vườn hoa công cộng, không chịu đi, cứ quay tít một chỗ. Vốn chẳng để ý nói đến gió, nhưng cái cây ở chỗ cơn gió xoáy đã khiến hai chị em cảm thấy thích thú. Đó là một cây hoa bông tía, trên thân cây to sù sụ đã chia thành hai nhánh, ở chỗ tách ra lại kẹp chặt một hòn đá dài, trông cũng hay hay. Hạ Tiệp bảo:

- Hai nhánh của cây này vốn không tách ra nổi, thợ làm vườn đã kẹp vào giữa một hòn đá, cây càng mọc càng lớn, hòn đá liền gắn vào bên trong, phải không nào?

Đường Uyển Nhi hỏi lại:

- Chị nhìn xem cây kia giống cái gì?

Hạ Tiệp đáp:

- Giống chữ Y

Đường Uyển Nhi bảo:

- Chị thử nhìn kỹ xem.

Hạ Tiệp bảo:

- Chữ người là chữ người, còn nhìn ra người gì nữa.

Đường Uyển Nhi bảo:

- Chị nhìn hòn đá kia kìa!

Hạ Tiệp chợt hiểu ra, mắng luôn:

- Cái con ngứa nghề này, nghì cả đến chỗ ấy cơ à?

Hạ Tiệp bước đến định véo Đường Uyển Nhi, hai người cười hi hi ha ha, cấu véo nhau ở lan can đầu cầu làm cho người qua lại ai cũng nhìn sang bên này.

Hạ Tiệp bảo:

- Đừng đùa nữa, mọi người đang nhìn chúng mình.

Đường Uyển Nhi đáp:

- Kệ họ, nhìn thì được cái gì!

Hạ Tiệp liền khẽ hỏi:

- Uyển Nhi này, mỗi ngày Chu Mẫn xơi em mấy chưởng? Em là con yêu tinh hại đàn ông, em xem xem, Chu Mẫn gầy rạc y như đống bã thuốc!

Đường Uyển Nhi đáp:

- Thế thì chị đổ oan cho em rồi, một tháng thì có tới hai mươi ngày chúng em ngủ riêng, cái món ấy gần như quên mất rồi.

Hạ Tiệp bảo:

- Vậy thì em chỉ đi mà nói dối ma! Khỏi phải nói Chu Mẫn yêu em, mình dám nói, người đàn ông nào nhìn thấy em, cũng phải ngây người ra, không đi nổi.

Đường Uyển Nhi nói:

- Vậy thì em thành con ma cáo thật ư?

Hạ Tiệp bảo:

- Nhắc tới cáo, mình lại nhớ đến chuyện đêm qua. Đêm qua mình ở nhà đọc "Liêu trai chí dị", chỗ nào quyển sách cũng viết nào cáo, nào ma, mình đâm hoảng. Thầy Phòng của em bảo, anh không sợ cáo đâu, nửa đêm gà gáy, anh đang mong có con ma cáo đẩy cửa sổ kẹt một tiếng vào trong nhà đây này. Mình mắng anh ấy, anh nghĩ hay nhỉ, cái tạng anh gầy gò, thịt hôi như con nhái bén, ai thèm cắn anh cơ chứ! Nằm xuống còn nghĩ Bồ Tùng Linh viết bậy bạ thế thôi, trên đời làm gì có chuyện cáo thành tinh! Nếu có người đàn bà nào, ai nhìn thấy cũng yêu, thì đời mình, cũng chỉ gặp có em thôi!

Đường Uyển Nhi nghe rồi bảo:

- Em đọc "Liêu trai chí dị" thì lại cứ cảm thấy Bồ Tùng Linh là một kẻ si tình, trong đời ông chắc là có nhiều người tình, ông yêu người tình của ông, song không thể làm vợ chồng lâu dài, mới mắc bệnh tương tư tày trời, mượn cớ biến người tình thành cáo.

Hạ Tiệp nói:

- Tại sao em nhận xét như vậy? Có phải em đã yêu ai, hay có ai đã yêu em phải không?

Trong đầu Đường Uyển Nhi hoàn toàn nhường chỗ cho Trang Chi Điệp, chị ta nhíu cặp mắt thành mảnh trăng non cong cong, nét mặt tươi cười mặt ửng đỏ, song lại nói:

- Em chỉ nghĩ vớ vẩn chứ làm gì có người tình? Chị Tiệp ơi, chuyện trên đời lạ lắm, tại sao đàn ông lại phải có đàn bà? Chị và thầy Phòng chung sống với nhau cảm thấy thế nào?

Hạ Tiệp đáp:

- Xong việc ai cũng hối hận, cảm thấy chẳng hay ho gì, nhưng năm ba ngày sau lại muốn…

Nói xong hai người lại cười ngặt nghẽo. Hạ Tiệp bảo:

- Con người là đàn bà, đàn ông ăn uống như vậy mà!

Đường Uyển Nhi nói:

- Thật ra, con người bị Thượng Đế sai khiến trêu đùa, mình biết đấy mà chẳng làm sao được!

Hạ Tiệp bảo:

- Chuyện ấy giải thích thế nào nhỉ?

Đường Uyển Nhi đáp"

- Em thường nghĩ, Thượng Đế rất biết bỡn cợt con người. Thượng Đế muốn để con người tiếp tục sống, tiếp tục sống thì phải ăn. Ăn là việc phải chịu tội nhiều đấy, mình phải cày cấy thóc lúa, có thóc lúa rồi phải xay xát, phải thổi nấu, khi ăn phải nhai phải nuốt, phải tiêu hóa phải thải phân. Đó toàn là những công việc nặng nhọc! Nhưng Thượng Đế đã cho con người lòng ham muốn ăn, bởi lòng ham muốn ấy mà con người đã tự nguyện tự giác làm Trang Chi Điệp công việc ấy. Hãy ví dụ như chuyện đàn ông đàn bà chung sống với nhau, nhưng nếu không sinh cho bạn lòng ham muốn tình dục, thì ai sẽ đi làm công việc cực nhọc vất vả ấy? Mà trong lúc bạn vui vẻ sung sướng là bạn đã phải đi làm nhiệm vụ sinh con. Nếu con người có thể tương kế tựu kế, tức là vui sướng đấy, mà lại không phục vụ cho mục đích kia thì tốt nhỉ?

Hạ Tiệp nói:

- Con ranh này, đầu óc em suốt ngày chỉ nghĩ đến những chuyện ấy à?

Hạ Tiệp đưa tay cù vào nách Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi cười hổn hển, gỡ ra chạy đến đầu cầu. Hạ Tiệp cứ đuổi theo, cả hai kẻ trước người sau đều chạy vào cửa lan can sắt của vườn hoa công cộng.

Đường Uyển Nhi liền nằm soài trên bãi cỏ xanh, Hạ Tiệp sà ngay đến ấn xuống, Đường Uyển Nhi lả người đi. Hạ Tiệp cầm chân Đường Uyển Nhi lên, tháo tuột một chiếc giày và bảo:

- Xem mi còn chạy được không nào?

Đường Uyển Nhi quay lại kêu một tiếng:

- Chị Tiệp ơi!

Môi chị ta nhợt nhạt, mặt vã mồ hôi, hai mắt trợn lên trắng dã, ngất xỉu đi.

Hạ Tiệp đã thuê một chiếc xe ba bánh chở Đường Uyển Nhi đến bệnh viện. Trên đường đi, Đường Uyển Nhi đã tỉnh lại nhưng dứt khóat không vào bệnh viện. Chị ta bảo đã mắc bệnh ngất xỉu từ hồi còn bé, mấy hôm nay mệt mỏi, có lẽ đã tái phát, cứ về nhà nghỉ ngơi một lúc là khỏi ngay.

Hạ Tiệp đưa tay rờ trán chị ta, mồ hôi trên mặt đã mát, sắc mặt cũng phần nào đỏ lại, liền không đưa vào bệnh viện nữa, trả lại cho lái xe năm đồng, chở Đường Uyển Nhi về thẳng nhà. Trong nhà vắng tanh vắng ngắt. Đường Uyển Nhi bước vào, lên giường ngả lưng cái đã. Hạ Tiệp hỏi:

- Đường Uyển Nhi này, bây giờ em thấy khá hơn chứ?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Khá hơn nhiều chị ạ, em rất cảm ơn chị!

Hạ Tiệp bảo:

- Hôm nay em làm chị hết hồn, nếu có mệnh hệ gì, thì chị cũng chết thật!

Đường Uyển Nhi đáp:

- Vậy thì chị em ta làm con ma chơi bời chứ sao!

Hạ Tiệp bảo:

- Đến nước này em còn đùa được sao? Em muốn ăn gì, chị làm cho?

Đường Uyển Nhi cười mệt mỏi, nói:

- Không muốn ăn gì, em chỉ buồn ngủ. Ngủ một giấc trở dậy thì đâu lại vào đấy thôi mà! Chị về đi chị Tiệp ạ!

Hạ Tiệp bảo:

- Chu Mẫn cũng không có nhà, cậu ấy đi làm hả em? Chị đi gọi điện thoại cho đơn vị cậu ấy nhé?

Đường Uyển Nhi nói:

- Trên đường về, chị gọi điện thoại cho anh ấy giúp em nhé? Chị gọi đến nhà thầy Điệp trước, có thể Chu Mẫn ở đó.

Hạ Tiệp lại pha một cốc nước đường đỏ để cạnh giường. Khép cửa, rồi đi ra phố gọi điện thoại. Điện thoại đã gọi đến nhà Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp biết Đường Uyển Nhi ốm đột ngột, vội vã cưỡi xe máy "Mộc lan" phóng đến nhà.

Chu Mẫn vẫn chưa về. Đường Uyển Nhi nhìn thấy đã khóc hu hu. Trang Chi Điệp vừa lau nước mắt cho chị ta vừa hỏi bệnh tình. Khi Đường Uyển Nhi kể rõ đầu đuôi, anh hoảng tới mức ngã phịch xuống mép giường hồi lâu, sau đó cứ giơ nắm đấm, đấm vào trán mình. Đường Uyển Nhi nhìn thấy anh như vậy, trong lòng tự thấy vui vui, nhưng lại bảo:

- Anh có giận em không? Em xin lỗi anh, em chà đạp đứa con của anh.

Trang Chi Điệp bỗng ôm lấy đầu chị ta, khẽ khàng bảo:

- Uyển Nhi ơi, không phải em có lỗi với anh, mà anh đã có lỗi với em. Anh phải chịu cái tội này mới phải chứ, song em đã tự chọn một mình. Em thật là một người đàn bà tốt! Nhưng vừa mới lên bàn mổ, mà tại sao em không yêu quý cơ thể, lại đi theo Hạ Tiệp làm gì cho mệt?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Em cảm thấy đi được, hơn nữa làm sao em để cho Hạ Tiệp biết chuyện này được? Việc cửa hàng tranh thế nào rồi?

Trang Chi Điệp đáp:

- Tại sao em biết anh bận việc cửa hàng tranh? Lâu lắm anh không đến, nhưng em cũng không thả bồ câu đưa thư đi.

Đường Uyển Nhi đáp:

- Em đâu có không gửi thư? Suốt ngày, suốt đêm mong đến anh, mà anh cứ mất tăm mất tích, nên em mới tự giải quyết.

Trang Chi Điệp chửi Liễu Nguyệt một câu, anh bảo không hề hay biết gì, liền lật chăn xem vết thương, sau đó đắp lại cẩn thận. Đi ra phố mua hẳn một đống thuốc đem về, cứ ngồi cạnh mãi cho tới lúc Chu Mẫn về mới ra đi.

Từ đó trở đi trong một tuần, cứ cách một hôm, Trang Chi Điệp lại đi thăm Đường Uyển Nhi một lần, lần nào cũng mua nào là gà, nào cá. Liễu Nguyệt lần nào chờ anh về, cũng pha một cốc nước quế viên tinh cho anh uống. Anh bảo:

- Liễu Nguyệt tình cảm chu đáo thế!

Liễu Nguyệt đáp:

- Giúp việc hầu hạ trong nhà sao lại không tình cảm cơ chứ? Anh lại bỏ công sức ra mà!

Trang Chi Điệp cười bảo:

- Bây giờ anh không dám ra khỏi cửa, hễ ra khỏi cửa em lại tưởng đến chỗ Đường Uyển Nhi. Anh chẳng đi đâu nữa. Em đi làm việc thay anh, tìm Liễu Nguyệt bảo cậu ấy tìm thầy lang Tống đến am ni cô.

Liễu Nguyệt hỏi:

- Ni cô ốm hay sao? Chủ nhật tuần trước em ra phố hàng thanh mua cá, khi về đã gặp Tuệ Minh. Chị ấy và thư ký riêng Hoàng Đức Phúc ngồi trong xe đỗ ở cạnh đường. Chị ấy không nhìn thấy em, em cũng giả vờ không nhìn thấy chị ấy. Hừ! Làm ni cô cũng bôi môi son à? Em không chấp nhận cái kiểu ấy, muốn đẹp thì đừng đi làm ni cô. Làm ni cô lại quen người này biết người kia, theo em thì chị ấy cố ý khoe mình. Không làm ni cô, thì con gái đẹp đầy thành phố mấy ai biết họ biết tên, làm ni cô, thì ai ai cũng biết trong thành phố có một ni cô Tuệ Minh mặt trắng vú to. Chị ấy bị bệnh gì, Phật cũng không phù hộ chị ấy à?

Trang Chi Điệp nói:

- Trông người lại nghĩ đến ta, thấy người ta xinh đẹp thì em lại hậm hực có phải không?

Liễu Nguyệt đáp:

- Em đã hậm hực với ai nào?

Lúc này Trang Chi Điệp mới định nhắc chuyện Đường Uyển Nhi thả bồ câu nhắn tin, xong vừa mở miệng ra lại thôi, trong nhà này anh chưa nói cho Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt biết chuyện Đường Uyển Nhi bị ốm. Nhưng Liễu Nguyệt vẫn chưa nguôi tức. Cô ta nói:

- Liên quan cái gì với em cơ chứ? Trước kia bảo mồm thối Mạnh Vân Phòng hay đến đấy, bây giờ mù mắt không đến được thì anh lại năng đi.

Trang Chi Điệp bảo:

- Em càng nói càng đắc ý! Anh cũng gặp thư ký riêng Hoàng Đức Phúc ở dọc đường. Anh ấy bảo Tuệ Minh đau lưng không đứng thẳng người lên được. Anh mới bảo Triệu Kinh Ngũ đi tìm thầy lang Tống, nếu em không đi thì thôi.

Liễu Nguyệt nói:

- Anh đã sai bảo, em không đi mà được ư? Bữa cơm trưa nay em về muộn, anh và chị cả ra quán ăn nhé!

Trang Chi Điệp bảo:

- Nói có một câu mà mất nhiều thời gian thế cơ à? Em đánh mất cả hồn vía thì về nhà anh sẽ mách chị cả đấy.

Liễu Nguyệt đáp:

- Được rồi, em sẽ bảo chị cả rắc một nắm thóc tẩm thuốc độc để giết quách con bồ câu trắng đi.

Nói xong tươi cười hớn hở chạy ra cửa.
Bình Luận (0)
Comment