Quốc Vương Có Đôi Tai Lừa - Thất Bảo Tô

Chương 1

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Xuân Tảo đang cắn miếng táo giòn mẹ mới gọt xong, nghe thấy mẹ vừa lau sàn vừa giận dữ gọi điện với chủ nhà

Điện thoại đặt trên bàn ở chế độ loa ngoài, nên cô nghe được toàn bộ cuộc đối thoại.

Xuân Sơ Trân mặt đầy bất mãn, lau nhà với tư thế như cày ruộng, muốn cạo trụi lớp gạch men sứ thành một lỗ:

“Kỳ nghỉ hè trước cũng không nói với tôi là sẽ có một nam sinh đến ở, cô làm vậy chẳng khác nào tiền trảm hậu tấu sao?”

Chủ nhà dịu giọng: “Chị à, em nói thật với chị, người ta cũng gấp lắm, xung quanh không còn phòng trống, tìm mãi mới được chỗ của em. Chị không phải cũng vì con đi học tiện đường nên mới đến thuê nhà của em sao, đều là phụ huynh cả, sao không thông cảm cho nhau chứ?”

“Sao cô không thông cảm cho tôi? Nam nữ ở chung có bao nhiêu bất tiện cô không biết sao?” Lý do này rõ ràng không thuyết phục được Xuân Sơ Trân: “Nhà cô đâu phải biệt thự cao cấp gì, tổng cộng có mỗi một phòng tắm, ký túc xá trong trường còn phân nam nữ, sao đến người này lại xằng bậy thế.”

Bà tỏ vẻ lo lắng: “Con gái tôi học giỏi lắm, ai biết đứa đến ở là loại người nào, mấy người thuê trước ít nhất cũng là học sinh lớp 12, biết chăm chỉ học hành.”

Giữa lúc chất vấn, chủ nhà lập tức nói tiếp, giọng càng nhấn mạnh: “Chuyện này chị yên tâm, học sinh sắp chuyển đến này, em nghe bố cậu ấy nói – từ lớp 10 đã đoạt huy chương vàng Olympic Toán học, suýt được vào đội tuyển, thành tích ấy – còn phải nói không?”

Vừa dứt lời, Xuân Sơ Trân sững người, chống cây lau nhà đứng im.

Xuân Tảo đang ăn táo cũng nhai chậm lại.

Nuốt miếng táo xong, cô nhìn về phía mẹ, đúng lúc mẹ cũng đang nhìn chằm chằm cô, không biết nên nói gì tiếp.

Chủ nhà vẫn lải nhải: “Em biết con gái chị học giỏi, nhưng cậu bé này cũng không phải dạng vừa đâu, một chân đã bước vào cửa trường danh tiếng rồi, làm sao có thể ảnh hưởng đến con gái chị được? Em thấy chị lo quá nhiều thôi. Người muốn thuê nhà của em xếp hàng đến tận 5 năm sau, nếu chị thật sự không hài lòng, có thể trả phòng rồi tìm chỗ khác.”

Nghe vậy, Xuân Sơ Trân kích động tiến lên vài bước, cầm điện thoại: “Gì cơ? Cô này…”

Chủ nhà hạ giọng xuống, nhưng ý vẫn không đổi: “Thế nhé chị, chiều em dẫn người qua.”

Nói xong liền cúp máy.

Xuân Sơ Trân hít một hơi dài, quay sang nhìn con gái: “Con thấy cô ta chưa!”

Bà túm tóc bực bội: “Đúng là tức chết mẹ!”

Xuân Tảo vẫn giữ vẻ mặt bình thản, lật miếng táo sang mặt khác: “Cô ấy chỉ thông báo cho mẹ thôi, có ý định thương lượng đâu. Thôi bỏ đi mẹ, đừng tức nữa.”

“Mẹ còn không phải sợ con ở không thoải mái sao.”

“Dù sao phần lớn thời gian cũng ở trường học, con không sao đâu.”

Con gái thích nghi với mọi hoàn cảnh trong mắt Xuân Sơ Trân không khác gì đang cố nén chịu đựng. Bà càng thêm bực bội, trút giận lên đối tượng: “Mẹ muốn xem thử cái gì mà học sinh đoạt giải quốc gia, biết bên cạnh là nữ sinh mà vẫn cứ nhất định chen vào ở, mẹ thấy chính là gia đình có vấn đề về tư tưởng… Học giỏi mấy thì ích gì…”

Bà càm ràm không ngừng, chưa gặp mặt người thuê mới đã vội quy kết cậu ta và cả gia đình vào hạng người không thể cứu vãn.

Xuân Tảo nửa câu không tiếp, rũ mắt, chậm rãi gặm sạch sẽ phần thịt táo, rồi vứt hạt, đi rửa tay.

Suốt buổi sáng dọn dẹp, nên bữa trưa hai mẹ con cũng đơn giản, chỉ làm hai bát mì hành phi*.

*nhìn cũng ngon ha

Xuân Sơ Trân rất giỏi phi hành, từ cắt hành, canh dầu, đến pha nước sốt, đều cực kỳ chuẩn, chỉ trong chốc lát, cả căn nhà đã tràn ngập hương thơm.

Mùi thơm này đến tận chiều vẫn chưa tan hết.

Chủ nhà dẫn người vào nhà, ngửi ngửi mấy cái rồi hỏi: “Chậc, trưa nay các chị nấu gì mà thơm thế?”

Xuân Sơ Trân ngồi như bức tượng đá giữa phòng khách, lặng lẽ đánh giá đôi vợ chồng đi cùng chủ nhà.

Một nam một nữ, đều trung niên. Người đàn ông mặc sơ mi xám, đeo kính, trông thanh tú văn nhã; người phụ nữ mặc bộ váy vàng, da mặt trắng mịn như ngọc, khí chất ôn hoà vui vẻ, tay trái còn dắt một bé trai, cao chỉ tới eo bà, trông bụ bẫm đáng yêu, thoạt nhìn bốn năm tuổi.

Chắc chắn không phải đứa bé này.

Xuân Sơ Trân nhíu mày, đứng dậy bước tới.

Thái độ chủ nhà còn mềm mỏng hơn lúc nói chuyện điện thoại, trước tiên gọi người: “Chị ơi, Xuân Tảo nhà chị đâu?”

Xuân Sơ Trân lạnh lùng đáp: “Nó ngủ trưa.”

“Xuân Tảo?” Người đàn ông bên cạnh chủ nhà mỉm cười hỏi: “Con gái cô tên là Xuân Tảo sao?”

Ông ta có tướng mạo không tệ, mày mắt sâu nhưng hiền hoà, thái độ cũng lịch sự. Xuân Sơ Trân trong lòng bớt ác cảm đi một chút, gật đầu xác nhận.

“Là tên đầy đủ? Họ Xuân?” Người đàn ông tò mò.

Chủ nhà đáp: “Đúng vậy, Xuân trong mùa xuân đấy, họ này hiếm thấy nhỉ!”

Người phụ nữ phụ hoạ: “Đúng là lần đầu tiên gặp.”

Người đàn ông nhìn về phía Xuân Sơ Trân, ánh mắt qua tròng kính vẫn trong sáng. Ông tự giới thiệu: “Tôi họ Nguyên,” rồi ôm vai người phụ nữ bên cạnh: “Đây là vợ tôi.”

Cuối cùng hạ mắt, chỉ xuống đứa bé: “Con trai nhỏ của tôi.”

Mới đến, thằng bé tỏ vẻ tò mò, đôi mắt đen láy nhìn khắp nơi, mấy lần cố gắng thoát khỏi tay mẹ. Mẹ nó giữ chặt, bảo nó chào hỏi, nó liền không tình nguyện mà quay đầu sang bên.

Xuân Sơ Trân không để tâm, cũng cười cười, giương mắt hỏi trọng điểm: “Con trai lớn của ông bà định ở đây phải không?”

Ông Nguyên gật đầu, nói tiếp: “Nó có việc nên lúc này chưa đến được, tôi với nhà tôi đến sắp xếp trước.”

Xuân Sơ Trân nét mặt thoáng hiện vẻ vi diệu, trong lòng đánh giá: “Ông bà thật thương con, con gái tôi giúp tôi dọn cả buổi sáng đấy.”

Ông Nguyên vẫn giữ vẻ nhã nhặn: “Con gái đều là áo bông nhỏ*, ân cần hơn mà.”

*Đây là một thuật ngữ của Trung Quốc, ngụ ý con gái mang đến sự ấm áp, thấu hiểu

Hai bên đã gặp mặt nhau, hàn huyên vài câu đơn giản, chủ nhà liền dẫn ba người nhà họ Nguyên vào phòng bên cạnh để làm quen và sắp xếp đồ đạc. Xuân Sơ Trân thì quay về phòng con gái.

Nhẹ nhàng mở cửa, thấy Xuân Tảo đã ngồi dựa đầu giường đọc sách, bà di chuyển không còn giữ ý, chỉ hạ thấp giọng: “Bị đánh thức à?”

Xuân Tảo nói: “Con tự tỉnh.”

Giấc ngủ trưa của Xuân Tảo vốn không dễ phá vỡ.

Nào ngờ gia đình kia đến sớm thế, chưa kịp buồn ngủ đã bị tiếng động bên ngoài phá giấc.

Căn nhà cũ cách âm không tốt, Xuân Tảo nằm nghe lỏm, dựa vào đối thoại đoán: “Gia đình bên đó xem ra cũng được.”

“Bố mẹ có vẻ cũng tốt,” Xuân Sơ Trân ngồi xuống cuối giường: “Nhưng trong nhà còn một đứa nhỏ, chẳng biết ai sẽ trông nom.”

“Mẹ đừng lo chuyện người ta nữa.” Xuân Tảo kẹp trang sách lại, đặt về bên gối, xuống giường chải đầu.

Xuân Sơ Trân vẫn đang suy đoán: “Chắc là đứa được nuông chiều từ bé, mẹ thấy bố mẹ họ bận rộn dọn đồ mà không thèm đi cùng.”

Xuân Tảo nhanh chóng buộc xong tóc đuôi ngựa không cao không thấp, liếc mẹ một cái: “Nói không chừng đang ở nhà làm bài tập.”

Xuân Sơ Trân không tin, coi như chuyện đùa: “Chưa khai giảng đã làm bài?”

Xuân Tảo súc miệng, nói không rõ: “Mẹ không hiểu thi đua sinh* đâu.”

* T chưa tìm được từ phù hợp :(, các nàng giúp t nha

Xuân Sơ Trân nói: “Mẹ đúng là không hiểu, thi đua sinh thì thế nào.”

Xuân Tảo nói: “Vào đội tuyển là được tuyển thẳng Thanh Hoa Bắc Đại, đạt giải quốc gia có thể ký thỏa thuận ưu tiên tuyển sinh, chỉ cần đủ điểm vào đại học.””

Xuân Sơ Trân cuối cùng cũng hiểu ra, trợn mắt há mồm: “Lợi hại như vậy ư!”

Xuân Tảo gật đầu, mặt vẫn bình thản: “Những người này ở trường là động vật quý hiếm được bảo vệ đặc biệt, không cùng đẳng cấp với con gái mẹ đâu. Mình chê người ta, không chừng người ta còn chê mình ấy.”

Xuân Sơ Trân nghẹn lời, cuối cùng cố gắng bênh: “Thì sao chứ, con gái mẹ kém cái gì?”

Xuân Tảo cười cười, không nói chuyện.

Gia đình họ Nguyên ba người ở lại phòng bên cạnh đến hơn bốn giờ mới về, trước khi đi còn sang gõ cửa chào hai mẹ con.

Ông Nguyên nhìn kỹ Xuân Tảo, thấy cô có vẻ đoan trang trầm tĩnh, an tâm hơn, thái độ càng thêm ôn hoà: “Con trai tính cách không bằng con gái, sau này làm phiền hai người nhiều hơn.”

“Đâu có, con trai nhà anh chị xuất sắc thế này cần gì chúng tôi lo.” Xuân Sơ Trân lịch sự tiễn khách ra cửa.

Ngoài cửa lại một hồi chuyện trò, khen ngợi lẫn nhau.

Cách xã giao giả tạo của người lớn luôn khiến Xuân Tảo nhức đầu.

Cô xoa nhẹ hai bên thái dương, ngả người về phía lưng ghế.

Gần tối, hỏi con gái muốn ăn gì, Xuân Sơ Trân ra ngoài mua đồ ăn.

Tuy đã sang thu, nhưng hơi nóng mùa hè vẫn còn, nắng thiêu đốt trời đất. Nhân lúc mẹ đi vắng, Xuân Tảo hạ nhiệt độ điều hoà xuống 8 độ, lúc này mới cảm thấy như sống lại nửa mạng.

Mẹ cô tự tin mình sức khoẻ tốt không dễ cảm lạnh nên luôn để 28 độ, theo cô thì chẳng khác gì ở ngoài trời.

Xuân Tảo đã trải qua cả năm lớp 10 trong căn phòng này.

Sau kỳ thi chuyển cấp, xác nhận trúng tuyển Nghi trung, bố mẹ Xuân Tảo bắt đầu bàn bạc việc học cấp ba của con gái. Vì khu nhà họ ở cách Nghi trung quá xa, không thuận tiện cho việc đi học.

Sau khi cân nhắc kỹ giữa ký túc xá và thuê nhà trọ, họ quyết định chọn phương án sau.

Là trường trọng điểm tốt nhất của thành phố, khu vực xung quanh trường tất nhiên nhà cửa đắt đỏ, tiền thuê ngất ngưởng đến mức đáng sợ. Bố mẹ tính toán mãi, cuối cùng chọn hình thức ở ghép.

Xuân Tảo không phải là con gái duy nhất trong nhà, cô còn một chị gái, hơn mười tuổi, đã đi làm, chưa kết hôn, không có con, độc lập về tài chính đồng thời còn có nhà riêng, hầu như không cần bố mẹ chăm sóc, nên mẹ Xuân mới có thể yên tâm đi chăm sóc con gái nhỏ.

Nhà thuê không lớn lắm, hơn trăm mét vuông một chút, ba phòng ngủ, một phòng khách một phòng vệ sinh, thỉnh thoảng còn có vấn đề điện nước.

Nhưng dù vậy, đây vẫn là miếng đất vàng về phong thuỷ, về giáo dục mà các phụ huynh tranh nhau đến rách đầu.

Ở được một tháng, Xuân Sơ Trân than phiền không ngớt, chê chỗ này, chỉ trích chỗ kia, nhưng thời gian lâu dần cũng đành chấp nhận.

Khi con người không có sức chống lại và thay đổi hoàn cảnh, cách tốt nhất là chấp nhận và thích nghi.

Và… tìm chút niềm vui.

……

Sau mười lăm phút tận hưởng cái lạnh cực độ, Xuân Tảo điều chỉnh nhiệt độ về như cũ, để căn phòng từ tủ đông trở về lò hấp.

Đến giờ cơm tối, Xuân Sơ Trân thỉnh thoảng liếc nhìn cánh cửa đóng kín của căn phòng ngoài hành lang: “Sao cậu bé đó vẫn chưa đến nhỉ?”

Xuân Tảo không thèm nhìn, chăm chú vào bát cơm của mình: “Có lẽ mai mới đến.”

Tuy không ngủ cùng phòng với con gái, nhưng Xuân Sơ Trân luôn đợi con tắm xong mới về phòng mình nghỉ ngơi.

Mãi đến lúc này, Xuân Tảo mới dám lấy điện thoại ra, nằm trên giường nghe một chút nhạc rock ‘n roll.

Nhắm đôi mắt, như đang trôi bồng bềnh trên mặt biển đen vô tận, cô coi nhạc như sóng, bay tận trời cao.

Gần 11 giờ, Xuân Tảo ngồi dậy, tháo tai nghe, xuống giường, theo thói quen đi vệ sinh trước khi ngủ.

Vừa mới mở cửa, Xuân Tảo liền đứng khựng lại.

Ở chỗ cửa chính có một nam sinh đang thay giày, tư thế nửa quỳ.

Cậu mặc áo phông trắng, gáy sạch sẽ, tóc đen nhánh, vai nhô lên rõ ràng theo động tác, như hai cánh chưa căng hết.

Có lẽ nghe thấy tiếng mở cửa, cậu quay nửa người, dừng lại, nhưng không quay hẳn về phía cô.

Xuân Tảo giật mình, lập tức đóng cửa lại.

Trong phòng chỉ còn một khe sáng, như một sợi chỉ bạc mỏng, lờ mờ quấn quanh bộ đồ ngủ của cô.

Cô quyết định đợi cậu đi rồi mới ra ngoài.

Cô đứng im lặng, điều chỉnh hơi thở, đợi khi phòng khách không còn tiếng động mới đặt tay lên nắm cửa, cẩn thận hướng ra ngoài, hé mắt nhìn.

Động tác của Xuân Tảo khựng lại.

Nam sinh đó vẫn đứng ở vị trí cũ, mặt hướng về phía này.

Ánh mắt hai người chạm nhau, cậu hơi nghiêng đầu, khóe miệng cong lên thân thiện.

Nụ cười không đề phòng, cũng không có cảm giác xâm phạm, chỉ khiến người ta cảm thấy như đồng cỏ xanh tươi sống lại, trước mắt trong vắt.

Xuân Tảo hơi giật mình, rồi nhanh chóng quyết định, trở về bóng tối.

Tác giả có chuyện muốn nói:

Viết nhiều chuyện tình yêu người lớn rồi, nay đến lượt chuyện tình trong sáng tuổi học trò 

Bình Luận (0)
Comment