Phế Hậu A Bảo - Đao Thượng Phiêu

Chương 42

Mùa đông Hữu An năm thứ sáu, Lương Nguyên Kính phiêu bạc bên ngoài ba năm trở lại Dương Châu.

Một năm này chàng đã đến độ nhược quán, bạn bè cùng trường ở độ tuổi này đã là cha của hài tử, chàng vẫn còn lẻ loi một mình, cũng không mang công danh trong người. Nhưng bởi vì gia thế tốt, tướng mạo xuất sắc, bà mối đến nhà làm mai vẫn đạp vỡ ngạch cửa như cũ.

Chàng là con một trong nhà, gánh vác trọng trách nối hương khói. Lương phụ muốn cưới vợ cho chàng, chàng lại một mực cự tuyệt, cha già tức giận đến mức lại đuổi chàng ra khỏi nhà.

Bạn bè bị cha gây áp lực nên không dám trợ giúp chàng, chàng không có chỗ để đi, đành nhờ ca kỹ ngày xưa nhờ vẽ tranh thu nhận bên kỹ quán bờ sông nhỏ Tần Hoài.

Có kỹ nữ tên ‘Oanh Oanh’ từng hỏi chàng vì sao chưa thành thân.

Chàng chỉ cười bâng quơ không nói gì.

Oanh Oanh lại cẩn thận hơn hỏi: “Mai sau công tử muốn cưới người như thế nào?”

Lương Nguyên Kính thẫn thờ vẽ tranh, muốn cưới người như thế nào?

Chẳng hiểu sao trong đầu hiện lên dáng vẻ người nọ, bộ váy đỏ rực như lửa, cổ tay đeo ba vòng bạc, cười rộ lên như tiếng chuông bạc, tức giận rồi ánh mắt đượm vẻ giận dỗi, mặt mũi ẩn chứa nét đẹp tuyệt trần. Có lẽ bản thân vẽ cho nàng nhiều lần quá nên mới không ngừng nhớ về nàng.

Trong lúc chàng đang lạc vào cõi thần tiên, các nương tử còn lại đang sôi nổi trêu ghẹo Oanh Oanh: “Đừng nghĩ nữa, Lương công tử cưới ai cũng sẽ không cưới cô đâu, mệnh ca kỹ còn mỏng hơn giấy nữa, huống chi vọng tưởng làm phượng hoàng bay lên cành cao.”

Gương mặt đẹp của Oanh Oanh ửng đỏ, không lo nhỏ giọng phản bác: “Ai… Ai muốn gả chứ? Hơn nữa, ca kỹ thì làm sao, vị kia ở Minh Thuý phường không phải cũng gả cho Vương gia à?”

Các nương tử cười nói: “Ha, không biết trời cao đất dày, cô có thể so với vị kia chắc?”

Có người thấy Lương Nguyên Kính lâu rồi không ở Dương Châu nên có rất nhiều chuyện mới mẻ chưa biết liền giải thích cho chàng.

Tỳ bà nữ nổi tiếng ở Minh Thuý phường bên cạnh vậy mà được nhận Tri châu Lý Kỳ làm cha nuôi, gả cho Tuyên Vương đang công tác tại Dương Châu.

Lễ thành thân được tổ chức vào mùng tám tháng chín, tình cảnh kia rất chấn động, người dân nửa thành Dương Châu này đều chen tới đó xem, tỳ bà nữ cũng trở nên truyền kỳ và là tấm gương sáng cho các nàng noi theo.

Một vị nương tử am hiểu âm luật nói sang, năm xưa vị tiền bối này đàn khúc tỳ bà danh chấn Dương Châu, ngay cả danh kỹ Thôi nương tử ‘xinh đẹp tài giỏi’ cũng không bằng, chỉ tiếc nàng ấy tới trễ chưa có dịp may mắn được nghe thử.

Lương Nguyên Kính hỏi ngay, tỳ bà nữ đó tên là gì.

Nhóm nương tử  đùn đẩy nhau, miệng kín như bưng, thì ra Tri châu Lý hạ lệnh nghiêm, không được đàm luận chuyện cũ của tỳ bà nữ trên phố. Người ta đã bay lên cành cao làm Vương phi rồi, trở thành quý nhân kim chi ngọc diệp rồi, thân phận ca nữ thật sự không nên nói ra ngoài miệng.

Lương Nguyên Kính cũng không mở miệng truy hỏi, dù gì đời này của chàng đã sớm nghe qua khúc tỳ bà êm tai nhất thế gian.

Chàng đứng dậy đi xuống cầu thang, vịn lan can đưa mắt trông về phía sông nhỏ Tần Hoài xa xa, tiệm rượu hai bên bờ san sát nhau, mặt sông sóng nước óng ánh, dãy núi trập trùng liền kề, phía chân trời có đàn chim nhạn bay ngang qua.

“Có câu: Khuất bóng vạn tầng mây. Ngàn non tuyết muộn, Bóng lẻ về đâu chứ?” [1]

[1] Mô ngư nhi – Nhạn khâu – Nguyên Hiếu Vấn và bản dịch của Như Quy, thivien.net.

Tuyết đọng tan, chim nhạn về bắc, hoa hạnh Giang Nam nở.

Mùa xuân lại đến.

**

Tháng chạp năm Minh Quang thứ ba, Thái Tông từ thế, Tuyên Vương đăng cơ làm đế, năm sau sửa thành năm Hi Hoà, ai ai cũng trăm công ngàn việc.

Năm ấy, Lương Nguyên Kính vẫn du ngoạn về phương nam thuận tiện tiếp tục tìm kiếm A Bảo.

Giữa tháng hai mùa xuân, chàng đi qua Cửu Ngải Sơn Vĩnh Châu, trên đường đi gặp mưa to. Lúc trú mưa dưới miếu tàn gặp được Giác Minh hoà thượng tới đó tránh mưa như mình.

Cả hai vừa gặp đã thân, trò chuyện với nhau rất vui vẻ.

Giác Minh giống chàng, tính tình quen sống tự do như chim chóc trên trời, dấu chân in khắp nơi trong thiên hạ. Lương Nguyên Kính như thường lệ lấy bức tranh vẽ A Bảo từ trong túi ra, mời y nhìn xem trong lúc đi đây đi đó có từng nhìn thấy nàng chưa.

Cũng như những người chàng từng hỏi qua, hoà thượng lắc đầu nói chưa thấy bao giờ.

Lương Nguyên Kính đã hỏi người khác hàng trăm hàng ngàn lần, cũng nhận được câu trả lời phụ định hàng ngàn hàng trăm lần. Đáy lòng sẽ không thất vọng nhiều như lần đầu, chỉ cất bức tranh vào lại túi, yên lặng thẫn thờ nhìn mưa xuân to bên ngoài miếu.

Hòa thượng ngồi cách đống lửa chợt hỏi chàng: “Tiểu cô nương ôm tỳ bà này là gì của cậu?”

Là gì của chàng?

Câu hỏi này Lương Nguyên Kính không trả lời được.

Là người xa lạ chàng gặp được trên đường nơi đất khách quê người, như bèo nước gặp nhau, nhưng hình như không chỉ dừng lại tại đó, A Bảo giống như nét bút thanh vĩnh viễn không phai, mãi mãi lưu lại trong cuộc đời của chàng.

Chàng muốn tìm tiểu cô nương này, muốn dẫn nàng đi ngắm hoa thược dược Dương Châu, đi ngắm trăng sáng hai mươi tư cây cầu, đạp tuyết tìm mai trong Tiểu Kim Sơn ở Hồ Tây Gầy, đi ăn tất cả món bánh ngọt mà nàng thích.

“Là người tôi không quên được.” Chàng nói thế với hòa thượng.

Hôm sau, chàng cùng Giác Minh hoà thượng đi thuyền lên phía bắc, tham gia cuộc thi vẽ tranh của năm ở Đông Kinh.

Sau khi tân đế lên ngôi, tích cực nâng đỡ xây dựng hoạ viện, cũng chính thức đưa hoạ học vào trong khoa cử chế. Tranh vẽ không được coi là kỹ xảo tầm thường nữa, mà những người giỏi hội hoạ còn có thể thông qua nét bút nét mực giành lấy công danh vào triều làm quan.

Lương phụ đã hết mơ chàng ‘áo tím túi vàng’, Lương Nguyên Kính có thiên phú vẽ tranh nên ông yêu cầu con trai thi đậu đạt công danh quay về.

Rốt cuộc Lương Nguyên Kính cũng tìm thấy con đường chân chính thích hợp với mình. Trong cuộc thi tuyển chọn hoạ viện, bức hoạ ⟪Chùa vắng trong núi sâu⟫ của chàng có ý tưởng sâu xa, bút tháp thâm hậu, kỹ thuật khiến mọi người kinh ngạc, được Kim Thượng khâm điểm làm Trạng Nguyên, bổ nhiệm làm Hàn Lâm Đãi Chiếu, tiến vào cục tranh vẽ đảm nhiệm chức vụ. Từ đó danh tiếng vang khắp kinh thành, người người ngưỡng mộ.

Chàng thành công rực rỡ khiến quan trưởng hoạ viện ghen ghét, sau khi chàng được gọi vào cung vẽ tranh cho tân hậu, hoạ học chính cật lực xúi giục chàng từ chối chiếu chỉ, Kim Thượng niệm tình chàng mắc bệnh sẽ không so đo với chàng đâu.

Khi đó xác thật chàng mang bệnh nặng, bởi vì lúc trước ở Xuyên Thục không chữa trị kịp thời, mắc phải bệnh phổi nghiêm trọng, mùa thu đông mỗi năm trời chuyển lạnh đều sẽ tái phát, nhẹ thì ho khan ra máu, nặng thì sốt cao không giảm.

Đợi cho sức khỏe cuối cùng cũng có chuyển biến tốt đẹp thì người nào cũng vui sướng khi thấy người gặp hoạ, đều dùng ánh mắt ‘anh xong rồi’ nhìn chàng.

Chàng mờ mịt khó hiểu, nhờ đồng liêu tốt bụng nói cho biết, lần này chàng từ chối vẽ tranh, đắc tội rất lớn với vị tân hậu trong cung kia, phụ nhân vốn lòng hẹp hòi, càng miễn bàn vị tân hậu quốc triều xuất thân tầm thường này, có thù tất báo, nàng nhất định sẽ không tha cho chàng.

Trước lúc đi, đồng liêu còn thương hại vỗ vỗ vai chàng, nói chàng tự cầu phúc cho mình đi.

Thật ra Lương Nguyên Kính nghe qua không ít sự tích về vị tân hậu này, đầu đường cuối ngõ thành Đông Kinh đều đàm luận giai thoại chuyện lạ về nàng, nói nàng xuất thân hàn vi, vốn là ca kỹ lấy sắc thờ người ở thành Dương Châu, chả biết vận khí đâu tốt lợi dụng quan gia chưa lên ngôi đã bò lên long sàng. Từ đó biến thành phượng hoàng bay lên cành cao.

Kim Thượng trọng tình cũ, mặc kệ quần thần phản đối, lập nàng thành Hoàng hậu, con hát ưu tú kỹ quán mà lại trở thành chi mẫu một nước, quả thực là trò cười lớn nhất thiên hạ.

Lương Nguyên Kính biết được chuyện mình đắc tội với Hoàng hậu, ngược lại cũng không kinh hoàng sợ hãi như mọi người tưởng tượng.

Chàng điềm tĩnh thản nhiên chờ tân hậu trả thù, nếu muốn phế chức quan thì chàng sẽ tay không trở về Dương Châu. Dù sao chốn quan trường phức tạp, giao du tới lui không thể mình sao họ vậy, người nào nói chuyện y như chơi đánh đố, chàng sớm đã nổi lòng phiền chán rồi.

Nếu nghiêm trọng hơn chút, tân hậu muốn lấy đầu chàng, vậy cũng chẳng hề hấn chi, cho nàng là được.

Chỉ là trước lúc chết không tìm thấy A Bảo cũng xem như chuyện đáng tiếc trong lòng chàng.

Cứ như vậy chờ đợi, cuối cùng đến ngày mùng hai tháng mười, chàng chờ Hoàng hậu triệu lệnh.

Đó là ngày đầu đông thời tiết rất đẹp. Vào Tết Dương Xuân tháng mười, bầu trời xanh thăm thẳm, ánh nắng chói chang hoà thuận, chiếu rọi khắp đầu vai, trăm hoa trong ngự hoa uyển chưa héo úa, hoa hồng, hoa nhài, dâm bụt, mai vàng sớm đông, còn có cây đan quế, hương hoa thấm vào ruột gan.

Chàng đứng dưới tàng cây, eo mỏi lưng đau, buộc phải ngửa cổ giảm nhức.

Chàng đánh giá cao thủ đoạn trả thù của Hoàng hậu, không chỉ không cho chàng ghế để ngồi còn cố tình bày bàn lùn tới vậy, ép chàng phải khòm lưng vẽ tranh. Vẽ xong bức tranh tất nhiên eo cổ cứng đờ như đá, thủ đoạn ‘trừng phạt’ thế này, so với bãi quan hay muốn mạng chàng thì nhẹ hơn rất nhiều, thậm chí……

Còn tàng ẩn chút ấu trĩ.

Nhưng thật ra rất giống chuyện người nọ trong trí nhớ chàng sẽ làm ra.

Nghĩ đến đây, Lương Nguyên Kính cầm lòng không đậu nhếch khóe miệng để lộ ra ý cười.

Chợt nghe sau lưng có tiếng ngọc bội leng keng truyền đến, Lương Nguyên Kính thôi cười xoay người lại, sau đó là hình ảnh mà cả đời này chàng không thể quên được.

Chàng đi khắp chân trời góc bể, nhiều năm tìm kiếm tiểu cô nương trong trí nhớ thích cười thích nghịch, tiểu cô nương ríu rít nói năng không ngừng, cứ như vậy đứng trong bụi hoa sặc sỡ, đầu đội châu ngọc quý giá sang trọng, đoan trang ung dung chầm chậm đi lại gần mình.

Ánh mặt trời xuyên qua cành lá, loang lổ chiếu trên sườn mặt trắng nõn của nàng, nhìn qua như một giấc mộng dài, chàng nghe thấy thị nữ bên cạnh gọi nàng ⎯⎯

“Hoàng hậu nương nương.”

A Bảo, là vị tỳ bà nữ đàn một khúc danh chấn Dương Châu.

A Bảo, là vị Hoàng hậu quốc triều mới lập có xuất thân ca nữ bị đầu đường cuối ngõ nghị luận xôn xao.

Bổn cung lệnh ngươi hoạ thưởng thức cảnh thu, sao chỉ thấy ngươi hoạ hoa cỏ sum suê, không thấy bổn cung đâu, từ ‘thưởng’ liền biến mất, Lương đại nhân, là mắt ngươi mù, hay do mắt ngươi cao hơn trán, không chứa nổi Hoàng Hậu là ta đây?”

Nàng đứng ở chỗ đó, kiêu ngạo lẫn ương ngạnh chất vấn chàng, dùng ánh mắt nhìn người xa lạ mà nhìn chàng, tuy khoé miệng không cười nhưng mặt mũi đều ẩn hiện ý cười ranh mãnh.

Nàng cao hơn, nảy nở hơn, còn……

Không nhận ra chàng.

Lương Nguyên Kính nén mưa to gió lớn xuống đáy lòng, cụp mị hạ thấp mắt đáp: “Ta có vẽ.”

Chàng ngước mắt lên, giọng nói cay đắng, trì trệ gọi cái xưng hô kia: “Hoàng hậu nương nương⎯⎯”

“Có ở trong bức hoạ.”

Màn đêm buông xuống, về đến nhà.

Lương Nguyên Kính lục tung khắp nơi tìm bức họa từng vẽ A Bảo trong suốt mấy năm qua, ném từng bức vào trong chậu than đốt cháy toàn bộ.

Sai rồi, vẽ sai rồi.

Chàng vẽ tiểu cô nương dựa theo bóng dáng trong ấn tượng chính mình. Nhưng nàng đã sớm trưởng thành, mặt mũi không còn nét trẻ con nữa, quả nhiên dung mạo khuynh thành như chàng từng dự đoán.

Nàng trổ mã thậm chí còn động lòng người hơn so với tưởng tượng của chàng.

Lương Nguyên Kính nhấc bút, chấm thuốc màu, vẽ từng nét từng nét lên giấy Tuyên Thành, vẽ lại dáng vẻ hiện giờ của nàng.

Đợi sau khi vẽ xong, chàng cúi đầu nhìn nó, buồn bã mất mát, lòng ngực bỗng nhiên truyền đến loại cảm giác đau như bị dao đâm vào, cổ họng nảy lên vị tanh ngọt, ‘phụt’ miệng phun ra máu. Trùng hợp dính lên bức hoạ vừa vẽ xong, làm bẩn mỹ nhân cười mỉm chi trong đó.

Bình Luận (0)
Comment