Phố dài ngựa xe như nước, tiếng rao hàng kêu thánh thót chưa ngưng.
Câu hỏi A Bảo theo hơi gió bay vào tai của Lương Nguyên Kính làm chàng bỗng ngẩn ra.
Chàng nhìn A Bảo, hôm nay chàng vẽ nàng thành thiếu nữ trẻ tuổi, đầu chải tóc song hoàn [1], mặt mũi tương tự bảy phần so với quá khứ, mặc bộ áo vàng nhạt. Thái độ ngây thơ hồn nhiên, giống như chim hoàng oanh vừa thoát khỏi hố sâu.
[1] Hình ảnh minh hoạ (nguồn: Baidu)
Lương Nguyên Kính rũ mắt: “Bởi vì tôi bị bệnh.”
A Bảo khinh thường: “Lý do này anh cầm đi lừa người khác thì thôi đi, giờ vẫn xài để lừa tôi. Lương Nguyên Kính, anh không coi tôi là bạn à?”
“Không lừa em,” Lương Nguyên Kính giải thích, “Năm ấy tôi mới tới thành Đông Kinh chưa bao lâu, không thích ứng với khí hậu ở đó. Ban đêm nhiễm lạnh, bệnh phổi cũ tái phát, ngày nào cũng ho khan liên tục, thật sự là bất lực nhận lệnh.”
Phổi của chàng không khoẻ A Bảo cũng biết, không chỉ không chịu nổi giá rét, mỗi lần thời tiết thay đổi đều sẽ sinh bệnh.
Dư lão thường xuyên đến hiệu thuốc lấy ít dược liệu như xuyên bối mẫu, la hán quả, tỳ bà diệp, nấu cùng lê tuyết cắt thành miếng, sắc thành nước cho chàng trị bệnh ho. [2]
[2] Hình ảnh minh hoạ (Nguồn: Baidu)
Năm đó chàng kháng chỉ, lấy lý do ‘bất ngờ cảm phong hàn, thân thể không được khoẻ’, ai nấy đều cho đó là giả, là bất mãn với tân hậu mới bịa cớ. Ngay cả A Bảo cũng cho rằng là vậy, ai ngờ chàng bị bệnh thật!
A Bảo vừa rầu rĩ bệnh phổi này của Lương Nguyên Kính làm sao cho tốt lên, có cách nào trị tận gốc không, vừa nghĩ lại, không đúng nha, chàng mắc bệnh nên kháng chỉ, rốt cuộc là muốn sống hay không muốn sống đây?
Nàng cạn lời nhìn Lương Nguyên Kính, nói: “Anh nghĩ tôi tốt tính à, nếu năm đó tôi nổi cơn thịnh nộ muốn lấy đầu của anh thì sao?”
Đương nhiên cũng không có khả năng.
Đừng nói Triệu Tòng sẽ không cho phép, mấy nhóm quan đài gián đó cũng không dễ đối phó. Đại Trần lấy nhân hiếu trị quốc, từ lúc lập triều tới nay chưa có thần tử nào chết dưới tay đao phủ, nghiêm trọng lắm cũng chỉ xăm chữ lên mặt rồi lưu đày. Nếu nàng phá vỡ tiền lệ này, cho dù là một Hàn lâm Đãi chiếu nhỏ bé thôi, cũng coi như ‘gậy ông đập lưng ông’.
Lương Nguyên Kính hơi thở dài nói: “Thật ra, năm đó tôi cũng cảm thấy không nên kháng chỉ. Nhưng học chính lại cật lực khuyên tôi dưỡng bệnh trước, kim thượng thương người, săn sóc nhân thần, sẽ không giận cá chém thớt lên người tôi. Nếu tôi gắng gượng cơ thể bệnh thật phụng chỉ vào cung, vừa vẽ tranh không đẹp, ngược lại khiến người ta nói kim thượng khắt khe với thần tử.”
“……” A Bảo nghi hoặc, “Cấp trên lừa anh, đúng không?”
Lương Nguyên Kính gật đầu: “Đúng vậy, giờ tôi nghĩ lại mới biết.”
A Bảo: “………………”
Giờ mới biết cái rắm! Chờ đến mòn cả mắt luôn rồi!!
Cuối cùng cũng phá án xong!
Hoá ra năm đó chàng kháng chỉ, từ chối vẽ tranh cho nàng, căn bản không phải như lời đồn chán ghét nàng, mà là bị cấp trên giật dây.
Vị cấp trên này cũng gian xảo ghê, kim thượng thương người?
Cũng đúng, kim thượng đúng rất thương người, nhưng A Bảo nàng lòng dạ hẹp hòi, nàng rất mang thù.
Năm xưa bởi vì việc này mà nàng biến thành trò cười từ đầu đường xuống cuối ngõ. Còn Lương Nguyên Kính lại được người đương thời tán thưởng ‘Ngay thẳng chính trực, không sợ quyền thế’, ‘Có bản lĩnh’, người ở thành Đông Kinh tuyên dương chiến tích của chàng, làm sao nàng có thể không tức giận chứ?
Cho nên sau này nàng luôn năm lần bảy lượt chọc ghẹo chàng, trả thù chàng, kết quả chỉ là hiểu lầm mà thôi!
“Nực cười!”
A Bảo trong cơn giận dữ đập bàn đứng lên: “Vị cấp trên kia của anh là ai vậy? Tên gì? Là cái ông già râu dài họ Tần phải không? Tôi muốn đánh ông ta đến mức con cháu nhận không ra!”
Người đi đường xôn xao nhìn ngó nàng, Lương Nguyên Kính vội vàng kéo nàng ngồi xuống, rót thêm chén trà giúp nàng hạ hoả: “Ông ấy về quê dưỡng già lâu rồi, không phải Tần Học chính, em nhất định đừng đánh người ta!”
A Bảo uống ngụm trà sau đó đập chén trà lên bàn thật mạnh, cả giận: “Anh cũng dễ bị chơi quá đi, ai cũng có thể gạt anh, hừ! Nếu không phải tôi tốt tính, sao anh có thể sống tới hôm nay chứ?”
Lương Nguyên Kính nghe vậy cười cong cả mắt: “Phải, là nhờ em tốt tính.”
Thiếu chút lăn lộn tới chết, nhưng thật sự ‘tốt tính’ mà.
Mặt trời chiều ngả về tây, Lương Nguyên Kính đứng dậy tính tiền, hai người đi về nhà.
Lúc này A Bảo đã về lại thành linh hồn, nằm trên lưng con lừa, bắt chéo khua khua chân ngắm bầu trời.
Mây tía giăng đầy trời, xung quanh đều có người trên đường về nhà, ra khỏi thành, hai bên núi cao xanh, xa xa có thể trông thấy khói bếp lượn lờ bay lên từ thôn trang.
A Bảo ngâm nga bài ca dao nào đó, chợt nghe Lương Nguyên Kính hỏi: “A Bảo, em có tâm nguyện không?”
“Có chớ,” A Bảo nói, “Xông vào đại nội, giết sạch cả Triệu Tòng và đám nữ nhân của hắn, châm lửa đốt hoàng cung. Sau đó buộc râu của mấy gián quan Ngự Sử Đài, treo lên hành lang Trung Thư tỉnh [3] hong khô ba tháng.”
[3] Cơ quan hành chính chịu trách nhiệm soạn thảo và ban hình chiếu chỉ của hoàng đế.
“……”
Lương Nguyên Kính dừng bước, bất đắc dĩ nhìn nàng: “Đừng nói bậy.”
A Bảo cười, nàng nói giỡn thôi mà.
“Anh tin lời Giác Minh hoà thượng nói, muốn tôi thực hiện tâm nguyện lúc còn sống để tôi được đi đầu thai đúng không?” Nàng ngồi dậy hỏi.
Lương Nguyên Kính gật gật đầu.
A Bảo mím môi mấy lần, vốn định nói, như bây giờ không tốt sao? Nhưng mà lời này không nên hỏi ra miệng, một khi đã hỏi sẽ thật sự trở nên chấp niệm thế gian.
Còn nữa, Lương Nguyên Kính chàng đang sống yên ổn, dựa vào đâu phải ở cùng một quỷ hồn như nàng?
Hiện tại chàng cũng sắp thành người điên trong mắt kẻ khác rồi. Mỗi ngày cứ lầm bà lầm bầm, Dư lão luôn sốt ruột lắng lo nhìn chàng, sợ chàng bị bệnh gì đó khó trị.
Không thể vậy được, Lương Nguyên Kính cần phải có cuộc sống riêng cho mình, mai mốt còn phải cưới vợ, sinh con đẻ cái. Giống như người bình thường yên bĩnh sống hết quãng đời, nói không chừng còn may mắn hơn cưới được người chàng thầm thích.
Mà nàng, thì phải rời đi.
A Bảo cúi đầu, rõ làm quỷ hồn không có nước mắt, nhưng không biết thế nào lại luôn có cảm nhận nước mắt muốn tràn mi rơi xuống.
Nàng khẽ mỉm cười nói: “Tâm nguyện à, không biết nữa, chắc là ăn một chén mì ruột dê, đó là tâm nguyện chưa làm xong của tôi.”
Phía chân trời có chim bay về tổ, vỗ vỗ cánh bay vào trong núi rừng.
Lương Nguyên Kính muốn nói lại thôi, liếc mắt nhìn nàng một cái, không nói gì.
**
Màn đêm buông xuống, đến trước khi vào giấc A Bảo mới nhớ ra một chuyện: “Đúng rồi, nghe Dư lão nói, anh là người Dương Châu à?”
Lương Nguyên Kính khựng hành động cởi áo ngoài sau bình phong lại, đáp: “Ừm, người Giang Đô Dương Châu.”
“Tôi cũng là người Dương Châu đó,” A Bảo vui mừng nói, “Một nửa là người Dương Châu, nè, anh biết Minh Thuý phường không?”
“Biết.”
A Bảo thầm nghĩ đến cả đệ nhất kỹ quán Dương Châu anh cũng biết, ngày thường chắc không ít lần vẽ chân dung có các nương tử nổi tiếng.
Vừa nghĩ, năm đó mình cũng được coi có chút danh tiếng, sao chưa gặp qua Lương Nguyên Kính lần sao nhỉ?
Nàng mang theo tâm lý thích khoe khoang, nói với Lương Nguyên Kính: “Kể cho anh nghe, năm đó tôi là người đứng đầu trong số nương tử của Minh Thuý phường đó. ‘Ngũ Lăng thiếu niên tranh giành quấn quýt’ [4], cảnh tượng đó không phải tôi tự bịa đâu, ngoài tôi ra cũng không ai làm được. Ngay cả Đại nhân Tri châu còn muốn mời tôi về phủ đàn tỳ bà, tôi cũng cần suy xét thêm chút nữa đấy.”
[4] Ý được các thiếu niên con nhà giàu thích, săn đón.
Năm xưa, A Bảo cùng anh trai Lý Hùng chạy trốn về phía đông, anh em hai người không biết nếm bao nhiêu đau khổ, vất vả lắm mới tới được Dương Châu.
Lúc đó phủ Dương Châu đuợc mệnh danh là ‘danh đô phía bắc Hoài’, trực thuộc đông lộ Hoài Nam, quản lý năm huyện: Giang Đô, Quảng Lăng, Thiên Trường, Thái Hưng, Cao Bưu cùng với Lưỡng Chiết, phía đông Giang Nam cũng được gọi là ba đường giàu có nhất thiên hạ. Hơn phân nửa thuế má của quốc triều đều từ đó mà ra, có thể nói là nơi thương nhiên phát đạt, tàu xe ngày đêm không ngơi, người đương thời miêu tả ‘dưới hoàng hôn muôn thuyền thương nối đuôi nhau, thành phố ngấm gió xuân rượu cũng đầy lò’.
Tuy nhiên, sống ở Ngô Trung không hề dễ dàng. Dương Châu gặp tai hoạ chịu thiệt ít hơn nên có rất nhiều người dân chạy nạn mãnh liệt tiến vào, giá hàng trong thành tăng cao, lương quế hạt gạo, người chết đói rét rã rời.
Lý Hùng vốn là thợ bạc, dựa vào tay nghề chế tạo trâm cài trang sức cho nhà giàu, nhưng vào thời gian loạn lạc, người người đều giãy giụa vì cơm no áo ấm, làm gì dư dả mà đi chế bạc.
Hơn nữa mới tới Dương Châu, lạ nước lạ cái, không có nguồn khách cố định, uổng cho tay nghề của Lý Hùng, hết cách nuôi sống mình lẫn A Bảo, cùng đường lắm chỉ có thể bán A Bảo vào Minh Thuý phường.
Nói là ‘bán’ nhưng lại giúp A Bảo sống sót.
Thành Dương Châu tuy nhiều nhà phá sản, dân đói rải rác khắp nơi, nhưng quý nhân nhà quan vẫn thường hay lui tới, nên hưởng thụ cái gì thì hưởng.
Hai bên con sông nhỏ Tần Hoài, toàn là hoa lâu quán rượu, đàn sáo sênh ca liên tục rót vào tai, trên mặt sống, thuyền hoa san sát nhau, xa hoa truỵ lạc cả đêm không nghỉ.
Minh Thuý phường là kỹ quán có tiếng tăm vang dội nhất Dương Châu. Nổi nhất là Thôi Tiểu Ngọc, diện mạo quyến rũ, giỏi văn thơ kéo thi hoạ, được khen ngợi ‘Xinh đẹp tài giỏi’, khiến cho tài tử tám phương tranh nhau tìm gặp.
Sau khi A Bảo bị bán vào Minh Thuý phường, bị cử đến hầu hạ bên cạnh vị Thôi nương tử.
Nàng không bán thân, bởi vì chiếu theo luật pháp Đại Trần, ca kỹ thuộc vào tiện tịch, địa vị xã hội thấp hơn người ta một bậc.
Đây là do Lý Hùng chừa cho nàng con đường lui, mỗi ngày anh đều ra bến tàu phụ khuân vác, chờ có đủ tiền rồi sẽ chuộc A Bảo ra, đón cô ra sống cho đàng hoàng.
Một năm đó, A Bảo vừa mới mười lăm tuổi, đúng vào những năm tháng ngây thơ hồn nhiên.
Suốt ngày chạy xuôi chạy ngược ở Minh Thuý phường cũng không thấy mệt, Thôi nương tử thường hay véo nhẹ mũi nàng, ‘Giống cún con quá’.
Ma ma trong lâu thích nàng, nhóm nương tử thích nàng. Ngay cả đầu bếp nhóm lửa nấu cơm cũng thích nàng, biết nàng thích ăn giò ninh tương, cố ý giữ lại một cái, chờ đến đêm sẽ cho nàng ăn bữa khuya.
Ngày nào a ca cũng xuống bến tàu làm việc, cũng sẽ mang theo chút điểm tâm ngọt tới thăm nàng, bảo nàng đừng quậy quọ kẻo chọc giận Thôi nương tử, phải ngoan ngoãn nghe lời ma ma.
A Bảo vừa ngồm ngoàm điểm tâm vừa ‘dạ’ cho có lệ. Trong lòng lại nghĩ, Thôi nương tử sẽ không giận nàng đâu, Thôi nương tử thích nàng nhất.
Năm đầu ở Dương Châu trôi qua như vậy.
Đông đi xuân tới, dân đói trong thành ngày càng ít đi, gần Hồ Tây Gầy xuất hiện thêm nhiều cặp giai nhân tài tử đi chơi chung, 24 cây cầu tấp nập du khách.
A Bảo sang năm mười sáu tuổi, người dần nảy nở, đầu cũng cao hơn, không còn là bộ dáng trẻ con như lúc trước nữa.
Nàng trở thành một viên ngọc thô chưa được mài giũa, bắt đầu tỏa ra hào quang chói mắt, bầu bạn dự tiệc chơi xuân cùng Thôi nương tử, càng thu hút thêm nhiều ánh mắt ngạc nhiên dừng trên người nàng.
Thường có người chỉ vào nàng hỏi: “Tiểu nương tử ôm đàn tranh bên cạnh Thôi nương tử là ai vậy?”
Ma ma khôn khéo của Minh Thuý phường đã nhìn ra cơ hội kinh doanh mới, bắt đầu đào tạo A Bảo chơi nhạc.
‘Minh Thuý phường’ ⎯⎯ từ câu thơ của Đỗ Phủ, “Hai cái oanh vàng chuyền liễu biếc, Một đàn cò trắng vạch trời xanh”, vốn dĩ đã nổi danh khắp Dương Châu về nghệ thuật âm nhạc.
*Trích từ bài Tuyệt cú bốn bài kỳ 3 – Đỗ phủ và bản dịch của Nhượng Tống, thivien.net.
Phần lớn các nương tử trong lâu đều thông hiểu nhạc nghệ, ít nhất biết chơi một hai món nhạc cụ. Như Thôi Tiểu Ngọc chơi đàn tranh, nhưng cầm nghệ của nàng ấy cũng không phải đặc biệt xuất sắc, bù qua sớt lại với tài nghệ thi hoạ của mình mà thôi.
Ma ma thường ngầm hận dưới tay mình không dạy ra vị nương tử nào có nhạc nghệ nổi tiếng vang thiên hạ, khiến cho Minh Thuý phường mấy năm này dần dần suy thoái, cạnh tranh không lại mấy cái kỹ quán mới mở bên bờ sông nhỏ Tần Hoài, chính chắn đường hoàng mở ngay bên cạnh.
A Bảo vốn tinh thông âm luật, nàng từ năm ba tuổi đã đi theo vị nữ nghệ sĩ đất Thục học tỳ bà.
Lúc còn ở quê, nàng thường hay ôm tỳ bà lên phố bán nghệ, ca ca Lý Hùng ở sạp bên cạnh gõ đồ bạc, vừa trông nom nàng tránh bị mấy tên lưu manh đầu đường làm phiền.
Sau mười năm mài giữa, tài nghệ tỳ bà của A Bảo đã đạt đến trình độ cao thâm. Ngay cả sư phụ già ma ma phái tới nghe nàng đàn một khúc tỳ bà xong cũng nói mình không còn chỗ nào để dạy nữa.
Ma ma vui mừng khôn xiết, kêu Thôi nương tử mang nàng tham gia yến hội của mấy quý nhân quan lớn, lúc Thôi nương tử ngâm thơ, nàng sẽ phụ đàn trợ hứng.
Sau quãng thời gian đó, A Bảo càng lúc càng nổi tiếng, người nào cũng biết tỳ bà nữ ở Minh Thuý phường. Cầm kỹ cao siêu, nhan sắc khuynh thành, kể cả vị Thôi nương tử ‘xinh đẹp tài giỏi’ còn không bằng.
Từ đó về sau, khách nhân hâm mộ danh tiếng của A Bảo đến nghe đàn tỳ bà nhiều đột biến.
Nhưng dịp thật sự khiến A Bảo thành danh là vào vạn hoa yến tại phủ Thái thú Dương Châu.
**
Tác giả có chuyện nói:
Tôi giải thích một chút về chuyện Lương Nguyên Kính từ chối vẽ tranh cho tân hậu.
Nói cách khác, bạn là tay mơ mới nhậm chức, thứ hai phải tổ chức đại hội nhân viên, nhưng trùng hợp bạn bị bệnh, đồng nghiệp khuyên bạn nghỉ ngơi, dù sao ông chủ cũng là người tốt sẽ không so đo đâu, bạn cũng bệnh mệt không dậy nổi nên xin nghỉ ngay.
Không ngờ kết quả là, ông chủ không so đo, phó tổng lại tức giận, bởi vì anh ta là ‘con ông cháu cha’, vốn đã bị người ta nói ‘nhờ vào quan hệ’ nên trong lòng đã ngấm tức, tiệc nhân viên quan trọng sao bạn không tới? Được rồi, vậy chịu trận dài dài đi.
Lương Nguyên Kính cái người này, bạn nói chàng ngốc tôi không đồng tình, chỉ có thể nói chàng tâm tư đơn thuần trong sáng, không hiểu chốn quan trường vòng vo đó, cho nên dễ bị người ta hố.
Mặc khác, trước khi chàng tiến cung cũng không biết Hoàng hậu là A Bảo, đừng quên, A Bảo lấy tên ‘Lý Uyển’ để vào cung.
Cho nên mới phải cảm thán một câu: Thế gian chưa bao giờ thôi chuyện trời xui đất khiến, bình thường mà hen.