Sáp Huyết

Chương 371

Mặc dù Vương Củng Thần phụ trách duy trì trật tự, túc chính kỷ cương ở Ngự Sử đài nhưng lòng dạ y hẹp hòi, có thể nói là tính toán chi li. Y dâng tấu tố cáo Hạ Tủng vốn là muốn lấy công, cho rằng Phạm Trọng Yêm sẽ vì vậy mà tín nhiệm y hơn. Không ngờ Âu Dương Tu lại dâng tấu lên nói Ngự sử đài lãng phí người tài. Chuyện này đã chọc giận tới Vương Củng Thần, đúng lúc Trịnh Tiển điều tra ở Tây Bắc trở về, phần lớn công quỹ ở Kính Đường Lộ không được ghi chép, khó có thể điều tra rõ ràng. Vương Củng Thần nhân cơ hội này gây khó dễ, trong lòng y thầm nghĩ Phạm Trọng Yêm ngươi muốn công kích Ngự sử đài của ta, ta sẽ giải quyết hết thân tín của ngươi.

Địch Thanh và Phạm Trọng Yêm ở Tây Bắc phối hợp rất ăn ý. Chủng Thế Hàn là tâm phúc của Phạm Trọng Yêm, Đằng Tử Kinh là bạn cũ của Phạm Trọng Yêm, còn Trương Kháng và Phạm Trọng Yêm lại có kết giao thân mật. Vương Củng Thần làm khó như vậy chính là muốn một lưới bắt gọn toàn bộ thân tín của Phạm Trọn Yêm ở Tây Bắc.

Vừa rồi Phạm Trọng Yêm ra sức bảo vệ Đằng Tử Kinh, kết quả là Vương Củng Thần lấy việc từ chức ra uy hiếp khiến Triệu Trinh vô cùng tức giận. Âu Dương Tu biết chuyện này do y mà ra, trong lòng thầm nghĩ Địch Thanh tai bay vạ gió, thực sự oan uổng. Thấy Hoàng Thượng có ác cảm với Đằng Tử Kinh, y nghĩ thầm có thể bảo vệ người nào hay người đó nên mới giúp Địch Thanh nói tốt vài câu.

Văn Ngạn Bác nói:

- Người phi thường lại càng cần phải tuân theo pháp luật, làm gương cho thiên hạ. Nếu như ai cũng làm như vậy, cho rằng có thể miễn tội, thử hỏi pháp luật kỷ cương ở đâu?

Y vẫn canh cánh trong lòng cái đẩy đó của Địch Thanh. Quan văn Đại Tống cao cao tại thượng vậy mà lại bị một võ quan nghiễm nhiên đánh mình, quả thực là nỗi nhục lớn trong đời.

Phạm Trọng Yêm nhíu mày lại, trong lòng thầm nghĩ những người này hoàn toàn vì muốn gây sự nên mới công kích, rõ ràng là không thể nói lý được với bọn họ. Triệu Trinh bất mãn với Đằng Tử Kinh thì Phạm Trọng Yêm còn có thể hiểu được. Năm đó Triệu Trinh mới nắm quyền, thoát ly khỏi sự ràng buộc của Thái hậu, y chỉ ham mê sắc giới không hề để ý tới chuyện triều chính. Còn Đằng Tử dâng tấu thẳng thừng lên lớp Triệu Trinh “Nhật cư thâm cung, lưu luyến hoang yến”. (Ý nói chỉ suốt ngày ở trong cung ham mê tửu sắc, ăn chơi xa xỉ). Nếu nói Triệu Trinh không khắc cốt ghi tâm chuyện này thì đó là giả. Vừa rồi ông ra sức bảo vệ Đằng Tử đã khiến cho Triệu Trinh bất mãn rồi. Chuyện này khiến cho Triệu Trinh bắt đầu dùng ánh mắt thù địch để nhìn nhận vấn đề, e rằng chuyện này càng cãi càng khó khăn hơn…

Tuy biết rằng những gì mình nói đối với Triệu Trinh đã dần không còn giá trị nữa nhưng Phạm Trọng Yêm vẫn không muốn để Địch Thanh chịu oan uổng. Ông vừa định bước lên phân trần thì Triệu Trinh đã chuyển sang hỏi Địch Thanh:

- Địch Thanh, bọn họ nói ngươi tham ô công quỹ, ngươi có lời nào để thanh minh không?

Quần thần ngẩn ra, không ngờ Triệu Trinh lại hỏi như vậy. Hiện giờ Địch Thanh đang bị hiềm nghi, đám người Phạm Trọng Yêm càng muốn bảo vệ Địch Thanh bao nhiêu thì đám người Vương Củng Thần lại càng muốn kéo hắn xuống bấy nhiêu. Hiện giờ Trương Kháng và Đằng Tử đã chết chắc tới tám phần rồi, đám người Văn Ngạn Bác đang định bắt đầu bàn tới tội trạng của Địch Thanh vậy mà tại sao Triệu Trinh tự nhiên lại hỏi Địch Thanh như vậy?

Dưới con mắt của đám người Vương Củng Thần, Địch Thanh không tới lượt được nói chuyện ở đây.

Ánh mắt Địch Thanh chậm rãi lướt qua đám Phạm Trọng Yêm, thứ mà hắn nhìn thấy toàn là sự căm hận sục sôi. Hắn thầm nghĩ không ngờ một người bình thường như Phạm công, khi tranh luận cũng ác liệt tới vậy. Phạm công không hề thay đổi, Phạm Trọng Yêm trầm lặng năm đó không hề thay đổi.

Nhưng Địch Thanh đã thay đổi rồi, trái tim Địch Thanh đã chán nản rồi.

Ánh mắt hắn lại nhìn về phía Vương Củng Thần cùng đám quan Ngự Sử đài, hắn chỉ thấy sự căm hận và khinh bỉ hiện lên trên mặt họ. Địch Thanh thầm nghĩ: “ Lẽ nào Địch Thanh ta chinh chiến nhiều năm như vậy mà lại khiến bọn họ chán ghét như vậy sao?”

Địch Thanh tiến lên một bước, hắn quỳ gối lạnh lùng nói:

- Hoàng thượng! Thần có tội hay vô tội, thần không muốn tự biện, tội tham ô công tiễn chi bằng cứ tính lên đầu thần. Nếu thiên hạ đã không còn chiến trận nữa…vậy thần xin cáo lão hồi hương!

Lời Địch Thanh vừa nói ra, mọi người ai nấy đều vô cùng kinh ngạc. Đám người Vương Củng Thần, Văn Ngạn Bác cũng ngơ ngác nhìn nhau, không ngờ Địch Thanh lại từ quan như vậy.

Vương Củng Thần biết rằng cho dù tội danh của Địch Thanh là có thực thì cũng chỉ giáng chức hắn, cắt giảm bổng lộc, không trọng dụng nữa là cùng. Thời thế thay đổi, chỉ cần có thể ở triều đình, áp chế được Phạm Trọng Yêm là mục tiêu của Vương Củng Thần đã thực hiện được rồi. Nhưng Địch Thanh cũng thật là, lại xin cáo lão về quê, mong muốn xử trí Địch Thanh của Vương Củng Thần đã đạt được, y chỉ thấy chuyện này quá thuận lợi, nhất thời không biết nói thế nào.

Triệu Trinh cũng có chút kinh ngạc. Trong lúc chần chừ thì có người tới bẩm báo:

- Thánh thượng, Ngự Sử Bao Chửng cầu kiến.

Khi Bao Chửng vào tới trong điện, các quần thần mỗi người lại có một suy nghĩ.

Âu Dương Tu xưa nay không hề liên can gì tới Bao Chửng, nhưng Bao Chửng cũng là người của Ngự Sử Đài, xem ra trận tranh cãi này ngày càng gian nan rồi.

Vương Củng Thần lại nghĩ các quan viên trong Ngự Sử Đài phần lớn đều nghe theo lời của y, chỉ có Bao Chửng là khác biệt. Mấy ngày trước Bao Chửng được Hoàng thượng bí mật phái tới vùng Tây Bắc, liệu có phải cũng là vì để điều tra chuyện ở Tây Bắc không? Cho dù là Bao Chửng thì cũng có cách nào làm rõ chuyện sổ sách mờ ám ở Tây Bắc được chứ?

Triệu Trinh thấy quần thần im ắng lại, y bèn nói:

- Bao khanh gia, Trẫm phái ngươi tới điều tra chuyện ở Tây Bắc, đã có kết luận chưa?

Dáng vẻ Bao Chửng mệt mỏi, có vẻ như y vừa hồi kinh là vào cung diện kiến ngay vậy. Y nói thẳng vào vấn đề:

- Hoàng thượng, sau khi thần tới Tây Bắc đã điều tra kĩ càng tình hình công quỹ ở Kính Nguyên, Phu Diên Lộ. Thần phát hiện có khoảng 5 triệu tiền công quỹ không ghi chép rõ ràng.

Đám quan của Ngự Sử Đài ngạc nhiên, không ngờ triều đình lại phát Trịnh Tiển đi điều tra, thậm chí lại còn để Bao Chửng phụ trách việc này nữa. Xưa nay mọi người đều nói Bao Chửng thiết diện vô tư, lần này xem ra đám người Địch Thanh, Chủng Thế Hành không có cơ hội xoay mình rồi.

Triệu Trinh nhíu mày, chậm rãi nói:

- Vậy số tiền đó do ai quản lí?

Bao Chửng nói:

- Do ba người Chủng Thế Hành, Đằng Tử Kinh và Trương Kháng quản lí.

- Nói như vậy, toàn bộ mọi việc Địch Thanh đều không biết sao?

Triệu Trinh nói.

Đám quan thần đều có kinh nghiệm quan trường, nghe Hoàng thượng hỏi vậy thì ai nấy đều cho rằng Triệu Trinh không muốn xử phạt Địch Thanh. Ý của câu hỏi của Triệu Trinh là muốn Địch Thanh không dính dáng gì tới chuyện công quỹ mà Bao Chửng điều tra.

Bao Chửng nói:

- Hoàng thượng, thần khôn dám khẳng định Địch Thanh có biết chuyện này hay không, nhưng thần biết rằng một phần của số tiền công quỹ này được Địch Thanh dùng.

Địch Thanh cũng không tỏ vẻ kinh ngạc, thậm chí một chút sự phẫn nộ cũng không có. Bởi vì hắn biết, những gì mà Bao Chửng đang nói đều là sự thật.

Triệu Trinh chau mày lại, y biết Bao Chửng và Địch Thanh vốn là bằng hữu, ban đầu khi Triệu Trinh cho Địch Thanh tiến cử nhân tài, Địch Thanh đã tiến cử Bao Chửng. Triệu Trinh sai Bao Chửng âm thầm điều tra chuyện ở Tây Bắc vốn hy vọng Bao Chửng sẽ nói đỡ giúp Địch Thanh. Không ngờ cái tên mặt đen này lại không niệm tình ai cả.

Triệu Trinh trầm ngâm một lát, y định sẽ xử lí chuyện tiền công quỹ này sau, y không muốn cho Địch Thanh cáo lão về quê.

Bao Chửng đột nhiên nói:

- Hoàng thượng, nhưng trước khi thần nói tới chuyện tiền công quỹ, thần muốn mời Hoàng thượng xem thứ này trước.

Y lấy ra một vật gì đó rồi hai tay dâng cho Hoàng thượng.

Mọi người đều chăm chú nhìn vào vật đó, chẳng qua chỉ là một đôi giày trẻ con làm bằng rơm rách nát, ai nấy đều cảm thấy có chút nghi hoặc. Trong lòng họ nghĩ Bao Chửng lôi đôi giày này ra làm gì?

Triệu Trinh cũng hoang mang hỏi:

- Bao khanh gia, đây chỉ là một đôi giày rơm, có gì đáng xem chứ?

Bao Chửng nhìn đôi giày rơm trên tay mình, vẻ mặt nghiêm nghị nói:

- Không sai! Dưới con mắt của quan viên trong triều thì đây quả thật chỉ là một đôi giày rách mướp, thậm chí còn chẳng buồn liếc mắt nhìn nữa. Nhưng trong con mắt của Bao Chửng, đôi giày rơm này lại biết nói.

Vừa rồi quần thần trong triều còn đang bàn tán, cãi cọ khiến Triệu Trinh nổi giận. Hiện giờ nghe Bao Chửng nói vậy đột nhiên y lại thấy có chút hứng thú, y liền hỏi:

- Giày rơm thì sao biết nói chứ?

Lời vừa nói xong y liền mỉm cười, cảm giác rất thú vị.

Bao Chửng nói:

- Lúc đầu khi thần mới tới Tây Bắc, do không chịu được thời tiết giá lạnh ở đó mà đã nhiễm phong hàn, bệnh ở ven đường. May có một người hảo tâm nhìn thấy đã đưa về nhà chăm sóc.

Mọi người đều biết rằng Bao Chửng không bao giờ nói những lời vô ích, cũng không phải là người thích khoe công lao. Do vậy ai nấy đều có chút khó hiểu tại sao Bao Chửng lại nói những chuyện lặt vặt này….

Bao Chửng lại nói:

- Thần tới nhà của người đó thì phát hiện nhà người này tuy không thể nói rằng chỉ có bốn vách tường nhưng cũng vô cùng nghèo đói. Trong nhà có hai đứa nhỏ, một đứa mười tuổi còn một đứa nhỏ hơn một chút. Hai đứa nhỏ này cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là chúng rất gầy gò. Người cứu thần là một người phụ nữ, khuôn mặt có chút già nua nhưng sau đó thần mới biết người phụ nữ này chỉ mới hơn bốn mươi tuổi.

Vương Củng Thần rốt cuộc kiềm chế không được, nói:

- Bao Ngự Sử, Hoàng thượng sai ngài đi điều tra chuyện công quỹ ở Tây Bắc, ngài nói những chuyện này làm gì?

Triệu Trinh lại nghĩ Bao Chửng mở lời rất hay, y ôn hòa nói:

- Cứ nói tiếp đi!

Thiên tử lên tiếng rồi, Vương Củng Thần ngượng ngùng không dám chặn họng Bao Chửng nữa. Bao Chửng nói tiếp:

- Người phụ nữ đó đã mời đại phu cho thần, lại nấu cháo cho thần ăn nữa. Lúc đó thần chẳng có suy nghĩ gì cả nhưng khi thần gần khỏi, thần mới ra ngoài cửa thì nghe thấy thằng nhỏ nói: “Nhị ca, đệ đói!”, lại nghe thấy thằng lớn nói : “Sao đệ lại nhanh đói như vậy? Suốt ngày thấy đệ đòi ăn. À, huynh còn có chút đồ ăn đây, đệ ăn trước đi.” Thần đứng sau cửa nhìn thấy thằng lớn lôi ra nửa chiếc bánh ngô đen đen đưa cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ vội cầm lấy bánh ăn như chết đói còn thằng lớn chỉ đứng đó nuốt nước bọt nhìn. Thằng nhỏ ậm ừ hỏi: “Nhị ca, huynh không ăn chút nào sao?” Thằng lớn ưỡn ngực nói : “Ta ăn no rồi”.

Những thứ lặt vặt mà Bao Chửng nói, Triệu Trinh nghe thấy mà cũng bùi ngùi, y than thở:

- Cái bánh đó chắc chắn là do thằng lớn để dành lại, do nó thương em trai quá nên mới cho em ăn. Nhưng mà người phụ nữ kia thà để hai đứa con chịu khổ cũng vẫn nấu cháo mạch cho ngươi ăn, quả thật là khiến người ta cảm động!

Bao Chửng gật đầu nói:

- Hoàng thượng nói rất đúng, người phụ nữ đó cũng thật là phúc hậu. Thần âm thầm quan sát thấy chiếc bàn mà họ ăn cơm cũng rất tàn tạ, một chiếc chân đã bị gãy và dùng đá chèn tạm vào. Đến khi trời tối, người phụ nữ kia còn mang cho thần hai chiếc bánh ăn. Thần thấy hai thằng nhỏ đứng bên cạnh nuốt nước miếng thì hỏi: “Cháu đã ăn chưa?” Thằng nhỏ nhìn mẹ nó một cái rồi nuốt nước bọt nói: “Cháu ăn no rồi ạ!”

Mắt Triệu Trinh đã đẫm nước, nghĩ tới lòng dân chân thật giản dị, người dân ở Tây Bắc phải sống khổ sở như vậy chả trách trong lòng y thấy bất an. Y vẫn luôn cố gắng làm một vị hoàng đế tốt, nghe thấy ở Tây Bắc còn có những chuyện như vậy thì trong lòng không khỏi cảm thấy hổ thẹn, y hỏi:

- Bao ái khanh, người phụ nữ đó sao lại trung hậu tới như vậy, không biết ngươi có còn nhớ họ tên người này không, trẫm sẽ lập tức ra lệnh cho quan phủ địa phương thưởng cho họ.
Bình Luận (0)
Comment